(Tổ Quốc) - Dịch vụ thử nghiệm chất lượng là một ngành nghề ít người hay biết, nhưng sự tỉ mỉ và cầu toàn của người kĩ sư ngành này chính là chìa khóa làm nên tên tuổi cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Nike, Adidas, Zara, Mango...
Tôi học và tốt nghiệp tại một trường Đại học chuyên về kỹ thuật. Hẳn rất nhiều bạn chưa từng nghe qua về cái tên Kỹ Thuật Nữ Công nhỉ? Lúc học ngành đó tôi hoang mang tột độ, vì hay nghe những lời xì xào bàn tán của người thân, bạn bè, hàng xóm với những lời kiểu "học ngành gì lạ hoắc, rồi ra trường làm được gì?", rồi là "học cái ngành ấy ra thì công ty nào chịu nhận", hoặc tệ hơn "cái ngành gì mà thứ gì cũng học, học may, học nấu ăn, học cắm hoa… vậy thôi ra học mấy khóa học nghề còn nhanh hơn, và nhiều bình luận tiêu cực khác.
Nhưng khi vùi đầu vào học, tôi chẳng còn thời gian đâu mà sợ hãi hay nghĩ ngợi về một tương lai xa xôi nào đó nữa. Tận sâu bên trong, tôi luôn tin rằng, chỉ cần mình cố gắng trau dồi bản thân thật tốt, học tiếng Anh thật siêu, rèn luyện kỹ năng thật nhiều, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chắc chắn trái ngọt sẽ xuất hiện. Và, trái ngọt đã xuất hiện thật.
Ngay sau khi ra trường, có hai nơi gọi tôi phỏng vấn. Một nơi làm giảng viên tại một trường Cao đẳng, nơi còn lại làm kỹ thuật viên phòng thí nghiệm thuộc mảng dịch vụ thử nghiệm chất lượng hàng dệt may.
Và tôi đã chọn trở thành một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, mặc dù khao khát từ nhỏ của tôi là trở thành một giáo viên. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng mới ra trường, chưa có kiến thức thực tiễn thì lấy gì mà dạy người ta. Thế nên, tôi quyết định đi con đường dài hơi hơn để có cơ hội lớn lên và tiếp chạm nhiều thử thách.
Đó là quyết định sáng suốt nhất đời để tạo nên tôi bây giờ.
Dịch vụ thử nghiệm chất lượng là một trong những ngành nghề mới du nhập vào Việt Nam. Những công ty đứng đầu trong lĩnh vực này có thể kể đến như Intertek (Anh) Bureau Veritas (Pháp) SGS (Bỉ), TUV sud( Đức), Fiti (Hàn Quốc), Quatest 3 (Việt Nam)… Những nơi này thường được gọi với cái tên là Third party – bên thứ ba, bởi tính chất trung gian, độc lập giữa Buyer (bên đặt hàng) và Vendor (bên gia công).
Nói nôm na dễ hiểu thì khi các nhà máy gia công hàng dệt may (quần áo, balo, giày dép, túi sách) muốn xuất khẩu qua các nước đã đặt đơn hàng đó như Mỹ, Anh, châu Âu, Hàn, Nhật… thì phải đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng và độ an toàn được quy định trong các tiêu chuẩn quốc tế hoặc bộ luật chuyên bảo vệ người tiêu dùng ở các quốc gia đó.
Và bên thử nghiệm chất lượng - bên thứ ba (third party) sẽ đứng ra kiểm tra và cấp chứng nhận cho sản phẩm mẫu (mẫu thử) từ phía nhà máy gia công để xem chúng có đạt tất cả các yêu cầu hay không? Nếu đạt yêu cầu, nhà máy sẽ thực hiện những bước tiếp theo để lô hàng được lên tàu xuất cảnh qua những nước đã đặt hàng và tung ra ngoài thị trường để đến tay người tiêu dùng. Quá trình này kéo dài từ 3 tháng đến hơn 1 năm. Còn những mẫu thử không đạt yêu cầu đặt ra dù là nhỏ nhất cũng đều phải trả về, lúc này bên nhà máy gia công sẽ hợp tác với các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tìm kiếm nguyên nhân để cải thiện sản phẩm đến khi đạt chất lượng như đã đề ra mới thôi. Những khách hàng tôi đã từng thực hiện dịch vụ thử nghiệm có thể kể đến như NIKE, ADIDAS, ZARA, MANGO, LEVIS, GAP, UNDER ARMOUR, NEW BALANCE, VICTORIA SECRET…
Chúng tôi là những kỹ thuật viên, công việc của chúng tôi là thực hiện kiểm tra xem những sản phẩm được gửi đến phòng thí nghiệm có thỏa mãn những yêu cầu về chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng hay không, cụ thể:
Về mặt cơ lý
Trong một sản phẩm dệt may, không phải thiết kế nào cũng được chấp nhận, đặc biệt đối với các sản phẩm thời trang dành cho trẻ em. Những vật trang trí được gắn trên sản phẩm như hạt cườm, hạt đá, kim sa… không được có cạnh nhọn, cạnh sắc và dễ bị giật ra khiến trẻ em nuốt vào bụng, bên cạnh đó còn phải thỏa mãn các điều kiện trong bộ luật bảo vệ người tiêu dùng của châu Âu hoặc Mỹ.
Nguyên nhân ra đời của những bộ luật này là do người ta phát hiện có những trường hợp gây tử vong và bị thương khi sử dụng những sản phẩm thời trang không được kiểm soát về độ an toàn như có dây rút ở cổ dài hơn 7,5cm, hoặc có phần gút, phần tips ở phần cuối sợi dây điều chỉnh kích thước. Điều này làm trẻ em rất dễ bị mắc kẹt và siết cổ khi lên xe bus hoặc khi chơi cầu trượt. Từ đó gây ra những tai nạn vô cùng nguy hiểm.
Bên cạnh về yêu cầu an toàn, kỹ thuật viên sẽ kiểm tra các thuộc tính cơ lý được khuyến nghị như: Lực tối đa có thể làm rách, thủng sản phẩm là bao nhiêu? Đối với loại vải này giặt nước nóng và sấy ở nhiệt độ cao có ổn không? Có ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm không? Loại bột giặt này có ảnh hưởng đến môi trường khi thải ra ngoài không? Khi nào quần áo được giặt chung và khi nào thì nên giặt riêng, độ bền màu (với điều kiện giặt thường, giặt khô, với mồ hôi, khi cọ xát, với ánh sáng), độ co rút / Độ vặn, xoắn / Độ nhăn (sau khi giặt thường, giặt khô) quần áo phơi bao lâu ở ngoài trời thì bị phai màu?...
Về mặt hóa học
Các chỉ tiêu bắt buộc phải kiểm tra như: Hàm lượng phthalate có mặt trong các phụ kiện như nút nhựa, khoen nhựa, đồ trang trí gắn lên quần áo có vượt quá hàm lượng cho phép không? Hàm lượng Chì, Nickel hoặc Azo trong thuốc nhuộm vải có đang ở trong mức quy định không?
Thường thì những tính chất cơ lý ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm và những tính chất hóa học ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người tiêu dùng nên việc cẩn thận và đặt cái tâm khi làm nghề là điều mà những kỹ thuật viên như chúng tôi bắt buộc phải có và tôi luyện qua ngày tháng.
Có nhiều đêm sau khi đã kết thúc công việc rồi, tôi vẫn còn đau đáu về kết quả lúc chiều trả về có chính xác chưa, có bị sai sót ở khâu nào không? Những chi tiết trang trí đính trên sản phẩm có thỏa mãn hết với luật quy định không? Tôi sợ bản thân có thể bất cẩn ở một khâu nào đó, tôi sợ sẽ khiến công ty phải bồi thường số tiền lên đến hàng tỷ đồng vì những lỗi lầm của mình, tôi càng sợ cái sơ xuất của mình có thể gây hại cho những đứa trẻ đang chơi đùa ngoài kia.
Trong lĩnh vực này, yêu cầu kiểm tra chất lượng đối với mặt hàng trẻ em luôn khắt khe hơn rất nhiều lần so với người lớn. Điều này càng cho thấy ở những nước phát triển, mức độ quan tâm và bảo vệ trẻ em được vô cùng chú trọng và đề cao.
Tôi từng là người bất cẩn và có phần cẩu thả, thế nhưng nhờ điều kiện và môi trường làm việc, tôi đã khắc phục rất nhiều phần tính cách này, đó là một thay đổi lớn mà nếu làm ở những lĩnh vực khác khó lòng giúp tôi cải thiện.
Ban đầu nhận bảng mô tả công việc, tôi đã rất sợ hãi, sợ bản thân không đủ giỏi, sợ gây họa và sợ không đủ năng lực để làm. Cuối cùng tôi chọn hết mình dấn thân xuyên thẳng qua nỗi sợ.
Tôi bước vào nghề này với một tinh thần khao khát học hỏi, khao khát cống hiến và quan trọng nhất đó là một tinh thần không quản ngại. Không quản ngại hoàn thành tất cả các đầu việc được giao, không quản ngại nhận những phần việc khó nhằn khi mọi người trong team đùn đẩy nhau, không quản ngại khi đề nghị nhận thêm các đầu việc khác để rèn luyện kỹ năng mà bản thân còn yếu, không quản ngại tăng ca để trả kết quả đúng hẹn với khách hàng.
Dù có bất kỳ vấn đề nào xảy ra, tôi sẽ không đổ lỗi cho bất kỳ ai vì tôi luôn quan niệm "tiên trách kỷ hậu trách nhân", soi mình kỹ rồi mới soi sang người. Nhờ những tinh thần đó, tôi được đề bạt lên những vị trí cao hơn trong một thời gian khá ngắn, và dần trở thành người quan trọng thuộc nhóm lao động khó thay thế trong một tổ chức.
Bao nhiêu năm qua, tôi đã luôn biết ơn công việc này, biết ơn vì tôi được sống và làm việc trọn vẹn với nghề theo đúng nghĩa chứ không phải đi theo khái niệm cân bằng giữa công việc và cuộc sống nào ở đây hết, vì với tôi được làm việc chính là đang sống vậy.
Nghề thử nghiệm chất lượng đã nuôi dưỡng và trui rèn những điểm yếu trong tôi để trở thành một người tốt đẹp hơn, lý tưởng hơn. Những giá trị đó sẽ trường tồn mãi cho đến những ngày tháng sau này, dù có thể tôi không còn làm việc với nghề nữa, nhưng nó sẽ luôn ở đó và trở thành một hồi ức đầy đẹp đẽ, đầy tự hào mà tôi luôn thấy háo hức khi kể lại cho những thế hệ sau đi sau.
Nhàn Hạ