(Tổ Quốc) - "Ngày 15/6/2021 bước chân vào thị trường chứng khoán. Ngày 25/4/2022 rời khỏi thị trường khi còn chưa kịp mừng 1 năm tuổi".
Thị trường chứng khoán phiên chiều ngày 25/4/2022 có lẽ là một dấu mốc đáng nhớ nhất trong vòng 1 năm trở lại đây đối với các nhà đầu tư – đặc biệt nhà đầu tư cá nhân. Chỉ số VN-Index có thời điểm giảm sâu hơn 80 điểm, "xuyên thủng" ngưỡng 1.300 điểm. Trên nhiều diễn đàn, hội nhóm chứng sĩ rộ lên trend kêu gọi từ bỏ thị trường, tắt app nghỉ lễ sớm.
3 tuần "định mệnh" và tâm sự F0
Ba tuần của tháng 4/2022 đã đem đến nhiều cảm xúc cho các nhà đầu tư và phần lớn là tâm trạng chán nản. Thị trường liên tục ghi nhận sắc đỏ và xanh lơ. Nhiều phiên liên tiếp, số mã sàn gấp đôi số mã tăng. Cá biệt, phiên chiều ngày 25/4, số mã giảm trên cả 3 sàn chiếm áp đảo với 868 mã giảm, bao gồm 240 mã giảm sàn, gần gấp 3 lần so với mã tăng là 215 mã.
Hầu hết các nhà đầu tư cá nhân trên TTCK đều thua lỗ 20%-40% trong 2 tuần trở lại đây. Bất kể mã đầu cơ hay mã cơ bản, penny, midcap hay bluechips đều chung số phận đỏ rực, xanh sàn. Điểm chung trong một tuần trở lại đây, trong 15 phút ATC (phiên khớp lệnh đóng cửa) xuất hiện tình trạng bán ra ồ ạt của nhà đầu tư. Thậm chí, có một bộ phận không nhỏ các "chứng sĩ" tranh thủ những giây phút hiếm hoi thị trường hồi đã đem toàn bộ gia sản chứng ra bán kể cả những nhà đầu tư có tinh thần thép ‘’hold to die" (giữ cho đến chết).
Chị Thanh Hà, một nhà đầu tư vừa bắt đầu sự nghiệp F0 từ đầu năm nay, mới "ăn được vài mã" đã sập ngay hố cuối tháng 1, bày tỏ: "Thấy bạn bè rủ nhau chơi chứng, khoe lãi từ năm ngoái, suy nghĩ mãi quyết tâm đầu tư. Tôi đã dồn hết số tiền tiết kiệm một năm của gia đình vào với suy nghĩ kiểu gì cũng hơn gửi tiết kiệm. Ai ngờ, giờ không cả bằng’’.
Các mã chị Hà đang nắm giữ hiện đều đã lỗ khá nhiều. Cá biệt, có mã chị vào khi giá đang ‘’đu đỉnh" (giữa tháng 1) đến giờ sau 3 tháng vẫn “không thấy bờ đâu”. Toàn tài khoản đang lỗ 40%. Chị cho biết: “Tôi sẽ cố đợi thị trường hồi, chỉ cần giảm bớt lỗ còn 20%, chấp nhập mất số còn lại, tôi sẽ rút ra và không quay lại đầu tư chứng khoán nữa”.
"Mắt không thấy thì tim không đau"
Một nhà đầu tư kì cựu khác, có thâm niên 7 năm tham gia thị trường chứng khoán, anh Thanh ở Bắc Giang chia sẻ, trong sự nghiệp chơi chứng nhiều năm bản thân cũng đã từng trải qua nhiều "phiên đen tối", cũng đã phần nào làm quen với sóng gió thị trường. Tuy nhiên những ngày gần đây quả thực cũng khiến anh muốn "tắt bảng" vì "qúa đau’’.
Có kinh nghiệm, có đầu tư bài bản – có đọc chart, phân tích kĩ thuật, có cắt lỗ và kỉ luật chơi, nhưng tài khoản của anh Thanh vẫn bốc hơi 30%. Toàn bộ số lãi của cuối năm 2021 cũng ra đi. Giỏ đầu tư của anh Thanh có sự góp mặt của 2 mã nằm trong nhóm cổ phiếu có số vốn hoá lớn lại chính là nhóm giảm sâu ngay từ đầu phiên ngày 25/4.
Mặc dù vậy, anh Thanh nhận định, thị trường xuống rồi cũng sẽ hồi. Hành động của anh chỉ là "tắt bảng", và nghỉ lễ sớm. Theo quan điểm của anh, ‘’sau một cơn ốm nặng" thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ cần một thời gian dài hồi phục – khoảng 3-4 tháng, để có thể quay về đỉnh vượt 1500 điểm như trước. Việc của các nhà đầu tư là chờ đợi mà thôi.
Theo đúng chiến lược, đã 2 ngày nay anh không mở tài khoản ra theo dõi dù vẫn nắm thông tin (một cách gián tiếp). Anh cho rằng, đó là giải pháp tốt nhất lúc này: "Để ăn ngon ngủ kĩ, không manh động đem hàng ra bán khi chưa biết đáy là đâu".
Và với mức lỗ lớn như phiên 25/4, chủ nhân của nhiều tài khoản "cháy khét lẹt’’ đã hô hào rủ nhau rời bỏ thị trường trong một số hội nhóm. Một status trong group chứng khoán có số thành viên hàng trăm nghìn người đúc kết: "Ngày 15/6/2021 bước chân vào thị trường chứng khoán. Ngày 25/4/2022 rời khỏi thị trường khi còn chưa kịp mừng 1 năm tuổi".
An Nhiên