(Tổ Quốc) - Tận dụng nền tảng đám mây của Amazon Web Services (AWS) với lượng dữ liệu sạch khổng lồ, JobHopin đã huấn luyện AI mang lại hiệu quả tối đa trong quá trình tuyển lọc hồ sơ nhân sự.
JobHopin là startup tuyển dụng đang ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML) vào hoạt động, hướng đến mục tiêu thay đổi ngành tuyển dụng nhân sự không chỉ ở Việt Nam mà còn tại Đông Nam Á và tham vọng tiến xa hơn nữa.
Ra đời năm 2016, JobHopin tập trung vào phân tích thị trường tuyển dụng, nhân sự, công việc, sử dụng AI để tổng kết, cập nhật và đưa ra dữ liệu về nguồn cung/cầu nhân sự tại từng địa phương theo thời gian thực. Quá trình này giúp các công ty tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức của hoạt động nhân sự, đồng thời tăng cơ hội tìm kiếm được các ứng viên phù hợp nhất với yêu cầu tuyển dụng của mình. Số lượng khách hàng lớn của JobHopin từ đó cũng mở rộng như hợp tác tích hợp với SAP Vietnam, FPT Online, tuyển dụng cho DHL, Propzy, Chợ Tốt, Publicis Groupe, Momo…
CEO JobHopin – Kevin Tùng Nguyễn cho biết: "Ai cũng hiểu để AI làm được việc thì cần phải dạy trí tuệ nhân tạo rất nhiều, sử dụng lượng dữ liệu có sẵn để tăng kiến thức, độ nhạy bén cho AI. Có thể nói 90% thành công hay thất bại của AI là việc tiếp cận được vào các cơ sở dữ liệu sạch để ứng dụng, bảo đảm AI hiểu đúng vấn đề hay không". Lãnh đạo công ty cũng tiết lộ đã không ít lần "đứa con tinh thần" của anh thất bại vì chưa tìm ra được đúng ngách, đúng nơi lấy dữ liệu sạch để "nuôi" AI.
Anh Kevin Tùng Nguyễn, CEO của JobHopin
Đến cuối năm 2017, đầu năm 2018, anh Kevin Tùng Nguyễn mới tìm ra được hướng đi và áp dụng đến bây giờ sau khi kết nối với dịch vụ điện toán đám mây của Amazon Web Services (AWS). "Thời điểm đó JobHopin còn nhỏ, còn không đủ chi phí để sử dụng data thì AWS hỗ trợ tới 100.000 USD bằng AWS Credits để sử dụng dịch vụ đám mây của AWS, chi phí dữ liệu phân tích cho chúng tôi. Nhờ lượng dữ liệu sạch khổng lồ từ nền tảng này, JobHopin bước đầu gặt hái thành công, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cũng như có khả năng tài chính chi trả cho các hoạt động huấn luyện AI cũng như dịch vụ đang sử dụng trên AWS hiện nay", lãnh đạo công ty nhớ lại.
Không chỉ được tài trợ chi phí ban đầu để tiếp cận vào nguồn dữ liệu sạch, quá trình huấn luyện AI trên AWS của JobHopin còn được định hướng theo các chỉ dẫn, tiêu chuẩn của Amazon – công ty mẹ của AWS đồng thời là đế chế thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Quy trình này cũng giúp đơn vị đạt được yêu cầu cao của các đối tác, giúp mở rộng mạng lưới khách hàng cũng như trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Nhớ lại thời điểm tìm được lối ra cho doanh nghiệp còn non trẻ, Kevin nhận định mình đã may mắn khi có cơ hội làm việc cùng rất nhiều người giỏi, dày kinh nghiệm liên quan tới đa lĩnh vực. Sau nhiều năm lăn xả trong các startup từ thời sinh viên tại Mỹ, cũng như làm việc ở những tập đoàn lớn về tài chính, anh nhận ra điều quan trọng là phải có được những cộng sự đã dùng toàn bộ quá trình học hành, nghiên cứu của mình vào các dự án lớn hơn thứ mình đang làm.
"Chọn được hướng đi, chọn được thị trường tốt thì đội ngũ cộng sự không cần phải toàn siêu sao mới có thể thành công. Một đội giỏi gia nhập thị trường chưa được khai thác nhiều, cạnh tranh lớn, ít tiềm năng đột phá chưa chắc đã giải quyết được vấn đề. JobHopin chắc chắn không có đội hình toàn sao, nhưng chúng tôi tìm được thị trường bắt đầu từ tuyển dụng, rồi dùng AI phân tích từ chính nơi này, từ đó sẽ liên quan sang các lĩnh vực khác như tài chính, giáo dục", anh nói.
Tài chính, giáo dục, công nghệ thông tin… đều đang là những lĩnh vực "hot" trong giai đoạn hiện nay do ảnh hưởng từ Covid-19 bởi dù giãn cách, nhân sự thuộc các mảng này vẫn làm việc tại nhà, không cần di chuyển nhiều. Do vậy, nhu cầu tuyển dụng vẫn rất lớn và đó là mảnh đất màu mỡ cho JobHopin cũng như là "mỏ dữ liệu" cho AI mang tên Bunny của họ. AI có thể phân tích tập trung, tiếp cận các hồ sơ nhân sự nhanh chóng, thông minh, giảm hoạt động thủ công như ngồi đọc hồ sơ, thông tin mô tả công việc…
CEO trẻ tuổi cho biết sau khi phân tích hơn 12 triệu hồ sơ lao động trí thức tại Việt Nam, công ty phân tích và chọn lọc được hàng triệu bộ hồ sơ độc nhất (loại trừ các bộ trùng lặp của cùng một người gửi nhiều nơi). Quá trình tinh giản hồ sơ giúp hoạt động tìm nhân sự diễn ra nhanh hơn gấp 3 lần, quan trọng là giảm khoảng 85% chi phí tuyển dụng cho doanh nghiệp.
Năm 2020, JobHopin gọi vốn thành công gần 2,5 triệu USD, tiếp tục sử dụng khoản đầu tư này vào chiến lược phát triển bền vững, tìm thêm thị trường để giải quyết các bài toán về tối ưu hoá, tập trung phát triển nhân sự mà ít phải chia cắt tài chính cho các vấn đề khác. "Khó khăn với chúng tôi không phải chuyện gọi vốn, mà là tìm thị trường hợp lý, không mắc lỗi; phải chọn nền tảng làm sao để vừa an toàn, vừa bảo mật lại tối ưu được chi phí. Thực tế, nhờ làm việc với AWS mà JobHopin không cần quan tâm tới gọi vốn hay chuyện chi phí bảo mật, công nghệ thông tin – vốn làm đau đầu các startup hay kể cả doanh nghiệp đã phát triển. Chúng tôi chỉ cần tập trung chọn con đường để đi, để phát triển và tối ưu hoá", Kevin Tùng Nguyễn bật mí về chiến lược tiết kiệm đầy hiệu quả của công ty do anh sáng lập.
Ánh Dương