(Tổ Quốc) - Chuyên gia cho rằng tuy có dấu hiệu cho thấy thị trường có xu hướng xác lập đáy. Song chỉ một phiên tăng điểm chúng ta vẫn chưa thể khẳng định 100% vùng đáy của thị trường đã được hình thành.
Thị trường đang trong xu hướng như thế nào?
Thị trường chứng khoán vừa có một phiên lội dòng ngoạn mục từ mức giảm sâu đầu phiên lên mức tăng gần 24 điểm. Dòng tiền bắt đáy nhập cuộc giúp hàng loạt nhóm ngành bất động sản, xây dựng, ngân hàng, thuỷ sản bật tăng mạnh mẽ.
Sự đảo chiều của chỉ số cùng thanh khoản cải thiện cho thấy tâm lý nhà đầu tư có phần tích cực hơn. Tuy nhiên, chắc hẳn tâm lý tiêu cực vẫn chưa thể "cởi trói" sau một phiên tăng điểm. Câu hỏi nhiều nhà đầu tư quan tâm lúc này là liệu đà giảm của thị trường đã chững lại?
Chia sẻ tại buổi talkshow mới đây, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định điểm sáng của thị trường thời điểm hiện tại là thanh khoản có sự cải thiện. Thêm vào đó, trên góc độ kỹ thuật tình trạng phân hóa xảy ra ở nhiều cổ phiếu.
"Đây là dấu hiệu thị trường đang có xu hướng xác lập đáy. Song chỉ một phiên tăng điểm chúng ta vẫn chưa thể khẳng định 100% vùng đáy của thị trường đã được xác lập. Như câu nói quen thuộc trong giới đầu tư "chúng ta chỉ biết thị trường tạo đáy khi đã đi qua đáy".
Do đó, tôi cho rằng nhà đầu tư cần cẩn trọng khi bắt đáy trong thời điểm này, bởi thị trường đang ở trong vùng giao dịch khá nhạy cảm. Tốt nhất chúng ta nên đợi xu hướng thị trường rõ ràng thì biên an toàn sẽ cao hơn", ông Nguyễn Thế Minh cho hay.
Vị chuyên gia cũng đưa ra hai kịch bản đưa ra cho thị trường chứng khoán. Trong kịch bản tích cực, VN-Index vẫn duy trì xu hướng tăng dài hạn khi ngưỡng 1.200 – 1.300 điểm vẫn chưa bị phá bỏ.
Mặt khác, nếu chỉ số xuyên thủng vùng 1.200 – 1.300 điểm thì sóng 05 xác nhận kết thúc và chỉ số có thể bước vào chu kỳ giảm dài hạn, nói cách khác áp lực "thị trường gấu" có thể khiến đà giảm kéo dài. Nhìn lại lịch sử, nếu không giữ được ngưỡng hỗ trợ trên đến hết tháng 5 thì có thể sẽ mất rất lâu, thậm chí đến hơn 1 năm để thị trường lấy lại xu hướng tăng mới.
Bàn về chiến lược giao dịch trong kịch bản thị trường diễn biến xấu, ông Minh cho rằng nhà đầu tư nên tăng tỷ trọng tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt. Bên cạnh đó, cần lựa chọn các kênh đầu tư an toàn. Đối với kênh đầu tư cổ phiếu, vị chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư có thể "trú ấn" vào các nhóm ngành ít chịu biến động và tăng trưởng dài hạn theo chu kỳ của nền kinh tế: công nghệ, sản xuất điện, nước, dược phẩm và sản xuất thực phẩm.
Yếu tố vĩ mô vẫn là bệ đỡ cho thị trường
Xét về yếu tố vĩ mô, ông Minh cho rằng vĩ mô ổn định vẫn là một cơ sở để đánh giá thị trường chứng khoán có thực sự hấp dẫn hay không. Theo đó, tình hình kinh tế vĩ mô từ đầu năm 2022 tới nay vẫn đang trên đà hồi phục tích cực. GDP Quý 1/2022 vẫn đạt 5,03% trong bối cảnh dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị trên thế giới. Cầu tiêu dùng hồi phục từ cuối năm 2021 tới nay ở hầu hết các mặt hàng, đặc biệt từ tháng 3 nhóm dịch vụ lữ hành có nhiều khởi sắc khi bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế.
Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tháng 4/2022 tăng 12,1% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn duy trì đà tăng ổn định từ tháng 10/2-21 tới nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2022 tăng 9,4% so với cùng kỳ. Tuy lạm phát và tỷ giá có dấu hiệu gia tăng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Xét về thị trường Việt Nam, sau một năm thăng hoa, thị trường chứng khoán Việt Nam lại tiếp tục lọt top thị trường tăng trưởng thấp nhất khu vực. Về mặt định giá, P/E Việt Nam dưới 14 lần – mức thấp nhất trong 6 năm vừa qua, trong khi ROE cao nhất trong khu vực. Do đó, mức định giá của thị trường hiện tại khá rẻ so với các nước trong khu vực.
Trong một chia sẻ mới đây, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng CTCK MB (MBS) cũng nhận định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang là bệ đỡ tốt cho thị trường chứng khoán.
Theo chuyên gia, các cân đối vĩ mô như lạm phát, tỷ giá hối đoái, cán cân thanh toán thì hiện nay đều đang diễn biến ở mức độ tích cực. Tuy nhìn nhận vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định, song ông Tuấn cho rằng cần chú ý đến vấn đề lạm phát. Nếu lạm phát duy trì trong quanh mức 4% thì cũng không quá quan ngại, bởi trong quá khứ chúng ta từng trải qua lạm phát năm 2013 trên 6%, còn năm 2019 có thời điểm lên trên 5% sau có sự điều chỉnh xuống 4%.
"Khi thị trường diễn biến xấu, mọi người thường đổ tại rất nhiều do vĩ mô bất ổn, lạm phát leo thang, song có một yếu tố quyết định đó chính là giá cổ phiếu. Khi giá cổ phiếu được "bơm" quá căng bởi nhiều yếu tố trong giai đoạn trước, thì tất nhiên sẽ đến lúc phải "vỡ". Quan điểm của tôi vẫn là không nên nhìn quá nhiều vào thị trường, mà hãy quan tâm đến cổ phiếu nắm giữ. Khi dòng tiền rẻ qua đi, giá trị thực của cổ phiếu sẽ lộ rõ. Những mã có triển vọng tăng trưởng rõ ràng trong tương lai vẫn có cơ hội tốt, ngược lại những cổ phiếu không thực sự có "chất" sẽ tiếp tục giảm dù thị trường hồi phục", Kinh tế trưởng MBS đưa ra quan điểm.
Minh Châu