Chuyên trang National Geographic ca ngợi Bảo tàng Thế giới Cà phê của ông Đặng Lê Nguyên Vũ là “nơi đắm chìm và quên Starbucks”

(Tổ Quốc) - National Geographic ca ngợi Bảo tàng Thế giới Cà phê trên chuyên trang du lịch tiếng Tây Ban Nha với thông điệp "nơi du khách có thể đắm chìm hoàn toàn trong văn hóa cà phê và quên Starbucks tại Đông Nam Á".

Chuyên trang du lịch tiếng Tây Ban Nha của Tạp chí hàng đầu thế giới National Geographic mới đăng bài viết tựa đề "EL MUSEO DEL SUDESTE ASIÁTICO DONDE OLVIDARSE DEL STARBUCKS", kèm hình ảnh Bảo tàng Thế giới Cà phê của Trung Nguyên Legend. 

Chia sẻ với báo giới, phía Trung Nguyên cho biết bài viết trên ca ngợi Bảo tàng Thế giới Cà phê với thông điệp "nơi du khách có thể đắm chìm hoàn toàn trong văn hóa cà phê và quên Starbucks tại Đông Nam Á".

Chuyên trang National Geographic ca ngợi Bảo tàng Thế giới Cà phê của ông Đặng Lê Nguyên Vũ là “nơi đắm chìm và quên Starbucks” - Ảnh 1.

Ảnh chụp màn hình bài viết trên National Geographic.

Bài báo có đoạn: "Nó (Bảo tàng Thế giới Cà phê) không phải là bảo tàng cà phê duy nhất trên thế giới, nhưng chắc chắn nó là bảo tàng "tham vọng" nhất. Thế cũng đủ biết Chủ Tịch Vũ, người sáng lập Trung Nguyên Legend - Tập đoàn xây dựng bảo tàng đặc biệt này có quan điểm như thế nào về cà phê: ‘Cà phê là báu vật của vũ trụ, là di sản của nhân loại và là giải pháp cho tương lai’".

Bảo tàng Thế giới Cà phê được khánh thành vào năm 2018 với sự chuyển giao bộ sưu tập hiện vật từ bảo tàng Jens Burg ở Đức, với tham vọng của Trung Nguyên và ông Đặng Lê Nguyên Vũ là biến Việt Nam thành Thủ đô Cà phê Thế giới - "một điều hoàn toàn không vô lý khi Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên toàn cầu, chỉ sau Brazil", bài báo cho hay. 

Chuyên trang National Geographic ca ngợi Bảo tàng Thế giới Cà phê của ông Đặng Lê Nguyên Vũ là “nơi đắm chìm và quên Starbucks” - Ảnh 2.

Phục dựng Lễ dâng cúng cà phê của người Ê-đê bản địa tại Bảo tàng Thế giới Cà phê.

"Nằm trong một quần thể kiến trúc nổi bật, Bảo tàng Thế giới Cà phê lấy cảm hứng từ phong cách kiến trúc nhà dài của người Êđê, thuộc Đắk Lắk, Tây Nguyên. Trong chương trình tham quan, du khách được kết nối với một loạt các không gian chuyên đề, nơi họ có thể đắm mình qua tất cả các giác quan trong văn hóa cà phê. Bạn có thể ngửi, nếm, chạm vào cà phê, đồng thời thu nhận những thông tin và sự kiện thú vị về một trong những thức uống làm rung chuyển thế giới (Ai mà không cần cà phê để bắt đầu một ngày mới?). Đối với những người không thể chờ đợi để đến thăm khu bảo tồn cà phê đặc biệt này, có thể thực hiện một chuyến tham quan ảo", José Alejandro Adamuz, nhà báo mảng du lịch của National Geographic, viết.

Phía Trung Nguyên cho biết đây không phải lần đầu tiên Bảo tàng Thế giới Cà phê được các hãng thông tấn quốc tế ca ngợi. Kể từ khi khai trương đón khách vào cuối năm 2018, Bảo tàng Thế giới Cà phê đã được hàng chục kênh truyền thông quốc tế, uy tín trên thế giới nói là: "Là bảo tàng sống lớn nhất – sống động và độc đáo nhất" (AP); "Là 6/17 đến tốt nhất khi tới Việt Nam" (Tạp chí du lịch của Anh, Wanderlust); ART TV (truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ)…

Hàng năm, Bảo tàng thế giới Cà phê tổ chức định kỳ các triển lãm chuyên đề về cà phê được giới chuyên gia đánh giá cao như: "Lịch sử Cà phê thế giới"; "Cà phê: thần dược cho não – thần dược cho sáng tạo"; "Cà phê – Năng lượng của nền kinh tế tri thức"; "Cà phê – năng lượng của tinh thần chiến binh"; "Cà phê - Hành trình khám phá những giá trị nhân văn"; "Cà phê - năng lượng sáng tạo của nghệ thuật",...  

Không chỉ giới thiệu về lịch sử cà phê thế giới, mà tại đây còn có nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật thường niên giúp bảo tàng trở thành trung tâm sáng tạo, phát triển văn hóa cộng đồng của Tây Nguyên dành cho mọi lứa tuổi với nhiều hoạt động bất ngờ, thú vị như: lễ dâng cúng cà phê của người Ê-đê bản địa; Nghi lễ cà phê của người Oromo,... được phục dựng lại; show nghệ thuật trình diễn pha chế ba nền văn minh cà phê với công nghệ 3D mapping; vở vũ kịch "Chuyện kể 3 nền văn minh cà phê".

Bình An

Tin mới