(Tổ Quốc) - Trong 9 tháng đầu năm 2021, ngành du lịch tiếp tục chịu những ảnh hưởng nặng nề hơn do tác động từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư, đặc biệt tại TPHCM và các tỉnh thành phía Nam. Doanh thu từ ngành chủ lực tiếp tục giảm 42% so với năm 2020, chỉ còn 137.000 tỷ đồng.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam tại toạ đàm mới đây.
Theo ông Thọ, giai đoạn 2015-2019 du lịch Việt Nam phát triển hàng đầu tại khu vực và thế giới, với doanh thu và số khách luôn tăng trưởng hơn 20% mỗi năm, có những năm lên đến 25%. Riêng trong năm 2019 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 18 triệu lượt, cùng với đó là hơn 90 triệu lượt khách nội địa và doanh thu từ du khách đạt trên 700.000 tỷ đồng.
Mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn 2020-2025 là phải đạt 35 triệu lượt khách quốc tế, để có thể vượt qua Malaysia, Singapore và đuổi kịp Thái Lan. Riêng trong năm 2020, ngành du lịch tính toán phải đạt được trên 20 triệu lượt khách quốc tế, hơn 95 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ du lịch phải đạt ít nhất là 700.000 tỷ đồng, đóng góp 12% vào GDP cả nước. Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 đã được Bộ Chính trị phê duyệt.
Tuy nhiên, theo ông Thọ, không chỉ riêng Việt Nam mà ngành du lịch thế giới đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 từ năm 2020. Chúng ta chịu tác động chậm hơn một chút, đến khoảng đầu quý 1/2020 thì dịch mới bắt đầu bùng phát ở Việt Nam. Kết quả trong năm 2020 Việt Nam chỉ đón được khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế, chủ yếu ở giai đoạn đầu năm và 56 triệu lượt khách nội địa. Con số này giảm đến gần 80% so với năm 2019 và doanh thu du lịch chỉ đạt khoảng 312.000 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, ngành du lịch tiếp tục chịu những ảnh hưởng nặng nề hơn do tác động từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư, đặc biệt tại TPHCM và các tỉnh thành phía Nam. Doanh thu từ ngành chủ lực tiếp tục giảm 42% so với năm 2020, chỉ còn 137.000 tỷ đồng.
Khoảng 30% doanh nghiệp trong ngành du lịch phải đóng cửa, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Riêng trong đợt bùng dịch lần thứ tư vào đầu tháng 5 đến nay, có đến 90% doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Chỉ một số ít doanh nghiệp lớn có thể tồn tại được, nhờ vào dự trữ tài chính của những năm trước đó.
"Hiện tại, các doanh nghiệp đang chờ đến thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, để mở cửa đón khách du lịch nội địa cũng như du khách quốc tế trở lại. Đó là niềm vui chớm nở chúng ta kỳ vọng có thể đón khách du lịch nội địa vào dịp Noel, Tết Tây, Tết Nguyên đán và đặc biệt là cao điểm hè sắp tới", Chủ tịch Hiệp hội BĐS du lịch cho hay.
Hy vọng vào đầu năm 2022, khi vắc-xin đã được bao phủ trên thế giới cũng như Việt Nam đã đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam có thể mở cửa đón lại khách quốc tế. Và tôi tin rằng khi chúng ta đã an toàn và mạnh dạn đón khách quốc tế, thì ngành du lịch Việt Nam sẽ bùng nổ trở lại và có những bước tiến cao hơn trước rất nhiều.
Phương Nga