(Tổ Quốc) - Theo ông chủ Vũ Minh Trà, việc chuyển dịch toàn bộ hoạt động kinh doanh lên các sàn thương mại điện tử đã giúp công ty tiết giảm tối đa chi phí, thúc đẩy doanh số và tăng trưởng bền vững.
Dịch Covid-19 được ví như cuộc chọn lọc tự nhiên khắc nghiệt với mọi nền kinh tế trên thế giới. Tại Việt Nam, chỉ trong 3 tháng đầu năm đã có khoảng 35.000 doanh nghiệp giải thể. VCCI cũng dự báo nếu dịch tiếp tục kéo dài, 50% số công ty sẽ không thể trụ lại.
Tỷ lệ doanh nghiệp hưởng lợi từ đại dịch là vô cùng nhỏ, nhưng cũng không hiếm những trường hợp vẫn tăng trưởng tốt giữa khủng hoảng nhờ mô hình kinh doanh linh hoạt, biết thích ứng và chuyển đổi kịp thời.
Doanh nghiệp SME Shoptida của ông chủ Vũ Minh Trà, người đồng thời là founder tại Babyhop và co-founder tại Mopi - Xưởng tranh Phẳng, được coi như một ví dụ điển hình.
Shoptida là một thương hiệu cung cấp các sản phầm về máy in, giấy, tem mã vạch,… chuyên dụng cho sàn thương mại điện tử (TMĐT) cũng như các ứng dụng KiotViet, Suno, Sapo, Nhanh,…
Anh Minh Trà bắt đầu kinh doanh từ năm 2014. Đến 2018, ông chủ này đã phát triển nhiều thương hiệu, có 2 kho ở Hà Nội và Sài Gòn, vận hành chuỗi 5 cửa hàng, có văn phòng riêng. Cũng trong khoảng thời gian đó, các hình thức bán buôn, bán lẻ đều được triển khai đồng thời.
Đóng toàn bộ cửa hàng, chuyển hết lên các sàn TMĐT
Chia sẻ tại hội thảo trực tuyến "Innovation Summit 2020 - Hiến kế & Giải pháp đổi mới cho doanh nghiệp ứng phó thời Covid-19" được tổ chức mới đây, anh Trà cho biết đã học tập rất nhiều từ mô hình kinh doanh TMĐT tại Trung Quốc và Mỹ.
Sau một lần sang Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm, thấy những người kinh doanh TMĐT tại đây đã chuyển sang mô hình bán hàng thẳng từ nhà máy, vị CEO này cũng đưa ra một quyết định táo bạo.
Anh lần lượt đóng cửa các cửa hàng. Đến giữa năm 2019, địa điểm cuối cùng tại Hà Nội dừng hoạt động, dù trước vẫn ghi nhận doanh thu vài trăm triệu một tháng và có lợi nhuận.
Đồng thời, tất cả được chuyển về một địa điểm rộng khoảng 500 m2, xây dựng cả văn phòng và kho ở đó. Hoạt động bán buôn cũng bị cho dừng hẳn, trong khi việc bán lẻ trực tiếp phát sinh từ các kênh Facebook, quảng cáo,… đều hạn chế tối đa. Mục đích là điều hướng tất cả lên các sàn thương mại điện tử, từ Shopee, Lazada đến Tiki, Sendo.
Gian hàng của Shoptida trên Shopee.
Chia sẻ lý do dẫn đến quyết định bước ngoặt này, anh Trà cho biết: "Không phải vì những cửa hàng không có lợi nhuận mà do mình hướng đến mô hình tinh gọn, tăng quy mô, giảm chi phí. Mình cố gắng thuê một kho rất rộng, ở xa trung tâm, tiết giảm tất cả các chi phí, từ chi phí văn phòng và cửa hàng. Nhân sự cũng tối giản, chỉ khoảng 10 người."
Vị CEO cho rằng nên tận dụng tối đa những điều kiện thuận lời từ các sàn TMĐT. Ví dụ trên Tiki: "Mình vận chuyển hàng vào kho của Tiki hai lần mỗi tuần, chỉ cần một nhân sự quản lý mà doanh thu mỗi tháng khoảng 600 triệu đồng. Các chi phí chăm sóc khách hàng, đổi trả, vận chuyển đều được các đơn vị TMĐT hỗ trợ rất nhiều. ."
Bước chuyển đổi F2C, D2C
Theo anh Minh Trà, hình thức bán hàng F2C (Factory to Customers) và D2C (Direct to customer) đem lại lợi thế lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh mùa dịch như hiện nay vì nó giúp tiết giảm chi phí chiết khấu trả cho bên trung gian, vốn chiếm khoảng 30%. Từ đó, giá thành cũng được giảm theo tỷ lệ tương đương, thúc đẩy doanh số và đồng thời nhận được nhiều đánh giá tích cực của khách hàng hơn.
Chuyển dịch sang thương mại điện tử cũng giúp cắt giảm nhiều chi phí khác như chăm sóc khách hàng, vận hành hay vận chuyển, đổi trả. Đặc biệt là ngân sách marketing.
"Điều mình thích nhất khi chuyển dịch bán hàng từ Facebook sang các sàn TMĐT là bỏ được chi phí quảng cáo Facebook Ads. Hiện tại, chi phí quảng cáo của mình chỉ chiếm 5% doanh thu."
Cơ cấu chi phí sản phẩm (Ảnh chụp màn hình).
Trong cơ cấu chi phí sản phẩm của Shoptida, giá vốn chiếm đến 63%, cho thấy giá bán đến tay khách hàng không quá cao. Mặt khác, ngân sách dành cho quảng cáo chỉ chiếm 5%, lợi nhuận thu về khoảng 15%. Anh Trà cho rằng đây là một cơ cấu bền vững.
10 nhân sự, doanh thu 2 tỷ đồng
Tại Shoptida, CEO là người làm sản phẩm, kiêm nhiệm vụ phân tích thị trường, tìm sản phẩm mới và làm thủ tục nhập khẩu. Bên cạnh đó, có 2 nhân viên quản lý shop, làm việc trục tiếp với sàn TMĐT, 1 nhân viên làm nhiệm vụ quảng cáo, 1 nhân viên thiết kế, 1 chăm sóc khác hàng và 1 kế toán. Hoạt động kho vận có 3 người, phụ trách sắp xếp kho, đóng hàng, mang ra bưu cục.
Cơ cấu nhân sự của Shoptida (Ảnh chụp màn hình).
Anh Trà tự tin chia sẻ rằng dù chỉ có 10 nhân sự nhưng với mô hình tinh gọn, hiệu quả, công ty vẫn thu về doanh thu khoảng 2-2,5 tỷ đồng/tháng.
Không những thế, khi dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao thì doanh thu của Shoptida vẫn tăng trưởng đều đặn 30%. Toàn bộ nhân viên không những không phải nghỉ việc mà còn được thưởng mỗi người một tháng lương.
Tiết lộ nguyên tắc giúp doanh nghiệp thương mại điện tử "miễn nhiễm" với Covid, anh Trà nhấn mạnh: "3 nguyên lý để kinh doanh tốt trên những nền tảng này là: giá hợp lý, thời gian ship nhanh và tồn kho nhiều. Nhiệm vụ cho tất cả những ai muốn kinh doanh TMĐT lâu dài và bền vững đó là phải tăng quy mô, giảm chi phí."
Thùy Dương