(Tổ Quốc) - Chúng tôi gặp ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch VNGroup vào một ngày tháng 10 tại văn phòng Tiktak Coworking Space tại tòa nhà Diamond Flower Lê Văn Lương (Thanh Xuân – Hà Nội). Đây không chỉ là ngôi nhà chung của rất nhiều start up trong lĩnh vực công nghệ, du lịch…mà còn là nơi ông Thành ươm mầm những khát vọng cho riêng mình với những dự án bất động sản mang văn hóa Việt.
Kể với chúng tôi về câu chuyện khởi nghiệp, ông Thành vẫn nhớ như in cái rét miền Bắc thấu da thịt khi phải dậy từ 3 giờ sáng đạp xe đi lấy báo về bán đến 10 giờ tối mới được nghỉ. Sau 20 năm, trải qua nhiều khó khăn nhưng ông vẫn giữ thói quen đọc báo giấy ngày nào.
Đặc biệt, ở căn phòng cuối cùng của Tiktak Coworking Space chứa đựng "kho báu" vô giá mà theo ông Thành là văn hóa và linh hồn của mỗi vùng quê Việt. "Mỗi dự án VNGroup làm tôi sẽ xây một triển lãm văn hóa, nơi đó sẽ lưu giữ lại linh hồn của một vùng đất, để khách nước ngoài đến và thấy được văn hóa Việt đẹp dường nào", ông Thành chia sẻ.
Tốt nghiệp Đại học Luật, khởi nghiệp từ bán báo nhưng anh lại trở thành ông chủ một Sàn giao dịch bất động sản ở tuổi 26. Ngã rẽ bất ngờ này có gì thú vị?
Tôi làm kinh doanh từ rất sớm, học trung học phổ thông đã làm rồi, nhưng là với mức độ kinh doanh nhỏ lẻ. Năm 1998, khi tôi đi học đại học, các bạn sinh viên còn bỡ ngỡ thì tôi có một quầy báo và cửa hàng kinh doanh máy tính cũ.
Tôi mở quầy báo vì không bị mất vốn, nếu bán ế sẽ trả lại được. Các tòa soạn và trung tâm phát hành báo chí giao cho thì mình sẽ bán, tùy loại báo sẽ có mức chiết khấu khác nhau. Tuy nhiên, chủ yếu là tôi thuê các bạn sinh viên bán.
Ngoài ra, tôi cũng là người đam mê về kỹ thuật nên tự mày mò học về phần cứng máy tính. Từ đó, tôi có thêm nghề kinh doanh, lắp ráp và sửa chữa máy tính.
Sau khi tốt nghiệp, tôi mở một văn phòng luật. Hồi đấy, không có nhiều tiền để thuê riêng mặt bằng nên tôi thuê chung với một bên sàn kinh doanh bất động sản. Mấy ông làm bất động sản lúc đến lúc không bởi họ có tiền và chủ yếu đi chơi. Mỗi lần như thế họ nhờ trông luôn văn phòng hộ, thế là hằng ngày mình trực cả 2 bên.
Khách tới mua tôi chủ yếu ghi thông tin, số điện thoại xong về chuyển lại cho ông chủ bên đó. Còn một số, tôi tư vấn cho họ xem sơ đồ quy hoạch. Quen dần, khách đến thì họ lại chỉ tìm tôi. Có những giao dịch bất động sản tôi sẽ đi theo họ để làm hợp đồng đặt cọc, thỏa thuận, vì hồi đó giấy tờ về bất động sản chưa được đồng bộ, tỷ lệ có sổ đỏ thấp lắm. Sau này được mọi người tin tưởng, tôi vào nghề bất động sản ngẫu nhiên như thế.
Rồi tôi mở văn phòng môi giới bất động sản. Thời điểm đó thông tin về quy hoạch rất mù mờ, văn phòng của tôi hơn hẳn các văn phòng khác là có rất nhiều thông tin về quy hoạch, các dự án. Tất cả bất động sản tôi niêm yết trên bảng từ thông tin diện tích, giá,...khách hàng cần thì họ sẽ vào tư vấn. Thông tin được công khai, mọi người tò mò nên đến văn phòng của tôi nhiều lắm. Sau đó, rất nhiều đơn vị khác cũng làm mô hình giống như tôi.
Từ môi giới BĐS, anh tiếp tục chuyển hướng sang làm chủ đầu tư. Đâu là bước ngoặt về vốn, nguồn nhân lực, quỹ đất để VNGroup chuyển mình?
Trong quá trình làm bất động sản, ai cũng sẽ trải qua rất nhiều bước. Đầu tiên là tích lũy tài sản, sau đó sẽ có những hoạt động đầu tư nhỏ như mua một mảnh đất xong bán lại có lãi, cứ thế xoay vòng. Cũng may mắn vào đúng giai đoạn thị trường tốt, cộng với việc mình có thông tin sẽ nhân lên lợi nhuận rất nhanh. Thế là lúc có tiền mới nghĩ, mình làm chủ đầu tư từ cái nhỏ trước, năm 2007 - 2008 thì tôi bắt đầu làm. Những dự án đầu tiên của tôi ở Hòa Bình và Hội An (Quảng Nam), hồi đó, cũng không quảng bá nhiều nên ít người biết tới.
Thời điểm những năm 2010, thị trường bất động sản tại Hà Nội rất sôi động nhưng tại sao anh lại về tận Hòa Bình và Hội An làm dự án?
Mỗi người phải tìm cho mình một hướng đi khác, tuy nhiên, phải biết sức mạnh, tiềm lực của mình như nào để làm phù hợp. Thời điểm đó, nếu làm dự án ở Hà Nội thì khó lắm. Bởi, vốn tôi không lớn, trong khi đó, làm ở Hà Nội tính cạnh tranh rất cao, còn ở những nơi khác tôi thấy có rất nhiều tiềm năng mà các điều kiện về giá rẻ.
Năm 2007, cả khu An Bàng (Hội An) chỉ được khoảng hai chục nhà dân làng chài, còn lại là cây phi lao. Tôi quyết định về đây đầu tư bởi tôi cho rằng nghỉ dưỡng se là xu hướng rất thịnh sau này. Tôi đầu tư vào đây với một số tiền khá lớn, lúc đó mọi người nhìn tôi như người trên trời.
Dự án hình thành, khi dẫn khách tới họ chỉ vào xem, chơi xong lại về. Không có người mua nhưng nhờ đó mà tôi ăn may. Tôi hưởng lợi từ việc ế đấy khi giá tăng vọt thời gian sau đó. Từ dự án đầu tiên, tôi bắt đầu đầu tư những dự án khác.
Tôi tiến sâu hơn về các thị trường tỉnh là bởi tôi muốn chọn cho mình con đường riêng. Có hàng nghìn người làm về bất động sản nếu chỉ theo một con đường như thế thì mình sẽ chết. Bởi, xét về năng lực và tầm thì mình không là gì cả. Do đó, phải tìm ra một sự khác biệt để mình đi và phải thật kiên trì mới làm được.
Từ môi giới lên nên mình hiểu được khách hàng của mình là ai, các bước thực hiện giao dịch. Do học về luật nên tôi cũng hiểu được các quy trình thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, môi trường, quy hoạch...đây cũng là một cái thuận lợi khi tôi quyết định đầu tư rất nhanh sau này.
Làm dự án ai cũng mong bán được hàng, lúc mà dẫn khách đi xem nhiều lần nhưng họ không mua anh có cảm giác như mình đang bị thất bại và muốn bỏ cuộc?
Chắc là được rèn luyện khi kinh doanh từ sớm nên tôi nghĩ khát vọng của mình lớn hơn sự sợ hãi nên hai từ "bỏ cuộc" gần như không tồn tại trong tôi. Tôi nghĩ định hướng của mình mà đúng và các bước triển khai tốt thì trước sau gì cũng sẽ tới đích, vấn đề chỉ là thời gian. Hơn nữa, sản phẩm tôi làm được lựa chọn rất kỹ về địa điểm đầu tư và phù hợp với nhu cầu sử dụng thì không có lý gì thất bại.
Sau khi đầu tư tại Hòa Bình và Hội An, tôi tiếp tục làm ở Mũi Né. Dự án này tôi đặt mục tiêu chỉ bán trong 90 ngày. Khi các bạn sale được phát mỗi người một cái áo phông có in duy nhất con số 90, mọi người rất tò mò. Lúc đào tạo, giới thiệu dự án xong thì tôi mới nói: "Chúng ta chỉ có 90 ngày để bán hàng, thành công hay thất bại sẽ nằm ở con số này".
Thường tôi đưa ra mục tiêu trong sự tính toán của mình. Mục tiêu 90 ngày để tính được độ trễ của thị trường hoặc sẽ có những biến động trong giai đoạn đó. Khi đã đưa ra mục tiêu rồi thì làm đến cùng. Và tại Mũi Né kế hoạch 90 ngày của tôi vào năm 2019 đã mang lại thành công lớn cho VNGroup.
Anh từng nói "Chiến lược của VNGroup là sẽ chăm chút những sản phẩm mang bản sắc địa phương và khác biệt không mang tính đại trà hoặc chạy theo đám đông. Các sản phẩm, dự án do VNGruop xây dựng và phát triển đều gắn liền với câu chuyện". Vậy câu chuyện ở đây là gì?
Có ba dự án của chúng tôi là ở Hội An, Huế và Sa Pa liên quan đến di sản, vùng đất. Chẳng hạn như Sa Pa thì ngoài địa hình ra còn liên quan đến người dân tộc thiểu số, đây là cái rất quý với một quốc gia du lịch. Thường du lịch không chỉ là những vùng đất có quang cảnh đẹp mà còn phải có con người. Con người mới tạo ra thị trường du lịch, sản phẩm bền vững. Hay với dự án Hội An D'Or nằm ở vùng đất di sản như vậy, thì phải hiểu di sản đó như thế nào? Tại sao nhiều người nước ngoài không biết đến Việt Nam nhưng lại biết Hội An?
Xuất phát từ điều đó, tôi mua lại dự án từ một chủ đầu tư khác thì mới nghĩ đến câu chuyện ở Hội An mình làm gì? Thường khi có một mảnh đất, người ta nghĩ ngay đến chuyện phân lô, xây dựng bán là xong, nhưng coi như là mình mất. Vậy giờ mình làm cái gì để bán được nhưng vẫn có thể khai thác, từ dự án đó mình phải bù đắp cho Hội An. Khi mà tôi đưa ý kiến đó thì rất nhiều người phản đối, bởi nhiều chủ đầu tư đã làm nhưng không được. Hơn nữa, tôi không phải nhà nghiên cứu văn hóa thì khi đặt câu hỏi như vậy, hầu như mọi người đều rất ngao ngán, nghĩ rằng tôi "không bình thường".
Nhưng tôi nghĩ đến việc cả thế giới họ rất tôn trọng văn hóa bản địa, còn ở Việt Nam một số đơn vị làm rồi nhưng rất hời hợt. Ở Hội An, người ta đi du lịch là tìm đến văn hóa bản địa liên quan đến kiến trúc và con người, còn chỉ nếu đi biển chơi thì ở đất nước này bao nhiêu là biển.
Phải chăng ý tưởng bảo tồn văn hóa Việt trong các dự án bất động sản xuất phát từ thú mê đồ cổ, thích văn hóa Việt của anh?
Tôi là người yêu những giá trị xưa cũ nên tôi cảm thấy rất nuối tiếc khi những giá trị xưa cũ ấy bị lãng quên trong cuộc sống hiện đại.
Làm dự án Hội An D'Or, tìm hiểu thì tôi phát hiện ra câu chuyện liên quan là gốm Chu Đậu, nguồn gốc từ Hải Dương. Để đi tới các nước khác thì loại gốm này lại xuất phát từ thương cảng ở Hội An, do các nhà buôn vận chuyển từ thế kỷ 16 -17. Nhưng hiện nay, gốm Chu Đậu lại được trưng bày ở khoảng 30 bảo tàng trên thế giới.
Nên tại dự án Hội An D'Or tôi quy hoạch một không gian văn hóa nằm ở trung tâm dự án, để trưng bày các hình ảnh, cổ vật. Thực ra, làm một không gian văn hóa không đơn giản, đòi hỏi sự cầu kỳ từ chuyên gia, thiết kế ánh sáng, sắp đặt, tư liệu,...nhưng tôi nghĩ nếu mình không làm thì đến bao giờ mới có. Tôi cho rằng, khó đến mấy nhưng mình cứ làm rồi sẽ thấy đích đến.
Ngoài ra, tại dự án Hội An D'Or tôi còn có khu nông nghiệp rất đặc biệt gọi là nông nghiệp trải nghiệm. Ở đó tôi trồng một số loại cây chẳng hạn như những cây thảo dược, tức mình khôi phục và trồng những cây dược liệu đang bị thất truyền.
Mang văn hóa trong bất động sản là việc làm rất khó, đòi hỏi sự kỳ công nhất định. Nhiều chủ đầu tư lớn đã làm nhưng chưa làm tới. Khó khăn lớn nhất anh gặp phải khi phát triển dòng bất động sản này là gì?
Dự án nào cũng đều có sự khác biệt, ở Hội An D'Or có sự khác biệt về tổng thể quy hoạch, dù diện tích không lớn nhưng phải thể hiện được hết tinh thần phố trong làng, làng trong phố của Hội An, rồi thương cảng. Đấy là cái rất khó đối với Hội An D'Or.
Khu villa của Hội An D'Or được xây dựng rất làng quê, từ cây cối tới những bờ rào... Khu nông nghiệp thì được dựng lại theo truyện Dế Mèn phiêu lưu ký - tác phẩm gần như duy nhất của Việt Nam được dịch ra 26 thứ tiếng. Bên cạnh đó, tôi mất khoảng 1,5 năm để thuyết phục 2 đơn vị vận hành khách sạn có tiếng vào quản lý khách sạn cho mình.
Còn tại Sapa, Huế các dự án của VnGroup chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều thời gian nghiên cứu để triển khai những dự án mang bản sắc riêng, nơi bảo tồn được những giá trị văn hóa, di sản của con người và vùng đất đó.
VNGroup có tệp khách mua BĐS khá đặc biệt. Đó là các nghệ sĩ, nhà thiết kế thời trang nổi tiếng, giáo sư người Việt đang giảng dạy tại những trường đại học hàng đầu thế giới…Sự khác biệt này có phải là tình cờ không, thưa anh?
Thực ra, tệp khách hàng là bài toán chúng tôi đặt ra ngay từ giai đoạn đầu lập quy hoạch. Khách hàng của chúng tôi có cả người Việt và nước ngoài, họ chủ yếu làm trong lĩnh vực nghiên cứu, họ sống và làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, còn có cả các kiến trúc sư nổi tiếng, họa sĩ, doanh nhân có tiếng, hoạt động trong lĩnh vực giải trí...
Anh nói rất nhiều đến yếu tố văn hóa trong bất động sản, đó có phải là cách yêu Nước của riêng anh?
Tôi nghĩ rằng, với những người có hoài bão thì đầu tiên là yêu gia đình, rồi yêu nước, yêu kỷ niệm xưa cũ, yêu những thứ xung quanh mình, yêu tính nhân văn của nhân loại… Có những món đồ trước kia tưởng rằng nó không có giá trị nhưng là kỷ niệm, là sợi dây kết nối tình cảm.Tôi suy nghĩ, câu chuyện của mình yêu nước chính là yêu giá trị xưa cũ và tìm cách cách giữ gìn, bảo tồn chúng.
Nếu có một ước mơ, anh có muốn làm những cái to lớn hơn hiện tại?
Tôi không có ước mơ làm to, làm nhỏ thôi nhưng phải tới, làm một cách gọn gàng, có chiều sâu. Quan điểm của tôi những cái gì to lớn, đủ đầy phải từ bên trong chứ không phải bên ngoài. Bên cạnh đó là không phô trương, hết sức khiêm nhường. Mình làm những thứ quá xa vời với mọi người, vượt khả năng của bản thân đôi khi sẽ triệt tiêu chính mình.
Cố gắng làm nhỏ thôi nhưng mà gọn và hết mình, kiểm soát được nó. Chính vì thế, VNGroup và cả tôi không có tuyên ngôn, chiến lược này nọ. Mình đi bước nào chắc bước đấy, không được đi thụt lùi, tôi vẫn hay nói với cán bộ nhân viên như vậy.
Đã phát triển các dự án lớn thường người ta ngại làm những thứ nhỏ nhặt nhưng tại sao đến giờ anh vẫn kiên trì với Tiktak Co-working?
Chúng ta vẫn hay nói là kinh tế chia sẻ, trong đó mô hình Co-working giúp chúng ta chia sẻ chi phí cho nhau, tối ưu chi phí để tăng hiệu quả ở những cái khác. Thực ra trên thế giới không còn lạ với mô hình này, ở Việt Nam thì chúng tôi nằm trong 50 đơn vị tiên phong cách đây 5 - 6 năm.
Tôi hỗ trợ rất nhiều đơn vị startup hoạt động ở đây, họ giảm được rất nhiều chi phí.
Các doanh nghiệp đến đây thuê, chúng tôi như một bác sĩ, họ cần hợp đồng, tài chính, vấn đề về pháp lý thì VNGroup có nguyên bộ máy để hỗ trợ. Đặc biệt là những start up, hơn ai hết họ cần sự trợ lực từ những người đi trước. Bên cạnh đó, tôi cho rằng Co-working còn là một cánh cửa để mình tiếp cận giới trẻ, học hỏi để mình không bị cũ.
Chính vì vậy, với Tiktak Co-working VNGroup đi từ văn phòng đầu tiên ở Tòa Diamond Flower (Thanh Xuân, Hà Nội) rồi lên đến khu trung tâm thủ đô là tòa Hồng Hà Center 25 Lý Thường Kiệt và Tòa nhà Savina, 44 Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hiện Tiktak Co-working hiện nay đã vươn đến Đà Nẵng tại Toà nhà Diamond Time, 35 Thái Phiên. Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, chúng tôi sẽ mở rộng ra các thị trường quốc tế, hỗ trợ các bạn trẻ start up sau khi đi du học ở nước ngoài.
Anh là một trong những startup thành công, đã trải và biết được những khó khăn các startup trẻ phải đối mặt. Khi làm chuỗi Co-working có phải một trong ước mơ của anh là hỗ trợ các startup không?
Khi Việt Nam đang là quốc gia khởi nghiệp, tôi cũng muốn góp phần tạo ra không gian cho các bạn trẻ tới làm việc. Nếu có những ý tưởng hay về khởi nghiệp thì tôi cũng tiếp cận đầu tư. Thực ra, tôi cũng đầu tư khá nhiều vào các startup công nghệ, có những đơn vị tôi đầu tư khá thành công.
Anh luôn tâm đắc câu nói "Hãy khởi nghiệp một lần trong đời " ở Việt Nam. Anh đã khởi nghiệp thành công, anh có chia sẻ gì với các bạn trẻ?
Đối với các bạn khởi nghiệp, đầu tiên khát vọng luôn phải được duy trì và luôn cháy, đây là cái lớn nhất để làm. Bên cạnh đó, phải làm những việc từ nhỏ nhất rồi đến lớn nhất. Khi khởi nghiệp phải chuẩn bị cho mình đủ, phải hiểu được yếu tố cần và đủ của một người kinh doanh. Cuối cùng, phải lựa sức mình để làm, không chạy theo trào lưu hay sự kích động hoặc vì sĩ diện cá nhân thì khả năng thất bại thấp hơn. Thiếu một trong những điều này thì giá phải trả sẽ rất đắt.
Nhiều người đi học lớp này lớp nọ nhưng câu chuyện khởi nghiệp là khát vọng và ý chí. Khát vọng để chúng ta hướng đến những giá trị tốt đẹp, còn ý chí để vượt qua khó khăn và tạo cho mình sự dũng cảm.
Như tôi, dù đã qua thời kỳ startup nhưng hàng ngày vẫn phải đối mặt với bao khó khăn. Hiện nay, mình phải điều tiết theo cơ chế thị trường hòa chung thế giới, chỉ cần có một biến động liên quan đến tài chính là ảnh hưởng toàn bộ, chưa cần nói tới những nguyên nhân khác.
Khi xác định được mục tiêu phải có ý chí, lập trường và đi một cách hết sức khôn ngoan. Nói là khởi nghiệp nhưng mọi người vẫn chỉ nhìn thấy cái bên ngoài, còn bên trong hành trình của doanh nghiệp rất vất vả. Nhân viên làm việc 8 - 10 tiếng/ngày là bình thường nhưng những người đứng đầu ngoài thời gian trên công ty có khi còn làm việc cả đêm.
Chỉ cần nhân viên ốm, trả chậm lương hay công ty khác trả cao hơn bên mình là đã phải suy nghĩ rồi, chưa nói đến những câu chuyện làm ăn khác. Nói chung, làm doanh nghiệp luôn luôn trăn trở.
Ước mơ của anh là gì? Và anh hình dung VNGroup thế nào trong những năm tiếp theo?
Tinh thần của VNGroup xuyên suốt 20 năm nay vẫn là phát triển bền vững, an nhiên, hạnh phúc. Tôi vẫn hay nói với anh em đừng nghĩ mình làm to, làm lớn, chỉ cần mình luôn đi lên. Trong hành trình khát vọng từng bước phát triển, đời sống nhân viên phải tốt, thu nhập nhân viên phải tốt để nuôi sống mình, gia đình. Và đặc biệt, những sản phẩm, dịch vụ mang ra thị trường thì phải phù hợp, các công trình đầu tư phải bền vững và có giá trị, bản sắc riêng.
VNGroup cũng không nằm ngoài định hướng giống các doanh nghiệp khác sẽ trở thành công ty đại chúng. Bước lên đại chúng không phải để giàu có hơn mà để thấy rằng mình phải sửa những cái chưa chuẩn mực để trở nên tốt hơn, thế hệ này sẽ có sự kế thừa thế hệ khác. Ai cũng thế, giai đoạn nào đó sẽ hết năng lượng sáng tạo thì phải có thế hệ kế tiếp giữ gìn.
Cảm ơn anh về những chia sẻ!
Thanh Ngà - Minh Tâm
Thanh Ngà - Tuấn Minh