(Tổ Quốc) - Dù Facebook có bao nhiêu cổ đông đi chăng nữa, họ sẽ không bao giờ có thể vượt qua Mark Zuckerberg.
Tuần trước, Elon Musk - vị tỷ phú giàu có nhất hành tinh đã có màn cà khịa gay gắt với Mark Zuckerberg - ông chủ Meta - công ty mẹ Facebook.
Cụ thể, Musk đã được hỏi về lời đề nghị mua Twitter gần đây của mình trong một cuộc phỏng vấn tại hội nghị TED ở Vancouver, British Columbia. Người phỏng vấn là Chris Anderson, đã hỏi Musk rằng liệu vị thế người giàu nhất của ông và cũng là một trong những người có ảnh hưởng hàng đầu trên Twitter có thể gây ra xung đột lợi ích nếu như ông thâu tóm thành công mạng xã hội này hay không.
Musk đã tận dụng cơ hội để "nói kháy" Mark Zuckerberg.
"Về thứ gọi là quyền sở hữu truyền thông, các bạn đã có Mark Zuckerberg sở hữu Facebook, Instagram và WhatsApp với cơ cấu sở hữu cổ phần mà 'Mark Zuckerberg thứ 14' vẫn kiểm soát tất cả các công ty đó", Musk nói.
"Điều như vậy..." Musk nói thêm giữa tiếng cười của khán giả. "...sẽ không có ở Twitter".
Tuyên bố của Musk có thể ý chỉ rằng đến thế hệ con cháu rất lâu sau này trong tương lai của Zuckerberg cũng vấn có thể sở hữu Meta với cấu trúc công ty như hiện tại.
Trên thực tế, lời "cà khịa" của Elon Musk không phải không có cơ sở. Vào năm 2016, Hội đồng quản trị Facebook (lúc này công ty chưa đổi tên thành Meta) đã phê chuẩn đề xuất tạo ra một loại cổ phần không có quyền biểu quyết (được gọi là cổ phần loại C) để đảm bảo rằng Zuckerberg có thể duy trì quyền kiểm soát Facebook trong tương lai.
Động thái này đảm bảo rằng, trong tương lai, nếu Facebook sử dụng cổ phiếu với mục đích thưởng hoặc trả công cho nhân viên hay dùng cổ phiếu cho các thương vụ mua lại, thì cổ phiếu chứa quyền biểu quyết của Zuckerberg sẽ không bao giờ bị "pha loãng".
Ngoài ra, nếu Zuckerberg muốn quyên tặng hoặc bán cổ phiếu của mình cho hoạt động từ thiện, ông cũng có thể sử dụng cổ phiếu loại C, qua đó duy trì quyền biểu quyết của mình ở Facebook.
Đề xuất này cũng bao gồm cả các kế hoạch cho trường hợp Zuckerberg qua đời, trở nên tàn tật hoặc rời khỏi công ty. Nếu một trong những trường hợp này xảy ra, cơ cấu mới sẽ tự động chuyển đổi cổ phiếu chứa quyền biểu quyết đặc biệt và cổ phiếu không chứa quyền biểu quyết thành cổ phiếu thông thường.
Kể từ đó đến nay cấu trúc công ty đã có nhiều thay đổi tuy nhiên, sức ảnh hưởng của Mark Zuckerberg với Meta thì vẫn giữ nguyên như vậy. Tất cả nhờ cấu trúc cổ phần kép.
Người sáng lập Facebook nắm giữ 55% cổ phần có quyền biểu quyết của công ty - có nghĩa là về cơ bản Zuckerberg có quyền phủ quyết hoàn toàn đối với các cổ đông khác khi nói đến tương lai của công ty. Công ty có cấu trúc cổ phiếu hai lớp cung cấp cho Zuckerberg, các giám đốc điều hành được lựa chọn và quyền lực vượt trội vì một trong các cổ phiếu của họ tương đương với 10 phiếu bầu, trong khi các cổ đông khác được giới hạn một phiếu bầu trên mỗi cổ phiếu.
"Dù Facebook có bao nhiêu cổ đông đi chăng nữa, họ sẽ không bao giờ có thể vượt qua Mark Zuckerberg", Melanie Sloan một luật sư nhận định.
Một số người ủng hộ việc trao quyền kiểm soát cho người sáng lập và cấu trúc cổ phiếu kép thì cho rằng việc này chẳng có vấn đề gì khi mà những người sáng lập thành công đã có công xây dựng công ty ngay từ đầu.
Tuy nhiên, thời điểm này, những người sáng lập của các công ty công nghệ thành công khác như Microsoft, Alphabet và Uber Technologies cũng đều đã lùi về phía sau. Chỉ còn người thành lập Facebook 18 năm trước là Zuckerberg vẫn kiểm soát 55% cổ phần có quyền biểu quyết và vẫn là chủ tịch. Thậm chí, các nỗ lực của cổ đông Meta để kiềm chế quyền lực đó của Zuckerberg đều đã thất bại, nhờ vào một ban giám đốc trung thành - gồm các phụ tá hàng đầu của chính Zuckerberg.
Nguồn: Bloomberg, NYPost
Phương Linh