(Tổ Quốc) - Chú trọng công nghệ, chỉ lựa chọn cung cấp các dịch vụ tạo ra giá trị cho khách hàng, đầu tư công nghệ để nâng cao trải nghiệm, tương tác cho người dùng từ những việc nhỏ nhất,… Đó là những cách gây dựng SmartPay, ví điện tử của tiểu thương, được vị Chủ tịch Marek Forysiak tiết lộ.
Trong 30 năm trong ngành tài chính, ông Marek Forysiak có 10 năm lãnh đạo tại các tập đoàn hàng đầu nước Mỹ (JP Morgan Chase Bank, AIG Global Consumer Finance Group). Sau đó, ông dành 20 năm xông pha ở những thị trường "mới nổi" như Ba Lan, Nga. Bén duyên với Việt Nam từ 2013, hiện tại, ông Marek là nhà sáng lập, Chủ tịch ví điện tử SmartPay.
Trong buổi trò chuyện mới đây, Marek Forysiak đã tiết lộ về sự nghiệp, cách ông gây dựng & phát triển Ví điện tử SmartPay, một ví điện tử đầu tiên dành cho tiểu thương tiêu biểu có tốc độ phát triển "thần tốc" trong hơn 1 năm trở lại đây.
Đầu tư tâm huyết cho công nghệ, cung cấp giải pháp giúp tiểu thương thích nghi trong trạng thái "bình thường mới"
Lúc bắt đầu xây dựng SmartPay, một ví điện tử đầu tiên dành cho tiểu thương, vị chủ tịch này thừa nhận: "Khởi đầu của tôi không phải là chuyên gia về công nghệ". Vì thế, ông chia sẻ bản thân luôn muốn tham gia vào nhiều khâu, nhất là công nghệ, "Bạn có thể hỏi bất kỳ ai ở SmartPay, họ đều biết tôi dành nhiều thời gian cho đội ngũ công nghệ như thế nào." Ngoài ra, ông cũng tiết lộ từng tự mày mò xây dựng học máy (machine learning), tạo ra bot phản hồi giọng nói với nguồn mở. Theo Marek Forysiak, những gì học được giúp ông hiểu và đưa ra những yêu cầu hợp lý đối với đội ngũ công nghệ.
Khi phát triển ví điện tử này, để hiểu sâu sắc về khách hàng và hành vi của họ, ông cho biết cần hiểu rõ dữ liệu và biến dữ liệu thành dữ liệu thông minh, từ đó tạo nên những trải nghiệm thông minh cho người dùng. "Chúng tôi đã nỗ lực làm việc này hàng ngày thông qua đội ngũ chuyên gia dữ liệu. Họ là những nhân viên rất giỏi, có thể làm mọi việc từ học máy đến định danh tự động (automated KYC)", ông Marek Forysiak chia sẻ.
Đầu năm nay, dịch Covid 19 đã khiến hành vi mua sắm và cách tương tác của khách hàng thay đổi. Ông đã nghĩ về số hóa doanh nghiệp và tiếp tục tìm kiếm giải pháp công nghệ để giúp cho việc vận hành được hiệu quả hơn. "Hiện nay có một điều rất quan trọng là yêu cầu của khách hàng đã thay đổi. Họ tìm kiếm những công ty có những giải pháp thích nghi trong tình hình mới cũng như cách thức phục vụ khách hàng. Các ứng dụng di động (mobile application) như SmartPay cần mang đến những tính năng để tiểu thương, khách hàng cá nhân có thể sử dụng thay cho việc đến các địa điểm vật lý để giao dịch do lo ngại dịch bệnh". Ông chia sẻ.
Rồi khi chứng kiến hàng triệu tiểu thương "gục ngã" trong và sau dịch Covid -19, ông trăn trở: "Điều gì sẽ tiếp tục xảy ra đối với hơn 4 triệu tiểu thương bán hàng trên đường phố. Làm thế nào để họ có thể tiếp cận và sử dụng công nghệ để bán hàng thành công trong thời kỳ mới này?" Chính vì tâm huyết đó mà ông cùng đội ngũ SmartPay phát triển riêng các dịch vụ dành cho tiểu thương để không chỉ giúp họ chuyển từ bán hàng offline sang online, mà còn giúp họ tiếp cận các sản phẩm tài chính để có vốn kinh doanh và vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Với những tính năng, tiện ích nổi bật cho kinh doanh thanh toán, SmartPay đã thu hút hơn 350.000 tiểu thương trong 9 tháng qua. Trung bình mỗi tháng, có hơn 200.000 lượt tải ứng dụng di động này. Kênh thanh toán SmartPay cũng vượt mốc hơn 2 triệu giao dịch hàng tháng và con số này đang không ngừng gia tăng.
Nghiêm ngặt chọn lọc ý tưởng & "cấp tốc" triển khai sản phẩm khả dụng đầu tiên
Để ví điện tử SmartPay đạt thành tựu phát triển như hiện nay, chủ tịch ví điện tử này chia sẻ: "Chúng tôi rất nghiêm ngặt trong việc chọn lọc những ý tưởng. Chỉ những ý tưởng thật sự tốt và cần thiết mới thực hiện".
Ông giải thích cụ thể hơn: "Nếu không thể phát triển một nguyên mẫu hoạt động trong 4-6 tuần, chúng tôi sẽ không làm nữa. Vì startup là công ty cần linh hoạt (agile company). Ông nhấn mạnh "Khâu thiết kế có thể mất nhiều thời gian, nhưng một khi đã chọn được thiết kế, chúng tôi phải nhanh chóng phát triển sản phẩm khả dụng đầu tiên (MVP1) trong vòng 6-8 tuần. Sau đó, chúng tôi phát triển MVP2, MVP3, rồi kiểm tra và điều chỉnh, chu trình này mất từ 3-4 tháng cho đến khi xong sản phẩm hoàn chỉnh". Vì điều này mà Vị chủ tịch và đội ngũ của ông luôn nỗ lực "chạy đua" với thời gian.
Trong tháng 11 này, một sản phẩm hỗ trợ tiểu thương vừa được SmartPay ra mắt đó là Mua sắm thông minh (SmartCart). Theo vị chủ tịch này tiết lộ, SmartCart được xây dựng như "sàn thương mại điện tử" dành cho tiểu thương, nơi có tích hợp đầy đủ các tính năng để chủ điểm bán có thể mua sắm, trò chuyện, trao đổi thông tin với khách hàng, quảng bá bán hàng, thanh toán, ... ngay trên giao diện. Và người dùng cá nhân cũng có thể "mua sắm thông minh", có được những món đồ yêu thích với mức giá phù hợp với "ví tiền di động" của mình. Vì hướng đến tiểu thương nên SmartCart sẽ được thiết kế với giao diện vô cùng đơn giản, dễ sử dụng, cho phép những người dù chưa rành về công nghệ cũng dễ dàng đăng tải hình ảnh, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tiếp cận đến 1,5 triệu khách hàng SmartPay trên toàn quốc. Đây sẽ là nỗ lực tiếp theo mà Vị chủ tịch và đội ngũ SmartPay mong muốn thực hiện để góp phần "tiếp sức" cho hơn 4 triệu tiểu thương Việt Nam thích nghi với tình trạng bình thường mới.
Dù trong hơn 1 năm qua, SmartPay đã tạo được những "quả ngọt" bước đầu như xây dựng được hệ thống tốt, đầu tư nhiều vào công nghệ, thu hút lượng lớn người dùng, nhưng theo vị chủ tịch này đó mới chỉ trong "nội bộ". "Sắp tới SmartPay muốn phát triển để tập khách hàng của các ngân hàng, tổ chức tài chính uy tín sẽ giao dịch tại điểm bán của các tiểu thương SmartPay. Đó cũng là hướng giúp các tiểu thương SmartPay phát triển kinh doanh trong tình hình mới".
Mong muốn SmartPay không chỉ là một ứng dụng đơn thuần mà là trở thành "app thông minh", "Chúng tôi cung cấp những dịch vụ để tạo giá trị cho khách hàng trong giao dịch hàng ngày. Các dịch vụ đó phải có sẵn, dễ tiếp cận, dễ sử dụng. Bạn có thể thấy các sản phẩm tài chính nhúng (embedded finance) hiện nay đang là xu hướng rất thú vị. Ví dụ Uber ở Mỹ, họ mời đối tác khác tham gia vào hạ tầng app của họ. Chúng tôi muốn phát triển theo xu hướng đó, nhúng dịch vụ của mình vào nền tảng của đối tác khác". Ông tiết lộ hướng phát triển sắp tới của SmartPay.
Ánh Dương