(Tổ Quốc) - Eric Yuan từng giữ vị trí phó chủ tịch kỹ thuật của gã khổng lồ công nghệ, kiếm được mức thù lao ở mức "sáu con số". Nhưng tất cả điều đó vẫn không khiến ông hài lòng.
Đại dịch đã và đang xảy ra buộc hàng triệu người phải thích nghi với cuộc sống học tập và làm việc tại nhà, công ty phần mềm hội nghị từ xa Zoom bỗng trở thành một cái tên quen thuộc.
Tính đến ngày 22 tháng 3, số lượng người dùng của công ty đã tăng gần 380% so với một năm trước đó và đó là sau khi công ty đã thêm hơn 2,2 triệu người dùng hàng tháng mới trong 2 tháng đầu năm 2020 (nâng tổng số của công ty lên hơn 15 triệu). Ngày càng có nhiều người làm việc từ xa trên khắp thế giới cần phần mềm để kết nối họ với đồng nghiệp và khách hàng hàng ngày.
Eric Yuan đã mơ ước rời Trung Quốc để đến Thung lũng Silicon ngay từ khi còn là một chàng trai trẻ và được nghe người đồng sáng lập Microsoft Bill Gates phát biểu về sự phát triển hứa hẹn của Internet.
Yuan đã dành hơn hai năm vật lộn với các vấn đề về thị thực, sau tổng cộng đã bị từ chối 8 lần, cuối cùng chàng trai trẻ đã nhận được thị thực Hoa Kỳ trong lần thử thứ chín - trước khi đến Mỹ vào năm 1997 ở tuổi 27. Ông không nói được tiếng Anh nhưng lại biết cách viết mã máy tính và nhận được một công việc kỹ sư tại công ty phần mềm hội nghị truyền hình WebEx.
WebEx đã được bán cho Cisco với giá 3,2 tỷ USD một thập kỷ sau đó (nền tảng này hiện được gọi là Cisco Webex). Yuan trở thành phó chủ tịch kỹ thuật của gã khổng lồ công nghệ, kiếm được mức thù lao ở mức "sáu con số". Nhưng ông vẫn không hài lòng.
"Mỗi ngày, khi tôi thức dậy, tôi không vui lắm. Tôi thậm chí không muốn đến văn phòng để làm việc ", Yuan chia sẻ .
Mặc dù vài năm đầu tiên tại Cisco khá "tuyệt vời", song ông bắt đầu nhận thấy rằng, khi nói chuyện với khách hàng của Cisco Webex về sản phẩm hội nghị truyền hình mà bản thân đã xây dựng, ông ấy "không thấy một khách hàng nào hài lòng".
Theo quan điểm của Yuan, sản phẩm không phát triển đủ nhanh khiến khách hàng không còn niềm tin vào thương hiệu. Trên thực tế, Yuan cho biết vào đầu năm nay Cisco vẫn đang sử dụng một mã lỗi mà ông đã viết cho WebEx khoảng hai thập kỷ trước.
Sri Srinivasan, phó chủ tịch cấp cao kiêm tổng giám đốc nhóm cộng tác của Cisco, cho biết công ty đã "thiết kế lại Webex từ đầu" kể từ nhiệm kỳ của Yuan và chỉ ra rằng khách hàng của Webex bao chiếm khoảng 95% các công ty trong Fortune 500, và hơn 130 triệu người sử dụng Webex mỗi tháng.
Là một kỹ sư phần mềm lâu năm với nhiều bằng sáng chế liên quan đến công nghệ, Yuan cảm thấy rằng sự phát triển của điện thoại thông minh và máy tính bảng đã tạo ra những cơ hội mới để làm cho hội nghị truyền hình di động dễ tiếp cận hơn bao giờ hết.
Nhưng đến năm 2011, Yuan nhận ra rằng, nếu muốn tạo ra một sản phẩm theo cách mình muốn, ông sẽ phải rời bỏ công việc điều hành được trả lương cao để tự thân vươn lên. Ông quyết định rời Cisco và bắt đầu phát triển nền tảng phần mềm hội nghị truyền hình của riêng mình trong khi tìm kiếm nguồn tài trợ để xây dựng sản phẩm và thành lập công ty mới.
"Một mặt, đó thực sự là một rủi ro lớn. Thử nghĩ xem bạn có một vị trí phó chủ tịch và được trả lương rất cao, tại sao bạn lựa chọn rời bỏ nó để bắt đầu từ con số 0? Tuy nhiên, với tôi, ở một khía cạnh nào đó, tôi không hài lòng với công việc này. Vì vậy, về mặt tinh thần, đó không phải là một rủi ro lớn. Mục đích của cuộc sống là theo đuổi hạnh phúc, và khi ấy tôi đã không hạnh phúc. Còn gì đáng sợ hơn nữa?"
Trong 9 năm kể từ khi Yuan thành lập Zoom, công ty hiện đã phát triển với gần 2.000 nhân viên, đồng thời tăng gần gấp đôi doanh thu vào năm 2019 lên hơn 620 triệu USD. Zoom đã ra mắt lần đầu trước công chúng vào tháng 4 năm 2019, nó đã trở thành một trong những đợt ra mắt công chúng thành công nhất trong năm.
Nhờ vào lượng người dùng tăng đột biến trong bối cảnh đại dịch corona, cổ phiếu của công ty đã tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm 2020, nhờ đó mang lại cho Zoom mức định giá thị trường khoảng 42 tỷ USD. Trong khi đó, Yuan có 22% cổ phần trong công ty hiện trị giá hơn 9 tỷ USD.
Khi Yuan thành lập Zoom có trụ sở tại San Jose, thị trường hội nghị truyền hình khá đông đúc, được thống trị bởi những gã khổng lồ công nghệ như Cisco, Google và Skype (đã bán cho Microsoft với giá 8,5 tỷ USD vào năm 2011). Điều đó khiến Yuan gặp khó khăn trong việc thuyết phục các công ty đầu tư mạo hiểm ủng hộ dự án kinh doanh mới của mình.
Cuối cùng, Yuan đã huy động được 3 triệu USD tiền tài trợ từ người sáng lập WebEx Subrah Iyar (hiện là cố vấn của Zoom) và công ty đầu tư mạo hiểm TSVC. Zoom đã ra mắt sản phẩm chính thức đầu tiên vào năm 2013. Nó nhanh chóng trở nên phổ biến với các khách hàng doanh nghiệp, với hơn 3.500 doanh nghiệp sử dụng Zoom trong vòng 5 tháng kể từ khi ra mắt.
Hai năm sau, con số đó đã nhanh chóng tăng lên khoảng 65.000 công ty, với hơn 40 triệu cá nhân tham gia sử dụng phần mềm hội nghị truyền hình của Zoom. Một phần lý do cho việc áp dụng nhanh chóng đó là: Zoom cung cấp một sản phẩm miễn phí mà mọi người có thể sử dụng để truyền phát cuộc gọi điện video trên thiết bị di động của họ hoặc đồng bộ hóa với thiết bị hội nghị truyền thống trong không gian văn phòng.
Zoom vẫn cung cấp các dịch vụ "cơ bản" miễn phí, nhưng khách hàng doanh nghiệp có thể trả tiền đăng ký hàng tháng để nhận được nhiều tính năng hơn và cho phép nhiều người tham gia sử dụng phần mềm hơn.
Toàn bộ chiến lược tiếp thị của họ vào thời điểm đó đều dựa vào quảng bá "truyền miệng". Ông nói: "Chúng tôi thậm chí không có đội ngũ tiếp thị cho đến năm 2015".
Trong khi đó, bản thân Yuan thậm chí còn đi sâu vào dịch vụ khách hàng bằng cách tự mình trả lời email cho khách hàng về phản hồi về chất lượng sản phẩm. "Bất cứ khi nào tôi thấy ai đó , ngưng sử dụng, tôi sẽ liên lạc qua email cho họ để cố gắng hiểu chuyện gì đã xảy ra", Yuan nói và cho biết thêm rằng ông đã "học được rất nhiều" từ thực tiễn này.
Mặc dù Zoom đang trên đà phát triển kể từ đầu năm nay, con đường của công ty không hoàn toàn không có trở ngại - bằng chứng là phản ứng dữ dội mà Zoom đã vấp phải vào tháng 7 sau khi một lỗ hổng trong ứng dụng được công khai. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một lỗi bảo mật có thể cho phép tin tặc truy cập vào các phiên trò chuyện video Zoom, điều này đã đánh vào nỗi lo của công chúng liên quan đến an ninh mạng và quyền riêng tư trong không gian công nghệ.
Zoom đã nhanh chóng khắc phục sự cố bằng một bản vá bảo mật nhỏ, Yuan cho biết sự cố đã dạy ông một bài học về tầm quan trọng của một nhà lãnh đạo công nghệ để nhanh chóng nắm bắt và xử lý trong bất kỳ tình huống nào.
Yuan tin rằng vẫn còn nhiều khoảng trống để công ty phát triển. Trên thực tế, ông tin rằng vào một ngày nào đó, Zoom có thể tiếp cận hơn một tỷ người dùng cá nhân.
"Có hơn 1 tỷ nhân viên văn phòng trên toàn thế giới. Mục tiêu của chúng tôi là kết nối tất cả 1 tỷ nhân viên tri thức đó với nền tảng Zoom. Vì vậy, với vị trí hiện tại của chúng tôi... tôi nghĩ chúng tôi chỉ mới bắt đầu theo đúng nghĩa đen ", Yuan cho biết.
Theo CNBC
Thùy Anh