(Tổ Quốc) - Một trong những chính sách hiệu quả của Hàn Quốc là ép bán đất thừa với những cá nhân đã sở hữu 660 m2 bất động sản.
Đầu cơ bất động sản đang trở thành thách thức với nhiều quốc gia khi chúng thúc đẩy bong bóng mới cho nền kinh tế, đe doạ sự ổn định của xã hội khi đại dịch Covid-19 mới được kiểm soát. Việc hàng loạt nhà đầu cơ bỏ tiền thúc đẩy giá nhà lên cao, tạo cơn sốt ảo có thể khiến nhiều người lâm vào cảnh vỡ nợ cũng như khiến vô số gia đình chẳng đủ tiền để mua bất động sản.
Tại Hàn Quốc, tình hình đầu cơ bất động sản đã diễn ra trong nhiều năm nhưng đặc biệt nghiêm trọng thời gian gần đây khi chính phủ có những chính sách kích thích kinh tế sau đại dịch, tạo thêm nguồn vốn mới cho thị trường.
Nạn đầu cơ BĐS đang khiến người dân Hàn Quốc khó mua nhà hơn
Giá nhà bình quân tại Hàn Quốc trong khoảng 2020-2021 đã tăng đến 60%. Thậm chí giá một căn nhà trung bình gấp khoảng 16 lần thu nhập hàng năm của một gia đình trung lưu. Đặc biệt giá nhà ở thủ đô Seoul luôn ở mức cao ngất ngưỡng.
Cụ thể, vào thời điểm 2/7/2021, giá 3,3m2 nhà ở tại thủ đô của Hàn Quốc ở mức 37,38 triệu won (723 triệu đồng) tức 11,3 triệu won/m2 (218 triệu đồng).
Trước tình hình này, chính phủ Hàn Quốc đã có rất nhiều chính sách nhằm hạn nhiệt và triệt hạ các nhà đầu cơ bất động sản bởi họ khiến vô số thanh thiếu niên không đủ tiền mua nhà, ảnh hưởng đến cả vấn đề hôn nhân, thúc đẩy kinh tế cùng nhiều hệ luỵ khác.
Chống sở hữu đất thừa
Một trong những chính sách được cho là hiệu quả là quy định ép bán đất thừa. Hàn Quốc từng có quy định không có cá nhân nào được sở hữu quá 660m2 bất động sản. Nếu vượt con số này họ sẽ bị đánh thuế khoảng 7-11% tính trên giá thị trường của khoảng đất dư ra đó hàng năm cho đến khi chịu bán lại mới thôi.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đánh thuế lên phần lợi nhuận sử dụng đất nhằm hạn chế tình trạng mua đất đầu cơ kinh doanh. Chủ trương của chính phủ là ưu tiên quy hoạch thêm bất động sản cho các hộ gia đình thay vì đầu cơ để rồi tạo nên các cơn sốt ảo trong khi nhiều người lại chẳng mua nổi nhà.
Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc cũng tạp áp lực lên các quan chức bán bớt bất động sản thứ 2 nếu có của họ ở thủ đô Seoul.
"Nếu các quan chức cấp cao sở hữu nhiều tài sản, chúng ta khó có thể giành được lòng tin từ người dân", Cựu Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye Kyun từng tuyên bố.
Không có nhà khiến giới trẻ Hàn Quốc hạn chế kết hôn, sinh con
Không dừng lại ở đó, Hàn Quốc đã quyết định tăng thuế bất động sản tổng hợp, loại thuế riêng dành cho cá nhân hay công ty sở hữu nhiều nhà đất một lúc lên 6%, mức cao kỷ lục. Đồng thời thuế chuyển nhượng nhà ở cũng bị tăng lên 10% cho đối tượng chỉ có 1 bất động sản. Với người sở hữu 2 ngôi nhà trở lên thì con số này là 20%, với 3 nhà là 30% và cứ thế tăng dần.
Đặc biệt, Hàn Quốc còn đánh thuế thu nhập trên lợi nhuận có được từ chuyển nhượng, giao dịch bất động sản. Với những người sở hữu nhà dưới 1 năm thì mức thuế này sẽ là 70%, dưới 2 năm là 60%.
Với hàng loạt những khoản thuế trên, Hàn Quốc kỳ vọng sẽ giảm nhẹ được phần nào nạn đầu cơ nhà đất sau đại dịch Covid-19. Thế nhưng chuyện chống đầu cơ vẫn chưa dừng lại ở đó.
Tố cáo đầu cơ
Với quan niệm công chức nhà nước phải đi đầu làm gương, chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu tất cả nhân viên hành chính công kê khai tài sản và khuyến khích họ hạn chế sở hữu quá nhiều bất động sản. Trong năm 2020, khoảng 230.000 công chức nhà nước dưới bậc 4 đã kê khai với Cơ quan quản lý tài sản (MPM).
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng yêu cầu những người mua bất động sản có tổng giá trị vượt 500 triệu Won, tương đương 440.883 USD có bản tường trình cụ thể về nguồn tài chính cũng như kế hoạch sử dụng đất nhằm tránh trường hợp đầu cơ sang tên ngắn hạn.
Thậm chí, Hàn Quốc đã nâng mức tiền thưởng tố cáo các hoạt động đầu cơ, giao dịch bất động sản bất hợp pháp từ 10 triệu Won (8.816 USD) lên 1 tỷ Won (881.667 USD). Đồng thời mở rộng các tội danh và khung hình phạt cho việc đầu cơ nhà đất. Nhiều chính trị gia còn đề nghị xử lý hình sự các tội phạm này để răn đe và cảnh cáo.
Bên cạnh đó, chính quyền Seoul còn siết chặt hoạt động vay vốn đầu tư bất động sản của ngân hàng. Việc tung ra nhiều chính sách kích thích kinh tế và nới lỏng tiền tệ sau đại dịch đã thúc đẩy dòng vốn đổ vào bất động sản thay vì đến tay những người thực sự cần được hỗ trợ theo đúng mục đích.
Bởi vậy Hàn Quốc bắt đầu ban hành hàng loạt các quy định kiểm soát với hệ thống ngân hàng nhằm đảm bảo các chính sách của mình đến được đúng đối tượng cần hỗ trợ sau đại dịch. Cụ thể các ngân hàng bị cấm cho vay với những trường hợp mua nhà có giá 1,5 tỷ Won, tương đương 1,24 triệu USD trở lên. Đồng thời họ cũng không được tăng mức cho vay trên tổng giá trị (LTV) với những ngôi nhà có giá 900 triệu Won trở lên.
Thống kê mới nhất cho thấy số lượng công dân xứ sở Kim chi sở hữu 10 nhà ở đã tăng cao kỷ lục, trong đó hơn 200 trường hợp được ghi nhận có sở hữu trên 50 căn nhà. Mặc dù Chính phủ Hàn Quốc đã tăng thuế và siết chặt hoạt động cho vay đối với những người sở hữu nhiều nhà ở và nhà ở có giá trị cao song tỷ lệ đầu cơ vào bất động sản vẫn tăng sau đại dịch Covid-19.
Huyền Băng-Tổng hợp