(Tổ Quốc) - Đây là yêu cầu của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tại Chỉ thị số 25/CT-UBND nhằm tăng cường phòng, chống dịch trong dịp lễ cuối năm 2021, đầu năm 2022, ban hành chiều 18/12.
Theo đó, qua hơn 2 tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố (TP) cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi lúng túng, thậm chí lơ là, chủ quan trong tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt vẫn còn có cơ sở kinh doanh, một bộ phận người dân chưa chấp hành nghiêm quy định 5K.
Bên cạnh đó, biến chủng mới virus SARS-CoV-2, là Omicron được phát hiện tại Nam Phi đã lan rộng trên phạm vi toàn cầu, nguy cơ xâm nhập là rất lớn khi tần suất các chuyến bay về cảng hàng không quốc tế Nội Bài tăng lên.
Quán triệt thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Thủ trưởng, Giám đốc các sở, ban, ngành TP, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đặc biệt trong các dịp cuối năm, Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Cụ thể, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền, thường xuyên đánh giá cấp độ dịch tại địa phương trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất có thể để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp; xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương theo diễn biến dịch và chỉ đạo của Trung ương và TP...
Bên cạnh đó, phân công Tổ COVID-19 cộng đồng "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", lập danh sách người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ trong thời kỳ mang thai, người chống chỉ định chưa được tiêm vaccine và các trường hợp chưa tiêm vaccine phòng COVID-19… để quản lý, tiêm vaccine (có thể tổ chức tiêm lưu động, tại nhà), hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế sớm, điều trị kịp thời.
Các quận, huyện, thị xã cũng cần chủ động vận dụng tối đa mọi biện pháp, phân công các lực lượng phối hợp ngành Y tế để tổ chức "thần tốc" tiêm vaccine phòng COVID-19 theo Kế hoạch để phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên, chậm nhất hoàn thành trước 31/12/2021; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 18 tuổi trước 31/1/2022; hoàn thành tiêm mũi bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên trước ngày 31/1/2022.
Chủ động xây dựng, ban hành các kịch bản, phương án ở mức cao hơn để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 từ cấp quận, huyện, thị xã đến cấp xã, phường, thị trấn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống...
Các địa phương cần bảo đảm triển khai tối đa việc quản lý, điều trị F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng tại nhà khi đủ điều kiện; Sẵn sàng kích hoạt các cơ sở thu dung điều trị F0; chủ động rà soát hệ thống y tế cơ sở, trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung điều trị F0 để có giải pháp cụ thể về trang thiết bị y tế, thuốc, nguồn nhân lực y tế (ngoài công lập, sinh viên các trường cao đẳng, đại học, các y, bác sỹ nghỉ hưu, tình nguyện viên…) tham gia phục vụ công tác phòng, chống dịch, hoàn thành trong tháng 12/2021.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu thành lập ngay Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà (trước ngày 20/12/2021), với lực lượng thanh niên là nòng cốt.
Nhiệm vụ của Tổ hỗ trợ là thực hiện tiếp nhận thông tin từ người nhiễm COVID-19 tại nhà theo quy định, cập nhật vào hệ thống phần mềm quản lý F0; lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà; ghi chép các thông tin và khi có những dấu hiệu bất thường về sức khoẻ của người cách ly thì thông báo ngay cho cán bộ y tế của Trạm y tế.
Khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều tình huống ngoài khả năng, các quận, huyện, thị xã cẩn chủ động liên hệ các sở, ban, ngành TP để hỗ trợ; báo cáo UBND TP, Ban Chỉ đạo TP để để kịp thời chỉ đạo điều phối, xử lý.
Chủ trì, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế thống nhất phương án, lựa chọn các trường THCS bảo đảm điều kiện để tổ chức cho học sinh cấp 2 trở lại học trực tiếp khi đã tiêm vaccine phòng COVID-19.
Người cao tuổi, người có bệnh nền, người có nguy cơ cao hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người khi không cần thiết. Người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó thực hiện nghiêm thông điệp 5K.
Theo kết quả đánh giá cấp độ dịch mới nhất được cập nhật tới 10h ngày 17/12, Hà Nội có điều chỉnh cấp độ dịch thuộc cấp quận, huyện, thị xã và cấp xã, phường so với báo cáo đánh giá 7 ngày trước. Cụ thể, thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng) trong phòng, chống dịch COVID-19 như cách đây một tuần.
Tuy nhiên, trong 30 quận, huyện, thị xã, chỉ có 4 huyện ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh), giảm 4 địa bàn so với công bố vào ngày 11/12; 24 quận, huyện ở cấp độ 2 (tăng 3 quận, huyện) và 2 quận ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, tương ứng với màu cam), tăng 1 quận.
Về cấp xã, phường, có 439 địa phương ở cấp độ 1 (giảm 17 xã, phường); 132 địa phương ở cấp độ 2 (tăng 5 xã, phường); 25 xã, phường ở cấp độ 3 (tăng 12 xã, phường) và không có địa bàn nào ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ).
Hồng Vân