(Tổ Quốc) - Khi không khí lạnh tràn về, thời tiết thay đổi, các bệnh hô hấp lại bùng phát. Hiểu biết về những căn bệnh rất hay gặp, bạn có thể chăm sóc sức khỏe đúng cách, hạn chế bệnh biến chứng nặng.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng quốc gia cho biết, sáng sớm nay 05/10, không khí lạnh đã tiến đến sát biên giới phía Bắc nước ta. Dự báo trong những ngày tới, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu Đông Bắc, khiến nhiệt độ tại Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ giảm xuống ngưỡng 24-28 độ C. Thời tiết se lạnh kèm mưa.
Khi thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp. Đây chính là môi trường thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp hoạt động mạnh, do đó đây là thời điểm bùng phát rất nhiều bệnh đường hô hấp, đặc biệt là các đối tượng có hệ miễn dịch kém như trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Bác sĩ Lê Thu Trang, Bác sĩ điều trị Trung Tâm Hô Hấp, bệnh viện Bạch Mai chỉ ra những điều cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe trong thời điểm giao mùa.
Thời điểm giao mùa, rất nhiều người mắc các bệnh đường hô hấp
Theo bác sĩ Trang, sự thay đổi khí hậu vào thời điểm giao mùa khiến nhiệt độ thay đổi thất thường, từ nóng chuyển sang lạnh và từ nắng chuyển sang mưa trong một ngày. Khi sự biến động nhiệt độ diễn ra nhanh sẽ làm hệ miễn dịch của bạn bị suy yếu. Bên cạnh đó các virus gây bệnh cảm lạnh dễ dàng phát triển và lan truyền hơn trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm. Đường hô hấp là nơi mà nhiều mầm bệnh dễ dàng xâm nhập khi chúng ta hít thở. Do đó, các triệu chứng như ho và ngứa họng rất phổ biến khi thời tiết thay đổi.
Các loại virus như cúm, Sars-coV-2, adenovirus (một trong những nguyên nhân gây viêm đường hô hấp ở người) dễ phát triển dễ dàng và tồn tại ngoài môi trường lâu hơn khi thời tiết lạnh, ẩm so với khi thời tiết nóng và có nhiều ánh nắng.
Hơn nữa, không khí dễ bị tù túng, kém lưu thông do vào mùa lạnh mọi người có khuynh hướng ít di chuyển ra ngoài đường mà ở trong nhà nhiều hơn, đóng các cửa để tránh không khí lạnh xâm nhập. Đây là yếu tố thuận lợi làm các tác nhân vi sinh vật dễ dàng lây truyền từ người này sang người khác.
Vào mùa lạnh, ngày ngắn đêm dài, số giờ có ánh sáng mặt trời trong ngày cũng giảm đi. Ánh mặt trời có tia cực tím là một tác nhân rất quan trọng để tiêu diệt các tác nhân vi sinh vật. Vào mùa đông ánh sáng mặt trời ít đi cũng là một lý do nữa làm cho vi sinh vật dễ sinh sôi nảy nở hơn nữa.
Để phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp, bác sĩ Trang nhắc nhở mọi người cần lưu ý những điều sau:
- Hạn chế tiếp xúc với người bị nhiễm siêu vi.
- Luôn giữ cho bàn tay sạch sẽ bằng cách rửa tay thường xuyên.
- Khi đi ra đường phải đeo khẩu trang để tránh hít phải khói, bụi, hóa chất độc hại, vi khuẩn tồn tại trong môi trường.
- Che chắn cẩn thận khi ra ngoài lúc trời mưa.
- Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, mọi người thường xuyên ở trong phòng máy lạnh, dùng quạt nhiều cần lưu ý: Nếu ngủ phòng máy lạnh thì nên để nhiệt độ từ 28 - 29 độ C để tránh nhiễm lạnh khi đêm khuya nhiệt độ xuống thấp; không để quạt thổi gió thẳng vào vùng mặt mũi miệng.
- Khi mưa lạnh cần giữ ấm cơ thể, uống nước ấm thường xuyên.
- Khi có dấu hiệu bị viêm đường hô hấp thì chú ý các triệu chứng để sớm điều trị.
Cảm lạnh, cảm cúm: Trường hợp nào cần đi khám?
Bác sĩ Trang cho biết, cảm cúm và cảm lạnh đều được gây ra bởi các loại virus, do có một số triệu chứng tương đồng nên hai bệnh thường bị nhầm lẫn với nhau, tuy nhiên đây là hai bệnh hoàn toàn khác nhau, cảm cúm thường nặng hơn và lâu khỏi hơn cảm lạnh.
Cảm lạnh là một bệnh lý phổ biến, thường gặp khi trời lạnh và mưa ở tất cả các đối tượng, đặc biệt là ở trẻ em và người cao tuổi. Đây là một bệnh về đường hô hấp, do bị nhiễm virus đường hô hấp. Tuy mức độ không nặng như cảm cúm nhưng vẫn gây cho người bệnh cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng cho các sinh hoạt thường ngày.
Cảm cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính trên đường hô hấp do nhiễm các chủng virus cúm. Khi bị cảm cúm, người bệnh thường có triệu chứng sốt cao, ớn lạnh, rét run, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, hắt hơi, sổ mũi, ho han, chán ăn, mệt mỏi, toàn thân đau nhức.
Dưới đây là một số triệu chứng và cách phân biệt cảm cúm và cảm lạnh: Cảm cúm thường có biểu hiện nặng hơn cảm lạnh và kéo dài hơn.
Đối với người trưởng thành, bạn cần liên hệ với bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu sau khi điều trị bằng thuốc nhưng vẫn có các triệu chứng như:
- Sốt cao trên 38,5 độ C từ 5 ngày trở lên hoặc đột ngột bị sốt sau một thời gian ngừng sốt.
- Khó thở hoặc thở gấp Đau hoặc tức ngực
- Đau họng và đau vùng mặt hoặc trán (viêm xoang)
- Đau đầu nhiều.
- Ho khạc đờm đục, xanh, vàng.
- Cảm giác đau hoặc tức ngực.
Ở trẻ em:
- Sốt cao trên 39.5 độ hay sốt kéo dài trên 3 ngày hoặc hết sốt hơn 1 ngày rồi sốt lại Các triệu chứng ho, sổ mũi kéo dài trên 10 ngày
- Trẻ chán ăn, mệt mỏi, phờ phạc, kém chơi. Khò khè phát ra từ lồng ngực(60 % phụ huynh nhầm lẫn giữa khò khè và tiếng khụt khịt do trẻ nghẹt mũi)
- Thở nhanh: (chỉ đếm nhịp thở khi bé ngủ say và không sốt cao, dưới 38 độ vẫn đếm được). Gọi là thở nhanh nếu: trên 50 lần/ phút với trẻ từ 2 tháng- 12 tháng trên 40 lần/ phút với trẻ từ 1 – 5 tuổi trên 30 lần/ phút với trẻ trên 5 tuổi
- Rút lõm ngực
- Đau tai hoặc chảy dịch từ tai
- Tình trạng tinh thần biến đổi (ví dụ như mê man, kích thích hoặc co giật)
- Các triệu chứng giống cúm nặng thêm kèm sốt và ho nhiều hơn Trẻ có mắc các bệnh mạn tính cần đi khám ngay khi có sốt, hoặc các bệnh mạn tính có dấu hiệu nặng lên
Cảm lạnh chủ yếu làm tổn hại tới mũi , họng ( viêm họng ), và các xoang ( viêm xoang ). Các triệu chứng này là do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với virus chứ không phải do virus gây ra. Cách phòng chống chủ yếu là rửa tay sạch sẽ và tránh nói chuyện trực tiếp với người mắc bệnh.
Cảm lạnh không có cách chữa, nhưng vẫn có cách trị những triệu chứng do bệnh gây ra. Cảm lạnh là căn bệnh truyền nhiễm thường gặp nhất ở người, nó đồng hành cùng nhân loại từ những thời đại cổ xưa. Trung bình, người lớn bị cảm lạnh từ 2 đến 4 lần mỗi năm, còn trẻ em có thể bị cảm lạnh từ 6 đến 8 lần mỗi năm.
BS Lê Thu Trang