(Tổ Quốc) - Liên tục yêu cầu các nước đang phát triển, đặc biệt ở khu vực châu Á như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia,... giảm bớt sự phụ thuộc, châu Âu lại bất ngờ thảo luận về việc quay trở lại sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch ô nhiễm nhất thế giới.
Châu Âu muốn giảm sự phụ thuộc vào Nga: Nói thì dễ nhưng làm lại khó
Liên minh châu Âu đang tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt đối với năng lượng của Nga trước khi có sẵn các giải pháp thay thế dầu, khí đốt hoặc năng lượng tái tạo. Chính vì vậy, bất chấp những lời hứa hẹn, khối này chẳng khác nào đang ngầm thừa nhận tầm quan trọng không thể thay thế của than.
Trong tháng 5, châu Âu đã thừa nhận họ sẽ phải tiếp tục sản xuất than nếu muốn đáp ứng nhu cầu năng lượng trong khu vực, vì các lệnh trừng phạt đối với năng lượng của Nga đang gây thiệt hại nặng nề cho họ.
Ủy ban châu Âu đã đưa ra kế hoạch REPowerEU, nhằm tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo giúp giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Tuy nhiên, EU cũng tuyên bố rằng các nhà máy than trong khu vực có thể cần phải vận hành "lâu hơn dự kiến ban đầu".
Ủy ban dự kiến sẽ đầu tư thêm 220 tỷ USD vào phát triển năng lượng tái tạo trong vòng 5 năm tới nếu muốn tăng sản lượng năng lượng của châu Âu lên mức cần thiết nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Và bây giờ, họ tiếp tục đề xuất mục tiêu 45% năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Mong muốn phát triển năng lượng tái tạo nhưng với giá tiêu dùng tăng chóng mặt, EU vẫn cân nhắc quay lại sử dụng than để đáp ứng nhu cầu đang thiếu hụt trong khu vực.
Trong khi điều này thể hiện cam kết của EU đối với quá trình chuyển đổi, Ủy ban lại dự kiến khu vực này sẽ cần khoản tài chính lên tới 2,14 tỷ USD để đảm bảo nguồn cung dầu thô và thêm 10,7 USD để đáp ứng nhu cầu khí đốt tự nhiên của mình.
Với việc nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên giảm, Frans Timmermans trưởng bộ phận khí hậu của EU cho biết: "Bạn có thể sử dụng than lâu hơn một chút và chắc chắn điều đó có tác động tiêu cực đến lượng khí thải. Nhưng nếu đồng thời, như chúng tôi đề xuất, bạn nhanh chóng tăng tốc độ phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, ... thì tác động sẽ ngược lại."
Cách diễn đạt này có vẻ giống như một trường hợp kinh điển về greenwashing (tẩy xanh), đặc biệt khi nhiều cường quốc châu Âu đã tuyên bố sẽ từ bỏ than hoàn toàn trước năm 2030. Nhưng với giá tiêu dùng tăng chóng mặt do thiếu hụt dầu và khí đốt, có thể sẽ có rất ít giải pháp thay thế trong trung hạn.
(Một hành động được xem là "greenwashing" khi một công ty dành nhiều tiền bạc và thời gian tự xưng là doanh nghiệp xanh thông qua quảng cáo và tiếp thị hơn là thực sự tham gia các hoạt động nhằm giảm thiểu tối đa tác động tới môi trường.)
Mẫu thuẫn giữa cam kết và hành động
Chỉ vài tuần trước, tại cuộc hội đàm ở Berlin, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng G7 nên đóng vai trò hàng đầu trong việc loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả than và khuyến khích chuyển đổi sang các lựa chọn thay thế có thể tái tạo. Theo Reuters, một bản dự thảo trước đó nêu rõ cam kết của G7 sẽ loại bỏ than đá vào cuối thập kỷ này - mặc dù Mỹ và Nhật Bản có khả năng sẽ phản đối. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nhiều quốc gia trong khu vực lại đang thảo luận về việc quay trở lại sử dụng than để tránh gây thiệt hại cho tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Cùng lúc với việc Ủy ban châu Âu bắt đầu phụ thuộc vào than đá, G7 đang khuyến khích Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà máy điện than. Bảy cường quốc trong tổ chức sẽ thiết lập một chiến lược để hỗ trợ các nước đang phát triển trong kế hoạch loại bỏ dần năng lượng ô nhiễm nhất thế giới. G7 đã cam kết tài trợ 8,5 tỷ USD cho Nam Phi để giúp nước này chuyển đổi từ các nhà máy than sang các giải pháp thay thế tái tạo.
G7 khuyến khích các nước đang phát triển giảm bớt phụ thuộc, trong khi chính bản thân vẫn chưa thể thoát khỏi nguồn nhiên liệu hóa thạch 'bẩn' nhất thế giới này.
Trong khi tài trợ cho quá trình chuyển đổi từ than đá sang phát triển năng lượng tái tạo là một bước đi tích cực, tổ chức này có vẻ như đang mâu thuẫn trong chính cách tiếp cận của mình, bởi Pháp, Đức và Ý chiếm gần một nửa G7. Việc yêu cầu các nước đang phát triển ở châu Á giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch ‘bẩn’ nhất, trong khi họ vẫn tiếp tục phụ thuộc vào chính nó, điều này có thể cản trở nỗ lực khuyến khích phong trào rời bỏ than trên toàn thế giới.
Rõ ràng cần phải tìm một giải pháp thay thế trung hạn cho dầu khí của Nga, sự phụ thuộc liên tục của châu Âu vào than lại trở thành một bước lùi trong việc giảm lượng khí thải carbon toàn cầu. Mặc dù Ủy ban châu Âu khẳng định rằng việc tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ giúp tạo ra sự cân bằng, nhưng nó dường như đang ‘mở khóa’ những tác động có hại của than đối với lượng khí thải trên toàn thế giới.
Trung Quốc cũng hứa hẹn đóng các mỏ than, nhưng thực tế mở mới còn nhiều hơn cả đóng
Theo một phân tích mới, các kế hoạch của Trung Quốc đối với 169 dự án than mới và mở rộng có thể làm tăng lượng khí thải mê-tan toàn cầu từ các mỏ sản xuất nhiên liệu hóa thạch ô nhiễm lên tới 10% và gây nguy hiểm cho các mục tiêu khí hậu ngắn hạn của chính nước này.
Báo cáo từ Global Energy Monitor cho hay, các dự án đang được phát triển sẽ tăng gần gấp đôi mức sản lượng nội địa so với mục tiêu ban đầu của Trung Quốc. Quốc gia tỷ dân đang làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào than đá như một cách để giảm thiểu tác động của giá năng lượng tăng cao và bất ổn địa chính trị do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra.
Bắc Kinh cho biết họ sẽ đóng cửa các mỏ nhỏ hơn, kém hiệu quả hơn và thay thế chúng bằng các hoạt động tối ưu hơn và sẽ bắt đầu giảm dần sản lượng than sau năm 2025.
Việc mở rộng mỏ than mới và được đề xuất ở Trung Quốc có nguy cơ làm chệch hướng tham vọng về khí hậu của nước này.
Tuy nhiên, nước này lại đang mở rộng các mỏ nhanh hơn so với việc đóng cửa. Nếu điều đó không thay đổi, nước này sẽ khó đạt được các mục tiêu về khí hậu như hạn chế phát thải khí mê-tan từ các hoạt động khai thác than và đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030. Tổ chức phi lợi nhuận GEM cho biết, công suất phát triển mới hàng năm ước tính khoảng 559 triệu tấn có thể thải ra thêm 6 triệu tấn khí mê-tan mỗi năm trừ khi áp dụng các biện pháp giảm thiểu không do dự.
Ryan Driskell Tate, một nhà phân tích nghiên cứu của GEM cho biết: "Các quyết định ngắn hạn đang được đưa ra bây giờ sẽ rất khó để hoàn tác. Đây sẽ là nguy cơ lớn tạo ra các nguồn phát thải khí mê-tan mới."
Dù có nhiều cách để giảm phát thải khí mê-tan từ các mỏ khai thác nhằm hạn chế một số tác động làm nóng hành tinh, nhưng cuối cùng thì nhiên liệu này phải được loại bỏ dần để tránh những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu. Theo GEM, để tránh trường hợp xấu nhất đó xảy ra, khí mê-tan từ các mỏ than phải giảm 11% mỗi năm trong phần còn lại của thập kỷ.
Khí nhà kính mạnh gấp 84 lần sức nóng của CO2 trong hai thập kỷ đầu tiên. Thêm 6 triệu tấn khí mê-tan do Trung Quốc thải ra sẽ có tác động ngắn hạn tương đương với lượng khí thải hàng năm từ khoảng 110 triệu xe ô tô của Mỹ.
Với nhiều tác động từ xung đột, việc các nước lớn từ EU tới Trung Quốc loại bỏ hoàn toàn than sẽ là điều vô cùng khó khăn. Than sẽ vẫn tiếp tục giữ vị trí ‘ngôi vương’ của mình trong thời gian tới.
Tham khảo: Oilprice, Bloomberg
Khánh Vy