(Tổ Quốc) - Thị trường bất động sản 2 năm qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid -19. Nguồn cung đã sụt giảm từ những năm trước, tiếp tục bị sụt giảm bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng trong cả quý I/2022 cả nước chỉ có thêm 56 dự án bất động sản (BĐS) đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng các địa phương cấp phép.
Đáng chú ý, tồn kho bất động sản gần như không có, dự án ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Nguồn cung hiện nay đang thiếu nghiêm trọng ở tất cả các phân khúc. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu mua nhà ở vẫn rất lớn, nhà đầu tư vẫn coi bất động sản vẫn là nơi trú ẩn an toàn sau đó mới đến vàng, chứng khoán.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc, Bộ phận Định giá và Tư vấn tài chính Savills Hà Nội nhận định, nếu kéo dài, siết tín dụng sẽ tạo ra ảnh hưởng không tốt đến tình hình hoạt động của thị trường bất động sản.
Hai đối tượng chính sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc siết tín dụng là chủ đầu tư và người mua nhà để ở. Đây cũng là hai đối tượng đại diện cho nguồn cung và nguồn cầu của thị trường.
Về phía chủ đầu tư, việc sử dụng đòn bẩy tài chính là một công cụ hữu hiệu để triển khai xây dựng các dự án bất động sản. Bởi vậy khi nguồn vốn vay bị siết chặt, các dự án sẽ bị đình trệ, gây lãng phí cho xã hội, làm xấu cảnh quan và ảnh hưởng đến các ngành nghề liên quan khác như xây dựng, vật liệu xây dựng hay nội thất. Ngoài ra, nguồn cung thị trường cũng sẽ sụt giảm khi nhiều dự án chưa hoàn thiện thi công, giảm nguồn cung.
Đối với người mua nhà để ở, bất động sản là tài sản có giá trị lớn. Do vậy, những người mua nhà có nhu cầu thực nhưng không đủ tiềm lực tài chính cũng sẽ cần nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Vì vậy, siết chặt tín dụng sẽ làm giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn vay cho đối tượng có nhu cầu nhà ở thật.
"Khi cung cầu không gặp nhau, lĩnh vực bất động sản có thể sẽ trải qua những trường hợp như thị trường đóng băng hoặc nợ xấu ngân hàng", vị chuyên gia lo ngại.
Bà Vân cũng chia sẻ, hiện nay, ngành bất động sản đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó bao gồm siết chặt tín dụng. Điều này có thể khiến thị trường hoạt động chậm lại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, để thị trường phát triển lành mạnh trong dài hạn, ngành bất động sản sẽ cần những chiến lược, công cụ khác từ phía cơ quan chính quyền.
"Bất động sản là một lĩnh vực quan trọng có vai trò thúc đẩy nền kinh tế và có liên hệ mật thiết tới nhiều ngành nghề lớn như du lịch, tài chính, xây dựng… Bởi vậy, để phát huy đúng vai trò của lĩnh vực bất động sản và không gây ra rủi ro vĩ mô là một bài toán cần được giải quyết kịp thời", bà Vân nói.
Chuyên gia Savills cho rằng, thay vì siết chặt tín dụng, các ngân hàng thương mại có thể kiểm soát chặt chẽ những nhóm đối tượng được tiếp cận nguồn vốn vay, từ cả phía chủ đầu tư và người mua nhà.
Cụ thể, ngân hàng nên đánh giá uy tín và năng lực của chủ đầu tư. Đồng thời, bản thân chất lượng và hiệu quả tài chính của các dự án bất động sản sử dụng nguồn vốn này cũng cần được xem xét kỹ lưỡng. Từ đó, ngân hàng có thể đảm bảo các dự án sẽ được triển khai đúng thời hạn và có đủ dòng tiền để trả các khoản vay và nợ gốc.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng cần kiểm tra mục đích và khả năng tài chính của đối tượng người mua nhà để tránh những rủi ro phát sinh trong quá trình xử lý các khoản vay nợ.
Quyết định thắt chặt tín dụng bất động sản sẽ có ảnh hưởng nhất định tới cả nguồn cung và nguồn cầu của thị trường. Điều này có thể sẽ dẫn đến sự đình trệ các dự án bất động sản đang và chuẩn bị triển khai. Bởi vậy, cơ quan chức năng và các tổ chức tín dụng cần đưa ra những giải pháp phù hợp để kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, hướng tới quá trình tăng trưởng lành mạnh của thị trường bất động sản.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc siết tín dụng này sẽ càng làm cho thiếu nguồn cung tăng lên và gây ra sốt giá nhiều hơn. Vì các chủ đầu tư khó tiếp cận vốn để phát triển nguồn cung nhà.
Để tháo gỡ tình trạng này, theo ông Võ, rất cần Chính phủ, các tỉnh, thành rà soát lại toàn bộ các dự án hiện có. Dự án nào cần siết tín dụng, nhất là dự án hình thành trong tương lai thì cần phải siết. Dự án nào đã hình thành trên thực tiễn và nhà đầu tư có năng lực tốt thì mạnh dạn giải ngân.
"Chính phủ, UBND các tỉnh cần rà soát dự án, xem dự án nào đang triển khai. Nếu dự án nào chưa triển khai, nếu là sản phẩm hình thành trong tương lai thì có thể xem xét tạm dừng cấp tín dụng vì sợ nợ xấu. Còn với dự án nhà ở có thể tạo cung nhà thật 100% trong ngắn hạn tầm 6 tháng trở lại và vẫn tiếp tục cấp tín dụng phù hợp nhằm tạo ra nguồn cung nhà ở cho thị trường", ông Võ khuyến nghị.
chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết: "Siết dòng vốn vào bất động sản quá đà sẽ khiến cho bản thân các doanh nghiệp không có nguồn vốn, nguồn lực để sản xuất hàng hóa ra thị trường. Khi hàng hóa ít đi rõ ràng sẽ tăng giá bởi cầu có mà cung không.
Thứ hai, đối với những doanh nghiệp làm dự án dở dang hay gần xong mà giờ dòng tiền bị ngưng cho vay thì họ phải dừng lại các dự án dở dang chứ chưa nói đến triển khai thêm dự án mới. Hoặc thậm chí, những doanh nghiệp đang bán hàng trên thị trường cũng cần tiền để thực hiện việc quảng bá mở bán. Giờ dừng lại đột ngột họ không bán được hàng, nợ vay ngân hàng trở thành nợ xấu".
Ông Thịnh cho biết thêm, trước động thái siết dòng vốn vào bất động sản, người mua nhà thực rất khó thực hiện giấc mơ an cư khi mà gặp khó trong việc vay vốn. Việc siết tín dụng cần xem xét chấn chỉnh dòng vốn vào bất động sản thế nào cho thấu đáo, cần cấm - mở lĩnh vực nào, phân khúc nào, đổ vốn vào đâu, cho vay ra sao chứ không nên siết một cách ồ ạt.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, vốn là một trong những yếu tố không thể xem thường trong hoạt động kinh doanh bất động sản. Thị trường vốn gắn chặt với bất động sản. Bên cạnh những doanh nghiệp bất động sản có nguồn lực lớn thì nhiều doanh nghiệp vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng. Nhưng gần đây đã có một số quy định siết tín dụng vào bất động sản khiến doanh nghiệp bất động sản càng thêm khó.
"Siết thị trường vốn thì thị trường bất động sản không phát triển được. Bộ Xây dựng cũng đang đề xuất sửa Nghị định 153 theo nguyên tắc không phải doanh nghiệp bất động sản nào ta cũng cấp vốn như nhau mà nên ưu tiên vốn cho dự án nào hạn chế dự án nào", ông Khởi nói.
Hội Môi giới bất động sản cũng kiến nghị các cơ quan chức năng, bên cạnh việc bảo vệ nhà đầu tư cá nhân trên thị trường tài chính nhiều rủi ro, cần có những chính sách bảo vệ chính các doanh nghiệp bất động sản làm ăn chân chính. Nguồn vốn cần được khơi thông cho mọi ngành nghề trong nền kinh tế, trong đó có bất động sản. Ngoài ra, đã đến lúc các cơ quan chức năng đề xuất những quy định cởi mở hơn để các doanh nghiệp thu hút vốn nước ngoài, cũng như các sản phẩm đầu tư hiệu quả như quỹ đầu tư bất động sản (REIT), chứng khoán hóa bất động sản, Quỹ tiết kiệm nhà ở…
Minh Tâm