(Tổ Quốc) - Năm 2021, Công ty Cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội, chủ sở hữu thương hiệu rượu Vodka Man, Nếp mới… tiêu thụ tổng cộng 2,46 triệu lit rượu, mang về… khoản lỗ hơn 26 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội – HALICO tiền thân là nhà máy rượu Hà Nội do hãng rượu Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898, đây là nhà máy lớn nhất trong 5 nhà máy được xây dựng ở khu vực Đông Dương thời bấy giờ.
Qua 120 năm hình thành, xây dựng và phát triển, HALICO ngày nay là doanh nghiệp sản xuất rượu uy tín, lớn nhất Việt Nam với các nhãn rượu nổi tiếng được nhiều người tiêu dùng trong nước và quốc tế yêu thích.
Giai đoạn 2012 trở về trước, Halico đều đặn có lãi trăm tỷ mỗi năm, thương hiệu Vodka Hà Nội từng phủ sóng khắp các nhà hàng, quán ăn, từng là "huyền thoại" trong phân khúc rượu bình dân.
Nguồn: Doanh nghiệp hội nhập
Có lịch sử lâu đời và sở hữu "thương hiệu vượt thời gian", lại được Tập đoàn Diageo - công ty rượu lớn nhất thế giới đồng thời là chủ sở hữu nhiều thương hiệu rượu nổi tiếng thế giới như Johnnie Walker, Bailey, Smirnoff… mạnh tay chi khoảng 1.945 tỷ đồng, tương đương 90 triệu USD để nắm giữ 45% cổ phần vào giai đoạn 2011 - 2012, những tưởng Halico sau đó sẽ vút cánh bay cao...
Năm 2013, Halico khiến người ta bất ngờ khi kết quả kinh doanh tụt dốc và từ năm 2015 trở đi, công ty chính thức chìm trong thua lỗ... Lỗ đến mức mà trong Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, mức lợi nhuận công ty dự kiến là.... âm 24,77 tỷ đồng.
Đến nay, nếu tính cả kế hoạch 2022 thì Halico sẽ có 8 năm liên tiếp chứng kiến mức lợi nhuận âm.
Nguồn: An Vũ, tổng hợp từ BCTC của Doanh nghiệp
Trong cơ cấu doanh thu của công ty rượu là sản phẩm chính, chiếm 88,8% doanh thu bán ra (đã loại trừ thuế TTĐB). Với mặt hàng rượu, tỷ lệ giá vốn chiếm hơn 60% doanh thu, nghĩa là cứ 100 đồng rượu bán ra, chi phí sản xuất chiếm 60 đồng.
Nếu để so sánh với các DN trong ngành bia như ông lớn Sabeco (Tổng Công ty Bia - Rượu - NGK Sài Gòn) hay Habeco (Tổng Công ty Bia - Rượu - NGK Hà Nội)… có tỷ lệ giá vốn/doanh thu luôn ở mức trên 70% thì chi phí sản xuất của Halico đang thấp hơn.
Tuy nhiên, do sản lượng tiêu thụ không đạt điểm hoà vốn nên lợi nhuận gộp của Halico không đủ bù đắp cho chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, dẫn đến kết quả lợi nhuận chung của công ty âm.
Hệ quả tất yếu của việc kinh doanh không hiệu quả trong nhiều năm là khoản lỗ luỹ kế trên BCTC vào 31/12/2021 lên đến hơn 470 tỷ đồng, "ăn mòn" hơn 1 nửa vốn chủ sở hữu bao gồm vốn góp của chủ sở hữu 200 tỷ đồng và quỹ đầu tư phát triển hơn 613 tỷ đồng.
Tổng TS và Vốn CSH của Halico từ 2016 đến nay - Nguồn: An Vũ tổng hợp từ BCTC kiểm toán của công ty
Những nguyên nhân được Công ty lý giải cho việc thua lỗ
Nhóm nguyên nhân khách quan: Thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng thực phẩm nói chung và mặt hàng rượu nói riêng ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, hình ảnh và bao bì mẫu mã; Sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng rượu khác, đặc biệt là cạnh tranh không lành mạnh từ việc trốn lậu thuế, làm hàng giả, hàng nhái của các cơ sở tư nhận; Khó khăn khách quan do tình hình Covid.
Bên cạnh đó, các nguyên nhân chủ quan từ nội tại công ty như: nhu cầu sản xuất đang thấp hơn năng lực sản xuất dẫn đến không giảm được giá thành; các chương trình, hệ thống bán hàng trước đó không đạt hiệu quả chưa được giải quyết dứt điểm; chi phí lương không đổi trong khi năng lực sản xuất giảm; chưa khai thác được thế mạnh trong việc hợp tác với đối tác Diageo.
Mặc dù có kết quả kinh doanh lỗ nhiều năm, nhưng về cơ cấu nguồn vốn, Halico vẫn đang chủ yếu kinh doanh bằng nguồn vốn chủ sở hữu, chiếm 95% tổng nguồn vốn.
Công ty không vay vốn Ngân hàng, ngược lại còn có tiền gửi. Số dư tiền gửi có kỳ hạn tăng từ 89,5 tỷ đồng cuối năm 2020 lên 109 tỷ đồng cuối năm 2021.
Về cơ cấu cổ đông, đến 31/12/2021, Habeco vẫn là cổ đông lớn nhất với 10.858.041 cổ phần, chiếm tỷ lệ hơn 54%. Cổ đông thứ hai là Streetcar Investment Holding Pte Ltd (“Streetcar”), Streetcar là một thành viên của Tập đoàn Diageo, một tập đoàn hàng đầu thế giới về đồ uống cao cấp với các nhãn hiệu đồ uống có cồn gồm rượu mạnh, bia và rượu vang được bán trên hơn 180 quốc gia
Trích Báo cáo thường niên 2021 của Halico
An Vũ