(Tổ Quốc) - Tôi tự hỏi: Chẳng phải chúng ta đang làm những sản phẩm này ra để phục vụ và nâng cao sức khỏe cho người tiêu dùng hay sao? Uống những thứ này vào sẽ ngồi tận hưởng cuộc đời được lâu hơn hay đi chầu trời sớm? Tôi không cố đổi thay những vị khách ngoài kia, mà chính mình cố trau rèn và chắt lọc. Lọc người và lọc cả chính mình.
Tôi, năm nay ngót nghét 30, đang làm chuyên viên phát triển thị trường cho một công ty chuyên gia công sản xuất thực phẩm chức năng tại Đài Loan (ở Việt Nam còn hay gọi là thuốc bổ, thực phẩm bảo vệ sức khỏe).
Chúng tôi vận hành và quản lý theo quy trình khép kín: từ khi sản phẩm còn đang ở thai nghén (thiết kế công thức) ra cho tới khi sinh ra (sản xuất thành sản phẩm hữu hình) rồi giao nó cho khách hàng. Ở bộ phận của tôi, mỗi chuyên viên sẽ được giao công việc theo đầu mục sản phẩm hoặc dự án. Theo đó, tôi sẽ phải đảm nhận ít nhất 15 khách hàng với khoảng hơn 30 dự án và sản phẩm lớn nhỏ.
Nhiệm vụ của tôi là phải trò chuyện, tư vấn cho khách hàng để hiểu yêu cầu và mục tiêu của họ, đồng thời tìm hiểu các thông tư, quy định về thực phẩm bảo vệ sức khỏe của quốc gia đó. Từ những thông tin thu thập được, tôi sẽ thảo luận với phòng R&D để lên công thức sản phẩm, làm sao dung hòa được yêu cầu của công ty và luật pháp của các nước sở tại. Sau đó, tôi sẽ phụ trách theo sát tiến độ sản xuất, chuẩn bị thủ tục hải quan để xuất khẩu hàng. Và cho tới khi lô hàng đó được bán hết mà không phát sinh khiếu nại gì thì coi như tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ với dự án đó.
Nghe kể thì dễ vậy nhưng thực ra lô hàng này kề lô hàng khác, khách hàng này nối khách hàng kia nên tôi khá bận. Một ngày làm làm việc của tôi bắt đầu từ 8 giờ 30 phút, bằng những cuộc điện thoại, chuẩn bị giấy tờ họp hành và xử lý email. Hôm nào cũng thế, tới 7 giờ tối là tôi đã kiệt sức.
Hôm nay không ngoại lệ, khuôn mặt tôi đã chuyển dần từ hồng hào sang trắng bệnh, mắt tôi đã dần mờ đi và đầu hơi ngây ngấy sốt. Sếp vội vàng giục: "Này, về nghỉ sớm đi, nhìn em không được khỏe, về nghỉ kẻo mai lại ốm".
Tôi cũng thấy mình cần một khoảng không nghỉ ngơi nên tay đã chuẩn bị tắt máy tính, rồi vớ cái balo đang chuẩn bị đứng dậy thì chuông điện thoại reo:
- Mina à, em có thể giúp chị điều chỉnh một chút xíu công thức được không? Chị thấy ZinC không cần tới hơn 50 mg đâu, chỉ cần có tên thành phần đó là được. Em giảm xuống còn khoảng 10 mg thôi là được nhé. (Tên ở công ty của tôi là Mina)
- Còn Lutein chiết xuất hoa cúc thì đổi sang loại synthetic được không?
Cho bạn nào chưa biết, nguyên liệu có nguồn gốc synthetic hay còn gọi là tổng hợp. Chúng là loại nguyên liệu được hợp thành từ hóa chất, nó có thể có công thức hóa học tương tự, nhưng về độ an toàn và công dụng thì sẽ có sự khác biệt nhất định, tất nhiên giá cũng rẻ hơn. Ngoại trừ một số thành phần không thể chiết xuất, tổng hợp từ nguồn tự nhiên hữu cơ, tôi thường không khuyên khách hàng sử dụng nguyên liệu nguồn synthetic.
Nếu nói không quá thì đây là cuộc gọi thứ 12 của chị khách ấy cho những yêu cầu tương tự như vậy. Tôi cố gắng hít thật sâu, thở thật nhẹ, vận dụng hết tất cả những dây thần kinh trong khoang não để phân tích và giải thích cho khách hàng rằng: Tại sao lại không nên cắt giảm hay thay đổi, nó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và công dụng ra sao, tác động tới lợi thế marketing như thế nào. Nhưng đáp lại sự cố gắng đó, chị khách hàng chỉ đáp lại vỏn vẹn một chữ "KHÔNG" ngắn ngủn.
Mỗi lần như thế tôi lại thấy sợ. Không phải vì tôi đã thất bại trong việc thuyết phục khách hàng, mà là vì thế giới này. Tôi bắt đầu sợ cái ngành công nghiệp mang tiếng "bảo vệ sức khỏe" và sợ cả những con người "chăm lo sức khỏe người tiêu dùng" như họ.
Mặc dù, tôi hiểu công ty nào cũng có những chiến lược riêng và chi phí không phải là yếu tố được thả lỏng, nhưng bao lâu nay, tôi vẫn không hiểu nổi. Tôi tự hỏi: Chẳng phải chúng ta đang làm những sản phẩm này ra để phục vụ và nâng cao sức khỏe cho người tiêu dùng hay sao? Uống những thứ này vào sẽ ngồi tận hưởng cuộc đời được lâu hơn hay đi chầu trời sớm?
Rồi sau hai ngày lưỡng lự cùng tư vấn của Sếp, tôi quyết định viết email cho khách: "Dự án này có lẽ em không theo được, mong chị đi tìm một đối tác khác phù hợp hơn."
Nghe thì có vẻ cool ngầu, từ chối khách hàng cơ mà. Nhưng trên thực tế, lời nói của tôi lúc đó cũng khó khăn lắm chứ không mấy quyết liệt gì, bởi tìm được khách hàng trong ngành công nghiệp cạnh tranh này không dễ dàng. Và hơn thế, vì từ chối đơn hàng nên KPI của tôi tháng đó cũng giảm đáng kể.
Tôi có buồn nhưng sau cùng niềm vui vẫn nhiều hơn cả. Tôi vui vì không phải ai cũng được tự do và can đảm đưa ra những quyết định như vậy. Và vui hơn vì tôi có vị Sếp hiểu đời, hiểu chuyện luôn bên cạnh hỗ trợ đội nhóm và bênh vực điều đúng. Tôi có thể bị trừ thưởng nhưng nhẹ nhàng vì mình không đồng tình cùng thứ tệ hại.
Và với bài viết kể chuyện nghề này cũng vậy, thứ cảm giác tôi có cũng y nguyên. Tôi không sợ viết sai, không sợ viết kém, cũng chẳng sợ gièm pha, hay bị chối từ. Duy chỉ có điều làm tôi đắn đo nhất lẽ là những dòng chữ mà tôi viết ra này liệu có cạn nông và hô hào sáo rỗng. Bởi chính tôi, tôi sợ những dòng chữ ấy như những hộp thuốc bổ trên kia, bên ngoài thì hoa lá cành xuất sắc, nhưng bên trong lại rỗng tuếch nát tươm. Và tôi sợ những thứ tôi viết ra không mang lại giá trị cho ai, lại còn làm nên điều tiêu cực.
Quay lại chuyện làm nghề sản xuất, có lẽ vì nhiều trường hợp như vậy mà có đôi lần tôi đắn đo chuyện đổi ngành hay chuyển việc, nhưng suy cho cùng nghề nào cũng sẽ vậy thôi. Ở đó luôn có những cạm bẫy hố sâu. Liệu tôi ra đi rồi, tôi có thể triệt để tránh được những tính toán, đếm đong phía trước. Vậy chi bằng, ở lại và đấu tranh như những gì mình đã thực hiện.
Và giờ đây, sau hơn hai năm, tôi vẫn ở vị trí đó, vẫn những vị khách tới rồi đi, những lần nhỏ to tranh luận. Nhưng khác một điều đó là ở tâm thế của tôi. Tôi không cố đổi thay những vị khách ngoài kia, mà chính mình cố trau rèn và chắt lọc. Lọc người và lọc cả chính mình. Bởi tôi biết, chỉ có sự dày công chắt lọc mới có thể đưa tôi trở về hướng đúng, mang tôi về với sự tử tế trong từng những lần bước đi.
Hương Mai