Là một nhà đầu tư (NĐT) cá nhân chuyên nghiệp nhiều kinh nghiệm, bài học xương máu mà tôi rút ra: việc chọn lựa công ty chứng khoán (CTCK) tốt là điều vô cùng quan trọng, vì hầu hết NĐT cá nhân không đủ nguồn lực như các quỹ lớn. Với tôi, CTCK là cầu nối cần thiết nhất trong con đường đầu tư trên thị trường chứng khoán (*).
(*) Chia sẻ thực tế từ Đông Phong - một nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp lâu năm.
Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào lựa chọn được một công ty chứng khoán tin cậy, khi số lượng công ty chứng khoán mở ra ngày càng nhiều? Cá nhân tôi đã có ít nhất 7 tài khoản tại các công ty chứng khoán khác nhau, vì lẽ mở tài khoản mới ngày càng dễ trong thời buổi công nghệ hiện nay. Phần lớn mọi người đều khuyên hãy chọn CTCK nơi có tư vấn chuyên nghiệp; nhưng thực tế dựa trên kinh nghiệm tiếp xúc với trên 10 CTCK khác nhau, không môi giới của công ty nào lại nhận mình không chuyên nghiệp; vậy những nhà đầu tư cá nhân biết đặt niềm tin, tài sản của mình vào đâu?
Là NĐT có nhiều năm đầu tư trên thị trường cùng số vốn không hề nhỏ, một sự thật mà tôi cần thẳng thắn nhìn nhận là với kiến thức và nguồn lực hạn chế của bản thân, hiểu về doanh nghiệp hay cổ phiếu mình mua sẽ chẳng là mấy. Nên tôi đúc kết ra được kinh nghiệm thực tế cho nhóm NĐT cá nhân: có thể không chọn hay hiểu được các doanh nghiệp niêm yết tốt, nhưng chọn được đúng công ty chứng khoán sẽ giúp đầu tư tốt.
Năm 2022 có lẽ phải được xem là năm có quá nhiều biến động và cảm xúc đối với các NĐT. Mới gần đây, thông tin liên quan đến 1 công ty chứng khoán trên thị trường cũng khiến cho nhiều người không khỏi hoang mang. Vậy, trong thời buổi "người khôn của khó" như hiện nay, theo tôi, các NĐT nên cân nhắc lựa chọn kỹ CTCK tham gia đầu tư để không những mang lại hiệu quả mà còn không bị "nơm nớp" lo sợ các vấn đề khác; có thể xem xét các tiêu chí cụ thể như sau:
Thuộc top 10 thị phần, uy tín phải được đặt lên hàng đầu
Các sự kiện gần đây liên quan đến các CTCK đã phản ánh việc lựa chọn một CTCK uy tín nơi mình có thể đặt niềm tin vào là rất quan trọng cho NĐT cá nhân. Một mẹo vô cùng đơn giản là tìm công ty trong top 10 thị phần vì nó đã được phản ánh về hiệu quả kinh doanh cùng số lượng khách hàng. Bên cạnh đó, nếu CTCK trực thuộc ngân hàng sẽ là một điểm cộng lớn vì công ty sẽ có bệ đỡ và sự hỗ trợ về nguồn vốn từ ngân hàng mẹ. Đây là ưu thế vượt trội, vững chắc hơn rất nhiều các CTCK nhỏ lẻ.
Đồng thời, khi CTCK thuộc sở hữu của ngân hàng mẹ, sẽ được tận dụng hệ sinh thái sẵn có như: nền tảng công nghệ, App ngân hàng, ưu đãi về phí chuyển tiền, … giúp cắt giảm được nhiều chi phí và thời gian cho CTCK. Ngoài ra lợi thế còn nằm ở khả năng quản lý và quản trị rủi ro nghiêm ngặt, cẩn trọng, chặt chẽ hơn do là đặc thù nghiệp vụ của các ngân hàng; từ đó làm tăng tính an toàn cho các hoạt động đầu tư chứng khoán, giúp các NĐT cảm thấy yên tâm hơn. Đặc biệt, những thời điểm thị trường downtrend, khách hàng sẽ càng có xu hướng đánh giá cao sự minh bạch, uy tín để lựa chọn CTCK.
Có đội ngũ chuyên gia/môi giới chuyên nghiệp, uy tín
Đối với việc đầu tư chứng khoán, thông tin có thể xem là yếu tố quan trọng nhất để NĐT ra quyết định. Như đã nói ở trên, phần lớn các NĐT cá nhân đều bị hạn chế trong việc tiếp cận cũng như khả năng phân tích một khối lượng thông tin, dữ liệu khổng lồ của các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK thì việc có đội ngũ chuyên gia/môi giới chuyên nghiệp, uy tín cùng đồng hành là điều vô cùng cần thiết.
Ở thời đại bùng nổ thông tin và công nghệ 4.0 thì các thông tin tư vấn từ đội ngũ chuyên gia/môi giới với tôi có thể đến từ đa dạng các kênh: email, tin nhắn, zalo, livestream, … chứ không nhất thiết phải gặp trao đổi 1:1. Miễn sao thực tế bản thân kiểm chứng thông tin tư vấn này mang lại giá trị và hiệu quả thật thì các NĐT đều có thể cân nhắc lựa chọn. Một kinh nghiệm khá hữu ích với tôi là tin tưởng CTCK sở nhiều chuyên gia/môi giới có danh tiếng trên thị trường.
Phí phải rẻ
Bối cảnh cạnh tranh hiện tại, số lượng khách hàng chứng khoán tăng bằng lần qua các năm, mỗi cá nhân đều sở hữu ít nhất 2-3 tài khoản thì việc chuyển tiền từ công ty này sang công ty khác để giao dịch có thể diễn ra rất nhanh.
Về lâu dài, nhiều loại phí sẽ bị loại bỏ dần, nên cuộc đua về ưu đãi phí giữa các công ty chứng khoán sẽ lộ ra những công ty sẵn sàng chịu thay đổi, đặt khách hàng là trung tâm, hy sinh lợi ích trước mắt để hút và giữ được khách hàng lâu dài. Gần đây một công ty chứng khoán trong top 10 thị phần đã giảm sốc phí giao dịch xuống chỉ còn 0.06% (chỉ bằng 20% so với mức phí thông thường trên thị trường) trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn. Vậy giữa các công ty với cùng điều kiện gần như tương tự thì công ty nào có mức phí thấp hơn rõ rang sẽ lọt vào mắt xanh của các NĐT là điều dễ hiểu. Có thể thấy việc cố gắng cắt giảm hết sức các chi phí giao dịch của các CTCK là bước đi hy sinh ngắn hạn cho một bức tranh dài hạn trong tương lai.
Năng lực tài chính vững vàng, tỷ lệ tự doanh nhỏ và khả năng quản trị rủi ro tốt
Khi nhìn vào năng lực tài chính của các CTCK, bên cạnh các con số về doanh thu, lợi nhuận, thị phần thì chỉ tiêu vốn chủ sở hữu được xem là quan trọng hàng đầu. Chỉ tiêu vốn chủ sở hữu không những thể hiện quy mô của CTCK mà còn là năng lực bảo lãnh phát hành, năng lực đầu tư, năng lực cho vay giao dịch ký quỹ cho khách hàng,... Với kinh nghiệm nhiều năm đầu tư chứng khoán, tôi cho rằng nên lựa chọn CTCK có vốn chủ sở hữu ít nhất phải trên 3.000 tỷ đồng – tương đương với quy mô của một ngân hàng nhỏ, mới đủ để NĐT cảm thấy yên tâm khi gửi gắm tài sản cũng như sử dụng sản phẩm dịch vụ, đặc biệt với người ưu thích dịch vụ margin như tôi.
Đối với hoạt động tự doanh, đang có nhiều quan điểm trái chiều, từ những bán tán về thông tin mật hay những "thuyết âm mưu" rằng CTCK hô hào đẩy giá cổ phiếu có trong doanh mục tự doanh của công ty mà NĐT cá nhân không thể nắm rõ được. Do đó, là NĐT kỳ cựu và không muốn bị ảnh hưởng đến lợi ích khoản đầu tư không nhỏ của mình; tôi lựa chọn công ty có danh mục tự doanh hạn chế nhất có thể (chỉ nên dưới 30%). Vì lẽ tôi muốn CTCK coi khách hàng là quan trọng nhất, chứ không dùng đồng vốn của mình để kinh doanh và đầu tư riêng quá nhiều.
Nếu CTCK có hoạt động tự doanh chiếm tỷ trọng quá lớn thì sẽ rất dễ đến một thời điểm khi đồng vốn của CTCK bất đồng về lợi ích với NĐT cá nhân. Thay vì số vốn được tập trung vào các hoạt động nâng chất lượng dịch vụ hay tạo room cho vay margin thì lại bị các CTCK sử dụng cho hoạt động tự doanh của chính công ty. Đây là điều mà các NĐT phải hết sức cẩn trọng lưu tâm.
Trong lĩnh vực tài chính nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng, hoạt động quản trị rủi ro (QTRR) tuy không trực tiếp tạo ra doanh thu, lợi nhuận nhưng lại là yếu tố chốt chặn không thể thiếu. Đặc biệt trong các giai đoạn khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế hay thị trường biến động mạnh theo chiều hướng thiếu tích cực thì NĐT lại càng quan tâm nhiều hơn tới yếu tố QTRR của các CTCK; thậm chí với nhiều NĐT, yếu tố an toàn hiện nay còn được đặt lên hàng đầu. Năng lực QTRR được thể hiện thông qua: nền tảng quản trị, khẩu vị rủi ro, quy trình kiểm soát (trước, trong, sau), chính sách quản trị, năng lực nhân sự quản trị, … Thực chất trên thị trường, CTCK có điểm mạnh là khả năng QTRR không nhiều. Đây sẽ được xem là yếu tố có thể "khoanh vùng" hẹp hơn sự lựa chọn, và còn dễ dàng hơn nữa cho các NĐT xem xét khi CTCK được thừa hưởng nền tảng, kinh nghiệm cũng như năng lực QTRR từ ngân hàng mẹ.
An toàn trong hoạt động trái phiếu doanh nghiệp
Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang là chủ đề vô cùng "nóng" trong giai đoạn hiện tại. Hàng loạt vụ việc rúng động những ngày qua liên quan đến hoạt động TPDN rõ ràng là lời cảnh báo hết sức chân thực và khách quan cho toàn bộ các NĐT. Các CTCK đều có hoạt động phân phối TPDN, thậm chí nhiều CTCK coi đây là thế mạnh trong kinh doanh của mình. Do đó, các NĐT cần xem xét hoạt động này một cách thận trọng.
Các NĐT nên "nhắm" vào CTCK lựa chọn kỹ càng doanh nghiệp phát hành trái phiếu, có đầy đủ tài sản đảm bảo và được thẩm định chặt chẽ. Có thể nhìn vào tỷ trọng TPDN mà CTCK phát hành để biết được những trái phiếu này có phải "hàng tuyển hạng A" hay không, nếu quá nhiều thì gần như không thể đảm bảo về chất lượng. Thêm 1 yếu tố có thể xem xét kết hợp là lãi suất ổn định, đồng đều và không quá chạy theo lợi nhuận. Nếu CTCK sẵn sàng mua TPDN khi NĐT có nhu cầu bán lại, chứng tỏ các TPDN này đều có chất lượng cao. Trong hoạt động thường xuyên, CTCK nào bám sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp để đưa ra các khuyến nghị về mua/bán trái phiếu kịp thời sẽ được xem là một điểm cộng đáng kể. Đây là những kinh nghiệm khách quan, thực tế tôi đã đúc kết được trong nhiều năm đầu tư mà ít nhất đến thời điểm hiện tại tôi không phải "nơm nớp" trước những tin chính thống hoặc không chính thống về TPDN đang có trên thị trường.
Từ trước đến nay việc lựa chọn một CTCK có thể không phải là vấn đề quá quan trọng với NĐT, nhất là khi thị trường uptrend. Nhưng khi thị trường quá biến động và downtrend, chúng ta mới thấy được tầm quan trọng khi lựa chọn đúng CTCK để gửi gắm tài sản đầu tư. Cá nhân tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về đầu tư trong gia đình, kết hợp với kinh nghiệm dày dặn của bản thân; tôi đánh giá cao các CTCK phù hợp với 5 tiêu chí nêu trên, có chiến lược kinh doanh linh hoạt, xem khách hàng là trọng tâm, chia sẻ với NĐT trong những giai đoạn khó khăn của thị trường, từ những vấn đề nhỏ như giảm phí, nâng cao trải nghiệm… Các NĐT cá nhân hãy lựa chọn thật kỹ càng CTCK để thực sự an tâm và có được những khoản đầu tư hiệu quả trong dài hạn khi tham gia TTCK.