(Tổ Quốc) - Thị trường toàn cầu tiếp tục hoảng loạn. Giá cổ phiếu lao dốc do nhà đầu tư tháo chạy; giá dầu mỏ tăng phi mã, vượt 112 USD giữa hàng loạt những “tin xấu” về nguy cơ khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Chỉ số chứng khoán Châu Á không kể Nhật Bản hôm nay giảm 0,56%, Nikkei mất 1,68%, chứng khoán châu Âu và Mỹ lao dốc ngay khi mở cửa, trong khi giá dầu Brent vọt lên 110 USD, cao nhất kể từ đầu tháng 7/2014 giữa bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden ban bố lệnh cấm các chuyến bay của Nga sử dung không phận của Mỹ.
Chứng khoán Châu Á chịu thêm áp lực mới trong ngày 2/3, trong khi giá dầu vọt lên đỉnh mới, 110 USD/thùng do các nhà đầu tư lo lắng về tác động từ các lệnh trừng phạt mạnh tay từ phương Tây đối với Nga.
Chứng khoán Châu Âu giảm ngay lúc vừa mở cửa, với chỉ số Euro Stoxx 50 kỳ hạn tương lai giảm 0,13%, trong đó DAX của Đức giảm 0,17%.
Động thái mới nhất trong chuỗi những biện pháp trừng phạt mà Mỹ nhằm vào Moscow là cấm các chuyến bay của Nga sử dụng không phận Mỹ, sau động thái tương tự từ phía Liên minh châu Âu và Canada.
Chỉ số chứng khoán MSCI của Châu Á – Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,56%, với chỉ số blue-chip CSI300 của Trung Quốc mất 1,12%; Nikkei của Nhật Bản giảm 1,68%.
Các nhà phân tích của ING cho biết: "Cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể sẽ tiếp tục là yếu tố tác động chính lên các thị trường trong tương lai gần. Việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT đồng nghĩa với các khoản giao dịch với Nga không thể thanh toán được, đẩy các nhà đầu tư tìm tới các nơi trú ẩn an toàn".
Các chỉ số chứng khoán Mỹ hôm 1/3 đều giảm, với S&P 500 và Nasdaq Composite giảm hơn 1,6%, trong khi Chỉ số Công nghiệp Dow Jones giảm gần 1,8%.
Giá dầu tăng vọt lên mức cao kỷ lục mới khi các nhà nhập khẩu né tránh nguồn cung dầu Nga, gây lo ngai làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm trên thị trường toàn cầu, khi mà các thương nhân tranh nhau tìm kiếm nguồn thay thế dầu Nga.
Dầu Brent trên sàn London chiều 2/3 theo giờ VN tăng vọt lên 112 USD/thùng, mức chưa từng có kể từ tháng 7/2014; dầu ngọt nhẹ Mỹ cũng tăng lên 110,5 USD.
Giá dầu Brent lúc 15h ngày 2/3 theo giờ VN.
Thị trường dầu mỏ hoảng loạn sau khi IEA cảnh báo an ninh năng lượng toàn cầu đang bị đe dọa. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol hôm thứ Ba (1/3) cho biết tình hình hiện tại trên thị trường năng lượng là "rất nghiêm trọng và đòi hỏi sự theo dõi của chúng tôi", sau quyết định của các thành viên bao gồm Mỹ và Nhật Bản về việc giải phóng 60 triệu thùng dầu thô từ nguồn dự trữ khẩn cấp.
Theo nhà kinh tế Justin Smirk của Westpac: "Các vấn đề xung quanh tài trợ thương mại và bảo hiểm - tất cả đều ảnh hưởng đến xuất khẩu từ Biển Đen. Các cú sốc về nguồn cung đang diễn ra".
Sự đứt gãy thương mại toàn cầu và những hành động bất thường của các nước tiêu thụ dầu đang rất thu hút sự chú ý của mọi người. Được biết, xuất khẩu dầu của Nga chiếm khoảng 8% nguồn cung toàn cầu.
Các công ty năng lượng rời khỏi Nga, chấp nhận lỗ hàng tỷ đô la Mỹ.
Các lệnh trừng phạt trên phạm vi toàn cầu đã khiến một loạt các công ty lớn thông báo tạm ngừng hoạt động hoặc rút lui khỏi hoạt động kinh doanh của họ ở Nga.
Ngày 1/3, ExxonMobil - tập đoàn dầu khí lớn nhất của Mỹ - thông báo từ bỏ dự án dầu khí trị giá hơn 4 tỷ USD ở Nga và sẽ không đầu tư vào dự án nào mới ở quốc gia giàu trữ lượng dầu mỏ này nữa.
Trước đó, hàng loạt công ty năng lượng lớn, trong đó có BP và Shell, cũng đã tuyên bố rời khỏi Nga.
Trong thông báo gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán London, Shell cho biết sẽ bán 27,5% cổ phần trong dự án dầu khí Sakhalin-2, trên đảo Sakhalhin thuộc vùng Viễn Đông của Nga.
Tập đoàn này cũng sẽ chấm dứt 50% lợi ích trong dự án phát triển mỏ dầu Salym ở Tây Siberia và dự án thăm dò Gydan trên bán đảo Gydan thuộc Tây Bắc Siberia.
Shell là một trong 5 công ty năng lượng đã cam kết tài trợ tới 10% trong tổng chi phí ước tính 9,5 tỷ USD của dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 giữa Nga và Đức.
Tuy nhiên, công ty cũng đã thông báo ý định chấm dứt tham gia vào dự án này, sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tuần trước tuyên bố đình chỉ cấp phép cho dự án.
Trước đó, ngày 27/2, Tập đoàn dầu khí Anh BP cũng thông báo sẽ rút 19,75% cổ phần khỏi công ty dầu mỏ Rosneft của Nga.
Tập đoàn năng lượng nhà nước Equinor của Na Uy ngày 28/2 thông báo họ sẽ ngừng đầu tư vào Nga và rút khỏi các liên doanh ở Nga. Equinor có khối tài sản trị giá 1,2 tỷ USD tính tới cuối năm 2021 tại Nga, nơi họ có quan hệ đối tác với công ty dầu khí quốc doanh Rosneft từ năm 2012. Equinor sản xuất khoảng 25.000 thùng dầu tương đương (một đơn vị năng lượng dựa trên lượng năng lượng được tạo ra bằng cách đốt cháy một thùng dầu khoảng 159 lít) mỗi ngày ở Nga.
Các nhà nhập khẩu đổ xô tìm kiếm nguồn dầu thay thế
Mặc dù các cường quốc phương Tây không trực tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu năng lượng của Nga, nhưng các thương nhân Mỹ tự động tránh xa nguồn cung dầu thô của quốc gia Đông Âu này. Hiện tại vẫn còn một số chuyến dầu đang vận chuyển, nhưng đó là dầu mua từ trước.
Các nhà xuất khẩu của Nga đã chào bán loại dầu chất lượng cao nhất của nước này với mức chiết khấu lên đến 20 USD/thùng trong những ngày gần đây nhưng tìm được rất ít người mua. Người mua, đặc biệt là ở châu Âu, đã chuyển sang dầu Trung Đông.
Công ty lọc dầu nhà nước Bharat Petroleum Corp BPCL.NS của Ấn Độ đang tìm kiếm thêm dầu từ các nhà sản xuất Trung Đông để giao vào tháng 4, do lo ngại các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga có thể ảnh hưởng đến việc giao hàng dầu thô Urals.
Là 1 trong 3 nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, nhưng những ngày gần đây, các thương nhân và nhà máy lọc dầu châu Âu đã giảm lượng mua của Nga. Một số đã dừng hoàn toàn.
Các nhà phân tích cho biết, có thể mất vài tuần để đánh giá xuất khẩu dầu của Nga suy giảm đáng kể như thế nào nhưng "rõ ràng đóng góp của Nga vào nguồn cung dầu thế giới đã bị hạn chế.
Các chuyên gia năng lượng cho biết người mua đang rút lui vì họ hoặc các công ty vận chuyển, ngân hàng và dịch vụ bảo hiểm mà họ sử dụng đang lo lắng về việc phải đối mặt với lệnh trừng phạt của phương Tây hiện nay hoặc sau này. Một số khác lo các lô hàng có thể bị trúng tên lửa trong khi một số không muốn liên quan đến Nga.
Trung Quốc tăng lượng dầu dự trữ bất chấp giá cao
Một số nguồn tin cho hay Trung Quốc gần đây đã tăng cường mua dầu cho kho dự trữ của nước này ngay cả khi giá dầu tăng cao, bất chấp lời kêu gọi từ phía Mỹ về việc cùng phối hợp mở bán nguồn dầu dự trữ để giúp hạ nhiệt thị trường năng lượng toàn cầu.
Chuyên gia Augustin Prate từ công ty tư vấn-phân tích dữ liệu Kayrros cho biết dự trữ dầu thô ở Trung Quốc đã tăng khoảng 30 triệu thùng kể từ giữa tháng 11/2021, với 10 triệu thùng đang ở các nhà máy lọc dầu và 20 triệu ở các cơ sở lưu trữ thương mại. Dựa trên thông tin thu được từ hình ảnh vệ tinh giám sát các bể chứa, Kayrros ước tính tổng lượng dầu thô dự trữ của Trung Quốc vào khoảng 950 triệu thùng.
Hoạt động mua dầu Iran của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục trong những tháng gần đây, vượt mức đỉnh năm 2017, dữ liệu theo dõi tàu chở dầu cho thấy.
Các thương nhân cho biết, việc Trung Quốc mua dầu Iran ở mức kỷ lục có nghĩa là sẽ có ít nguồn cung hơn cho những người mua trước đây của Tehran như các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ và châu Âu nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và nước cộng hòa Hồi giáo được phép tiếp tục xuất khẩu dầu.
Mỹ và đồng minh mở kho dầu dự trữ
Mỹ và các đồng minh nhất trí giải phóng 60 triệu thùng dầu thô từ nguồn dự trữ khẩn cấp. Tuy nhiên, thị trường đánh giá động thái này chẳng giúp gì để kiềm chế giá dầu tăng vọt.
Trong bài phát biểu hôm 1/3, Tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ và các đồng minh sẽ giải phóng 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ để giải quyết tình trạng tăng giá khí đốt. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine làm dấy lên lo ngại rằng giá khí đốt sẽ tăng mạnh trong những tuần tới. Điều này có thể gây thêm sức ép tài chính cho các gia đình Mỹ, vốn đang gặp khó khăn vì tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 40 năm qua.
Theo đó, 30 triệu thùng dầu sẽ đến từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ, và số còn lại sẽ đến từ các đồng minh ở châu Âu và châu Á, bao gồm Đức, Anh, Italy, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc,..., với tổng lượng dầu xuất kho ước khoảng 60 triệu thùng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế thông báo hôm 1/3 rằng các nước thành viên đã đồng ý giải phóng khẩn cấp nguồn dầu dự trữ nhằm gửi một "thông điệp mạnh mẽ tới thị trường dầu mỏ toàn cầu rằng sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu hụt" do hậu quả của xung đột Nga – Ukraine.
Saudi Arabia tăng giá bán dầu sang châu Á
Nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, Saudi Arabia, có thể tăng mạnh giá dầu thô cho châu Á trong tháng Tư, theo đó giá một số loại dầu sẽ lên mức cao nhất mọi thời đại do nguồn cung trên toàn cầu bị thắt chặt bởi các vấn đề về tài chính và vận chuyển do các lệnh trừng phạt.
Theo các nguồn thương mại, mức cộng của giá bán chính thức (OSP) đối với dầu thô Arab Light của Saudi Araiba có thể đạt kỷ lục cao, 4,50 USD/thùng, gấp 3 lần mức cộng 1,7 USD hiện nay.
OPEC dự kiến giữ nguyên lộ trình tăng sản lượng
OPEC ngày 2/3 họp bàn về chính sách sản lượng trong thời gian tới, với nhiều khả năng nhóm này sẽ bám sát kế hoạch tăng nguồn cung vừa phải bất chấp sự hỗn loạn của thị trường dầu hiện nay.
Tham khảo: Refintiv, Bloomberg, Cnbc
Vũ Ngọc Diệp