Các startup hậu đóng máy Shark Tank mùa 4: Được cam kết đầu tư 200 tỷ, thực rót chỉ hơn 21 tỷ đồng, có vị cá mập sau 4 mùa vẫn chưa giải ngân đồng nào

(Tổ Quốc) - "Chúng tôi không nhận được vốn rót", một Founder nhận được cam kết rót vốn trên Shark Tank Việt Nam mùa 4 cho biết. Startup của anh không vượt qua được vòng thẩm định của các cá mập. Shark Tank mùa 4 công chiếu tập cuối vào ngày 15/8/2021, đến ngày 21/5/2022 mới chỉ có 4 startup trên tổng số 35 startup được thực rót vốn.

Hơn 9 tháng sau khi Shark Tank Việt Nam mùa 4 công chiếu tập cuối, có 4 startup được thực rót vốn, theo thống kê từ Ban tổ chức Shark Tank Việt Nam.

4 startup được rót vốn gồm Vua Cua (Shark Liên), Coolmate (Shark Bình), BluSaigon (Shark Việt), và AnHome (Shark Phú), với tổng vốn thực rót hơn 21,3 tỷ đồng (*).

Theo thống kê của chúng tôi, kết thúc mùa 4, có tổng cộng 35 startup nhận được cam kết rót vốn từ 7 cá mập, với tổng số vốn rót cam kết hơn 200 tỷ đồng.

Các startup hậu đóng máy Shark Tank mùa 4: Được cam kết đầu tư 200 tỷ, thực rót chỉ hơn 21 tỷ đồng, có vị cá mập sau 4 mùa vẫn chưa giải ngân đồng nào - Ảnh 1.

Ngoài 4 vị cá mập đã xuống tiền những deal đầu tiên, 3 cá mập còn lại chưa giải ngân đồng nào trong mùa 4 gồm Shark Hưng, Shark Linh và Shark Louis.

Các startup hậu đóng máy Shark Tank mùa 4: Được cam kết đầu tư 200 tỷ, thực rót chỉ hơn 21 tỷ đồng, có vị cá mập sau 4 mùa vẫn chưa giải ngân đồng nào - Ảnh 2.

Trên truyền hình, Shark Hưng cam kết rót vốn vào 10 startup (trong đó có 2 deal chung) với tổng vốn cam kết hơn 29 tỷ đồng.

Chia sẻ với chúng tôi, Ban tổ chức Shark Tank Việt Nam cho biết ngoài 4 thương vụ đã công bố tại sự kiện công bố Shark Tank Việt Nam mùa 5, shark Hưng đã đầu tư và đang mentor cho Cello Fundamentor.

Bên cạnh đó, một số thương vụ vẫn đang tiếp tục thẩm định như Global Star 3D (Shark Hưng), WiiBike (Shark Phú)…

Cũng theo Shark Tank Việt Nam, có 5 lý do khiến việc thẩm định sau bể cá mập không thành công, gồm:

1- Startup chủ động xin thoái thẩm định sau khi nhận thông báo từ Hội đồng Thẩm định của Shark;

2- Startup không chuẩn bị được đủ tài liệu thẩm định theo đúng thời hạn yêu cầu của Hội đồng Thẩm định;

3- Startup có số liệu tài chính không khớp với những gì đã trình bày với Shark.

4- Startup thay đổi/không tiếp tục duy trì dự án được cam kết đầu tư trên sóng;

5- Phương án kinh doanh, kế hoạch tài chính và sử dụng vốn của Startup không đạt yêu cầu của Hội đồng Thẩm định.

"Trường hợp phổ biến nhất là là số 3,4,5. Phần lớn các Startup chưa có bản kế hoạch kinh doanh và tài chính để thuyết phục Shark rót vốn", đại diện Ban tổ chức Shark Tank Việt Nam cho biết.

Bảo Bảo

Tin mới