Cải biên nghệ thuật để gìn giữ di sản văn hóa - lịch sử

Muốn xây dựng, bảo tồn và truyền tải di sản văn hóa-lịch sử, cần sự chung tay của các nhà nghiên cứu, nhà thực hành nghệ thuật, nhà sản xuất và cả công chúng.

Khai thác chất liệu lịch sử - văn hóa để cải biên điện ảnh

Những nền điện ảnh cổ trang thành công ở châu Á phải kể đến Trung Quốc, Nhật Bản và gần đây là Hàn Quốc. Đầu tư quy mô, vận hành chuyên nghiệp trên cơ sở nghiên cứu kĩ sử liệu là những yếu tố rõ nét bộc lộ qua hệ thống phim cổ trang của các nước này. Không thể phủ nhận, thông qua các bộ phim lịch sử, các yếu tố văn hoá - lịch sử của từng quốc gia đã được lưu truyền và phổ biến ra thế giới.

Dòng phim cổ trang ở Việt Nam còn rất mỏng, chưa đạt đến quy mô cần thiết, thiếu đầu tư tài chính, cơ sở vật chất và cả việc khai thác các tài nguyên lịch sử. Tuy nhiên, việc có được một nền điện ảnh cổ trang phản ánh được văn hoá lịch sử của dân tộc luôn là điều hướng tới của các quốc gia, nhất là với những quốc gia có truyền thống văn hoá lịch sử lâu đời. Vấn đề nan giải nhất hiện nay trong sản xuất phim cổ trang ở Việt Nam là việc nghiên cứu tư liệu lịch sử: vừa thiếu kinh phí, thiếu thời gian và nhất là chưa có được hệ thống tư liệu xác tín.

Cải biên nghệ thuật để gìn giữ di sản văn hóa - lịch sử - Ảnh 1.

Tạo hình 7 nữ tướng trong dự án She-Kings do TNA Entertainment sản xuất

Nhìn một cách bao quát, việc khai thác chất liệu lịch sử, văn hoá để cải biên tác phẩm điện ảnh là một hướng đi tuy khó khăn nhưng sẽ thành công khi có đủ kinh phí đầu tư và thời gian. Theo PGS. TS Phùng Ngọc Kiên, cải biên lịch sử giúp cởi trói lịch sử khô cứng bằng những sáng tạo, hư cấu dựa trên những khuôn mẫu nhất định, bắt đầu từ những sự thật lịch sử và những nghiên cứu của các NNC. Cải biên điện ảnh giúp lịch sử đến gần hơn với công chúng, và vì thế, việc bảo tồn, quảng bá, xây dựng văn hoá thông qua điện ảnh sẽ ngày càng hiệu quả hơn.

Không khắt khe tư liệu khai thác, ưu tiên hư cấu, sáng tạo

Những nghiên cứu lịch sử văn hoá mang tính học thuật cùng những thông tin chuyên môn về điện ảnh được thảo luận tại hội thảo quốc tế Di sản văn hoá và cải biên nghệ thuật (ICHCHAA 2022), nhằm mục đích cung cấp cho những nhà thực hành nghệ thuật (NTHNT), NSX những tư liệu chính xác để xây dựng những kịch bản điện ảnh đặc sắc, thuyết phục hơn.

Cải biên nghệ thuật để gìn giữ di sản văn hóa - lịch sử - Ảnh 2.

Cuộc đối thoại bàn tròn giữa các NLP, NTHNT và các NNC tại ICHCHAA

Nổi bật trong các ý kiến tại hội thảo là việc không nên quá khắt khe về tư liệu khai thác trong các tác phẩm nghệ thuật mang yếu tố lịch sử. Tuy cần đảm bảo những "khuôn mẫu", nhưng những hư cấu, sáng tạo cũng rất quan trọng, bởi chính những chi tiết này mà các tác phẩm có yếu tố lịch sử trở nên gần gũi hơn với khán giả.

Chia sẻ về tiêu chí gần gũi hơn với khán giả, PGS. TS Phùng Ngọc Kiên bày tỏ, "Cần cho công chúng hiểu, tất cả những câu chuyện được kể lại chỉ là của người kể chứ không phải như nó vốn có. Sự việc như nó được kể là cải biên, sự việc như nó vốn có chính là lịch sử. Cải biên chỉ là một cách để kể lại câu chuyện khác như nó vốn từ xưa đến nay vẫn thế. Thật ra, cải biên cũng dạy người ta cách phân biệt giữa cái được kể và cái như nó đã diễn ra, khi câu chuyện thuyết phục được cảm xúc thì là thành công".

Cải biên nghệ thuật để gìn giữ di sản văn hóa - lịch sử - Ảnh 3.

PGS. TS Phùng Ngọc Kiên chia sẻ: "Một tác phẩm cải biên muốn đến gần với công chúng, trước tiên phải hay"

Có thể thấy, muốn làm một tác phẩm cải biên điện ảnh có yếu tố lịch sử được công chúng đón nhận cần nhiều yếu tố, trong đó, câu chuyện, tư duy của NLP, những sáng tạo, cải biên từ câu chuyện lịch sử, chất liệu lịch sử… đều rất quan trọng.

Bên cạnh những nghiên cứu của các NNC, những tìm tòi, sáng tạo của các NLP, NTHNT, việc cung cấp thêm thông tin, kiến thức cho đại chúng cũng vô cùng cần thiết. Đó cũng là lý do mà ICHCHAA 2022 ra đời, với sức ảnh hưởng của mình, cung cấp cho công chúng những hiểu biết rõ nét, sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa của đất nước, từ đó, đánh giá và đón nhận những tác phẩm cải biên điện ảnh có yếu tố lịch sử đúng đắn, công tâm hơn.

Cải biên nghệ thuật để gìn giữ di sản văn hóa - lịch sử - Ảnh 4.

Dự án phim huyền sử Trưng Vương She-Kings đang được xây dựng trên những đóng góp, nghiên cứu của các NNC và sự sáng tạo của đội ngũ NSX

Ghi dấu ấn văn hoá dân tộc trong dòng phim cổ trang là một thực tế đã thành công tại 3 nước châu Á Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hi vọng, với sự cố gắng của các NNC, NTHNT và với sự thấu hiểu của công chúng, phim lịch sử Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển, có vị thế riêng trong ngành giải trí. Và trên hết, phim lịch sử, phim có yếu tố lịch sử không phải được làm ra chỉ vì mục đích thương mại, mà hơn cả là giá trị văn hóa, tinh thần, giá trị truyền thống mà nó mang lại cho người xem, cho nền điện ảnh nước nhà.

Tin Cùng Chuyên Mục
Hành trình 10 năm tỏa sáng nụ cười chắc khỏe của thương hiệu kem đánh răng dược liệu tiên phong tại Việt Nam

Hành trình 10 năm tỏa sáng nụ cười chắc khỏe của thương hiệu kem đánh răng dược liệu tiên phong tại Việt Nam

Là thương hiệu kem đánh răng dược liệu tiên phong trên thị trường, sau 10 năm không ngừng phát triển, Ngọc Châu đã trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của triệu triệu gia đình Việt, chinh phục giới chuyên môn bởi chất lượng tốt, được các đơn vị ngành Răng Hàm Mặt lựa chọn trong các dự án chăm sóc sức khỏe răng miệng cộng đồng.
Tin mới