Chuyện khởi nghiệp của quán cà phê và tiệm bánh canh kinh doanh trên app

Bán hơn 100 đơn mỗi ngày, mở đến chi nhánh thứ 4 - Cà phê kem Ông Minh và Bánh canh JangJi đã chứng minh rằng khởi nghiệp không bao giờ là sớm hay muộn, miễn là có đủ quyết tâm và đam mê.

Cà phê kem Ông Minh - tuổi xế chiều vẫn có thể khởi nghiệp

Nằm trong một con hẻm trên đường Thành Thái (quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh), tiệm cà phê nhỏ của cô Nguyễn Thị Lâm (59 tuổi) là địa điểm luôn tấp nập tài xế công nghệ. Căn nhà nhỏ chưa đầy 20m2, chẳng bàn ghế bởi chỉ bán mang đi, nhưng có những ngày, mẹ con cô Lâm không kịp ngơi tay vì phải làm đơn bán trên app, lẫn khách mua mang về.

Ít ai biết rằng 3 năm trước, tiệm cà phê của cô vẫn chỉ là thương hiệu vô danh. Bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian đầu mở tiệm, cô Lâm kể đấy là cả một hành trình dài với lòng kiên trì và ý chí bền bỉ.

"Trước đây đâu biết buôn bán gì, cô chỉ đi làm thuê. Bưng phở, giặt thuê bằng tay, việc gì cô cũng nhận, ai thuê là cô làm. Nhưng sau dịch Covid-19, chẳng ai thuê nữa, cô thất nghiệp. Lúc ấy chú và hai con gái làm lao động tự do cũng đâu có việc mấy, cả gia đình rơi vào khó khăn." - cô Lâm nghẹn ngào chia sẻ.

Biết được hoàn cảnh của cô, một người bạn đã gợi ý cô bán cà phê Buôn Ma Thuột và "mách nước" bán trên GrabFood. Vậy là cô cùng con gái khăn gói lên Buôn Ma Thuột để học nghề. Ngày về lại thành phố, cô Lâm vẫn chưa bắt tay vào mở quán ngay mà cặm cụi thử nghiệm nhiều công thức, quyết tâm tìm ra hương vị phù hợp với khẩu vị người Sài Gòn. Sau đó, mẹ con cô lên tận trụ sở Grab để tìm hiểu và đăng ký bán trên GrabFood.

Chuyện khởi nghiệp của quán cà phê và tiệm bánh canh kinh doanh trên app - Ảnh 1.

Cô Lâm bật mí "Ông Minh" trong tên thương hiệu chính là tên của chồng cô.

Những ngày đầu bán trên app, mỗi ngày cô chỉ bán được 1-2 đơn. "Cô và các con quyết định mở tiệm 24/24 để bán cho khách mang về, cứ có khách đến thì dù đêm khuya, mấy mẹ con cũng thay phiên nhau bán. Mà hồi đó chỉ có duy nhất một hay anh đến mua mang về bởi anh là người Buôn Ma Thuột. Ngày nào cô cũng ngóng anh ấy đến." - cô bồi hồi chia sẻ. Dẫu khó khăn nhưng cô và các con chưa bao giờ bỏ cuộc, liên tục lắng nghe góp ý của khách để cải thiện công thức, quyết "bám trụ" app đến cùng bởi "cô tin Grab".

Niềm tin ấy cuối cùng cũng đem đến cho cô "trái ngọt", lượng đơn "bùng nổ" sau khi cô tích cực tham gia các chương trình quảng bá trên GrabFood. Khi ấy, đơn bán trên app tăng lên mỗi ngày, thậm chí có ngày lên đến hơn trăm đơn. Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, cô không khỏi xúc động: "Nhờ quyết tâm của mấy mẹ con, sự hỗ trợ của Grab mà quán cô có lượng khách ổn định, doanh thu cũng tăng đều để cô có đủ chi phí trang trải cho gia đình, không còn phải sống trong cảnh ăn bữa nay, lo bữa mai."

Chuyện khởi nghiệp của quán cà phê và tiệm bánh canh kinh doanh trên app - Ảnh 2.

Cà phê kem Ông Minh nay đã trở thành một trong những cửa hàng có danh hiệu "Tạp dề Bạch Kim" trên GrabFood

Bánh canh JangJi - người trẻ quyết tâm xây dựng thương hiệu riêng

Trái ngược với cô Lâm, anh Trương Văn Thiên (29 tuổi), chủ thương hiệu bánh canh JangJi bén duyên với Grab từ năm 2016, với vai trò đối tác tài xế GrabBike. Sau 3 năm gắn bó, anh nghỉ chạy Grab để theo đuổi đam mê kinh doanh. Anh quay trở lại làm chuyên viên kinh doanh cho các công ty lớn, với mong muốn học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để khởi nghiệp.

Năm 2020, sau khi đã tích lũy "đủ vốn", anh bắt đầu khởi nghiệp với tiệm giặt là nhỏ. Khi ấy, một phần mặt bằng anh làm dịch vụ giặt là, phần còn lại anh cho mẹ vợ bán đồ ăn sáng. "Mình thấy mẹ thay đổi thực đơn liên tục, lại chẳng tính toán được lời lãi ra sao. Quan sát một thời gian, chỉ có món bánh canh là được nhiều khách thích nhất. Nghĩ kinh doanh quán ăn cũng có nhiều cơ hội phát triển, nên mình đóng cửa tiệm giặt là, quyết định mở quán bánh canh, nhưng tập trung bán online qua app." - anh Thiên chia sẻ.

Đã từng có thời gian hợp tác cùng Grab, lại nắm bắt được xu hướng đặt đồ ăn online, anh Thiên quyết định đưa quán lên GrabFood. "Hồi đầu chưa có kinh nghiệm, mình không biết chạy các chương trình quảng cáo làm sao nên gặp nhiều khó khăn. May thay được đội ngũ Grab hướng dẫn tận tình, mình bắt đầu đăng ký chạy quảng cáo trên app thì thấy hiệu quả rõ rệt. Trung bình mỗi ngày, quán mình "nổ" khoảng 200 đơn luôn" - anh Thiên kể lại.

Chuyện khởi nghiệp của quán cà phê và tiệm bánh canh kinh doanh trên app - Ảnh 3.

Các ứng dụng đặt đồ ăn như GrabFood là kênh bán hàng chính của Bánh canh JangJi

Từ một cửa hàng nhỏ, giờ đây thương hiệu Bánh canh JangJi đã mở tới chi nhánh thứ tư. Theo anh Thiên, doanh thu từ kênh online chiếm đến 90% tổng doanh số của cả chuỗi, trong đó GrabFood đóng góp khoảng 80% đến 90%. Đây cũng là động lực để anh Thiên tiếp tục duy trì kinh doanh trên app, đồng thời mở thêm chi nhánh mới.

Chuyện khởi nghiệp của quán cà phê và tiệm bánh canh kinh doanh trên app - Ảnh 4.

Với anh Thiên, Grab như người bạn đồng hành trên con đường phát triển sự nghiệp.

Cà phê kem Ông Minh và Bánh canh JangJi là hai trong số nhiều câu chuyện khởi nghiệp thành công nhờ sự kiên trì, ý chí quyết tâm, không ngại thất bại của các "nhà sáng lập". "Quả ngọt" trong hai câu chuyện khởi nghiệp này cũng có sự đóng góp không nhỏ của các nền tảng như Grab. Sự đồng hành, hỗ trợ của nền tảng này không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận khách hàng tiềm năng cho các quán ăn vừa và nhỏ, mà còn giúp họ có thêm đơn hàng, tăng trưởng doanh thu. Qua đó, các hàng quán này cũng dần được tham gia và hưởng lợi từ nền kinh tế số.

Tin mới