CADIVI sau 8 năm gia nhập hệ sinh thái GELEX

Nắm giữ gần như toàn bộ cổ phần của CADIVI, việc tái cơ cấu của GELEX đều có tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp này.

Cán mốc doanh thu hơn 10 ngàn tỷ đồng

Theo báo cáo thường niên năm 2023 của CADIVI, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp này lần lượt đạt 10.083 tỷ đồng và 529 tỷ đồng. Con số này cao gấp đôi năm 2015, thời điểm Tập đoàn GELEX tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp. Thời điểm đó, CADIVI đạt doanh thu 5.668 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 219 tỷ đồng. Còn nếu như so với thời điểm cổ phần hóa vào năm 2007, mức tăng trưởng đã lên gấp 7 lần.

CADIVI sau 8 năm gia nhập hệ sinh thái GELEX - Ảnh 1.

Kết quả doanh thu, lợi nhuận của CADIVI từ 2015-2023 (Nguồn: Tổng hợp)

Trong nhiều năm trở lại đây, đối mặt với hậu quả của đại dịch Covid-19, cùng sự cạnh tranh gay gắt của thị trường dây cáp điện, CADIVI vẫn giữ phong độ tăng trưởng ổn định nhất so với các đối thủ trong ngành.

Từ 2021 đến 2023, CADIVI đều chiếm tới gần 1/3 thị phần ngành sản xuất dây cáp điện, với hệ thống phân phối gồm hơn 200 đại lý, nhà phân phối trên toàn quốc. CADIVI cũng thuộc số ít thương hiệu Việt 9 lần liên tiếp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, trong 9 kỳ xét duyệt của Bộ công thương.

Tham vọng ở thị trường Miền Bắc

Theo số liệu công bố năm 2022, miền Nam là thị trường chủ lực của CADIVI, chiếm đến 65% tổng doanh thu của doanh nghiệp này.

Năm 2024, CADIVI đã có một bước đi "gây ngỡ ngàng" cho thị trường khi tập trung mọi nguồn lực, thành lập Công ty TNHH Một thành viên CADIVI Miền Bắc, quyết tâm "làm nên chuyện" ở thị trường này.

Thị trường dây cáp điện tại Miền Bắc cạnh tranh khốc liệt với những tên tuổi như Trần Phú, Cadisun, LS Vina, đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội để CADIVI tạo ra một cú đột phá mới.

Rất nhanh sau khi Bắc tiến, CADIVI đã tung ra loạt các sản phẩm theo hướng "Sống xanh – sống an toàn" như dây và cáp điện bọc nhựa LF & LSHF (không có kim loại chì độc hại) với tính năng chậm cháy và chống cháy lan. Chọn con đường khác biệt với các đối thủ trên thị trường, CADIVI đầu tư cho chiến lược sản phẩm hướng tới phát triển bền vững, mang đến giải pháp an toàn cho mỗi gia đình Việt.

Dải sản phẩm của CADIVI liên tục mở rộng: từ dây dân dụng, cáp điện lực trung hạ thế… cho đến các loại cáp chuyên dụng và thân thiện với môi trường như cáp siêu nhiệt, cáp năng lượng mặt trời, cáp chiếu sáng đường băng sân bay, cáp chống cháy ít khói, không phát sinh khí độc; cáp trạm sạc xe điện… Nhiều sản phẩm trong đó được đánh giá cao, sử dụng thay thế hàng nhập khẩu.

Hiện tại, các nhà máy CADIVI sở hữu máy móc hiện đại từ châu Âu, cung cấp sản lượng hằng năm đạt: 60.000 tấn đồng, 40.000 tấn nhôm, 20.000 tấn hạt nhựa PVC.

57,6 triệu cổ phiếu xuống sàn

Năm 2023, CADIVI xếp thứ 5 trong nhóm các doanh nghiệp trả cổ tức cao nhất sàn chứng khoán. Dù quy mô vốn điều lệ chỉ chưa đầy 600 tỷ đồng, nhưng 4 năm gần đây, CADIVI luôn duy trì doanh thu trên 10.000 tỷ đồng/năm và lợi nhuận trước thuế duy trì ở mức 500-530 tỷ đồng.

Năm 2014, cổ phiếu CAV của CADIVI chính thức niêm yết trên sàn HoSE. Ngày 19/5/2021, CADIVI thông báo chuyển giao dịch 56,7 triệu cổ phiếu từ HoSE sang HNX và sau đó quay trở lại sàn HoSE do chuyển đổi hệ thống. Ngày 18/4/2024, với lý do muốn tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo ra các giá trị lớn hơn, CADIVI đã chính thức tạm biệt Hose sau 1 thập kỷ gắn bó.

Năm 2024, ông Nguyễn Văn Tuấn – CEO Tập đoàn GELEX rời ghế Chủ tịch CADIVI, phải chăng là một thông báo với thị trường về việc hoàn thành quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp này và chuyển giao việc điều hành doanh nghiệp cho đội ngũ lãnh đạo kế cận trong giai đoạn mới?

Tin mới