(Tổ Quốc) - "Trong thời đại này, không ai có thể bắt đầu một doanh nghiệp bất động sản mà không tiếp cận với một nguồn vốn lớn. Thương mại điện tử cũng vậy", CEO Leflair - Loic Gautier nói.
Thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng và vẫn đang duy trì sức hút của mình, kéo theo cuộc đua đốt tiền chưa có hồi kết của những ông lớn. Tuy nhiên, sự khắc nghiệt này cũng khiến không ít cái tên phải rời bỏ cuộc chơi, mà mới đây nhất là Leflair - sàn thương mại điện tử (TMĐT) chuyên về thời trang hàng hiệu.
Sau những lùm xùm hậu phá sản, CEO Loic Gautier đã có lần xuất hiện chính thức đầu tiên với một tờ báo của Việt Nam, đồng thời trả lời một số câu hỏi từ công chúng.
Hết tiền trước khi có lợi nhuận
Một trong những câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất về Leflair chính là nguyên nhân dẫn đến phá sản.
Trả lời vấn đề này, Loic cho rằng khi vận hành một doanh nghiệp và lựa chọn mở rộng quy mô thì sau đó, cách duy nhất là tiếp tục theo đuổi đà tăng trưởng đó cho đến khi đạt đến một quy mô đáng kể nhất định. Đồng thời, thất bại không đến từ một sự kiện đơn thuần hay một sai lầm duy nhất.
“Đối với Leflair, điều thực sự đã giết chết công ty không phải vì chúng tôi không có đủ khách hàng. Công ty vẫn tăng trưởng qua từng năm, vẫn tuyển thêm người chỉ vài tuần trước khi phá sản. Chỉ là chúng tôi đã hết tiền mặt trước khi có thể hòa vốn hoặc gọi thêm tiền từ vòng gọi vốn kế tiếp”, Loic chia sẻ.
Hai nhà sáng lập Leflair: Loic Gautier (bên phải) và Pierre-Antoine Brun (bên trái).
Trong khi đó, việc hành động và đưa ra giải pháp phức tạp hơn nhiều so với chỉ nói miệng rằng phải dừng việc đốt tiền ngay lập tức trước khi chúng hết sạch. Ví dụ, tắt quảng cáo qua đêm sẽ giúp giảm chi phí nhưng lại ảnh hưởng đến doanh số, gây nên mối nguy khác cho doanh nghiệp. Ngoài ra còn có nhiều ràng buộc với nhân viên, nhà cung cấp và đối tác.
Anh cũng cho rằng, về phía các nhà đầu tư, phát triển chậm lại đồng nghĩa với việc bạn đã đưa cho họ cái cớ để nghi ngờ doanh nghiệp của mình. Đặc biệt là ở những vòng gọi vốn sau, họ không có lý do đủ thuyết phục để đầu tư mà chỉ thấy những lý do để quyết định không đầu tư vào startup.
Một nguyên nhân khác, doanh nghiệp cũng là những cá thể bị phụ thuộc vào biến động thị trường. “Đôi khi doanh nghiệp lao đao vì sự luẩn quẩn của những biến động. Giữa việc phá sản và thành công vượt bậc, còn có hàng ngàn kết quả khác nữa. Nhiều kết quả thậm chí không dễ chịu bằng việc phá sản một cách nhanh chóng”, CEO Leflair cho hay.
Nếu có cơ hội làm lại sẽ không chọn Việt Nam
Có ba điều mà nếu được bắt đầu lại, CEO Leflair sẽ làm khác đi.
Thứ nhất, anh cho rằng mình không nên đợi chờ quá lâu trước khi mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều quốc gia khác. Đồng thời, nếu được làm khác đi, Loic muốn “thành lập công ty ở Singapore”.
Vị CEO giải thích, dù Việt Nam là một quốc gia giàu tiềm năng bậc nhất trong khu vực nhưng với ngành thương mại điện tử, nơi có tỷ lệ thâm dụng vốn cao và yêu cầu phải tạo được một nguồn vốn vững chắc để mở rộng, bạn sẽ phải suy nghĩ đến quy mô thị trường. Trong khi đó tổng quy mô nền kinh tế của hơn 100 triệu dân Việt Nam chỉ tương đương GDP của San Diego, California.
Đồng thời Loic khẳng định: “Tôi đố bạn tìm được doanh nghiệp thương mại điện tử nào mà không bắt đầu bằng việc huy động lượng vốn lớn hay không được sáng lập bởi triệu phú, tỷ phú. Đừng lấy ví dụ về Amazon hay Alibaba vì họ đã bắt đầu từ rất sớm”.
Thứ hai, anh sẽ huy động nhiều vốn hơn ở những vòng gọi vốn trước đó để có thể vượt qua khủng hoảng, dù điều này không thực sự phổ biến. Trong thời đại này, không ai có thể bắt đầu một doanh nghiệp bất động sản mà không tiếp cận với một nguồn vốn lớn. Thương mại điện tử cũng vậy.
Cuối cùng, CEO Leflair cho biết sẽ đầu tư vào đội ngũ công nghệ nhiều hơn nếu có cơ hội bắt đầu lại.
Shopee kỳ diệu, Lazada bền vững, Tiki truyền cảm hứng
Một câu hỏi lớn khác được đặt ra cho CEO Leflair là đưa ra nhận định về các ông lớn trong thị trường TMĐT Việt Nam hiện nay, bao gồm Shopee, Tiki, Lazada và Sendo.
Đối với Shopee, Loic cho rằng sàn TMĐT này đạt được thành công vượt bậc không chỉ vì tập đoàn chủ quản Sea đã nhanh chóng cam kết rót số vốn lớn vào doanh nghiệp mà còn bởi cách họ tạo ra sản phẩm thu hút khách hàng, đặc biệt là những người trẻ. “Shopee là một doanh nghiệp thực sự kỳ diệu, họ biết được khách hàng trong toàn khu vực muốn gì”, vị CEO nhận định.
Lazada lại là một mô hình kinh doanh khác. Họ đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và những thứ diễn ra đằng sau màn hình giao diện với khách hàng.
“Xét về phương diện xây dựng một doanh nghiệp theo hướng thành công vượt bậc và bền vững, có lợi nhuận như cách mà Amazon hay Alibaba đã làm, Lazada đang là người làm tốt nhất thị trường. Họ có nhiều tài sản, tham gia vào thị trường lâu hơn và những dấu ấn họ đang tạo ra cũng đáng kinh ngạc.”
Còn Tiki và Sendo, cả hai đều là doanh nghiệp thương mại điện tử nội địa thành công nhất hiện nay. Câu chuyện khởi nghiệp của Tiki thực sự ấn tượng và truyền cảm hứng cho toàn bộ ngành. Sản phẩm, chất lượng dịch vụ của Tiki đều rất tuyệt vời và tốt hơn so với các đối thủ khác trên thị trường.
Với Sendo, Loic cho biết không nghiên cứu quá nhiều về mô hình kinh doanh của sàn TMĐT này nên không thể đưa ra nhận định.
T.D