Cần có cuộc Đại cách mạng Nhà ở xã hội giải quyết chỗ ở cho 40 triệu người Việt Nam

(Tổ Quốc) - Sáng ngày 19/11, Tọa đàm "Đại cách mạng Nhà ở xã hội giải quyết 10 triệu căn Nhà ở xã hội cho 40 triệu người Việt Nam" đã diễn ra tại Hà Nội. Tại tọa đàm, các chuyên gia đã đưa thực trạng cũng như giải pháp để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong tương lai.

Cần chính sách đột phá cho doanh nghiệp xây dựng Nhà ở xã hội

Phát biểu tại tọa đàm, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực - Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV đánh giá hiện nay quá trình phát triển nhà ở xã hội của chúng ta còn nhiều tồn tại. Tại Singapore những mô hình nhà ở "Low cost", "Affortable housing" được chính phủ bảo trợ và phát triển rất đồng bộ.

"Tại Việt Nam, trong vòng 10 năm chúng ta đặt ra một kế hoạch rất tham vọng là xây dựng 22 triệu m2 nhà ở xã hội nhưng hiện chúng ta chỉ xây dựng hơn 17 triệu m2, tương đương 78%. Tuy nhiên, số lượng căn Nhà xã hội đưa vào sử dụng còn lãng phí, nhiều dự án bỏ hoang, xuống cấp nhanh", ông Lực nhấn mạnh.

Ông Lực giải thích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là chính sách chưa đồng bộ, chồng chéo lẫn nhau. Đặc biệt, nguồn vốn cho nhà ở xã hội chỉ đáp ứng được 20% tổng nhu cầu vốn cho Nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, các doanh nghiệp không mặn mà khi đặt chiến lược phát triển Nhà ở xã hội.

"Khi tôi làm việc với các chủ đầu tư tôi thấy vướng mắc lớn nhất về quỹ đất sạch dành cho Nhà ở xã hội, đây là vấn đề vô cùng quan trọng bởi nhiều doanh nghiệp được giao đất nhưng vướng ở khâu giải phóng mặt bằng, cuối cùng không thể triển khai dự án. Vấn đề nữa là về quy hoạch cũng rất quan trọng, nếu chúng ta làm tốt quy hoạch dù các khu Nhà ở xã hội tuy ở khu vực vùng ven nhưng nếu kết nối của chúng ta tốt, người dân sẵn sàng về ở", ông Lực nhấn mạnh.

Cần có cuộc Đại cách mạng Nhà ở xã hội giải quyết chỗ ở cho 40 triệu người Việt Nam - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực - Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV.

Đánh giá về mô hình Nhà ở xã hội trong tương lai, ông Lực cho rằng đây là yếu tố rất quan trọng. Ở các quốc gia như Singapore họ chia ra hai phân khúc "Social Housing" nhà nước đứng ra xây dựng thông qua quỹ Nhà ở xã hội và một phân khúc doanh nghiệp có thể tự lực xây dựng, tự phát triển.

Bàn về quỹ đất cho nhà ở xã hội, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng kết quả dành quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ-CP rất thấp vô số lý do khác nhau như: Bất cập trong quy định đấu thầu, đấu giá quỹ đất 20% mà chủ đầu tư dự án giao lại cho Nhà nước khi muốn phát triển nhà ở xã hội nên không thực hiện được (không ai tham gia) hay sử dụng ngân sách để đầu tư thì xây dựng nhà ở xã hội không phải là ưu tiên hàng đầu ở nhiều địa phương.

"Đây là lý do quỹ đất dành cho Nhà ở xã hội ngày càng co hẹp trong khi nhu cầu an cư người thu nhập thấp ngày càng tăng cao", ông Ánh nhấn mạnh.

Bàn về giải pháp cho Nhà ở xã hội, ông Nguyễn Đỗ Lăng - Chủ tịch Apec Group cho biết hiện nay nhu cầu Nhà ở xã hội, đặc biệt công nhân tại các khu công nghiệp đang rất lớn khi họ phải sống trong những khu nhà trọ chật chội chỉ trên dưới 10m2. Khởi phát từ mong muốn đem lại cuộc sống an cư cho hàng triệu người thu nhập thấp, Apec mong muốn tạo quỹ nhà ở giá rẻ ở phục vụ.

"Chúng ta nhìn thấy tại Singapore những khu nhà ở xã hội còn đẹp hơn nhà ở thương mại. Tại sao chúng ta không làm được. Tôi cho rằng, tại Hà Nội và Sài Gòn chúng ta cần quy hoạch những khu đô thị quy mô xây dựng Nhà ở xã hội. Nếu quyết tâm chúng ta có thể xây dựng những đại đô thị Nhà ở xã hội giá chỉ từ 12-16 triệu đồng/m2", ông Lăng khẳng định.

Cần có cuộc Đại cách mạng Nhà ở xã hội giải quyết chỗ ở cho 40 triệu người Việt Nam - Ảnh 2.

Toàn cảnh tọa đàm.

Nguồn vốn - nút thắt lớn cho Nhà ở xã hội

Về việc phân bổ nguồn vốn phát triển Nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020, theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 thì vốn hỗ trợ để thực hiện chính sách nhà ở xã hội dự kiến cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội là 9.000 tỷ đồng; vốn cấp cho cho 04 ngân hàng thương mại được chỉ định là 9.977,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại được chỉ định, ngày 3/10/2018, Ngân hàng Nhà có văn bản điều chỉnh lại kế hoạch vốn cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại được chỉ định từ 9.977,5 tỷ đồng xuống còn 248,63 tỷ đồng. Như vậy, tổng kế hoạch vốn cho nhà ở xã hội đến năm 2020 của Ngân hàng Chính sách và các tổ chức tín dụng là 9.248,63 tỷ đồng.

Theo báo cáo đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ 2.163 tỷ đồng (còn thiếu 6.837 tỷ đồng so với nhu cầu 9.000 tỷ đồng) để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội (nhu cầu vốn 248,63 tỷ đồng). Như vậy, so với kế hoạch vốn phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020, ngân sách cấp cho phát triển nhà ở xã hội còn thiếu tổng số 7.085,63 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020.

Về nguồn vốn cho Nhà ở xã hội, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết việc phát triển nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp và công nhân lao động thời gian qua được Chính phủ đặc biệt quan tâm và có chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư, song kết quả vẫn còn hạn chế. Trong giai đoạn tới, bên cạnh việc tạo các cơ chế, chính sách thuận lợi, cần có cả nguồn lực để trợ lực phát triển nhà ở xã hội.

"Bộ Xây dựng đề xuất cơ chế chính sách và gói tín dụng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở công nhân khu công nghiệp trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Cụ thể, gói tín dụng cấp bù lãi suất 15.000 tỷ đồng cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo các quy định của pháp luật nhà ở hiện hành, pháp luật về đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Tôi cho rằng đây là kiến nghị rất tốt", ông Lực khẳng định.

Cần có cuộc Đại cách mạng Nhà ở xã hội giải quyết chỗ ở cho 40 triệu người Việt Nam - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đỗ Lăng - Chủ tịch Apec Group.

Theo Tiến sĩ Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, trong thời gian qua chúng ta tập trung phát triển nhà ở xã hội nhưng vốn sạch, nguồn vốn rẻ chưa đáp ứng được nhu cầu. "Tôi cho rằng cần đa dạng hóa nguồn vốn cho nhà ở xã hội. Vốn giá rẻ là tổng hợp tất cả các nguồn vốn. Nhưng hiện nay, câu chuyện quỹ tín thác vẫn chưa hoàn thiện".

Trái phiếu xanh, tín dụng xanh là câu chuyện chúng ta cần phải tận dụng, không chỉ từ nguồn vốn trong nước mà nguồn vốn quốc tế. Chúng ta phải tiếp cận được nguồn vốn rẻ nhất thì mới có thể xây dựng được những căn hộ giá rẻ đáp ứng nhu cầu xã hội", ông Ánh nhận định.

Về phía đại diện Apec, ông Nguyễn Đỗ Lăng cũng cho biết hiện nay Tập đoàn APEC đã thành lập Tổng công ty với tổng vốn điều lệ ban đầu khoảng 10.000 - 20.000 tỷ đồng, phần còn lại chúng tôi sẽ huy động từ các tổ chức như ngân hàng, định chế tài chính trong và ngoài nước, từ các đối tác, nguồn lực của xã hội với quy mô từ 50.000 - 100.000 tỷ và sẽ tăng lên phù hợp với mỗi thời kỳ đầu tư. 

"Mục tiêu của Tập đoàn APEC sẽ đầu tư và phát triển từ 6 - 10 triệu "căn hộ (NƠXH) 5 sao" trong giai đoạn 2021 - 2030; trong đó, từ 2021 - 2025 hoàn thành 2 - 4 triệu căn hộ, từ 2026 - 2030 hoàn thành 4 - 6 triệu căn hộ", ông Lăng khẳng định.

Lan Nhi

Tin mới