(Tổ Quốc) - Có thể nói, Leo Đinh - Founder/CEO Sun Wolf đang sống trong những ngày tháng hân hoan nhất đời mình. Sau nhiều năm ấp ủ, cuối cùng anh cũng đã có thể toàn tâm toàn ý làm phim hoạt hình mà mình muốn: đủ chuẩn chiếu rạp và chinh phục được khán giả Việt Nam cũng như thế giới. Hành trình phía trước chắc chắn rất gian khó, nhưng anh tin mình và team đủ kiên nhẫn cũng như đam mê.
Mới đây, Leo Đinh cùng cộng sự của mình đã chính thức ra mắt công ty Sun Wolf Animation Studio, chuyên làm về hoạt hình. Nói là ‘tân binh’ nhưng cả Leo Đinh và Sun Wolf thật ra không phải là người mới ở thị trường này.
Leo Đinh tốt nghiệp Cử nhân Đa phương tiện của trường Đại học Công nghệ Swinburne ở Melbourne – Úc. Sáng lập Red Cat Motion vào năm 2012 và giữ vai trò Giám đốc sáng tạo.
Leo Đinh chính là Founder của Red Cat Motion – công ty chuyên về marketing digital lớn nhất nhì Việt Nam và đã làm rất nhiều phim hoạt hình nhằm quảng bá sản phẩm cho những thương hiệu hàng đầu Việt Nam như Biti’s, Coca Cola, Kun… Còn Sun Wolf cũng đã được 2 năm tuổi, đã có 14 tháng làm Phim hoạt hình ý tưởng U Linh Tích Ký: Bột Thần Kỳ, cũng như chiêu mộ được một đội ngũ vài chục người.
Nhìn vào chặng đường sự nghiệp của Leo Đinh, có thể thấy, cả cuộc đời anh chỉ có một tình yêu duy nhất là ‘phim hoạt hình’ và sẵn sàng cống hiến tất cả những gì mình có để làm ra những tác phẩm hay như mình mong muốn.
Tuy nhiên, khởi đầu của anh không hề dễ dàng. Cách đây 10 năm, sau khi về Việt Nam, vì chưa đủ nguồn lực cũng như trình độ kỹ thuật để làm điều mình muốn, Leo Đinh đã tạm gác lại giấc mơ, để mở các công ty chuyên về quảng cáo nhằm kiếm tiền, rèn luyện tay nghề về xây dựng đội ngũ.
5 năm sau, khi cảm thấy mình đã chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình vất vả và dài hơi, Leo Đinh lại bắt đầu thắp lại ngọn lửa hoạt hình trong mình.
Cơ hội đầu tiên của anh là vào một ngày đẹp trời, khi đại diện Biti’s gọi điện tới đề nghị cùng làm một bộ phim hoạt hình đậm đặc văn hóa Việt Nam, nhưng cộng thêm lời thú nhận, ‘bên anh không có nhiều tiền’. Tuy nhiên, vì mong ước của Biti’s quá giống Leo Đinh, nên dù biết sẽ gặp nhiều trở ngại, song chàng trai trẻ này vẫn nhận lời.
Cho đến thời điểm này, Leo Đinh đã không còn quản lý RedCat nữa mà trao lại nhiệm vụ đó cho cộng sự phù hợp, để toàn tâm toàn ý xây dựng và phát triển Sun Wolf. Leo Đinh dự định sẽ tiến hành làm 3 phim và series trong 10 năm: Tản Viên Phong Châu, U Linh Tích Ký và Hành Trình Nhân Quả - Karma Journey.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm tích lũy được cộng với nguồn vốn dồi dào và những tác phẩm đầu tiên tạo được tiếng vang lớn, anh tin hành trình này sẽ ngắn lại rất nhiều. Ví dụ: nếu bây giờ làm lại demo Bột Thần Kỳ, Sun Wolf chỉ mất 5 đến 6 tháng thay vì 14 như trước kia.
ĐỂ CÓ 3 GIÂY TRÊN MÀN ẢNH THÌ ĐỘI NGŨ SUN WOLF PHẢI MẤT 300 GIỜ LÀM VIỆC
Chúng tôi nghe rằng, anh đã phải bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc cho Phim hoạt hình ý tưởng U Linh Tích Ký: Bột Thần Kỳ, ví dụ: để có 3 giây trên màn ảnh thì đội ngũ Sun Wolf phải mất 300 giờ làm việc. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về quá trình tạo nên 1 khung cảnh trên màn hình?
Những hình ảnh trong Phim hoạt hình ý tưởng U Linh Tích Ký: Bột Thần Kỳ.
Do lựa chọn của tôi và Sun Wolf là làm phim hoạt hình theo cách truyền thống – vẽ tay, để có những nét vẽ uyển chuyển – mượt mà – cảm xúc. Đối với phim hoạt hình truyền thống, cứ mỗi giây mà khán giả xem trên màn ảnh, chúng tôi phải tạo ra 12 frame hình thì mới có thể diễn tả trọn vẹn điệu bộ - cử chỉ của nhân vật.
Như mọi người biết, mỗi công đoạn phác thảo 1 hình ảnh có 5 bước, chúng ta cứ lấy 12 nhân 5 là hơn 60; nhưng thực tế là mình phải vẽ hơn lý thuyết rất nhiều lần. 1 frame, SunWolf đã phải vẽ mấy trăm bức như vậy và mỗi bức hình mình cũng phải mất nhiều thời gian để trau chuốt. Đó là lý do vì sao 1 giây trên màn hình cần rất nhiều thời gian.
Khi mình thiết kế 1 nhân vật, phải bảo đảm các yếu tố như: thứ nhất là về nhận diện – mình nhìn vào là biết ngay nó là con/cái gì, thứ hai là hình vẽ - làm sao giúp cho chuyển động mượt mà và giúp cho cảm xúc được thể hiện dễ dàng; thứ ba là yếu tố về màu sắc.
Ví dụ: trong quá trình tìm kiếm chất liệu, chúng tôi cần 1 con linh thú có thể đại diện cho văn hóa Việt Nam. Chúng tôi đã tìm thấy con Nghê - đó là 1 con vật rất thú vị. Từ lúc quyết định chọn Nghê làm linh vật cho 1 series của chúng tôi, đến khi ra được hình ảnh mà các bạn thấy trên màn hình, là đã trải qua 400 lần phác thảo.
Vậy việc đầu tư quá lớn có phải là rào cản khiến mảng phim hoạt hình Việt rất khó để tiệm cận chất lượng toàn cầu?
Theo quan điểm của tôi, trở ngại với những người đi đầu – mặc dù tôi không dám nhận mình là người đi đầu; hay nói cách khác, trở ngại với những người ‘chịu làm’ là chưa có bất cứ 1 hình mẫu thành công nào ở Việt Nam để noi theo.
Tại Việt Nam đã có nhiều phim điện ảnh thành công, nhưng phim hoạt hình thì chưa từng có. Cho nên, các nhà đầu tư trong mảng hoạt hình sẽ đầu tư vào khát vọng, con người và đội ngũ.
Nhiều anh chị đạo diễn ở Việt Nam rất yêu hoạt hình, nhưng chưa làm vì nhiều lý do. Nhiều đơn vị phát hành tại Việt Nam lúc tôi gặp cũng bảo: muốn đầu tư vào hoạt hình nhưng chưa thấy ai làm và có tiềm năng lớn.
Nhiều anh chị trong showbiz đã bán nhà bán xe để làm phim, còn anh thì sao?
May mắn là tôi chưa phải bán gì cả. Hiện tại, tôi mình đang lấy doanh thu từ quảng cáo để đầu tư vào phim hoạt hình. Ngoài ra, tôi vẫn đang tích cực đi kêu gọi vốn đầu tư cho các tác phẩm của Sun Wolf.
Tôi và Sun Wolf đón chào tất cả những nhà đầu tư, cả trong và ngoài ngành. Ngoài tiền, thì tôi cũng mong muốn các nhà đầu tư hỗ trợ đưa phim của mình ra thị trường quốc tế; tức họ phải có networking rộng – kinh nghiệm và đường hướng có thể giúp mình làm được điều đó.
Vậy nên, không hẳn là nhà đầu tư chuyên về điện ảnh thì có lợi thế hơn, những nhà đầu tư ngoài ngành nhưng có nhiều mối quan hệ tốt và quan tâm tới văn hóa Việt Nam, cũng sẽ được chúng tôi hoan nghênh.
ĐÃ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC 2 KHÓ KHĂN ĐẦU TIÊN LÀ CON NGƯỜI – KỸ THUẬT, GIỜ CHỈ TẬP TRUNG CẢI THIỆN NỘI DUNG
Vậy đâu là nguyên do khiến mảng hoạt hình và điện ảnh của Việt Nam vẫn còn phát triển chậm so với khu vực và thế giới?
Với tư cách là người trong ngành, góc nhìn của tôi như thế này: nếu nói về lĩnh vực điện ảnh nói chung, chúng ta cần rất là nhiều thời gian để trưởng thành; vậy nên, câu chuyện hoạt hình mất rất nhiều thời gian để phát triển là chuyện tất nhiên.
Đối với tôi, khi ở lâu trong ngành hoạt hình Việt Nam, cái khó còn ở câu chuyện con người – quá trình sản xuất và cả về nội dung nữa. Hành trình của tôi trong thời gian qua, là làm sao để tìm được hướng đi, giải quyết 2 khó khăn đầu tiên: con người và kỹ thuật. Còn hiện tại, tôi đã tự tin hơn và chỉ tập trung vào cải thiện nội dung.
Không chỉ Sun Wolf mà tại Việt Nam, vẫn có nhiều bạn trẻ với nhiều công ty khác nhau đang ấp ủ làm những dự án riêng cho mình. Nhìn vào những công ty như vậy, tôi thấy mọi người có một nỗ lực là muốn làm.
Và ở Việt Nam mình, cũng có rất nhiều công ty gia công cho các phim ở châu Âu – Mỹ, cho Nhật Bản…Cho đến thời điểm này, sau nhiều năm ‘đánh thuê’ cho cả thế giới, tất cả chúng tôi điều muốn làm cái gì đó cho riêng mình.
Kịch bản yếu là một trong những nguyên do khiến nền điện ảnh Việt Nam chưa thể bật lên và chiến thắng ở các liên hoan phim. Vấn đề này ở Sun Wolf đang như thế nào?
Trong đội ngũ Sun Wolf vẫn rất tập trung vào câu chuyện kịch bản. Về phần nội dung kịch bản, tôi đang làm với 1 bạn biên tập, tức 2 người sẽ trực tiếp làm, ‘đấu đá’ lẫn nhau, tìm kiếm cách kể chuyện hay nhất cho câu chuyện của mình. Thậm chí, nhiều khi chúng tôi viết kịch bản xong rồi vẫn đập đi làm lại.
Quy trình của chúng tôi: sau khi viết kịch bản xong, sẽ có một đội ngũ phản biện tham gia, tiếp theo team sẽ làm sản phẩm ngắn thử nghiệm với 1 nhóm khán giả nhỏ… Quy trình này có thể làm cởi mở hơn so với những cách truyền thống.
Lợi thế của phim hoạt hình là mình có thể là làm trước khi sản xuất. Sau khi có kịch bản, chúng ta có thể mang ra vẽ phác thảo và cho người ta xem được sơ lược câu chuyện mình kể ra làm sao, sau đó nếu tốt mới sản xuất ra thành phẩm hoàn chỉnh. Tôi nghĩ đây là 1 quy trình tốt để có thể sản xuất ra những tác phẩm chất lượng.
CHỈ LẤY CẢM HỨNG TỪ CHẤT LIỆU DÂN GIAN VIỆT NAM ĐỂ TẠO THẾ GIỚI RIÊNG CỦA MÌNH, CHỨ KHÔNG BÊ NGUYÊN XI
Dường như, trong phim hoạt hình ý tưởng U Linh Tích Ký: Bột Thần Kỳ và các poster giới thiệu các phim khác, chúng ta có thể thấy thấp thoáng đâu đó hình ảnh quen thuộc là biểu tượng của các phim hoạt hình đã nổi tiếng thế giới?
Bởi vì tôi lớn lên trong giai đoạn toàn cầu hóa – lớn lên với phim hoạt hình, nên xem phim hoạt hình của nước ngoài rất là nhiều, các bạn trong team cũng vậy. Tất cả những hãng phim hoạt hình lớn trên thế giới, với Sun Wolf thì như những ngôi sao, để mình phấn đấu và học tập.
Nên trong thời gian phát triển những dự án phim của mình, ngoài những nét riêng đặc trưng, thì đâu đó vẫn có những nét giống khiến khán giả so sánh. Mình đi sau nên điều đó không thể tránh khỏi! Đó cũng là một trong những động lực để chúng tôi hoàn thiện mình, tạo ra được phong cách riêng biệt cho bản thân.
Kinh nghiệm cho thấy, lấy chất liệu văn hóa truyền thống để làm phim tại Việt Nam rất dễ gây tranh cãi. Vậy định hướng của Sun Wolf là như thế nào? Theo anh, làm phim dựa vào cảm hứng văn hóa dân gian Việt là khó hay dễ?
Không có câu trả lời chính xác là dễ hay khó, mà tuỳ vào định hướng của người làm, tuỳ thuộc vào mục tiêu của mình. Ví dụ: Sun Wolf còn muốn ra quốc tế, tức là, chúng tôi không chỉ muốn chinh phục khán giả Việt Nam mà cả quốc tế.
Vậy nên, ngay từ đầu chúng tôi đã định hướng là sẽ tìm kiếm những chất liệu và nguồn cảm hứng dân gian Việt Nam để làm cơ sở thiết kế nên những hình ảnh nhân vật của riêng mình. Khi làm phim, chúng tôi sẽ khéo léo chèn những yếu tố Việt Nam vào trong đó.
Như U Linh Tích Ký là chúng tôi lấy cảm hứng từ thế giới tâm linh của người Việt Nam để tự xây dựng câu chuyện của riêng mình. Chúng tôi không bê nguyên xi tuồng tích gì, mà chỉ lồng vào vài chuyện nhỏ dựa trên các câu chuyện tâm linh truyền miệng của Việt Nam hoặc những sáng tạo mới.
Ví dụ: Chợ trời sẽ là 1 trong những kỳ quan trong linh giới của tôi, chợ trời lấy cảm hứng từ chợ nổi của miền Tây – thay vì trôi dưới nước thì trôi trên trời nên gọi là chợ trời.
Còn Tảng Viên Phong Châu là lấy cảm hứng từ câu chuyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh, rồi kể chi tiết hơn, dưới góc độ của người trẻ. Nếu Sun Wolf bê nguyên truyền thuyết lên phim, thì khán giả sẽ không có gì để xem nữa cả
Quan trọng là mình phải kể câu chuyện hay thì mới thu hút được khán giả. Nói nhiều không hay – vì nói nhiều mà không làm được thì không tốt! Nên đầu tiên, chúng tôi sẽ cố gắng kể những câu chuyện nó đủ hay – đủ hấp dẫn, thì sẽ tạo nên thành công của chính nó.
Với tôi, làm phim phải chân thật! Tôi không muốn tạo ra chiêu trò, không muốn đưa vào phim mình bất cứ yếu tố nào gây tranh cãi, mà muốn làm phim hoạt hình với trái tim chân thành nhất.
Cảm ơn anh rất nhiều!
Quỳnh Như