Chuyển đổi số là cơ hội vàng cho doanh nghiệp viễn thông

Nằm trong chiến lược chuyển đổi số Quốc gia, các doanh nghiệp viễn thông đang có những thích ứng kịp thời với thời đại công nghệ, từng bước chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp số.

Vài năm trở lại đây thị trường viễn thông đang có dấu hiệu "bão hòa" khi phải đứng trước nhiều biến động như sụt giảm doanh thu thoại/SMS truyền thống, sự thắt chặt quản lý chính sách ngành, thay đổi về xu hướng công nghệ.

Với các nhà mạng, viễn thông vẫn là nguồn thu chủ yếu, nhưng đứng trước thực trạng tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận từ viễn thông liên tục giảm, điều này buộc các doanh nghiệp phải thay đổi trở thành nhà cung cấp hạ tầng và dịch vụ số, đẩy mạnh kinh doanh các dịch vụ mới như dịch vụ số, hạ tầng cáp quang, thanh toán số, kinh doanh các dịch vụ cloud…Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội với doanh nghiệp khi phải cân bằng giữa chi phí và lợi nhuận dịch vụ, đảm bảo tiến độ để kịp thời chuyển đổi công nghệ, hạ tầng, hệ thống CNTT, thử nghiệm các hình thức kinh doanh mới phù hợp với xu thế của thị trường.

Cơ hội cho doanh nghiệp viễn thông vượt qua "điểm bão hòa"

Theo kết quả khảo sát "Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trên 400 doanh nghiệp năm 2020, tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số tăng nhanh so với trước đây, cụ thể như trong việc quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến…

Nổi bật như điện toán đám mây là công cụ kỹ thuật được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhất trong lĩnh vực quản trị nội bộ với 60,6% - tăng 19,5% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Đứng thứ hai là hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý công việc và quy trình với xấp xỉ 30% số doanh nghiệp đã ứng dụng các công cụ này trước khi có đại dịch Covid-19 và xấp xỉ 19% số doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng các công cụ này từ khi có dịch bệnh.

Trong đó, viễn thông được xem như "lĩnh ấn tiên phong" cho công cuộc chuyển đổi số khi là hạ tầng nền tảng của mọi người trong cuộc sống hằng ngày.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển, hạ tầng viễn thông được định hướng sẽ chuyển dịch thành hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông và điện toán đám mây. Nằm trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ di động 5G, làm chủ hạ tầng điện toán đám mây (cloud) thông qua các nền tảng "Make in Viet Nam".

Thách thức và định hướng của doanh nghiệp

Nhận định được những điểm sáng và hướng đi mới ngành CNTT-VT, các doanh nghiệp buộc phải có những thay đổi về cơ cấu, cách thức quản lý, công nghệ và sẵn sàng nguồn lực để đối mặt với những khó khăn của thị trường.

Thực tế cho thấy, thời gian qua các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam đã không ngừng đầu tư hạ tầng, cố gắng tận dụng những tiềm năng mang lại từ các xu hướng công nghệ thông tin mới như 5G, IoT (Internet vạn vật) và Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, Điện toán đám mây và An ninh mạng để đi tìm hướng đi phù hợp với doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, để có thể đáp ứng được các yêu cầu công nghệ, hạ tầng đặt ra, đòi hỏi chi phí đầu tư là rất lớn và cần một khoảng thời gian nhất định, tối thiểu 3-5 năm, để bắt đầu kinh doanh có lãi, thu được lợi nhuận.

Ngoài ra, áp lực về chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp viễn thông tương đối lớn lớn; trong khi thị trường viễn thông di động đã bão hòa, doanh thu có xu hướng giảm; các lĩnh vực kinh doanh mới cạnh tranh gay gắt (giữa các đối thủ trong và ngoài nước), đòi hỏi các nguồn lực bỏ ra ban đầu lớn hơn so với doanh thu mang lại; khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn lực để phục vụ cho công tác phát triển kinh doanh (phát triển sản phẩm, phát triển kênh phân phối, phát triển khách hàng, chăm sóc và duy trì khách hàng,…).

Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn lực chất lượng cao cũng là bài toán nan giải mà các doanh nghiệp CNTT-VT phải đối diện. Thực tế cho thấy, hiện nay, thị trường lao động ngành công nghệ thông tin đang trong tình trạng "cung không đủ cầu". Dự báo từ năm 2022 - 2024, Việt Nam vẫn thiếu hụt 150.000 - 195.000 lập trình viên/kỹ sư hằng năm.

Xác định mục tiêu tập trung xây dựng và củng cố những nền tảng mới  để có thể chuyển đổi thành "Doanh nghiệp số", các đơn vị viễn thông cần thực hiện chiến lược ưu tiên trong chuyển đổi số như tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh so với những đối thủ công nghệ khác, tăng cường hoạt động R&D, nâng cao uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp trên truyền thông, cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng,... Qua đó, từng bước hoàn thành mục tiêu đưa viễn thông Việt Nam đi cùng nhịp với các nước phát triển, từ đó tạo tiền đề cho phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tin mới