(Tổ Quốc) - Thời nay, việc dạy kèm con cái trở thành nỗi lo mà không vị phụ huynh nào là không gặp phải. Việc giáo dục của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của con, do đó, các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm.
Trong mỗi buổi kèm con cái học tập nhiều bậc phụ huynh đã trải qua các cung bậc cảm xúc khác nhau như bất ngờ, thất vọng, tức giận, chán nản, thậm chí là bất lực. Điều này không chỉ khiến cha mẹ mệt mỏi mà vô tình còn cản trở sự phát triển của trẻ.
Để giáo dục con khoa học, các bậc phụ huynh cần nhớ những điều sau để mỗi lần dạy con học không còn là "cực hình".
1. Cha mẹ cần có cái nhìn đa chiều, không đặt kỳ vọng quá lớn lên con
Trước khi giúp trẻ làm bài tập, cha mẹ cần nhìn nhận khái quát về mức độ năng lực của trẻ. Các chuyên gia hoàn toàn hiểu được những kỳ vọng cao vời mà cha mẹ dành cho con cái và đôi khi đặt quá nhiều sự tin tưởng vào khả năng của con mình.
Nhưng thực tế cho thấy, ngoại trừ một số rất ít những đứa trẻ có thiên phú bẩm sinh, hầu hết trẻ em có quá trình hiểu biết và nhận thức từ nghĩa đen đến trừu tượng, cơ bản đến chuyên sâu.
Thậm chí có một vài trường hợp thực tế xảy ra trái ngược hoàn toàn. Có thông tin cho rằng một ông bố tiến sĩ ép con trai 7 tuổi và con gái 5 tuổi học toán cao cấp, rồi yêu cầu hai đứa trẻ học đến tận khuya. Rõ ràng, đây là sự đánh giá quá cao khả năng tiếp thu và trình độ nhận thức hiện tại của trẻ.
Bậc tiểu học là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với phụ huynh khi giúp con làm bài tập về nhà. Nguyên nhân một phần là do giai đoạn này trẻ bắt đầu phát triển trí tuệ, tư duy nhận thức và hành động.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Tuy nhiên, trẻ ở độ tuổi này thiếu sự tập trung cao độ, khả năng ghi nhớ và hành động có chủ đích chưa được phát triển mạnh. Trẻ còn rất hiếu động, dễ xúc động. Trẻ nhớ rất nhanh và quên cũng nhanh.
Ở bậc tiểu học, cha mẹ cần cố gắng hết sức để con cái mình tập trung và hình thành thói quen học tập tốt. Đây là một quá trình lâu dài, vì vậy đừng vội vàng!
2. Cha mẹ nên kiềm chế bản thân, tránh để bực tức thành hiểm hoạ!
Bên cạnh việc đánh giá con trẻ, cha mẹ cũng nên tự kiểm soát tinh thần và hành vi của mình.
Vào tháng 9/2020, một ông bố 45 tuổi ở Thâm Quyến vì quá tức giận mà lên cơn nhồi máu cơ tim khi đang dạy kèm cậu con trai học lớp 3. May mắn thay, ông đã được đưa đến cơ sở y tế kịp thời chữa trị.
Tháng 12 năm 2021, Hà Bắc, một bác sĩ đang dạy kèm cho cô con gái 8 tuổi, huyết áp của anh cao đến mức bị nhồi máu não nhẹ. Vì sức khỏe của bản thân các bậc cha mẹ nên học cách tiết chế lại cảm xúc, tránh dẫn đến những trường hợp đáng buồn như ở trên.
Ngoài các bệnh về tim và mạch máu não, có một số bệnh lý tiềm ẩn cũng cần được cảnh báo. Ví dụ, vào tháng 9 năm 2020, một người cha ở Hồ Nam đã quá xúc động khi dạy dỗ con gái 9 tuổi của mình đến mức bị trật khớp hàm và phải đến gặp bác sĩ trong đêm.
Vì vậy, chuyên gia gửi lời khuyên rằng: Nếu cha mẹ có các bệnh tiềm ẩn về tim mạch, mạch máu não hoặc đã từng bị lệch hàm thì nên quan tâm nhiều hơn đến thể trạng trước khi dạy kèm con học. Đồng thời đưa ra những gợi ý tâm lý: Đừng nóng giận, nguy cơ nhồi máu cơ tim và nhồi máu não sẽ rất cao.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
3. Các bậc phụ huynh cần thay đổi tư duy của bản thân
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bài tập về nhà là một trong những hành vi phổ biến nhất của học sinh có tác động rõ rệt đến kết quả học tập của học sinh. Trong quá trình này, thái độ của phụ huynh cũng rất quan trọng, điều này sẽ ảnh hưởng đến thái độ và nhận thức của trẻ về bài tập về nhà.
Việc trau dồi thói quen học tập cho trẻ quan trọng hơn là dạy trẻ thực sự hiểu kiến thức. Nếu cha mẹ có thể hướng dẫn con học bài đúng cách thì trẻ có thể duy trì được sự hăng say học tập. Tuy nhiên, khi cha mẹ cáu gắt và thường xuyên đánh đập, mắng mỏ thì có thể khiến trẻ dần cảm thấy làm bài tập là một nghĩa vụ và dần vô cảm với học tập.
Thêm vào đó, các bậc cha mẹ cũng nên giữ đúng sự nghiêm túc khi dạy kèm con học, tránh thái độ khó chịu và hời hợt. Một số bậc phụ huynh đem sự bực tức từ cuộc sống, công việc vào thời gian dạy học cho con khiến con trẻ “chưa học đã sợ”, làm giảm hứng thú và khả năng tiếp thu của con trẻ. Một số lại vừa dạy con học vừa lướt điện thoại, việc này sẽ khiến trẻ phân tâm và chú ý vào chiếc điện thoại của bạn hơn là chú ý vào lời nói của bạn!
4. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội
Trong việc dạy kèm con cái học tập, nên có sự giúp đỡ lẫn nhau giữa hai vợ chồng. Cả hai nên thay phiên nhau giúp trẻ làm bài tập để giảm bớt gánh nặng khi phải dạy con học một mình. Tất nhiên, cũng có rất nhiều những cặp vợ chồng không thể thống nhất với nhau về vấn đề ai sẽ là người dạy học cho con.
Một cuộc khảo sát cho thấy vào năm 2019, 80% ông bố không giúp con làm bài tập về nhà. Đây là một số liệu thật đáng buồn, tuy nhiên còn có phần khởi sắc hơn những năm trước (90%).
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chỉ sự hỗ trợ của các ông chồng mới có thể thay đổi căng thẳng trong việc nuôi dạy con cái của các bà mẹ. Thực tế cho thấy việc chăm sóc con cái thường là trách nhiệm của người phụ nữ. Nếu người cha tích cực tham gia vào quá trình nuôi dạy con cái có thể giảm thiểu đáng kể áp lực nuôi dạy con cái của các bà mẹ.
Vì vậy, vì sức khỏe của người mẹ và sự hòa thuận trong gia đình, các ông bố hãy chủ động đóng vai trò trụ cột của gia đình và tích cực giúp con làm bài tập về nhà.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
5. Tuyệt đối không đánh mắng con trẻ
Trên thực tế, một số phụ huynh không tránh khỏi có những hành vi mất kiểm soát trong quá trình dạy kèm mà đánh, mắng con. Lúc này, không chỉ trẻ bị tổn thương mà cha mẹ cũng hối hận, vậy phải khắc phục như thế nào?
Trước hết, cha mẹ nên đặt cảm xúc của mình vào trong, dưới áp lực lớn thì việc nổi nóng là điều bình thường. Cha mẹ không phải là người siêu phàm, và dù có kìm chế, con cái cũng có thể thấy rằng bố mẹ đang không hài lòng.
Và sau khi qua cơn giận, cha mẹ thường hối hận trước hành vi của mình làm tổn thương con trẻ. Khi đó các bậc phụ huynh sẽ lại phải đối mặt với những vấn đề con lớn hơn của việc dạy kèm con làm bài tập về nhà.
Vì vậy, cha mẹ cần phải học cách kiểm soát những cảm xúc tiêu cực của bản thân, tránh việc một phút tức giận mà gây hậu quả nặng nề về sau.
Theo Culture Ifeng
Thùy Anh