(Tổ Quốc) - Ông Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei trả lời Nikkei Asia khi được hỏi về chính sách tuyển dụng nhân tài từ khắp nơi trên thế giới mà CEO Nhậm Chính Phi đề cập đến mới đây.
Trong khuôn khổ sự kiện Huawei Connect 2021 khai màn từ ngày 24/9, ông Eric Xu – Chủ tịch luân phiên của Huawei đã có những cập nhật mới nhất về định hướng kinh doanh của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.
Mảng tiêu dùng thiệt hại 30-40 tỷ USD vì "cấm vận" của Mỹ
Ông Eric Xu cho biết doanh thu mảng điện thoại thông minh của Huawei trong năm 2020 mang về khoảng 50 tỷ USD doanh thu. Năm nay, con số này sẽ giảm ít nhất 30-40 tỷ USD. "Tôi nghĩ còn khá lâu nữa chúng tôi mới có thể kiếm được 30-40 tỷ USD từ các giải pháp 5G công nghiệp. Trên thực tế, tôi không nghĩ rằng sẽ làm được điều đó ngay cả trong thời gian 10 năm", ông Eric Xu cho biết. Ở lĩnh vực giải pháp 5G công nghiệp, Huawei đang tập trung mạnh mẽ vào các lĩnh vực như khai thác than, sân bay, quản lý hải quan và một số ngành khác.
Hồi tháng 6, CTO của Huawei là Phail Scanlan cho biết Huawei đã phát triển mạng doanh nghiệp cho 2.000 công ty sản xuất, 5.300 mạng cho các công ty khai thác và dự kiến xây dựng 16.000 mạng khác trong năm 2022.
Chủ tịch luân phiên của Huawei - Eric Xu tái khẳng định mục tiêu của hãng là "tồn tại và tồn tại tốt hơn".
Tuy nhiên, vị Chủ tịch luân phiên của Huawei tin rằng việc sớm ứng dụng 5G và AI trong các lĩnh vực quản lý công nghiệp sẽ mang lại những giá trị lớn hơn nhiều so với doanh thu. "Rất có thể trong một vài năm nữa, mức độ số hoá trong các ngành công nghiệp khác nhau trên khắp Trung Quốc sẽ là một ví dụ khác cho thấy Trung Quốc đang dẫn đầu, giống những gì đã làm với thanh toán di động và thương mại điện tử".
Trả lời về việc Huawei kỳ vọng gì về động thái của Chính quyền Biden với doanh nghiệp này, ông Eric Xu từ chối đưa ra nhận định nhưng cho biết con đường duy nhất của Huawei là phục vụ khách hàng tốt hơn và làm mọi thứ cần thiết cho sự tồn tại của mình. "Chúng tôi chỉ có thể lập kế hoạch cho điều tồi tệ nhất và làm phần việc của mình để chuẩn bị với tình huống xấu nhất", ông nói.
Ông cũng chia sẻ thêm, kể từ ngày 16/5/2019, Huawei đã học cách sống chung với các hạn chế của Mỹ. "Chúng tôi đã quen với chúng vào thời điểm này, bất kể sẽ thêm vào hay một số sẽ bị loại bỏ. Tôi tin rằng đó là một trải nghiệm độc đáo cho mọi nhân viên Huawei".
Lựa chọn của Huawei
Nhấn mạnh lại thông tin đã chia sẻ trước đây, ông Eric Xu khẳng định mục tiêu chiến lược của Huawei là "tồn tại và tồn tại tốt hơn". "Chúng tôi đang ở một giai đoạn tìm kiếm sự sống còn. Đối mặt với cùng một thực tế, có khả năng các công ty sẽ đưa ra những lựa chọn khác nhau. Nhiều người sẽ chọn thu nhỏ doanh nghiệp của họ, cắt giảm lực lượng lao động. Nhưng Huawei chọn điều ngược lại", Chủ tịch luân phiên của Huawei trả lời Nikkei Asia khi được hỏi về chính sách tuyển dụng nhân tài từ nước ngoài của Huawei.
Huawei đang đẩy mạnh tuyển dụng nhân tài từ nước ngoài, mỏ rộng hoạt động sang một số lĩnh vực thế mạnh khác để bù đắp vào phần thiếu hụt do ảnh hưởng của mảng thiết bị tiêu dùng.
Trước đó, Chủ tịch kiêm CEO Nhậm Chính Phi đã đăng đàn cho biết Huawei sẽ tập trung nguồn lực để tuyển dụng những nhân sự chất lượng cao từ nước ngoài, sẵn sàng trả lương cao hơn mặt bằng thị trường.
Chia sẻ kỹ hơn, ông Eric Xu nói: "Nếu Huawei muốn tồn tại, chúng tôi phải giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật và đạt được nhiều thứ. Để làm được điều này, chúng tôi cần những tài năng hàng đầu. Do đó, chúng tôi đang đón nhận những tài năng hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới, với những cánh tay rộng mở, để họ có thể giúp chúng tôi giải quyết từng vấn đề khó khăn về kỹ thuật này".
Nói về định hướng, ông Eric Xu không chia sẻ quá cụ thể nhưng khẳng định, hãng có thể mở rộng sang một số lĩnh vực, giảm quy mô ở một số lĩnh vực hoặc thậm chí bán một số đơn vị nhất định để đảm bảo sự tồn tại.
Thực tế, sau khi gặp khó ở mảng thiết bị tiêu dùng, Huawei đã rất nhanh "xoay" sang một số trụ khác, trong đó đáng chú ý là mảng thiết bị viễn thông và giải pháp doanh nghiệp.
Theo tiết lộ của ông Eric Xu, Huawei là nhà cung cấp hạ tầng ICT lớn nhất thế giới với khoảng 30% thị phần.
Hãng này cũng đã trình làng mẫu crossover chạy điện đầu tiên là sản phẩm hợp tác với hãng năng lượng Cyrus mang tên Seres SF5. Huawei cho biết đã đầu tư 1 tỷ USD vào nghiên cứu phát triển công nghệ ô tô điện và ô tô tự lái để cạnh tranh với Tesla. Ưu tiên của Huawei không phải là trực tiếp sản xuất ô tô mà trở thành nhà cung cấp giải pháp như các dịch vụ điện toán đám mây, buồng lái thông minh…
Trong mảng cloud, Huawei cũng tuyên bố đặt mục tiêu trở thành một trong nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất thế giới.
Đức Nam