(Tổ Quốc) - "Tôi phải giải thích tiên lượng xấu và đứng nhìn những người bố mẹ đau đớn quỳ sụp ôm đứa con bé bỏng trong lòng khóc ngất, đến mức tôi cũng phải dằn nước mắt vào trong mà quay đi. Giây phút đó đau đớn đến nỗi tôi không muốn làm tiếp công việc hiện tại, khi mà trái tim trong ngực tôi như muốn vỡ tung, nức nở".
(Bài viết có mô tả so sánh các tình trạng bệnh tật, vui lòng bỏ qua nếu bạn quá nhạy cảm)
Ngày tốt nghiệp, cầm tấm bằng trên tay mà tôi vẫn chông chênh định hướng tương lai. Đứa bạn thân cùng 6 năm đại học của tôi quyết định tiếp tục ôn thi nội trú. Đó là ước mơ của cả 2 đứa chúng tôi từ năm 3 đại học. Thi nội trú, khó có thể đỗ là một chuyện, mà đỗ rồi đồng nghĩa với việc học thêm 2 năm nữa dưới sự hỗ trợ của gia đình. Học trường y vốn đã cần thời gian đào tạo dài hơn so với các ngành khác. Trong lúc các bạn cùng tuổi đã ra trường đi làm được vài năm, tôi mới học xong đại học. Cùng lúc ấy gia đình có biến cố, nhìn gương mặt mệt mỏi của bố, nhìn đôi mắt đỏ hoe của mẹ, tôi quyết định từ bỏ ước mơ thi nội trú, xin về tỉnh làm việc.
Bệnh viện tuyến tỉnh khi đó mới chỉ là một cơ sở thuê lại tạm bợ. Các khoa phòng sửa sang trên nền của đơn vị cũ đã chuyển đi. Mọi thứ đều sơ khai, từ những bước tường loang lổ, những giường bệnh cập kênh, những máy móc cũ kĩ, cho đến những con người được phân công xây dựng khoa mới. Nhưng đến tận bây giờ, sau khi đã nghỉ tại bệnh viện gần một thập kỉ, tôi vẫn không ngừng thầm cảm ơn những ngày tháng gian nan đó, khi bản thân như trang giấy trắng, được chỉ bảo, được cọ xát, được học hỏi để hoàn thiện không ngừng.
Tôi vẫn nhớ như in trưa nắng chói chang ấy khi tôi mới làm bác sĩ cọc 2 (bác sĩ trực kèm với 1 bác sĩ chính), chiếc quạt trần chạy liu riu trên đầu đuổi ruồi cho cả buồng bệnh, các cháu bé ốm nằm giường, còn người nhà trải nilon nằm la liệt dưới gầm giường đầy muỗi, tôi gặp Thào.
Thào là một cậu bé dân tộc Sán Dìu ở vùng núi của tỉnh tôi. Thào 10 tuổi nhưng chỉ bằng một đứa bé 5 tuổi. Tôi gặp Thào khi đó tự đi lại được, mắt híp biết cười, tay chân khẳng khiu đen nhẻm, vác một cái bụng to kềnh càng như những chị có bầu sắp sinh, trên đầu lưa thưa vài sợi tóc, và đặc biệt, nó nhợt nhạt không khác gì hình ảnh zoombie trong các phim kinh dị.
Thào ngoan lắm, tự đi vào khoa ngồi ghế đợi bố làm thủ tục. Bố Thào là người thanh niên dáng gầy gầy, tóc lâm râm sợi bạc, chân không biết vì tật hay tai nạn mà đi cà nhắc, người mà sau này hỏi ra mới biết mới chỉ bằng tuổi tôi. Hai bố con ngồi đợi nhập viện dưới cái nắng oi ả mùa hè, mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn giữ nguyên vẻ trầm lắng, không ồn ào, không giục giã. Hai cái bóng dưới nắng trưa ngắn cũn rớt dưới chân. Bên ngoài bọn ve vẫn cứ ồn ào.
Thào là đứa trẻ mỗi tháng vào khoa tôi một lần để truyền máu. Nó bị bệnh thiếu máu tan máu bẩm sinh, một bệnh lý rất hay gặp ở dân tộc vùng núi khi tình trạng hôn nhân cận huyết vẫn còn phổ biến. Cũng chính vì Thào thường xuyên vào viện nên cả khoa ai cũng biết Thào. Nó ngoan lắm. Cứ đầu tháng là nó mệt, người xanh rớt, nôn nhiều, mắt lồi trắng, là bố nó biết lên trung tâm y tế huyện xin giấy chuyển tuyến cho nó đi truyền máu. Nằm viện vài ngày truyền máu, nó hồng hào, không nôn nữa, có sức sống, cười tít mắt vác cái bụng to kềnh càng vì lách to, đi trong nắng vàng ươm tạm biệt các cô chú trong khoa để về. Rồi đầu tháng sau, nó lại mang cái bụng kềnh càng, xanh rớt quay lại, trầm lắng nhập viện và chơi đùa với cái bóng của chính mình…
Trong những năm tháng ấy có quá nhiều ca bệnh cấp cứu căng thẳng đi qua, mỗi lần đứng trước lằn ranh sinh tử tôi lại nghĩ không biết bản thân có thể tiếp tục làm nghề bác sĩ được không nữa, rồi may mắn cùng với sức lực của cả tập thể, chúng tôi lại vượt qua được, rồi lại cứ lao vào các đợt sóng điều trị tiếp những ca bệnh tiếp theo... Nhưng chúng tôi không thể thành công mãi, rồi cũng đến lúc tôi thất bại với Tử thần.
Tôi phải giải thích tiên lượng xấu và đứng nhìn những người bố mẹ đau đớn quỳ sụp ôm đứa con bé bỏng trong lòng khóc ngất, đến mức tôi cũng phải dằn nước mắt vào trong mà quay đi. Giây phút đó đau đớn đến nỗi tôi không muốn làm tiếp công việc hiện tại, khi mà trái tim trong ngực tôi như muốn vỡ tung, nức nở. Nhưng tôi lại không cho phép bản thân mình được yếu đuối khi mà trong ICU vẫn còn nhiều bệnh nhân đang đợi, khi mà bệnh nhân nhập viện cấp cứu vẫn vào, và vẫn phải tiếp tục công việc không được dừng lại.
Cho đến một ngày sau một ca trực cấp cứu mệt nhoài, hội chẩn toàn viện, với tất cả những tiền bối đầu ngành của viện và trang thiết bị, tôi vẫn không cứu được một bệnh nhân đã rơi vào tình trạng chết não. Tôi ngồi sụp xuống sàn ICU và khóc rất nhiều. Sau khi làm hết các loại giấy tờ tường trình, kiểm thảo, kiểm điểm với bệnh viện, tôi nộp đơn nghỉ việc. Tôi không nghĩ tôi đang chạy trốn hay hèn nhát, mà tại thời điểm đó, trái tim tôi không còn đủ sức gắng gượng nữa, nó vỡ vụn ra rồi.
Giờ này sau gần một thập kỉ rời khỏi bệnh viện, khi nghĩ lại những năm tháng ấy với biết bao lần cân não, không hiểu sao thứ tôi nhớ nhất lại là ánh mắt của Thào, chầm chậm, trong veo. Tôi có nghe tin sau khi tôi đi gia đình đã lo để Thào được cắt lách, các anh chị khoa tôi đã kiến nghị để Thào được dùng thuốc thải sắt sau mỗi lần truyền máu trong danh mục thuốc bảo hiểm mà không phải tự mua. Bố và Thào vui lắm. Nó cũng khỏe hơn và thời gian ghé khoa thưa hơn.
Vài năm sau tôi được báo rằng Thào không còn quay lại khoa nữa.
Chắc có lẽ Thào đã đến nơi nắng hơn, tóc hoe hoe vài sợi bay, ngồi trầm ngâm chơi với cái bóng ngắn cũn của mình dưới chân, rồi bất chợt ngẩng lên cười, trong veo…
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
Bạn đọc thân mến!
Mỗi người chúng ta trong xã hội đều có một công việc.
Tôi là một biên tập viên ngày qua ngày làm việc với guồng quay của tin tức. Bạn là một bác sĩ phải chăm lo cho bệnh nhân, một kỹ sư ngày đêm dựng nên những công trình, một nhà giáo tâm huyết với lớp lớp thế hệ học trò, một người công nhân chăm chỉ trong nhà máy, một người thợ sửa đồng hồ lặng lẽ bên một con phố nhỏ, một người bán cà phê, một trưởng phòng, một giám đốc công ty hay một người đang chập chững bước trên con đường khởi nghiệp…
Cuộc sống thật sinh động. Tôi và bạn đều có một công việc khác nhau. Không ai giống ai. Mỗi người đều có lý do riêng của mình để bắt đầu một thứ gì đó. Kể cả khi chúng ta có làm cùng một nghề, mỗi người đều nhận được những trải nghiệm rất khác nhau. Một lần nữa, không ai giống ai.
Có quá nhiều điều cần phải kể khi nhắc tới công việc của mình. Sao bạn không thử chia sẻ cho chúng tôi và mọi người cùng nghe?
Chủ đề: Cảm xúc, chia sẻ, trải nghiệm của bạn với nghề nghiệp của mình hoặc của bạn bè, người thân.
Hình thức: Thể hiện dưới dạng bài viết tối đa 2.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, phông chữ Unicode.
Tác giả bài viết gửi bài đến 2 địa chỉ: Ms Kỳ Anh - anhnguyenthiky@vccorp.vn và Ms Linh Chi - phamthilinhchi02@vccorp.vn
Tiêu đề email ghi theo cú pháp: Chuyện nghề_Tên Nghề_Họ tên
Ví dụ: Chuyện nghề_Nghề Biên Tập_Nguyễn Văn A
Bài viết thể hiện đúng chủ đề và đáp ứng các yêu cầu nói trên, không sao chép bất kỳ tác phẩm nào từng được công bố. Những bài viết đạt yêu cầu sẽ được lựa chọn sử dụng. Chúng tôi xin phép thay đổi tiêu đề tiêu đề bài viết, biên tập nội dung cho phù hợp với tiêu chí của trang. Chúng tôi sẽ phản hồi và gửi nhuận bút với những bạn đọc có bài viết phù hợp đã được chọn đăng.
Ban biên tập trân trọng cảm ơn!
Trang Nguyễn