(Tổ Quốc) - Theo chuyên gia, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cuộc chiến đấu chống dịch bệnh có thể còn dài và kể cả bối cảnh "bình thường mới", đội ngũ này vẫn luôn là mắt xích quan trọng. Nếu cấm đối tượng này, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy; làm chậm quá trình sản xuất, lưu thông, tiêu dùng hàng hóa – dịch vụ; tăng chi phí vận chuyển, chi phí sinh hoạt cho người dân và doanh nghiệp...
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan nhanh chóng ở hầu hết các tỉnh, thành phố, làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân và doanh nghiệp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, rất cần Chính phủ chỉ đạo nhất quán thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ những ách tắc này.
Trong số đó, vị chuyên gia kinh tế đầu ngành cho rằng, có hai giải pháp cấp thiết, đó là: (i) Chính phủ cần sớm ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hoặc danh mục hàng hóa cấm vận chuyển (như đề xuất của Bộ Công thương) để toàn quốc nhất quán thực hiện; và (ii) cho phép shippers hoạt động có điều kiện.
Theo đó, các shippers cần đáp ứng 6 điều kiện sau:
Một là, các shippers chỉ được vận chuyển hàng hóa thiết yếu (theo danh mục ban hành) và cần có mã số định danh (dạng QR code như một số địa phương đang làm) và luôn đeo thẻ nhận diện. Hai là, các shippers cần tải bluezone để có thể truy soát lộ trình đi lại và đối tượng nguy cơ lây nhiễm. Ba là, cần nghiêm túc thực hiện quy định 5K của bộ y tế (nhất là khi giao hàng cho người dân cần luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách…). Bốn là, áp dụng triệt để thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, mỗi shipper cần có app thanh toán qua ví điện tử ngân hàng hoặc trung gian thanh toán khác (bao gồm cả nhà mạng khi thực hiện cung ứng dịch vụ mobile money) và người dân cũng quan tâm việc này (cũng là để thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ). Năm là, ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng này, coi đây là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng. Cuối cùng, doanh nghiệp sử dụng shippers có trách nhiệm quản lý, theo dõi, đảm bảo các nguyên tắc phòng, chống dịch an toàn. Shipper hoặc doanh nghiệp nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm và không cho làm tiếp dịch vụ này nữa.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cuộc chiến đấu chống dịch bệnh có thể còn dài và kể cả bối cảnh "bình thường mới", đội ngũ này vẫn luôn là mắt xích quan trọng. Nếu cấm đối tượng này, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy; làm chậm quá trình sản xuất, lưu thông, tiêu dùng hàng hóa – dịch vụ; tăng chi phí vận chuyển, chi phí sinh hoạt cho người dân và doanh nghiệp. Việc cấm đoán này sẽ làm giảm thu nhập, việc làm của các shippers, vốn dĩ đã rất khó khăn thời gian qua. Ngoài ra, không ít shippers đã làm nhiều việc nghĩa, việc cấp bách (như tiếp thuốc chữa bệnh, nhiều đồ dùng thiết yếu…) cho người dân neo đơn thời gian qua. Cuối cùng, có shipper cũng sẽ giảm thiểu tình trạng tụ tập, mua bán, trao đổi đông đúc của người dân, khó đảm bảo giãn cách phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu.
"Việc cho phép này có thể khiến một số cơ quan quản lý vất vả hơn, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát được rủi ro và rất đáng suy xét để cho phép thực hiện. Trung Quốc và một số quốc gia khác đã áp dụng linh hoạt, hiệu quả phương thức này" - vị chuyên gia bổ sung thêm.
H. Kim (ghi)