(Tổ Quốc) - 14 năm khởi nghiệp trong ngành phân tích dữ liệu tài chính, một ngành mà mọi người cứ nghĩ rằng có thể “hái ra tiền” đem đến cho Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân nhiều cung bậc cảm xúc mà ít người có được. Hiểu nhầm về khả năng đầu tư với “3 chữ cái” là một trong số đó.
Văn phòng của FiinGroup được thiết kế trang nhã, với màu xanh dương là chủ đạo - màu sắc gắn liền với thương hiệu công ty. Nổi bật nhất trên tường là dòng chữ "The Good Data Take It All!" (tạm dịch Dữ liệu tốt sẽ mang đến ưu thế vượt trội).
FiinGroup ra đời vào tháng 3/2008, vài tháng trước khi thị trường chứng khoán Việt Nam lâm vào khủng hoảng. Trong khi các cơ hội với chứng khoán xuống mức rất thấp, vì sao anh lại quyết định mở công ty về dữ liệu và thông tin tài chính?
Cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ khi đó khiến quỹ đầu tư chúng tôi quản lý "đốt sạch" mấy chục triệu USD, chỉ còn xấp xỉ 50% giá trị tài sản ban đầu. Cùng thời điểm đó, anh bạn làm tại Lehman Brothers London cũng nhìn thấy khó khăn trước khi tập đoàn này phá sản. Hai chúng tôi và một anh bạn nữa cũng là dân tư vấn PwC quyết định trở về Việt Nam để khởi nghiệp. Nhưng khi về nước nghĩ cũng không biết làm gì. Bởi nếu tiếp tục đầu tư chứng khoán sẽ rất khó, vì thông tin và dữ liệu không đủ và đều là dân chuyên nghiệp, không đầu tư theo "ba chữ cái".
Cá nhân tôi hồi xưa từng làm kiểm toán và phân tích chứng khoán nên rất thích làm về dữ liệu. Tôi nhìn thấy cơ hội khi tìm thông tin dữ liệu trong lĩnh vực tài chính khá ít ỏi, chỉ có một vài website công bố tin tức sơ sài. Khi đó, tôi nảy ra ý tưởng bán thuê bao về phân tích chứng khoán phục vụ nhà đầu tư, bởi mảng này lúc đó tuy nhỏ nhưng thuê bao dùng thường xuyên như nhà mạng nên định giá rất cao. FiinGroup (tên gọi khi đó là StoxPlus) ra đời với sản phẩm đầu tiên là Stox.vn - website chuyên về truyền thông tài chính, mục tiêu chính là bán thuê bao về dữ liệu và các phân tích chuyên sâu.
Thực ra, chính cuộc khủng hoảng đã mở ra cơ hội cho tôi và FiinGroup. Bởi nếu thị trường không giảm về 234 điểm vào năm 2008 và vẫn kiếm tiền tốt từ chứng khoán, có lẽ tôi vẫn đang làm giám đốc đầu tư tại quỹ hay một công ty chứng khoán nào đó.
Thực tế kinh doanh dữ liệu không kiếm được nhiều tiền như việc đầu tư. Có khi nào anh nghĩ lại và muốn từ bỏ việc làm dữ liệu?
Lúc đó, Quỹ Vietnam Holding có quy mô 125 triệu USD, chỉ sau mấy quỹ được quản lý bởi VinaCapital và Dragon Capital. Nếu tiếp tục công việc tại đó thì cơ hội phát triển cũng rất lớn, nhưng quan trọng là mình chọn hướng đi nào thôi. Còn nếu hỏi đã từng hối hận chưa? Câu trả lời là có. Bởi dù chưa đến mức phá sản, nhưng FiinGroup từng có những giai đoạn vô cùng khó khăn. Có thời điểm tôi đã chấp nhận lời đề nghị quay lại công việc quản lý quỹ rồi, nhưng sau đó lại thôi.
Vào năm 2013, có đối tác rủ tôi mua công ty chứng khoán để ứng dụng các sản phẩm của FiinGroup theo hướng môi giới trực tuyến như mô hình các công ty bên Singapore. Hồi đó mua công ty chứng khoán nếu chỉ làm môi giới thì chỉ vài chục tỷ đồng thôi chứ không như bây giờ. Tôi cũng từng lên đề án, song lại quyết định không làm và tiếp tục với FiinGroup đến bây giờ. Sau đó, tôi cũng rút ra được bài học khi làm dữ liệu là kinh doanh thông tin dữ liệu phải giữ vị thế độc lập và tránh xung đột lợi ích và tiếp tục với triết lý "đổi mới sáng tạo nhưng phải có lãi" hay còn gọi là "Profitable Innovation".
Anh đã áp dụng triết lý này trong việc kinh doanh như thế nào?
Triết lý này thể hiện rõ trong chiến lược kinh doanh của FiinGroup. Dù luôn đổi mới và sáng tạo nhưng sẽ không bất chấp "đốt tiền" đầu tư thật nhiều rồi đợi một ngày mai tươi sáng. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo "có bơ và sữa" cho bản thân mình và đảm bảo chế độ lương cho cộng sự trong lúc vẫn đầu tư vào tự động hóa quy trình và phát triển sản phẩm với tầm nhìn và niềm tin lớn là ngành này buộc phải phát triển khi mà nền kinh tế mở cửa cao độ như Việt Nam và thị trường vốn còn rất mới, và đồng thời thì quả thực là cũng phải đánh cược rằng văn hóa trả tiền sử dụng thông tin tại Việt Nam sẽ dần hình thành.
Thời gian đầu, FiinGroup được một số quỹ mạo hiểm nước ngoài quan tâm và muốn rót vốn đầu tư. Nhưng tôi từ chối khi nhận điều khoản đầu tư, vì điều kiện của họ rất "rắn". Hiểu rõ ngành dữ liệu rất đặc thù và không thể kiếm tiền quá nhanh nên tôi không chấp nhận mạo hiểm. Quan điểm của tôi vẫn là "chậm nhưng mà chắc" và "nhỏ nhưng phải xinh".
Anh đã áp dụng triết lý này trong việc kinh doanh như thế nào?
Triết lý này thể hiện rõ trong chiến lược kinh doanh của FiinGroup. Dù luôn đổi mới và sáng tạo nhưng sẽ không bất chấp "đốt tiền" đầu tư thật nhiều rồi đợi một ngày mai tươi sáng. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo "có bơ và sữa" cho bản thân mình và đảm bảo chế độ lương cho cộng sự trong lúc vẫn đầu tư vào tự động hóa quy trình và phát triển sản phẩm với tầm nhìn và niềm tin lớn là ngành này buộc phải phát triển khi mà nền kinh tế mở cửa cao độ như Việt Nam và thị trường vốn còn rất mới, và đồng thời thì quả thực là cũng phải đánh cược rằng văn hóa trả tiền sử dụng thông tin tại Việt Nam sẽ dần hình thành.
Thời gian đầu, FiinGroup được một số quỹ mạo hiểm nước ngoài quan tâm và muốn rót vốn đầu tư. Nhưng tôi từ chối khi nhận điều khoản đầu tư, vì điều kiện của họ rất "rắn". Hiểu rõ ngành dữ liệu rất đặc thù và không thể kiếm tiền quá nhanh nên tôi không chấp nhận mạo hiểm. Quan điểm của tôi vẫn là "chậm nhưng mà chắc" và "nhỏ nhưng phải xinh".
Hồi đó có nhiều công ty chứng khoán từ lớn đến nhỏ đều đầu tư đội ngũ tự xử lý dữ liệu và nhân sự của họ không chỉ có đội phân tích, nghiên cứu mà đội ngũ xử lý dữ liệu cũng rất đông. Bởi chưa áp dụng công nghệ nên tất cả dữ liệu đều nhập bằng tay. Nhưng sau đó họ cũng chuyển sang dùng dữ liệu của FiinGroup chứ không tự làm nữa. Bởi rõ ràng việc một tổ chức làm phục vụ hàng trăm người hiệu quả hơn nhiều so với việc công ty nào cũng tự làm.
Bản thân đối tác Nikkei (công ty mẹ của Financial Times) – cổ đông chiến lược của FiinGroup, ban đầu họ cũng là khách hàng mua dữ liệu của chúng tôi, trước đó họ cũng đã khảo sát nhiều nhà cung cấp khác ở Việt Nam, sau đó họ đã quyết định mua của FiinGroup. Sự tin tưởng về chất lượng và dịch vụ cũng là bước ngoặt cho sự hợp tác "ông lớn" Nhật Bản với FiinGroup sau đó.
Hợp đồng đầu tiên đến với FiinGroup như thế nào?
Khách hàng doanh nghiệp đầu tiên của FiinGroup là Công ty chứng khoán Thăng Long (giờ là MBS) với dịch vụ dữ liệu Datafeed. Cơ hội mở ra cũng từ khủng hoảng. Khi khó khăn, các công ty chứng khoán phải cắt giảm chi phí, cho đội ngũ nhân viên xử lý dữ liệu nghỉ việc. Tôi đã thuyết phục họ bằng bài toán kinh tế khi tự duy trì đội ngũ làm dữ liệu 1 năm có thể phải chi đến 5-10 tỷ, trong khi chỉ cần bỏ ra 1/10 số tiền đó sẽ có bên thứ 3 phục vụ tốt hơn và chuyên nghiệp hơn. Và cuối cùng họ chấp nhận.
Sau 3 năm dò đường, bước ngoặt đến với FiinGroup khi nào?
Con đường sáng hơn chính là lúc chinh phục được đối tác Nhật Bản - Nikkei vào năm 2014. Họ đầu tư không quá nhiều tiền vào FiinGroup, nhưng tiền không phải yếu tố quyết định. Quan trọng là mình nhỏ nhưng được ông lớn "yêu" và sau đó các tập đoàn lớn, nhỏ của Nhật Bản và sau này là Hàn Quốc khi đầu tư qua Việt Nam thường đến với chúng tôi để phân tích doanh nghiệp và đánh giá thị trường.
Thực tế, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành này, bài toán đặt ra không chỉ về sản phẩm, nhân sự và vốn, mà còn là uy tín và năng lực chuyên môn nổi trội. Được "ông lớn" tin tưởng cũng giống như việc mình đã vượt qua một bài test quan trọng, từ đó mở ra nhiều cơ hội mới.
Việc hợp tác với Nikkei 6 năm về trước cũng tạo động lực lớn để thu hút đối tác lớn thứ hai là S&P Global - tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất trên thế giới. Việc hợp tác với S&P Global Ratings không chỉ nâng cao năng lực chuyên môn mà cũng mang lại uy tín, đặc biệt trong mảng xếp hạng tín nhiệm với các doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài hiện hầu như chưa tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp nội địa.
Lý do gì khiến một công ty cỡ vừa như FiinGroup 'nhảy' vào mảng xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp?
Đây là câu chuyện khá thú vị. Khi tôi nói về ý tưởng làm xếp hạng tín nhiệm, mọi người đều ngăn "làm cái đó làm gì, khoai lắm". Có cổ đông phản đối gay gắt, đối tác Nhật Bản – Nikkei cũng khuyên tôi phải suy nghĩ cẩn trọng, bởi họ từng mất 7 năm để hoà vốn trong mảng này.
Cá nhân tôi suy nghĩ khác. Tôi luôn cho rằng thị trường vốn vẫn thiếu "chân" trái phiếu, bởi tôi đã dự báo hệ thống ngân hàng không thể cung cấp đủ nguồn vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp. Nhìn ra các thị trường khác, thị trường trái phiếu thậm chí lớn hơn thị trường cổ phiếu, chỉ có thanh khoản ít hơn. Tại Việt Nam có nhiều ngành cần nhu cầu vốn dài hạn như bất động sản, hạ tầng, năng lượng tái tạo… Thế nên, thị trường trái phiếu chắc chắn sẽ phát triển, chỉ là vấn đề thời gian thôi.
Trái ngược với sự biến động nhanh chóng của thị trường cổ phiếu, trái phiếu là sản phẩm tài chính dài hạn vô hình, không dễ đoán định trong khi thu nhập lại "cố định". Do đó, cho dù tổ chức hay nhà đầu tư cá nhân thì cũng rất cần 1 tổ chức đứng ra đánh giá và theo dõi mức độ đáp ứng khả năng thanh toán nợ đó trong tương lai.
Nhìn rộng ra thế giới, 3 ông lớn S&P, Moody's và Fitch cũng phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm sau khi đã thành công với các dịch vụ về dữ liệu tài chính và phân tích. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet hiện cũng chỉ bỏ ra 248 triệu USD để sở hữu 12,9% vào Moody's suốt 20 năm qua và hiện có giá trị hơn 7 tỷ USD. Đây là một trong các khoản đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao nhất của ông ý. Vì thế, tôi đã thuyết phục cổ đông thành công và FiinRatings ra đời.
May mắn là chứng minh được kết quả ban đầu, cơ quan quản lý và các thành viên thị trường cũng nhận thấy vai trò của việc xếp hạng tín nhiệm. Hiện tại S&P Global đang hỗ trợ chúng tôi về đội ngũ chuyên gia để thực hiện xếp hạng doanh nghiệp và trái phiếu nhưng tôi muốn chính tự tay người Việt gây dựng nên mảng này, nhưng vẫn cần kết hợp chiến lược "mượn vai người khổng lồ".
Nikkei mất 7 năm hoà vốn trong mảng xếp hạng tín nhiệm, FiinGroup dự kiến bao nhiêu năm?
Sau 2 năm hoạt động, FiinRatings vẫn lỗ vì phải đầu tư nhiều, bởi chi phí để trả cho chuyên gia nước ngoài mà chúng tôi tuyển dụng khá cao cũng như đầu tư vào các mô hình khoa học về dữ liệu phân tích tín dụng. Tôi đã cam kết với cổ đông đến năm thứ 3 sau khi thành lập sẽ hoà vốn, nếu không phải xoay hướng kích nguồn kinh doanh.
Kinh doanh trong một ngành mà về bản chất khá nhọc nhằn và luôn có những cám dỗ. Làm sao để đội ngũ FiinRatings luôn giữ được mình để làm nghề một cách tử tế?
Đúng là làm công việc này có rất nhiều thách thức và cám dỗ. Dù xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam còn mới, song áp lực rất lớn khi phải đưa ra đánh giá khách quan tích cực hoặc tiêu cực về khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ của một doanh nghiệp. Điều này là rất thách thức tại Việt Nam khi nhiều doanh nghiệp còn quá nhạy cảm với các phân tích về rủi ro kinh doanh của họ trong khi chúng ta đều biết không mô hình kinh doanh nào là không có rủi ro ở mức độ nào đó.
Nghề của chúng tôi là không thể "uốn lưỡi" chỉ nói tốt và cơ hội tiềm năng đầu tư vào doanh nghiệp mà lúc nào cũng phải kèm theo yếu tố rủi ro là gì. Đó là một phần của nguyên tắc độc lập, khách quan và chính trực trong hoạt động này.
Đầu tiên là cần sự chuẩn chỉnh từ cấp lãnh đạo cho đến nhân viên. Những người có liên quan đến việc xếp hạng bắt buộc phải kê khai cụ thể thông tin, dù có sở hữu 1 cổ phiếu hay 1 trái phiếu của doanh nghiệp cũng không được phép tham gia vào nhóm xếp hạng doanh nghiệp đó. Nếu vi phạm có thể sẽ bị sa thải ngay lập tức và điều này đã thoả thuận rõ trong Quy chế nội bộ và thỏa ước lao động tập thể.
Thực tế cũng có vài trường hợp đã bị cho nghỉ vì không tuân thủ quy định. Nhiều người rất giỏi và có lợi thế về chuyên môn, nhưng vẫn không thể giữ vì có thể làm hỏng mất giá trị cốt lõi doanh nghiệp.
Ngoài ra, để bỏ qua những cám dỗ và mâu thuẫn lợi ích, việc làm xếp hạng tín nhiệm chắc chắn cần độ "rắn" không chỉ về chuyên môn mà còn tính chính trực. Thực tế có những doanh nghiệp từng đề nghị trả tiền với mong muốn mình sửa ý kiến xếp hạng. Nhiều đơn vị bạo hơn còn đề nghị xếp hạng cao thì trả tiền cao hoặc rất cao nữa. Nhưng câu trả lời luôn là KHÔNG!
Bởi ban đầu bạn có thể sẽ thu được nhiều tiền từ việc "bán dấu lấy tiền", song chỉ cần khoảng 3 năm sau bạn sẽ không thể tồn tại trong ngành này. Thực tế, làm xếp hạng doanh nghiệp mà bản thân đơn vị đó còn không có tín nhiệm thì thị trường sẽ không dùng ý kiến xếp hạng của bạn.
Tất nhiên điều đó cũng khiến chúng tôi mất nhiều hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp cắt hợp đồng vì FiinRatings đưa ra đánh giá tiêu cực, và họ yêu cầu chỉ giữ hợp đồng khi sửa lại đánh giá. Bởi vậy, dù đã nhận xếp hạng 11 doanh nghiệp, song FiinRatings chỉ mới công bố và theo dõi đánh giá 7 doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp còn lại đang trong quá trình thực hiện hoặc xin rút vì điểm xếp hạng không cao như mức họ kỳ vọng hoặc muốn "nâng điểm" với lý do không hợp lý nên thanh lý hợp đồng. Điều đáng tiếc cho thị trường là một số đơn vị đó vẫn huy động trái phiếu trên thị trường với lượng thông tin ít ỏi trong khi lãi suất trái phiếu ở mức ngang với các doanh nghiệp tốt.
Hiện nay, ngày càng nhiều đơn vị cung cấp dữ liệu miễn phí ra đời. Đâu là "vũ khí" cạnh tranh của FiinGroup khi cung cấp dịch vụ thu phí?
Để tạo ra một sản phẩm tiện ích, dữ liệu cần "chế biến" qua bàn tay tinh xảo của con người và sự hiện đại của công nghệ. Nỗ lực đó rất dài và không phải đơn vị nào cũng có thể theo đuổi và làm được. FiinGroup là công ty công nghệ dữ liệu, chúng tôi xác định chuyên môn tài chính và ứng dụng công nghệ là hai lợi thế lớn nhất. Thường các doanh nghiệp sẽ tập trung một trong hai hướng, song chúng tôi tập trung phát triển cả hai hướng đó.
Hiện, chúng tôi tập trung tối đa nguồn lực để đầu tư vào sản phẩm, công nghệ. Chi phí đầu tư việc đầu tư sản phẩm công nghệ là khoảng 20-30 tỷ đồng là rất lớn so với quy mô doanh thu hiện nay. Tương lai nếu doanh thu có chạm ngưỡng 1.000 tỷ đồng, chúng tôi xác định vẫn cần chi khoảng 15-20% cho đổi mới và sáng tạo sản phẩm. Bởi nếu bỏ qua sản phẩm, công nghệ thì FiinGroup sẽ mất đi giá trị cạnh tranh và quay lại thành đơn vị nghiên cứu đơn thuần và dùng dữ liệu rồi.
Hơn nữa, lợi thế cạnh tranh của chúng tôi là một đơn vị độc lập, không mâu thuẫn lợi ích và không đầu tư. Trên thị trường hiện nay thường có một vấn đề là các tổ chức "hát chung một bài", có nghĩa cùng tung hô hay "dìm" khi đưa ra ý kiến và nhận định về thị trường hay sự kiện nào đó vì những ràng buộc lợi ích nhất định.
Chúng tôi cố gắng không bị ràng buộc bởi những yếu tố đó trong quá trình đưa ra quan điểm của mình. Từng bước chinh phục khách hàng với sự độc lập và khách quan trong sự hiểu biết của mình chính là điểm khác biệt của FiinGroup. Bởi chúng tôi chắc chắn không phải là người giỏi nhất trong ngành về chuyên môn.
Nhìn vào thị trường chứng khoán Việt Nam có vẻ to, nhưng thực tế có chưa đến 18 nghìn tài khoản nhà đầu tư tổ chức cả trong và ngoài nước trong tổng số 6,3 triệu tài khoản chứng khoán. Chinh phục nhà đầu tư tổ chức có thể thuận lợi nhưng hơn 6 triệu tài khoản cá nhân thì đó là một thách thức vô cùng lớn với chúng tôi. FiinGroup xác định chỉ đi theo một ngách nhỏ, tập trung phục vụ một phần nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Về kinh doanh, FiinGroup đặt mục tiêu doanh thu năm nay khoảng 100 tỷ đồng. Kỳ vọng tiếp theo là nâng tầm doanh thu từ trăm tỷ lên vài trăm tỷ. Đó cũng là giấc mơ, nhưng không quá lớn và "muốn nhanh thì phải... từ từ!".
Làm trong ngành dữ liệu đã nhiều năm, anh thích nhất điểm gì?
Điều tôi thích nhất là chinh phục được thị trường, dù ngành dữ liệu còn khá mới mẻ tại Việt Nam mặc dù quy mô của công ty vẫn nhỏ. Nhiều người bạn thường vẽ ra cho tôi bức tranh về chiến lược niêm yết FiinGroup với định giá hàng trăm triệu USD. Nhưng tôi nghĩ với lĩnh vực còn mới mẻ và sự hấp thụ của thị trường chưa cao thì không nên vội. Cứ đi rồi sẽ đến, chấp nhận "thử và sai" có kiểm soát.
Hiện tại, được làm mảng mình yêu thích, phù hợp chuyên môn, có tiềm năng, có ích cho ngành thì đó là điều thú vị nhất. Giá trị đem lại cho thị trường của ngành dữ liệu có thể mô tả qua 4 cấp bậc (1) Phân tích mô tả nó là gì, (2) Chẩn đoán đằng sau nó là gì, (3) Dự báo điều gì tiếp sẽ có thể xảy ra và (4) cấp bậc cao nhất là Liệu pháp kê đơn hay giải pháp nên là gì. Điều tôi tâm đắc là FiinGroup đang dần tiến lên cấp độ 3 và xếp hạng tín nhiệm chính là một nấc thang mới đó.
Bởi chúng tôi không chỉ dừng lại ở phân tích dữ liệu lịch sử, mà còn đưa ra khả năng đánh giá tương lai về doanh nghiệp hoặc một sản phẩm tài chính cụ thể. Đối với dữ liệu chứng khoán cũng không chỉ dừng lại ở mức độ mô tả điều gì đang diễn ra trên thị trường, mà còn cố gắng giải thích nguyên nhân đằng sau những con số hay sự kiện đó là gì nhằm phục vụ nhà đầu tư.
Ngoài những điều thú vị khi làm dữ liệu cũng có những câu chuyện khá "oái oăm". Mọi người cứ thấy tôi lên truyền hình, báo chí nói về thị trường chứng khoán thì nghĩ tôi kiếm nhiều lắm. Nhiều khách hàng, bạn bè cũng nhắn "phím cho tôi vài mã" và nghĩ là có thể đổi đời luôn đấy. Nhưng rõ ràng không có một ai có khả năng làm như thế cả, ngay cả những nhà đầu tư huyền thoại như Warren Buffett.
Đầu tư cổ phiếu cũng như việc lựa chọn món ăn. Có thể món này tôi ăn ngon, nhưng người khác ăn vào bị "Tào Tháo đuổi". Tôi có thể chỉ quán ăn, nhưng phù hợp với bạn không lại là vấn đề khác. Nó tuỳ thuộc vào khẩu vị rủi ro và cá tính đầu tư riêng của từng người.
Nếu cứ muốn "ba chữ cái" thì không khác gì đánh bạc, có thể ăn cả hoặc ngã thì về không. Qua những câu chuyện như vậy, mọi người cũng không hỏi nhiều nữa. Nhưng thực tế này rất rõ ràng và đã được rút ra từ những kinh nghiệm xương máu của tôi trên thị trường chứng khoán.
Phương Ly – Hoàng Ly
Phương Ly – Hoàng Ly