Cần giải pháp then chốt cho Vietnam Airlines

Vietnam Airlines đã phục hồi và bắt đầu có lãi. Song, cần những giải pháp then chốt để các chỉ tiêu hoạt động tài chính trở lại ngưỡng an toàn và đảm bảo được năng lực cạnh tranh.

Hàng không Quốc gia lan tỏa sức mạnh mềm

Cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến Vietnam Airlines trao Biên bản ghi nhớ hợp tác với hai hãng hàng không hàng đầu thế giới là Etihad Airways và Emirates. Từ đó, góp phần thúc đẩy giao thương, kết nối du lịch và phát triển kinh tế giữa Việt Nam và các quốc gia khu vực Trung Đông.

Sau đó không lâu, ngày 8-11, Thủ tướng cũng đã chứng kiến Vietnam Airlines trao biên bản ghi nhớ hợp tác với công ty du lịch GuangZhou Yuanzhilv Technology với cam kết thu hút gần 300.000 khách du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2030.

Cần giải pháp then chốt cho Vietnam Airlines - Ảnh 1.

Vietnam Airlines trao biên bản ghi nhớ hợp tác với công ty du lịch GuangZhou Yuanzhilv Technology

Vietnam Airlines nhận thức rõ, máy bay Vietnam Airlines bay đến đâu thì "biên giới mềm" của chúng ta mở rộng đến đấy. Do đó, dù đang trực tiếp cạnh tranh khốc liệt với các hãng hàng không khác, đối mặt với hệ lụy của Covid-19, Vietnam Airlines vẫn mở rộng mạng bay toàn cầu.

Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, đến nay, Vietnam Airlines đã khai thác hơn 90 điểm đến trên thế giới, kết nối với hơn 20 quốc gia, cùng với rất nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam với bạn bè thế giới.

"Trong năm 2025, chúng tôi đang nghiên cứu và mở rộng các mạng bay đi Italia, Đan Mạch, Canada…"- ông Hà tiết lộ.

Phục hồi và đảm bảo năng lực cạnh tranh

Khi Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến các hãng hàng không trên thế giới, nhiều hãng hàng không phá sản hoặc xin bảo hộ phá sản, Vietnam Airlines đã tái cơ cấu lại tài sản - nguồn vốn - nhân lực, nâng cao an toàn hàng không và chất lượng dịch vụ. Năm 2024, hãng đã cân đối được thu chi và có lãi.

Ví dụ như trong giai đoạn Covid, Vietnam Airlines là một trong những hãng đầu tiên trên thế giới đề xuất Hiệp hội hàng không quốc tế IATA cho phép vận chuyển hàng hóa ở trên khoang hành khách.

Hay như giai đoạn hiện tại do thiếu hụt động cơ khiến 12 chiếc máy bay A321 NEO và 4 máy bay thân rộng phải đưa đi kiểm tra, ảnh hưởng đến gần 20% năng lực hoạt động. Vietnam Airlines đã tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện tại, năng suất sử dụng đội máy bay của Vietnam Airlines tăng khoảng 15% so với giai đoạn trước.

Nắm bắt vận hội mới

Theo Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thời cơ và vận hội mới để phát triển đột phá về mọi mặt. Để thực hiện mục tiêu đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành hàng không dân dụng, mà trong đó, Vietnam Airlines - Hãng hàng không quốc gia, lực lượng vận tải chủ lực của Việt Nam - giữ vai trò then chốt đối với sự phát triển ngành hàng không nước nhà, kết nối Việt Nam với thế giới.

Cần giải pháp then chốt cho Vietnam Airlines - Ảnh 2.

Vietnam Airlines giữ vai trò then chốt đối với sự phát triển ngành hàng không nước nhà, kết nối Việt Nam với thế giới

Theo yêu cầu của Chính phủ, Vietnam Airlines đã xây dựng Đề án tái cơ cấu tổng thể nhằm vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, Hãng đang kỳ vọng đề án sẽ được các cấp có thẩm quyền phê duyệt sớm để có thể thực hiện những giải pháp nêu trong đề án, nhằm vượt qua khó khăn trước mắt và chuẩn bị cho sự vươn mình trong tương lai.

Ngoài ra, Vietnam Airlines mong muốn Chính phủ có những chính sách hỗ trợ cho ngành hàng không nói chung về thuế bảo vệ môi trường, chi phí cất hạ cánh… cũng như đảm bảo hạ tầng cho Vietnam Airlines tại các cảng hàng không. Vietnam Airlines sẵn sàng cho việc đầu tư vào sân bay Long Thành để đưa sân bay Long Thành trở thành trung tâm trung chuyển của khu vực và thế giới.

Sau Covid-19, Vietnam Airlines dần lấy lại nhịp tăng trưởng, đạt mức lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng ghi nhận trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024. Tuy vậy, các chỉ tiêu hoạt động tài chính của Vietnam Airlines chưa trở lại ngưỡng an toàn. Đây là khó khăn lớn, làm hạn chế khả năng tăng cường năng lực tài chính. Thêm vào đó, đã phát sinh những diễn biến bất lợi ảnh hưởng đến hoạt động khai thác: Quy mô đội máy bay sụt giảm do lệnh triệu hồi sửa chữa động cơ từ nhà sản xuất, giá nhiên liệu hàng không và tỷ giá ngoại tệ neo cao ở nhiều giai đoạn, bất ổn chính trị - kinh tế thế giới.

Cục Hàng không Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, để trở lại với nhịp độ tăng trưởng ổn định như giai đoạn trước sẽ là một con đường dài với nhiều thách thức.

Trên con đường phục hồi, Vietnam Airlines sẽ cần rất nhiều những trợ lực cả về tài chính và đặc biệt là những tháo gỡ về "điểm nghẽn" trong các quy định pháp luật và cơ chế chính sách từ phía các cấp, các cơ quan có thẩm quyền. Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 sẽ là "cú hích" để Hãng hàng không quốc gia tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn về tài chính mà COVID để lại, hoàn thành tốt nhất sứ mệnh và trách nhiệm của một doanh nghiệp nhà nước.

Tin Cùng Chuyên Mục
Alphanam Group thắng đúp giải thưởng tại Vietnam Property Awards 2024

Alphanam Group thắng đúp giải thưởng tại Vietnam Property Awards 2024

Ngày 15/11/2024, Alphanam Group đã ghi dấu ấn mạnh mẽ tại Vietnam Property Awards 2024 – một trong những giải thưởng bất động sản uy tín nhất Việt Nam, với chiến thắng ở hai hạng mục quan trọng: "Nhà phát triển phong cách sống tốt nhất" (Best Lifestyle Developer) và "Nhà ở mang thương hiệu tốt nhất" (Best Branded Residential Development).
Tin mới