(Tổ Quốc) - "Giá trị thật" của cà phê được tạo nên từ những ảnh hưởng tích cực đến các mắt xích trong chuỗi cung ứng, bao gồm: người nông dân, nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Là một trong những cá nhân tiên phong đưa cà phê Ý về Hà Nội với chuỗi cà phê Miriam’s Coffee năm 2012, ít ai biết rằng chị Đào Ngọc Anh là nhà sáng lập Detech Coffee - đơn vị sản xuất, chế biến cà phê theo mô hình "Từ nông trường đến tách cà phê" lớn thứ 5 miền Bắc.
Chị Đào Ngọc Anh - Nhà sáng lập & chủ tịch HĐQT Detech Coffee
Sau khi chuỗi cửa hàng Miriam’s Coffee đi vào hoạt động, tại sao chị Ngọc Anh "bén duyên" với ngành sản xuất cà phê đầy thử thách và quyết định thành lập Detech Coffee?
- Là người yêu cà phê, hơn ai hết, tôi mong muốn có những đóng góp nổi bật trong ngành công nghiệp cà phê tại Việt Nam và trên thế giới. Đúng, đây là ngành chứa đựng vô vàn thử thách nhưng không thiếu cơ hội để phát triển và tỏa sáng. Năm 2017, cà phê xuất khẩu từ Việt Nam đạt khoảng 1,7 tỷ tấn, chiếm 14,2% thị trường cà phê xuất khẩu. Theo thống kê, trung bình cứ 7 ly cà phê được tiêu thụ sẽ có 1 ly cà phê đến từ Việt Nam. Tuy nhiên, hơn 90% cà phê nước ta xuất khẩu là cà phê thô, khi trở thành cà phê thành phẩm đã mang nhãn mác của một thương hiệu khác. Vì vậy, đa số người tiêu dùng cà phê trên thế giới không hề biết đến sự tồn tại của cà phê Việt Nam.
Nhà sản xuất cà phê, người tiêu dùng trong và ngoài nước chưa nhận thức đúng về vai trò của cà phê Việt. Đây là thực trạng tiềm ẩn nhiều rủi ro tới vị trí của nước ta trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. Nếu chúng ta không đủ sức tạo dựng những thương hiệu riêng thì trong thời gian sắp tới, cà phê Việt Nam rất dễ bị thay thế bởi cà phê châu Phi. Thực tế, vấn đề này đã xảy ra và đang gia tăng mỗi năm, khi nhiều quốc gia tại châu lục này chủ trương gia tăng sản xuất cà phê giá rẻ nhằm mục tiêu xuất khẩu.
Vì vậy, năm 2012, tôi và những người cộng sự đã quyết định thành lập Detech Coffee với mục tiêu góp phần củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng cà phê bền vững và đưa "giá trị thật" của cà phê Việt đến tận tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Vậy "giá trị thật" của cà phê mà chị nhắc đến ở đây nghĩa là gì?
- "Giá trị thật" của cà phê không chỉ đơn thuần là hương vị, là chất lượng của sản phẩm. ‘"Giá trị thật" của cà phê là những giá trị tích cực và bền vững cà phê đem đến với người nông dân, nhà sản xuất và người tiêu dùng. Thứ nhất, người nông dân cần xây dựng một kế sinh nhai ổn định, một cuộc sống ấm no từ cây cà phê họ chăm sóc. Thứ hai, nhà sản xuất cần lựa chọn mô hình sản xuất, phương thức chế biến bảo toàn trọn vẹn giá trị, bản sắc của hạt cà phê đồng thời thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường. Thứ ba, người tiêu dùng có quyền được hưởng những sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe.
Để tạo nên một chuỗi cung ứng bền vững, hướng đến "giá trị thật" và nguyên bản, từng mắt xích trong quá trình: người nông dân, nhà sản xuất và người tiêu dùng cần gắn kết chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau.
Và Detech Coffee đã thực hiện điều này như thế nào?
- Tại Detech Coffee, chúng tôi xây dựng môi trường cà phê bền vững với mô hình sản xuất "Từ nông trường đến tách cà phê’". Chọn Sơn La là vùng nguyên liệu chính, chúng tôi xây dựng mạng lưới nông dân, hướng dẫn bà con canh tác bền vững, nâng cao kiến thức về cà cà phê, đồng thời thực hiện chính sách bao tiêu sản phẩm: đưa ra mức giá cao và ổn định tạo động lực để người nông dân cung cấp quả cà phê chất lượng hơn.
Nhằm đưa đến các dòng sản phẩm chất lượng cao, chế biến hoàn toàn từ cà phê, Detech Coffee sẽ tiến hành thu mua quả cà phê chín được thu hoạch bằng tay với tỷ lệ quả đỏ lên tới 95%. Nguồn nguyên liệu quý giá này sẽ trải qua quá trình sơ chế và chế biến bởi dây chuyền công nghệ hiện đại nhập khẩu từ châu Âu. Và đúng với mục tiêu bền vững, nhà máy của chúng tôi sở hữu hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn theo yêu cầu của chính quyền địa phương, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến môi trường. Như vậy, theo thời gian khai thác, chúng ta vẫn có thể bảo tồn được vùng nguyên liệu và nâng cao giá trị cà phê Việt Nam.
Detech Coffee thực hiện chính sách bao tiêu sản phẩm: đưa ra mức giá cao và ổn định tạo động lực để người nông dân cung cấp quả cà phê chất lượng hơn.
Trong 8 năm hoạt động, Detech Coffee đã đạt nhiều thành tựu nhất định trên thị trường quốc tế: trở thành đối tác của nhiều của nhiều hệ thống siêu thị và cửa hàng cà phê trong và ngoài nước như Mỹ, Đức, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Saudi Arabia. Vậy lý do gì thôi thúc chị quay trở lại và đầu tư phát triển thị trường nội địa?
- Có một nghịch lý như thế này. Dù là quốc gia sở hữu diện tích canh tác và sản lượng cà phê lớn thứ 2 thế giới, nhiều người Việt vẫn tiêu thụ cà phê trộn ngô, bắp; cà phê tẩm ướp hương liệu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe.
Chúng tôi đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều khách hàng quốc tế, kể cả những thị trường khó tính như Mỹ, Đức hay Trung Quốc. Họ phản hồi rất tích cực về chất lượng cà phê Arabica Sơn La. Tuy nhiên, người tiêu dùng trong nước chưa quen sử dụng cà phê Arabica cũng như chưa biết đến cà phê từ vùng nguyên liệu Tây Bắc.
Vì vậy, Detech Coffee quay trở về thị trường nội địa, thứ nhất để đem đến những sản phẩm cà phê chất lượng cao với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, với công nghệ sản xuất tiên tiến. Thứ hai, là để khẳng định và nâng cao giá trị của hạt cà phê Arabica Sơn La cùng vùng nguyên liệu Tây Bắc.
Vậy, cụ thể đối tượng khách hàng mà Detech Coffee hướng đến là những ai?
- Hiện tại, Detech Coffee đang hướng đến hai đối tượng chính. Đầu tiên, là chủ đầu tư các mô hình kinh doanh cà phê, những doanh nghiệp, những đơn vị có cùng mục tiêu đưa sản phẩm cà phê Việt chất lượng cao đến gần hơn với người tiêu dùng. Sau đó, là những khách hàng, những người sẽ trực tiếp tiêu thụ cà phê. Họ quan tâm cặn kẽ đến nguồn gốc cũng như quy trình sản xuất sản phẩm.
Để chứng thực những điều này, Detech Coffee thường xuyên tổ chức những chuyến tham quan vùng nguyên liệu tại Sơn La và nhà máy tại Hưng Yên dành riêng cho khách hàng quan tâm. Đối với chúng tôi, minh bạch chính là giá trị cốt lõi.
* Cảm ơn chị về những chia sẻ!
Ánh Dương