(Tổ Quốc) - Nhiều nhà đầu tư chốt lời từ chứng khoán và một số kênh đầu tư khác đang chuyển dịch dòng tiền vào bất động sản vì cho rằng nhà đất vẫn là nơi găm giữ tài sản an toàn, tiềm năng tạo ra nguồn lợi nhuận lớn.
Nhà đầu tư vẫn chuộng bất động sản là nơi “trú ẩn”
Vài năm trở lại đây, thị trường chứng khoán đã tăng lên đến mức đỉnh kỷ lục. Vì thế, năm 2022, việc giữ ổn định được mức tăng trong giai đoạn này vẫn là thách thức. Một khi thị trường chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư có thể mất hết. Trong khi đó, nhà đầu tư có tâm lý bất động sản lại là kênh trú ẩn tương đối an toàn, thị trường có khủng hoảng thì tài sản vẫn còn đó bởi xét về dài hạn bất động sản chưa bao giờ giảm giá và có xu hướng tăng dần.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư vẫn có quan điểm, chỉ bất động sản mới là kênh “trú ẩn” an toàn cho dòng tiền, do đó dù những mã chứng khoán đang “ôm” vẫn đang lãi nhà đầu tư vẫn quyết tâm “chốt lãi” và chuyển hướng sang bất động sản.
Bất động sản vẫn là kênh trú ẩn an toàn trong mắt các nhà đầu tư.
Theo anh Nguyễn Hợp nhà đầu tư chứng khoán tại Hà Nội, anh vừa quyết định rút bớt nguồn tiền từ kênh đầu tư chứng khoán để mua một mảnh đất tại vùng Mê Linh (Hà Nội) với mức giá 3 tỷ đồng, rộng hơn 100m2 để chờ cơ hội đón sóng đầu năm.
“Tôi cảm thấy tình hình kinh tế vẫn có dấu hiệu bất ổn, ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh khiến doanh nghiệp khó khăn, thậm chí là thua lỗ nên đầu tư chứng khoán trong giai đoạn này tôi cho rằng sẽ có rủi ro thời gian ngắn. Vì vậy, tôi đã rút bớt tiền và giữ lại một phần ở những cổ phiếu vùng an toàn, có tiềm năng. Còn phần lãi tôi rút toàn bộ để mua đất để giữ an toàn cho số tiền này và chờ cơ hội bất động sản tiếp tục tăng giá nếu lạm phát tăng cao”, anh Hợp chia sẻ.
Đồng suy nghĩ với anh Hợp, anh Nguyễn Văn Hà - một nhà đầu tư chứng khoán F0 cho biết, trong năm 2021, do tình hình kinh doanh nhà hàng của anh không mấy khả quan nên cũng bắt đầu tìm hiểu đầu tư chứng khoán và có một khoản lợi nhuận kha khá.
Mới đây, anh Hà đã mua một mảnh đất tại Ba Vì (Hà Nội) với mức giá hơn 2 tỷ đồng, rộng 1.000m2. Mảnh đất này anh dự định vừa là tài sản tích trữ, cùng đó anh sẽ xây nhà để gia đình có thể về nghỉ ngơi dịp cuối tuần.
“Không khí tại Hà Nội ngày càng xấu đi nên tôi nghĩ sở hữu ngôi nhà tại vùng ven để hưởng không khí trong lành, tốt cho sức khỏe gia đình và các con có chỗ để vui chơi. Hơn nữa, đất thì chỉ có tăng giá khó có chuyện giảm. Mà tôi lại không có nhiều kinh nghiệm từ chứng khoán nên tôi cứ rút ra mua đất để an toàn cho số tiền lãi. Đây tất cả là tiền của tôi, không vay mượn gì cả nên dù thị trường biến động thế nào vẫn có thể yên tâm, không lo về gánh nặng đòn bẩy tài chính”, anh Hà nói.
Chứng khoán và bất động sản như 2 chiếc bình thông nhau
Theo chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh, nhìn lại năm 2021 - một năm thăng hoa của thị trường chứng khoán có thể thấy một điều, nguồn lực ở trong dân vẫn còn rất lớn.
Theo vị này, sự tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán cũng phần nào lý giải cho cơn sốt đất trong năm qua. Bởi bất động sản và chứng khoán giống như hai chiếc bình thông nhau. Cứ sau mỗi đợt thị trường chứng khoán có mức tăng ấn tượng ở mốc lịch sử thì ngay lập tức thị trường bất động sản cũng được hưởng lợi.
Rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán có xu hướng chuyển lợi nhuận sang bất động sản.
Cụ thể, thời điểm đầu năm 2022, rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán có xu hướng chuyển lợi nhuận sang bất động sản. Điều này cũng đã xảy ra trong những chu kỳ trước của thị trường bất động sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, gần đây, câu chuyện xung đột Nga – Ukraina cũng dẫn đến sự thay đổi khẩu vị của các nhà đầu tư trên khắp thế giới. Sự kiện này cũng đẩy giá tăng, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, gây áp lực lên lạm phát.
"Trong bối cảnh địa chính trị như hiện nay hay câu chuyện kinh doanh khó khăn do Covid-19 thì không ít người tìm đến những kênh đầu tư sinh lời bền vững như bất động sản, bên cạnh đó là chứng khoán. Do đó, bất động sản được đón nhận một nguồn tiền rất lớn", ông Chánh nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng, cơn sốt đất lan rộng một phần cũng là do tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM những năm gần đây đang trong tình trạng thiếu nguồn cung, cụ thể là quỹ đất sạch để phát triển dự án quy mô lớn.Việc thiếu nguồn cung cũng làm cho giá đất tại một số địa phương, đặt biệt là những địa phương mới nổi tăng lên.
Bên cạnh đó, vụ việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm vừa qua cũng tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến giá đất chung tại các địa phương, không chỉ tại TP. HCM.
Tuấn Minh