(Tổ Quốc) - ‘Thời trang xanh’ đang là xu hướng chung mà nhiều thương hiệu hướng tới, MPACT cũng không ngoại lệ. Ngoài việc có trách nhiệm với chuỗi sản xuất, Kara Nguyễn – Founder kiêm Tổng Giám đốc MPACT - còn tập trung vào việc tăng công năng cho các sản phẩm của mình.
Kara Nguyễn sáng lập MPACT cách đây 2 năm với mô hình kinh doanh chuyên may đo - tự mình làm hết; sau khi cảm thấy đã đủ trưởng thành và hiểu về thị trường – cũng như khách hàng Việt, chị bắt đầu dần chuyển sang mô hình may công nghiệp hàng loạt. Bây giờ, MPACT sẽ đóng vai trò sáng tạo kiểu dáng sản phẩm với những thiết kế thông minh và chất liệu cao cấp, còn những công đoạn như may sẽ thuê ngoài.
Tuy nhiên, tôn chỉ mục đích của MPACT vẫn không thay đổi: cung cấp cho phụ nữ trên khắp Việt Nam những cái áo – chiếc quần – bộ váy vừa thoải mái – vừa bền – vừa có thể sử dụng nhiều cách. Hiện MPACT đã sản xuất ra cái áo thun có thể mặc được 6 cách hay những chiếc váy mà các chị em phụ nữ từ 45kg hay 100kg đều có thể mặc được. Thay vì mua 6 cái áo, bây giờ mình chỉ cần mua 1 cái áo mà vẫn có thể mặc với rất nhiều kiểu quần/váy khác nhau, đó chính là đang góp phần bảo vệ môi trường!
Việc đầu tư thiết kế đa công năng, cần thời gian nghiên cứu lâu nhưng xứng đáng vì cánh cửa nguồn cung ứng đang mở. Cũng theo chị, thời trang thì trước hết phải đẹp và việc thêm công năng mới nhờ thiết kế hay yếu tố xanh/phát triển bền vững là giá trị cộng thêm, tạo giá trị gia tăng cho các thiết kế thời trang. Mục tiêu của chị Kara Nguyễn – MPACT là tạo ra những thiết kế vừa mặc đẹp vừa không tác động xấu đến môi trường.
Chiếc áo có thể mặc 6 cách của MPACT.
"Muốn ứng dụng thoải mái, thì chất liệu vải phải được cải tiến và tìm trong nước rất khó. MPACT đã thử tìm 1 loại vải có thể chống tia UV, không nhăn, có độ bền nhất định…
Kết quả là có rất ít nhà sản xuất trong nước sản xuất các loại vải có thể đáp ứng tất cả những tiêu chí trên của MPACT. Vì để phục vụ số đông nhu cầu thị trường, các nhà sản xuất nguyên liệu Việt Nam mới chỉ quan tâm tới số lượng chứ ít quan tâm tới chất lượng.
Còn khi tìm đến mua nguyên liệu từ các doanh nghiệp đang nhập khẩu, thì lại không chủ động được nhiều thứ. Chưa nói, nếu nhà nhập khẩu mua hàng từ một bên trung gian chứ không mua thẳng doanh nghiệp sản xuất, thì chúng ta rất khó để có thể truy xuất nguồn gốc một các rõ ràng.
Trên thị trường, cũng có một vài doanh nghiệp Hàn Quốc rất cởi mở với thị trường Việt Nam, nhưng từ các nhà sản xuất đầu cuối như chúng tôi thì nguồn đó vẫn chưa giúp tối ưu vận hành và giảm thiểu tối đa chi phí.
Chưa nói, việc đưa 1 bản vẽ ra khỏi Việt Nam tức đã trực tiếp tăng sự phát thải carbon (từ logistic), tăng chi phí vì Covid-19…; rồi các thiết kế nguyên bản của MPACT phải đợi nhà sản xuất duyệt tông màu rồi mới có thể triển khai sản xuất.
Vậy nên, sau khi cân đo đong đếm, với MPACT – thì tìm được nguồn nguyên liệu tự chủ địa phương (như của Bảo Lân hay Faslink) thì vẫn tuyệt vời nhất", chị Kara Nguyễn – Founder kiêm Tổng Giám đốc MPACT chia sẻ trong hội thảo Dệt may cải tiến hậu Covid do Bảo Lân Textile tổ chức.
Mặc dù đã bỏ ra nhiều tâm tư như thế, nhưng với chị Kara Nguyễn thì MPACT vẫn chưa tự nhận mình đã làm được thời trang bền vững mà chỉ là đang trên đường ‘theo đuổi’ nó.
"MPACT đang theo đuổi mô hình kinh doanh có trách nhiệm. Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa dám nói đến từ bền vững vì nó có quá nhiều tiêu chí mà chúng tôi chưa thể đáp ứng được.
Việc có trách nhiệm của chúng tôi được thể hiện trong toàn chuỗi sản xuất – cung ứng, từ tìm chất liệu vải, lên ý tưởng, ra sản phẩm, cách tiếp cận người tiêu dùng. Chúng tôi cũng đã quyết định sẽ không ra Bộ sưu tập (BST). Trước khi có quyết này, chúng tôi cũng đã đắn đo rất nhiều: liệu có nên ra BST hay không?, nên ra BST hay tập trung cải tiến thiết kế?....", Founder MPACT tiết lộ.
Một vài thiết kế của MPACT.
Từ quan sát của mình, chị Kara Nguyễn cho rằng: Người Việt Nam chúng ta vẫn chưa có thói quen ‘sống xanh’ trong kinh doanh – tiêu dùng.
Về các nhà sản xuất: các doanh nghiệp trong ngành sản xuất ở Việt Nam – như may mặc, vẫn thường ưu tiên chọn chất liệu rẻ tiền chứ chưa quan tâm đến tác động môi trường – địa phương hóa hay giúp người tiêu dùng đơn giản hóa lối sống.
Về vấn đề minh bạch: ở Việt Nam chúng ta, nhiều doanh nghiệp quảng cáo là áo quần của mình xài 100% cotton hoặc lụa mà chúng ta cầm lên biết pha rất nhiều polyester. Các nhà cung cấp nguyên vật liệu hoặc các nhà sản xuất đầu cuối ở Việt Nam chưa xem trọng tính minh bạch và chuỗi trách nhiệm.
Theo quan điểm của chị, minh bạch chính là khởi đầu của bền vững, tiếp theo là trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động; người tiêu dùng cũng có trách nhiệm riêng của bản thân. Khi tất cả mọi người đều thực hiện đúng trách nhiệm của mình, thì mới tạo ra được giá trị cho xã hội.
Về người tiêu dùng: Người tiêu dùng Việt vẫn chưa xem trọng giá trị của những con người đứng đằng sau những chiếc áo quần mà họ mặc. Sự thật, những chiếc áo quần theo hướng xanh hóa có nhiều câu chuyện ý nghĩa chứ không phải là những vật phẩm vô tri.
"Vậy nên, chúng ta phải tuyên truyền về ‘sản xuất xanh’ để người tiêu dùng biết nên ủng hộ thương hiệu nào và không ủng hộ thương hiệu nào. Để người tiêu dùng nhận ra rằng: áo quần mà họ mua sắm không phải ‘từ trên trời rơi xuống’ và sau khi áo quần họ mặc xong cũng không phải ‘tự bốc hơi’; mà nó tác động rất lớn đến môi trường.
Việc thay đổi thói quen cần sự bền bỉ. Ví dụ: sau 3 năm, thì tôi mới thuyết phục được ông xã mang hộp inox đi mua đồ ăn sáng thay vì ra hàng rồi mang túi ni lông hoặc hộp nhựa về.
Hiện thị trường đã có nhiều dấu hiệu tích cực trong việc đón nhận ‘thời trang xanh’, khi các thiết kế của MPACT không chỉ được hoan nghênh ở 2 thành phố lớn là Hà Nội – TP.HCM mà còn ở Cà Mau, từ những người lớn tuổi đến các bạn Gen Z", Founder MPACT kết luận.
Quỳnh Như