(Tổ Quốc) - Các tòa nhà văn phòng đạt chứng nhận xanh tại TP.HCM hiện có giá thuê cao hơn 18% so với những tòa nhà cùng phân khúc có diện tích sàn tương đương mà không có chứng nhận xanh, theo một nghiên cứu mới được Knight Frank Việt Nam công bố tháng này. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 9 tòa nhà văn phòng hạng A và B tại TP.HCM đạt các chứng nhận về môi trường như LEED, Green Mark hoặc LOTUS…
Tại một sự kiện do Phòng Thương mại Canada (CanCham) tổ chức, ông Alex Crane - Giám đốc Điều hành Công ty Knight Frank Việt Nam nhấn mạnh rằng: nhu cầu của doanh nghiệp về các sáng kiến phát triển bền vững ESG (Môi trường, Xã hội & Quản trị) đang tiếp tục đẩy mạnh giá thuê ở phân khúc thị trường văn phòng.
Các tòa nhà văn phòng đạt chứng nhận xanh tại TP.HCM hiện có giá thuê cao hơn 18% so với những tòa nhà cùng phân khúc có diện tích sàn tương đương mà không có chứng nhận xanh, theo một nghiên cứu mới được Knight Frank công bố tháng này.
Ông Crane cho biết: "Các tòa nhà đạt chứng nhận công trình xanh của LEED, Green Mark, hoặc LOTUS của Việt Nam hiện đang giữ mức giá cho thuê cao hơn tới 18% so với các tòa nhà cùng phân khúc nhưng không được chứng nhận".
Các chứng nhận này là hệ thống đánh giá công trình sử dụng tài nguyên điện, nước hiệu quả, chất lượng môi trường sống của người sử dụng, các chương trình bù đắp phát thải carbon, vật liệu xây dựng và quy trình quản lý chất thải của tòa nhà.
"Suốt thập kỉ qua chúng ta đã chứng kiến những thay đổi ngoạn mục nhằm thích nghi với sự cần thiết của chứng nhận ESG đối với các tập đoàn đa quốc gia. Cách đây 10 năm, ESG từng nằm trong tám tiêu chí hàng đầu để lựa chọn tòa nhà. Trước đại dịch Covid-19, chứng nhận này trở thành một trong ba tiêu chí hàng đầu. Và sau đại dịch, ESG đã vươn lên vị trí số 1.
Đại dịch đã góp phần đẩy mạnh nhiều xu hướng trong ngành và một trong những điều tích cực nhất là tập trung vào phúc lợi của người lao động và môi trường tại các tập đoàn. Các doanh nghiệp nay đã nhận thức được những lợi ích của tiết kiệm điện năng và hiệu suất làm việc của mỗi nhân viên.
Sau đại dịch, văn phòng có thể đóng vai trò như một trung tâm và nơi làm việc kết hợp hơn là một công sở truyền thống; đồng thời, môi trường làm việc tốt hơn cũng thu hút nhân viên quay lại văn phòng", ông Crane bổ sung.
Theo Knight Frank, hiện đã có 9 tòa nhà văn phòng hạng A và B tại TP.HCM đạt các chứng nhận về môi trường. President Place là tòa nhà đầu tiên đạt chứng nhận LEED Gold vào năm 2012 và gần đây nhất là tòa nhà Friendship Tower được xếp hạng LEED Gold năm 2020. Một số tòa nhà sau khi nâng cấp trang thiết bị cũng được thêm vào danh sách, chẳng hạn như Mê Linh Point Tower đạt chứng nhận Green Mark Platinum năm 2020.
Ông Ralf Matthaes - Giám đốc Điều hành Infocus Mekong Research, cũng ghi nhận sự "dịch chuyển xanh" ở thị trường văn phòng cho thuê. Ông cũng nhận thấy sự di dời trọng tâm mua bán bất động sản từ khu vực trung tâm sang đất nền vùng ven và ngoại ô. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng và tác động từ đại dịch đã thúc đẩy thị trường thay đổi, để phù hợp hơn với nhà tuyển dụng là các tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm, như không gian rộng hơn và môi trường xanh hơn.
"Trong hai năm qua, chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng hướng đến việc tìm mua đất nền nhiều hơn là căn hộ, đặc biệt là các khu vực ven trung tâm Hà Nội và TP.HCM có giá cả phải chăng. Hiện tại, 39% số người được chúng tôi khảo sát cho biết: họ đang có nhu cầu mua bất động sản và 20% trong số đó tìm mua đất nền, chỉ có 7% tìm kiếm căn hộ", ông Matthaes tiết lộ.
Điều này cũng phù hợp với xu hướng chuyển đổi mới, xuất phát từ ảnh hưởng của Covid, về giảm tiến trình đô thị hoá. Có hơn 50% số người được khảo sát thực sự quan tâm đến việc tìm kiếm không gian sống và làm việc bên ngoài các quận trung tâm của Hà Nội và TP.HCM, đã góp phần tạo ra tiềm năng lớn cho quá trình ngoại ô hoá tại Việt Nam.
Ông Matthaes kết luận: "Sự thay đổi này đem lại cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Nhìn về hướng tích cực, phát triển vùng ngoại ô có thể giảm bớt áp lực về cơ sở hạ tầng đô thị tại Việt Nam; nhưng mặt khác, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tuyển dụng nhân sự của các công ty. Tuy nhiên, cho đến khi cơ sở hạ tầng của Việt Nam bắt kịp với nhu cầu giao thông ngoại ô, thì cuộc sống ở các khu này vẫn chưa có cơ hội để phát triển nhanh".
Tiếp lời, ông Alex Crane bổ sung: mặc dù căn hộ và biệt thự gắn liền với đất vẫn giữ mức giá bình ổn trong giai đoạn đại dịch, song hiện nay nguồn cung căn hộ và bất động sản cho thuê lại dư thừa, với nguyên do có thể do chủ sở hữu đang dịch chuyển khỏi khu vực nội thành.
Ông Crane nhận định: "Khi giá thuê không tăng tương ứng với giá bán, điều đó rõ ràng gây ra sức ép đến lợi nhuận và cũng khiến các nhà đầu tư cân nhắc đất nền là mặt hàng có nhiều khả năng tăng giá trị trong tương lai hơn so với căn hộ và biệt thự".
Quỳnh Như