Chuyên gia Phan Dũng Khánh: "Nhiều nhà đầu tư hỏi tôi có nên mua cổ phiếu đã tăng từ 5.000 lên 50.000 đồng với kỳ vọng tăng thêm 10 lần nữa"

(Tổ Quốc) - Nhà đầu tư cá nhân Việt đang "đơn độc" trong hành trình đi lên của thị trường chứng khoán Việt Nam khi họ là bên mua ròng duy nhất hiện nay trên thị trường, gồng gánh khối ngoại, nhà đầu tổ chức trong nước bán ròng kỷ lục gần 77.200 tỷ, loạt lãnh đạo, doanh nghiệp đua "xả hàng".

Sự trỗi dậy của nhà đầu tư cá nhân đã đưa VN-Index phá hết đỉnh này đến đỉnh khác những ngày tháng 11. Dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng là động lực cho con "sóng thần" từ năm 2020 đến nay. Một con sóng mà ở đó nhà đầu tư cá nhân đã đơn độc gồng gánh thị trường, bất chấp khối ngoại bán ròng kỷ lục, tổ chức trong nước, lãnh đạo "xả hàng", công ty bán cổ phiếu quỹ.

Khối ngoại, nhà đầu tư tổ chức và tự doanh bán ròng hơn 77.000 tỷ: "Nhỏ lẻ" cân hết

Theo số liệu từ HOSE, tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài mua vào lượng cổ phiếu giá trị 32.654 tỷ đồng trong khi chiều bán ra 41.162 tỷ đồng. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục rút ròng 8.508 tỷ đồng. Mức bán ròng tiếp tục được đẩy lên cao, tăng 3.500 tỷ so với con số 5.000 tỷ của tháng 11.

Luỹ kế 11 tháng năm nay, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 58.000 tỷ đồng trên thị trường. Nhìn lại năm 2020, khối ngoại cũng bán ròng khoảng 16.000 tỷ đồng. Ngay cả Fubon ETF một quỹ đầu tư đến từ Đài Loan đã mua ròng mạnh trong tháng 7 cũng quay trở lại bán ròng 3.000 tỷ đồng.

Chuyên gia Phan Dũng Khánh: Nhiều nhà đầu tư hỏi tôi có nên mua cổ phiếu đã tăng từ 5.000 lên 50.000 đồng với kỳ vọng tăng thêm 10 lần nữa - Ảnh 1.

Khối ngoại bán ròng kỷ lục trên HOSE 11 tháng năm 2021

Nhà đầu tư tổ chức trong nước và tự doanh các công ty chứng khoán miệt mài bán ròng và tốc độ gia tăng mạnh những ngày gần đây. Theo một tổng hợp của chúng tôi, khối nhà đầu tư tổ chức và tự doanh đã bán ròng hơn 19.200 tỷ tính từ đầu năm 2021 đến nay.

Như vậy, chỉ tính riêng khối nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước, tự doanh đã bán ra khoảng 77.200 tỷ đồng trong 11 tháng năm nay - một mức kỷ lục mới. Chứng khoán năm 2021 là năm của những kỷ lục được phá.

Gần đây, hàng loạt các lãnh đạo doanh nghiệp đã bán ra lượng lớn hàng hoá khi giá cổ phiếu trên đỉnh cao, tăng bằng lần như: ông Võ Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Thép Nam Kim chốt lời 15 triệu cổ phiếu NKG thu về 724 tỷ đồng, vợ Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng cũng chốt lời thành công 1,6 triệu cổ phiếu tại vùng đỉnh 70.000 đồng/cổ phiếu, lãnh đạo của Đất Xanh, Tổng công ty 36,…

Thị trường càng thăng hoa, các doanh nghiệp bán cổ phiếu quỹ càng nhiều, VNDIRECT mới đây đã bán ra 5,9 triệu cổ phiếu quỹ thu về 473 tỷ đồng. Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã HAH) cổ phiếu tăng gấp 4 lần so với đầu năm công ty cũng bán ra 1,38 triệu cổ phiếu quỹ, Công ty Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (mã API) khi cổ phiếu tăng 6 lần cũng đã tranh thủ bán ra cổ phiếu quỹ thu về 100 tỷ đồng.

Trong khi đó cùng với sự bùng nổ gia nhập thị trường, khối nhà đầu tư cá nhân đã liên tục mua vào đối ứng lượng hàng các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức trong nước, doanh nghiệp bán cổ phiếu quỹ, ban lãnh đạo bán. Lượng hàng mà khối nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ đến ngày 29/11 ước tính gần 104.000 tỷ đồng.

Nhà đầu tư cá nhân còn gồng gánh được bao lâu nữa?

VN-Index đã chạm ngưỡng 1.500 điểm trong tháng 11, những ngày tươi đẹp nhất của thị trường chứng khoán tháng 11 đã đi qua. Một thị trường chỉ có nhà đầu tư cá nhân "đơn độc" gồng gánh khiến nhiều nhà đầu tư đang rất lo lắng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank King Eng cho biết, hiện nay nhà đầu tư cá nhân đang là bên duy nhất mua ròng trên thị trường - là động lực lớn để VN-Index phá hết đỉnh này đến đỉnh khác. Nếu như năm 2020 còn có nhà đầu tư tổ chức trong nước, tự doanh công ty chứng khoán mua ròng nhưng thời điểm này họ đều quay ra bán ròng rất mạnh. Đặc biệt, phía các lãnh đạo doanh nghiệp cũng tranh thủ xả hàng, còn doanh nghiệp thì bán cổ phiếu quỹ. Chỉ còn mình nhà đầu tư cá nhân gồng gánh, mua ròng. Chính các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài miệng khen thị trường nói tiềm năng tuyệt vời nhưng tay họ đặt bán cổ phiếu

"Nếu như nhà đầu tư nước ngoài, khối tự doanh - tổ chức vẫn tiếp tục tăng bán thì dòng tiền nội, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân có thể gồng gánh thêm 2-3 tháng nữa với điều kiện VN-Index giữ vững được mốc 1.450 điểm, thị trường vẫn có thể đi lên tháng 12 thậm chí đầu năm 2022", ông Dũng Khánh nói.

Chuyên gia Phan Dũng Khánh: Nhiều nhà đầu tư hỏi tôi có nên mua cổ phiếu đã tăng từ 5.000 lên 50.000 đồng với kỳ vọng tăng thêm 10 lần nữa - Ảnh 2.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank King Eng

Ông Khánh lý giải, việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục có thể là bởi vì những ngành kinh tế phát triển bền vững như y tế, giáo dục, sáng tạo là rất hiếm trên sàn chứng khoán. Ở Việt Nam, riêng ngành bất động sản chiếm tới một nửa doanh nghiệp trên thị trường rồi. Thị trường được chi phối nhiều bởi các doanh nghiệp ngân hàng, chứng khoán, đất đai,…yếu tố đầu cơ rất là lớn. Điều này có thể gây ra sự thiếu bền vững trong thị trường. Trong khi đó, những doanh nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp rất ít nhưng lại là "hot trend" và là khẩu vị yêu thích của các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc khối ngoại liên tiếp bán ròng còn đến từ việc thị trường Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng Emerging Markets, dù chủ đề này đã được kỳ vọng trong suốt nhiều năm qua.

"Có nhiều nhà đầu tư hỏi tôi có nên mua cổ phiếu đã tăng từ 5.000 đồng lên 50.000 đồng/cổ phiếu, tức 10 lần rồi với kỳ vọng tăng 10 lần nữa lên 500.000 đồng/cổ phiếu. Tâm lý nhà đầu tư đang rất FOMO, dòng tiền cũng FOMO, họ đâu cần biết doanh nghiệp đó thế nào. Chưa cần xét đến khía cạnh nội tại của doanh nghiệp, chỉ phân tích ở khía cạnh của dòng tiền thì muốn tăng 10 lần nữa lên thì dòng tiền phải mạnh hơn nữa. Hiện nay số tài khoản mở mới mỗi tháng bình quân hơn 100.000 tài khoản - con số này rất là cao rồi nhưng tăng mạnh hơn nữa, cổ phiếu tăng bằng lần thì dòng tiền cũng phải tăng cấp số nhân", ông Khánh nhận định.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, cổ phiếu để tăng từ 5.000 đồng lên 50.000 đồng thì dễ nhưng từ 50.000 đồng lên 500.000 đồng rất khó vì đã "nặng" quá rồi, cần có dòng tiền cực lớn bổ sung liên tục. Muốn làm được phải giữ được phải giữ được dòng tiền nóng hiện nay trên thị trường đồng thời phải có dòng tiền mới của khối nhà đầu tư mới bổ sung liên tục. Nhưng trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức liên tục bán ròng quả thực rất khó. Trong khi với nhà đầu tư cá nhân tâm lý rất yếu, tiền một phần là vay mượn nên khi thị trường biến động là áp lực tâm lý rất lớn, tính bền vững của thị trường khó được duy trì bởi yếu tố đầu cơ trên thị trường đang rất cao.

Với các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, nhà đầu tư cá nhân chiếm trên 50%, ở Việt Nam nhà đầu tư cá nhân chiếm trên 80% giá trị giao dịch hiện nay.

Ông Khánh phân tích năm 2020, chỉ có vài phiên giao dịch có thanh khoản trên 1 tỷ USD nhưng VN-Index tăng 70% còn HNX-Index tăng 120%, năm nay những phiên giao dịch tỷ USD rất nhiều nhưng VN-Index mới tăng trên 30% so với đầu năm nhưng dòng tiền lại mạnh hơn rất nhiều. Thị trường đã tăng lên mức cao rồi thì tốc độ sẽ chậm đi và muốn tăng hơn nữa thì dòng tiền bổ sung phải nhiều hơn nữa. Thời gian tới, tốc độ tăng trưởng của VN-Index có thể chậm lại.

"Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân đang nóng nếu muốn họ ở lại lâu trên thị trường cũng cần có thêm nhiều doanh nghiệp chất lượng hơn, bền vững hơn, để nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức họ quay lại. Bên cạnh đó phải phát triển nhiều sản phẩm chứng khoán đa dạng, đưa thêm các doanh nghiệp khởi nghiệp, ngành đem lại giá trị bền vững lên sàn", ông Khánh nhận định.

Thanh khoản thị trường đã tăng vọt trong nửa cuối năm 2021, nếu như tháng 6 thanh khoản bình quân của thị trường vào khoảng 28.700 tỷ đồng nhưng đến tháng 11, thanh khoản bình quân mỗi phiên đã vượt 40.200 tỷ đồng.

Bạch Huệ

Tin mới