CEO 9X: Kẻ “ngoại đạo” dám ước mơ xây dựng “Amazon” trong lĩnh vực kiến trúc

Nguyễn Cẩm Tú tự nhận mình là một người ngoại đạo nhưng dám ước mơ và đang trong quá trình hoàn thiện giấc mơ về một “Amazon” trong lĩnh vực kiến trúc, thiết kế, thi công, nội thất tại Việt Nam.

 

CEO 9X: Kẻ “ngoại đạo” dám ước mơ xây dựng “Amazon” trong lĩnh vực kiến trúc - Ảnh 1.

Trong suốt cuộc trò chuyện, nữ CEO sinh năm 1993 luôn tự khẳng định, mình là một người ngoại đạo, dám dấn thân và thử thách để xây dựng một "Amazon" về kiến trúc, thiết kế, thi công, nội thất tại Việt Nam. Điều mà cô tự tin cho dự án này là tuổi trẻ, sự nhiệt huyết, những trải nghiệm cũng như góc nhìn của "dân" marketing.

2 năm quan sát, 6 tháng chuẩn bị cho "giấc mơ Amazon"

Từ khi nào, ý tưởng về xây dựng nền tảng thương mại trực tuyến trong trong lĩnh vực thiết kế, kiến trúc, nội thất, thi công xuất hiện trong Tú?

Xuất phát điểm của tôi là một người làm marketing, branding và tư vấn truyền thông... Tôi từng có 5 năm làm trong lĩnh vực bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng và được trải nghiệm hầu hết các khách sạn 5 – 6 sao tại Việt Nam. Mỗi khi đến một khách sạn hay một quán café đẹp, tôi luôn tự hỏi: "Làm cách nào để họ xây được những công trình ấn tượng như vậy? Nội thất của họ do ai thiết kế? Phong cách trang trí này là gì?"… Càng đi nhiều tôi lại càng cảm thấy hứng thú với thiết kế kiến trúc hơn bởi nó là những thứ rất gần gũi, cần thiết với cuộc sống.

Đặc biệt là sau mỗi lần chuyển nhà, khi thiết kế lại căn hộ hay mua sắm nội thất, tôi mất rất nhiều thời gian để lựa chọn đủ những thứ cần thiết. Lúc đó tôi chợt nhận ra, ở Việt Nam chưa có nền tảng thương mại trực tuyến nào dành riêng cho lĩnh vực này, trong khi có rất nhiều sàn về tiêu dùng, điện tử như Shopee, Lazada… Từ đó tôi nảy ra suy nghĩ về một "Amazon Việt". Song, tôi không có bất kỳ kinh nghiệm nào về lĩnh vực này nên cứ chần chừ.

Tôi mất 2 năm để quan sát, tìm hiểu nhu cầu thị trường và phát hiện ra cũng có rất nhiều người như mình, không biết phải tìm kiếm sản phẩm nội thất hay thi công như nào trong một "rừng" thông tin trên Internet. Khi trao đổi với một vài người có kinh nghiệm, tôi nhận được những lời khuyên hữu ích và bắt tay xây dựng Vietnam Design & Build Center (VDBC) từ tháng 9/2022. Dự kiến, "ước mơ Amazon" của tôi sẽ chính thức ra mắt vào tháng 3/2023.

CEO 9X: Kẻ “ngoại đạo” dám ước mơ xây dựng “Amazon” trong lĩnh vực kiến trúc - Ảnh 2.

Là một người ngoài ngành, không có kinh nghiệm nào về lĩnh vực kiến trúc, Tú có thấy mình đang mạo hiểm hơi quá không?

Thực ra nhiều người luôn nói, lợi thế nhất của tuổi trẻ chính là dám thử thách, dám liều mình để đạt được giấc mơ. Tôi thấy mình đang ở thời điểm của sự giao thoa, vẫn còn đủ trẻ để có thể mạo hiểm, vẫn còn đủ nhiệt huyết để theo đuổi những thứ mới mẻ. Nhưng đồng thời, tôi cũng đã có đủ trải nghiệm ở những vị trí phù hợp để triển khai công việc một cách tốt nhất. Những bài học và cả những kinh nghiệm đau thương giúp tôi có sự kiên định, có những góc nhìn sáng tạo trên con đường mới.

Tôi cũng may mắn vì có những người cộng tác đáng tin cậy, những người phong phú về chuyên môn, giàu kiến thức, luôn sát cánh cùng tôi trong quá trình xây dựng một sản phẩm mới, không chỉ trong lĩnh vực kiến trúc, thiết kế mà còn cả về công nghệ.

Nếu nghĩ thất bại, sẽ không ai dám làm

Khi start-up, người ta hay nhắc đến bài toán quan trọng nhất là vốn. Vậy vốn cho lần start-up này từ đâu?

Tôi sẽ không nói về số tiền cụ thể, nhưng đó là tất cả những gì tôi có. Tôi cũng có sự hỗ trợ từ các quỹ khởi nghiệp nữa.

Tú có sợ thất bại, có sợ mất trắng hay không?

Nói không sợ thì không đúng, nhưng tôi đã có 2 năm để nghiên cứu thị trường, có những cố vấn giỏi, có kinh nghiệm của bản thân thì tại sao lại không dám làm? Nếu nghĩ thất bại thì chẳng ai lại bắt tay vào làm, cũng chẳng ai dám đầu tư.

Tôi có tự tin để nói rằng, dự án của tôi không có rủi ro vì ở một thời điểm nào đó trong đời, ai cũng sẽ có nhu cầu về kiến trúc nội thất, dù là xây một căn nhà hay chỉ mua một cái bàn, cái ghế… Tôi đứng ở góc độ của một người tiêu dùng chứ không phải một kiến trúc sư, một nhà thi công để xây dựng sản phẩm này.

CEO 9X: Kẻ “ngoại đạo” dám ước mơ xây dựng “Amazon” trong lĩnh vực kiến trúc - Ảnh 3.

Một sản phẩm mới thì lúc nào cũng khó để tiếp cận với thị trường, sẽ khó thu hút các nhà đầu tư. Tú giải quyết vấn đề này thế nào?

Dĩ nhiên là khi làm một cái gì đó mới thì cũng có những sự nghi ngờ, cũng phải mất thời gian để tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, đây lại là điểm mà tôi có thể phát huy thế mạnh marketing của mình.

Sản phẩm là một sân chơi được tối ưu hóa về giao diện và tính năng để những người dù đã lớn tuổi và không giỏi về công nghệ cũng có thể tự tìm kiếm món đồ mà họ muốn, tìm kiếm thông tin mà họ cần… Ngoài những lợi ích cho người sử dụng, tôi cũng muốn tạo ra một nền tảng kết nối tất cả các khâu, các cá nhân, đơn vị trong ngành; mở ra con đường ngắn hơn để tiếp cận với khách hàng với chi phí tối ưu, thay vì họ phải đầu tư quá nhiều tiền, chi phí cho phần marketing, branding một cách nhỏ lẻ, manh mún.

Cảm ơn những chia sẻ của Tú!

Tin mới