(Tổ Quốc) - Tại thời điểm 30/6/2022, còn gần 22.700 tỷ đồng của nhà đầu tư "nằm chờ" tại VPS.
CTCP Chứng khoán VPS vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 với doanh thu hoạt động tăng 10% so với cùng kỳ năm trước lên mức 2.207 tỷ đồng, trong đó mức tăng trưởng đáng chú ý nhất là mảng cho vay và phải thu.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022 của VPS
Cụ thể, lãi từ cho vay và phải thu của VPS trong quý 2 tăng 62% lên mức 322 tỷ đồng, chiếm 15% cơ cấu doanh thu hoạt động của công ty. Ngoài ra, hoạt động lưu ký chứng khoán đem về cho VPS gần 14 tỷ đồng doanh thu, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Đối với hoạt động cho vay ký quỹ, tại thời điểm cuối quý 2/2022, dư nợ margin và ứng trước tiền bán tại VPS đang xấp xỉ 9.169 tỷ đồng, giảm hơn 1.043 tỷ đồng so với con số 10.212 tỷ đồng cuối quý 1 liền trước.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022 của VPS
Ngược lại, doanh thu tại mảng tự doanh và môi giới ghi nhận tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2021, lần lượt đạt 942 tỷ đồng và 715 tỷ đồng, tương ứng tỷ trọng 43% và 32% tổng doanh thu hoạt động.
Chi phí hoạt động trong quý 2 của VPS cũng tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ, lên hơn 1.691 tỷ đồng. Trong đó, chi phí môi giới chứng khoán tăng hơn 10% cùng kỳ, đạt hơn 642 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản lỗ từ tài sản FVTPL giảm hơn 6% xuống còn 921 tỷ đồng; chi phí hoạt động tự doanh lại tăng 34% lên hơn 110 tỷ đồng. Trong quý 2, công ty ghi nhận khoản lỗ gần 2.100 tỷ đồng từ bán trái phiếu chưa niêm yết trong khi lãi thu từ bán hai loại tài sản này trong năm là hơn 1.322 tỷ đồng, không đủ để bù lỗ. Kết quả mảng tự doanh của VPS báo lỗ ròng trong quý 2 khoảng 89 tỷ đồng.
Danh mục tài sản FVTPL của Công ty tại thời điểm cuối quý 2 năm 2022 chủ yếu nằm ở công cụ thị trường tiền tệ, lên tới 7.310 tỷ đồng, tăng khoảng 1.100 tỷ so với cuối quý 1/2022. Cổ phiếu niêm yết chỉ chiếm gần 20 tỷ đồng trong danh mục FVTPL, công ty không thuyết minh cụ thể những cổ phiếu thuộc danh mục tự doanh.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022 của VPS
Kết quả, VPS lãi trước thuế 281 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 41% so với cùng kỳ lên hơn 225 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán hiện nay, VPS là công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có đảm bảo cao nhất trên sàn HOSE, chiếm 17,1% thị phần vào quý 2/2022 vừa qua. Do đó, lượng tiền nhà đầu tư đang "nằm chờ" ở VPS cũng là một con số tương đối lớn.
Theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 của VPS cho thấy, tại thời điểm 30/6/2022, nhà đầu tư đang gửi gần 22.700 tỷ đồng ở VPS. Trong đó, chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư trong nước về giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý, ghi nhận hơn 21.601 tỷ đồng. So với thời điểm hồi cuối quý 1 năm 2022 (21.093 tỷ), lượng tiền "nằm chờ" của nhà đầu tư trong nước tại VPS tăng hơn 500 tỷ đồng.
Phương Linh