(Tổ Quốc) - Theo các chuyên gia, Tây y chuyên dùng để chẩn đoán và điều trị những bệnh cấp kỳ bột phát, còn Trung y – cụ thể là những món ăn hoặc thực phẩm, có thể giúp điều trị những bệnh về mãn tính. Và nếu chúng ta nấu ăn biết kết hợp gia vị theo đúng cách mà ông cha ta truyền lại, ví dụ như thịt vịt phải đi với gừng…nhằm loại bỏ thành phần xấu trong món ăn, thì cơ thể sẽ luôn khỏe mạnh.
Trong chúng ta, hẳn ai cũng đã từng 1 lần nghe đoạn ca dao: Con gà cục tác là chanh, Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi, Con chó khóc đứng khóc ngồi, Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng, Con trâu nằm ngửa nằm nghiêng, Xin chớ mua riềng – mua tỏi cho tôi.
Dù chỉ có vài dòng, nhưng đây là kinh nghiệm đúc kết mấy ngàn năm của cha ông ta trong việc chế biến thức ăn, để làm sao chúng ta có thể ăn ngon nhưng không gây hại lên cơ thể, vì đã tiêu thụ quá nhiều thịt.
Chia sẻ tại tọa đàm "Thực phẩm thay đổi sự sống & Gia vị cho y – sinh" sáng 26/4, PGS.TS Nguyễn Thị Bay – nguyên Trưởng bộ môn Y học Cổ truyền – ĐH Y dược TP.HCM chia sẻ: kinh nghiệm trong cuộc sống dân gian hay lắm, chẳng hạn ăn hột vịt lộn phải ăn với rau răm, ăn thịt vịt thì chấm với mắm gừng… Đó là kinh nghiệm dân gian gọi là cân bằng âm dương – ngũ hành, nhưng sau này bà học thì mới thấy tất cả đều có cơ sở khoa học.
Cũng theo PGS Nguyễn Thị Bay, chúng ta cần biết, gia vị không chỉ làm tăng hương vị cho món ăn nhưng mỗi gia vị còn có các dược tính rất tốt. Chẳng hạn, trong mùa dịch Covid-19 vừa rồi, chúng ta phải tích gừng thì đó rõ ràng là chúng ta đã hiểu rõ dược tính của gia vị gừng rồi.
Khi chúng ta ho, ta cắt một lát gừng ngậm thôi, là đỡ rồi. Hay khi chúng ta bị trào ngược dạ dày thì gừng - mật ong có thể trị hữu hiệu. Hay khi chúng ta cần xông cơ thể mà không có đẩy đủ dược liệu để xông, chỉ cần cốc nước nóng và vài lát gừng là có thể xông được rồi.
Bên cạnh đó, các gia vị khác, chúng ta có thường ngày như tỏi, hành, nghệ, tiêu, ớt… tất cả đều là các vị thuốc tự nhiên; hay là các loại rau thơm, rau húng, ngò gai… cũng vậy. Chúng không chỉ kích thích vị giác các loại rau ăn kèm này còn có các tinh dầu làm tiêu mỡ xấu. Chẳng hạn, sự xuất hiện của những gia vị như quế - hồi hay rau mùi tàu trong bát phở bò là để triệt tiêu các thành phần xấu.
Các loại rau gia vị đều có các tinh dầu vừa tăng hương vị đồng thời hóa giải các thành phần không tốt có trong thức ăn.
PGS.TS Nguyễn Thị Bay – nguyên Trưởng bộ môn Y học Cổ truyền – ĐH Y dược TP.HCM
Chẳng hạn, như dịp Tết chúng ta có nồi thịt kho nước dừa, theo như phân tích thì có nhiều thành phần xấu quá… nhưng nếu làm theo đúng như cách chế biến của ông bà chúng ta: cục thịt cuốn bằng hành lá, cột lại, rồi cho thêm các gia vị khác như gừng, hồi… thì cái nồi thịt kho nước dừa này không còn xấu nữa. Ngoài ra, chúng ta còn ăn thịt kho tàu với dưa giá, củ kiệu… nữa.
Theo PGS Nguyễn Thị Bay, những món ăn mà chúng ta ăn thường ngày đều là thuốc nếu chúng ta biết cách chế biến đúng cách, ăn đúng cách. Khi chúng ta hưởng thụ, nhai, ăn… giúp não chúng ta thư giãn và sản sinh ra các nội tiết tố hạnh phúc, giúp cơ thể tiêu hóa tốt hơn.
"Chúng ta đừng nghĩ rằng gà hầm thuốc bắc… hay gì đó mới là thuốc. Bất cứ món ăn nào cũng có thể là bài thuốc. Ví dụ như món mồng tơi, rau dền nấu với tép, thực ra là món ăn có đủ màu sắc, đủ âm dương ngũ hành; đủ cân bằng chất xơ, đạm, tinh bột, chất béo (trong con tép)… Như vậy, chỉ một bát canh thôi đã có đầy đủ cân bằng dinh dưỡng. Và chúng ta hoàn toàn có thể xem nó là một bài thuốc", PGS Nguyễn Thị Bay kết luận.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng giám đốc CTCP Vinamit cho biết, trong các cây ở tự nhiên, những loại có tính cay, đắng, chua chát… hầu như đều có kháng sinh tự nhiên. Các loại gia vị, các loại cây rau mùi đều là các loại thuốc quý đến từ tự nhiên; nhưng cuộc sống hiện đại, ngày nay chúng ta đánh mất thói quen sử dụng nó, từ bữa ăn đến cách chế biến món ăn hàng ngày.
Bản thân công ty Vinamit, bằng phương pháp đông khô, sấy lạnh… hiện nay có thể giúp lưu trữ các đặc tính của gia vị một cách tốt nhất về mặt sinh học. Đây cũng là một trong những cách ông nghĩ ra để bảo tồn các loại gia vị truyền thống, khiến người tiêu dùng hiệ đại sử dụng chúng dễ dàng, tiện lợi. "Không thể nói giữ hoàn toàn 100% đặc tính sinh học của các loại rau, gia vị tươi sống nhưng 90% trên 90% là chắc chắn có", Chủ tịch Vinamit cho biết.
Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Lâm Viên là người đã tự thân trải nghiệm tất cả các phương pháp ăn uống được người ta cho rằng tốt cho sức khỏe.
Cách đây khoảng chục năm, cơ thể ông Nguyễn Lâm Viên đã gặp rất nhiều vấn đề, từ mỡ trong máu – cao huyết áp – đường cao…Vậy nên, ông đã tìm tới rất nhiều kiểu dinh dưỡng khác nhau trên khắp thế giới với mong muốn tìm ra loại phù hợp với bản thân mình, giảm bệnh tật.
Ông Nguyễn Lâm Viên – Tổng giám đốc CTCP Vinamit
Nhưng sau rất nhiều thử nghiệm, ông vẫn không thể tìm thấy phương pháp thực dưỡng đúng, dẫn tới cơ thể của ông ngày càng tệ, đến mức bác sỹ khuyên ông phải dừng lại tất cả. Sau đó, họ đề nghị ông có thể sử dụng phương pháp ăn kiểu lowcarb – giảm tinh bột và đường đồng thời ăn nhiều thịt – chất béo. Tuy nhiên, sau thời gian thực hành, trường phái lowcarb cũng không khiến ông tốt lên.
"Và chỉ sau khi đi ngược, tìm đến với đường hay còn gọi carbonhydrate thì tôi mới ổn và tốt lên từng ngày. Và đến nay, tôi có thể khẳng định, chính nhờ carbonhydrate có trong trái cây và sau đó nhờ rau mà cơ thể - sức khỏe của tôi mới hồi phục được", ông Nguyễn Lâm Viên khẳng định.
Bằng trải nghiệm của mình, Thạc sỹ Trần Lan Hương – Health Coach (Chuyên gia dinh dưỡng) cho rằng: phương cách của ông Trần Lâm Viên là rất đúng đắn.
Tây y chuyên dùng để chẩn đoán và điều trị những bệnh cấp kỳ bột phát, còn Trung y – cụ thể là những món ăn hoặc thực phẩm, có thể giúp điều trị những bệnh về mãn tính. Những bệnh mãn tính như huyết áp cao, mỡ trong máu hay một vài vấn đề về xương khớp là do sinh hoạt hằng ngày của chúng ta có vấn đề.
Vậy nên, có thể thuốc tây không chữa hết bệnh cao huyết áp, nhưng bằng cách điều chỉnh lại sinh hoạt cùng thực phẩm nạp vào người, chúng ta có thể cải thiện hoặc thậm chí là chữa hết chúng.
Cũng theo bà Trần Lan Hương, đầu tiên chúng ta nên ăn nguyên vẹn, thuần tự nhiên, sau đó là sử dụng thức ăn đa dạng. "Tầng một là mình ăn cho khỏe và tầng hai là ăn cho ngon miệng. Nhưng cẩn thận không chúng ta rơi vào bẫy ‘ăn cho ngon miệng’ mà lại không khỏe", Health Coach này cảnh báo.
Thay vì ăn chiên hoặc nướng, chúng ta nên luộc – nấu canh – hấp – hầm. Và khi nấu các món thịt, chúng ta cũng nên kết hợp với các gia vị như ông cha ta đã làm xưa nay, để khiến món ăn cân bằng và không khiến cơ thể quá tải, tác động xấu lên các tế bào – lẫn cơ thể.
Theo đó, các loại gia vị và rau gia vị chính là ‘chìa khóa’ để chúng ta có thể cân bằng giữa việc vừa ăn ngon vừa ăn để khỏe.
Quỳnh Như