Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ sang trí tuệ nhân tạo (AI), CMC đã khẳng định vị thế là một trong những tập đoàn công nghệ tiên phong với chiến lược AI-X đầy tham vọng.
Vào ngày 11/9, CMC lần đầu tiên công bố Chiến lược AI-X tại Hà Nội. Chỉ một tuần sau, vào ngày 18/9, CMC tiếp tục giới thiệu chiến lược này tại Nhật Bản, đánh dấu lần đầu tiên Chiến lược AI-X được công bố trên thị trường quốc tế. Nhân dịp này, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch điều hành của CMC đã có những chia sẻ dưới đây.
Quyết tâm chuyển đổi thành doanh nghiệp AI
CMC công bố Chiến lược Chuyển đổi AI với thông điệp "Enable your AI-X" - một khái niệm còn khá mới tại Việt Nam và thậm chí là trên thế giới. Trọng tâm chiến lược này của CMC là gì?
CMC tự hào là một trong những tập đoàn hàng đầu tại Việt Nam trong việc đón nhận làn sóng AI, đồng hành cùng sứ mệnh chuyển đổi số quốc gia. Với 31 năm hoạt động và phát triển, chúng tôi đã trở thành một trong những công ty tiên phong trong các công nghệ mới như AI, thiết kế vi mạch, điện toán đám mây và an ninh mạng.
Năm 2017, CMC chính thức công bố chiến lược chuyển đổi số và hiện đang hướng tới giai đoạn tiếp theo: "Chuyển đổi AI". Chúng tôi nhận thấy AI không chỉ là một xu hướng mà còn là yếu tố cốt lõi thúc đẩy sự phát triển bền vững và đổi mới trong doanh nghiệp.
Chiến lược của chúng tôi tập trung vào việc xây dựng văn hóa chuyển đổi AI từ nội bộ, tạo ra một môi trường làm việc hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này giúp đội ngũ nhân viên của chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận và ứng dụng công nghệ AI trong công việc hàng ngày. Nhờ vậy, CMC có thể cung cấp những giải pháp đột phá, nâng cao hiệu suất, tối ưu hóa quy trình kinh doanh, và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong nước và toàn cầu.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khác đang đặt được vào bán dẫn, tại sao CMC lại chọn phát triển Chiến lược Chuyển đổi AI?
AI đã tồn tại và phát triển trong suốt sáu bảy thập kỷ qua, chủ yếu dưới dạng sản phẩm công nghệ và công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, nhờ sự phát triển của khả năng tính toán để xử lý dữ liệu lớn (Big Data), AI – đặc biệt là Trí tuệ Nhân tạo Tạo sinh (Generative AI) và OpenAI vào năm 2023 – đã thực sự bùng nổ. Một ví dụ điển hình là ChatGPT, với sự tiến bộ vượt bậc từ các phiên bản trước như 2.0 hay 3.5 đến phiên bản 4.0+ hiện tại. Những trợ lý ảo ứng dụng công nghệ AI thậm chí còn vượt trội hơn so với trợ lý con người trong nhiều khía cạnh.
CMC đã sớm nhận ra tiềm năng rất lớn của Chuyển đổi AI. Điều này trở nên rõ ràng hơn sau khi tôi vinh dự được tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 1/2024. Qua nghiên cứu và suy ngẫm, tôi nhận ra rằng: AI chỉ là công cụ, trong khi Chuyển đổi chiếm đến 70% thành công của doanh nghiệp khi ứng dụng AI. CMC quyết tâm theo đuổi tầm nhìn chiến lược khi chuyển đổi từ doanh nghiệp số sang doanh nghiệp AI. Nhất là khi chứng kiến AI là chủ đề trung tâm tại hầu hết các phiên thảo luận tại WEF và đang lan tỏa mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực đời sống và kinh doanh. Hiện nay, CMC không chỉ ứng dụng công nghệ AI trong nội bộ tập đoàn mà còn đưa ra các giải pháp AI tiên tiến phục vụ thị trường quốc tế.
Không chỉ tiên phong mà còn đưa doanh nghiệp khác cùng tiến
Là thuyền trưởng của "con tàu" Chuyển đổi AI, CMC gặp thách thức gì khi thực hiện Chiến lược này?
Tiên phong thì tất nhiên là sẽ thử thách. Người tiên phong luôn phải chịu áp lực, vì không có sẵn đường để đi và cũng không có đúng, có sai, có bài học kinh nghiệm từ người đi trước để học hỏi. Thuyền trưởng thì phải có kỹ năng mới có thể trở thành thuyền trưởng. Tương tự, dẫn dắt một cuộc cách mạng công nghệ không chỉ đòi hỏi tầm nhìn mà còn yêu cầu nhiều kỹ năng, khả năng của cả hệ thống, tổ chức. Nếu không có kỹ năng thì không thể đón đầu; nếu không có định hướng đúng thì sẽ đưa cả tổ chức đi xa.
Nhờ bắt đầu chuyển đổi số toàn diện từ năm 2017, chúng tôi đã tích lũy được một nền tảng vững chắc để tiến vào chuyển đổi AI. Bên cạnh đó, thông qua các sự kiện kinh tế thế giới quan trọng và qua quá trình hợp tác, CMC đã học hỏi từ những tập đoàn lớn trên thế giới như Microsoft để thảo luận và hoàn thiện về Chuyển đổi AI. Chính vì vậy, chúng tôi tự tin rằng CMC không chỉ có thể tiên phong trong quá trình này mà còn có thể dẫn dắt các doanh nghiệp khác cùng tiến về phía trước.
Mô hình Hệ sinh thái mở AI của CMC gồm có những công nghệ gì nổi bật?
Hệ sinh thái AI của CMC gồm 4 công nghệ AI chính bao gồm: Xử lý giọng nói; Xử lý ngôn ngữ tự nhiên, Phân tích dữ liệu; Thị giác máy tính. Cũng nằm trong hệ sinh thái này, năm 2024, CMC đã nghiên cứu ra giải pháp AI, phần cứng AI (AI Device) đầu tiên đó là CMC AIVision (AI Camera giúp nhận diện khuôn mặt, kiểm soát an ninh, kiểm soát ra vào tòa nhà, nhận diện hành vi,...). Bên cạnh đó, CMC còn đón đầu làn sóng GenAI, CMC đã cho ra đời 2 giải pháp: Giải pháp ứng dụng GenAI hỗ trợ tư vấn đầu tư chứng khoán là giải pháp Chatbot thay thế cố vấn tài chính truyền thống. Nhằm cung cấp thông tin phân tích cổ phiếu đa chiều cũng như khuyến nghị đầu tư, hỗ trợ khách hàng ra quyết định nhanh chóng. CMC làm chủ rất nhiều giải pháp công nghệ AI giúp doanh nghiệp chuyển đổi trong các hoạt động kinh doanh, từ vận hành doanh nghiệp, hỗ trợ các hoạt động nội bộ đến việc sản xuất, bán hàng, marketing và trải nghiệm khách hàng. Đặc biệt, CMC còn là đối tác quan trọng của các hãng lớn trên thế giới như Microsoft, Google, Meta, NVIDIA, AWS, Dell, Cisco, Palo Alto... CMC cung cấp các giải pháp AI hỗ trợ đa dạng nhu cầu, thuộc nhiều lĩnh vực.
Chủ tịch CMC giới thiệu mô hình hệ sinh thái mở AI với Lãnh đạo Bộ ngành tham dự chương trình Lễ công bố Chiến lược chuyển đổi AI ngày 11/9 tại Hà Nội.
Tại CMC, AI không chỉ là một xu hướng, mà còn là yếu tố cốt lõi thúc đẩy sự phát triển bền vững và đổi mới trong doanh nghiệp. Chiến lược của Tập đoàn CMC bắt đầu từ việc thúc đẩy văn hóa chuyển đổi AI từ nội bộ, xây dựng một môi trường làm việc hiện đại từ trong chính công ty và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng đón nhận và ứng dụng công nghệ AI trong công việc hàng ngày.
Nói về các công nghệ lõi của CMC, Chủ tịch Nguyễn Trung Chính cho biết: "CMC tự hào là một trong những tập đoàn tiên phong tại Việt Nam trong việc đón đầu làn sóng AI, và giờ đây chúng tôi tự tin mang những giải pháp này đến với thị trường Nhật Bản. Với kinh nghiệm tích lũy được từ các dự án trong nước và quốc tế, cùng với sự hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn hàng đầu thế giới, CMC đã xây dựng một nền tảng AI mạnh mẽ tiên tiến với 03 trụ cột: thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, xử lý giọng nói. Hiện chúng tôi hiện đã sở hữu hơn 20 công nghệ lõi made by CMC, đặc biệt sản phẩm CIVAMS được Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Mỹ xếp hạng 12 trên thế giới".
CMC sẽ hành động ra sao để hiện thực hóa Chiến lược Chuyển đổi AI?
CMC thành lập đến nay là được 31 năm và chúng tôi có khoảng 10 đơn vị thành viên với 4 mảng kinh doanh chiến lược gồm: Hạ tầng số, Giải pháp & Công nghệ, Kinh doanh quốc tế và Nghiên cứu & Đào tạo. Hiện tại, CMC có hơn 5.000 CBNV và chúng tôi đã đạt được quy mô công ty khu vực với doanh số và giá trị công ty vào khoảng 400 triệu đô la.
Về chiến lược tổng thể, CMC đã có kế hoạch và là doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng AI toàn diện thông qua Chiến lược Chuyển đổi AI.
Về lĩnh vực giáo dục, CMC đã tiên phong triển khai mô hình đào tạo đại học số, sắp tới sẽ chuyển sang Đại học về AI. Chúng tôi đang lên kế hoạch hợp tác quốc tế với các công ty thiết kế và chế tạo chip hàng đầu thế giới, như Nvidia, Samsung,... để triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu phù hợp với yêu cầu của ngành công nghiệp hiện đại.
Lãnh đạo Bộ Ban ngành và địa phương tham dự Lễ công bố Chiến lược Chuyển đổi AI của CMC ngày 11/9 tại Hà Nội
Về nền tảng hạ tầng AI, CMC hiện là một trong những đơn vị viễn thông đầu tiên của Việt Nam cung cấp nền tảng hạ tầng AI cho nhiều tập đoàn nổi tiếng trong và ngoài nước.
Về kinh doanh quốc tế, CMC tự hào là một trong những doanh nghiệp số hàng đầu cung cấp dịch vụ ra thế giới, hợp tác với nhiều công ty thuộc top 500 toàn cầu, các tập đoàn lớn như Honda, LG, Samsung và nhiều doanh nghiệp hàng đầu đến từ 30 quốc gia trên thế giới, trải khắp các châu lục từ châu Á - Thái Bình Dương đến Châu Âu và Mỹ. Đặc biệt, với CMC Japan, chúng tôi đã và đang đem những năng lực công nghệ của CMC đi ra thị trường Nhật Bản với nhiều giá trị công nghệ sáng tạo và đổi mới.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ ấn tượng về khát vọng chuyển đổi AI, ý chí vươn lên ngang tầm thế giới của một số doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam trong đó có CMC.
Phát triển Chuyển đổi AI có trách nhiệm
Có vẻ như Nhật Bản đang chiếm vị trí quan trọng trong Chiến lược Chuyển đổi AI của CMC. Vậy CMC đánh giá thế nào về triển vọng của thị trường này?
Quy mô thị trường ngành công nghệ thông tin của Nhật Bản chỉ đứng sau Mỹ, chiếm vị trí thứ hai toàn cầu. Có thời điểm quy mô thị trường Nhật Bản còn lớn hơn tổng khối các nước APAC, cho thấy sức mạnh và tiềm năng phát triển của nền kinh tế này.
Theo OECD, Nhật Bản là một trong những nước đầu tư mạnh mẽ nhất vào công nghệ thông tin và truyền thông, với tỷ lệ đầu tư lên đến 7% GDP, vượt trội so với nhiều nước APAC khác. Theo báo cáo của Gartner, với chi tiêu dự kiến đạt khoảng 100 tỷ USD vào năm 2023, quy mô thị trường Nhật Bản còn lớn hơn tổng khối các nước APAC (ngoại trừ Trung Quốc), cho thấy sức mạnh và tiềm năng phát triển của nền kinh tế này.
Tuy nhiên, Nhật Bản đang đối mặt với thách thức về lực lượng lao động do dân số già, dẫn đến sự thiếu hụt lao động ngày càng nghiêm trọng. Với sự chững lại của ngành công nghệ thông tin Nhật Bản gần đây, nhất là so với các thị trường Hàn Quốc, thị trường sẽ tạo ra nhu cầu mới nhằm phục hồi kinh tế. Trong vòng 10 năm tới, nhu cầu về outsourcing tại Nhật Bản dự kiến sẽ tăng mạnh, mở ra nhiều cơ hội cho các công ty như CMC.
Đặc biệt, khách hàng Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn về chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng AI trong quá trình này. Điều này không chỉ khẳng định vị thế của công ty mà còn cho thấy tiềm năng hợp tác và phát triển trong tương lai tại thị trường đầy triển vọng này.
Nhật Bản là thị trường quốc tế đầu tiên mà CMC công bố Chiến lược Chuyển đổi AI.
Chiến lược Chuyển đổi AI có ý nghĩa thế nào với thị trường Nhật Bản?
Chiến lược Chuyển đổi AI được xây dựng không những để chuyển đổi quy trình nội bộ mà còn mở rộng dịch vụ AI cho doanh nghiệp toàn cầu. Nhật Bản là một trong những thị trường mục tiêu quan trọng nhất trong chiến lược của chúng tôi.
Sắp tới, CMC với đại diện là CMC Japan, sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh, khai trương trụ sở văn phòng mới tại Nhật Bản sau 7 năm thành lập. Mục tiêu đến năm 2028, CMC sẽ trở thành một tập đoàn số toàn cầu với quy mô tỷ đô và khoảng 15.000 nhân viên. Chỉ riêng thị trường Nhật Bản sẽ có 5.000 nhân viên, trong đó 1000 nhân viên làm việc trực tiếp tại thị trường Nhật Bản, với công nghệ AI dự kiến chiếm 50% doanh thu.
Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đã và đang thực hiện các bước đi mạnh mẽ trong phát triển sản phẩm AI và mở rộng thị trường. Nhu cầu cao về dịch vụ chuyển đổi số và ứng dụng AI tại Nhật Bản sẽ tạo cơ hội cho CMC triển khai chiến lược Chuyển đổi AI, đồng thời khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực này. Điều này không chỉ yêu cầu CMC tiếp tục đầu tư vào công nghệ mà còn cần thiết phải hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế. Chúng tôi tin rằng với nền tảng công nghệ vững chắc và đội ngũ nhân lực tài năng, CMC sẽ tiếp tục dẫn dắt ngành công nghiệp AI của Việt Nam ra thế giới, trong đó có Nhật Bản.
CMC đã triển khai dự án AI nào tại Nhật Bản chưa? Và mục tiêu của việc đưa công nghệ AI ra thị trường nước ngoài là gì?
Chúng tôi đã gặt hái thành công từ nhiều dự án lớn tại Nhật Bản, trong đó nổi bật là việc triển khai công nghệ AI để xử lý dữ liệu, giúp nâng cao hiệu quả trong quy trình sản xuất ô tô. Việc ứng dụng AI trong các ngành công nghiệp đòi hỏi độ chính xác cao như sản xuất ô tô là rất phức tạp. CMC đã chứng minh năng lực công nghệ đẳng cấp thế giới qua những dự án này.
Thị trường quốc tế sẽ là nơi chúng tôi thử nghiệm và áp dụng các giải pháp AI trước khi đưa về thị trường trong nước. Điều này không chỉ giúp chúng tôi học hỏi từ các đối tác lớn mà còn đảm bảo rằng các giải pháp AI của CMC đạt chất lượng cao nhất khi thực hiện tại Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi đã hợp tác với nhiều công ty lớn tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, tạo điều kiện để CMC trở thành một tên tuổi nổi bật trên thị trường AI toàn cầu.
CMC đã tuyên bố về việc phát triển Chuyển đổi AI có trách nhiệm?
AI là công nghệ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, từ tri thức con người đến kinh tế, chính trị và xã hội. Do đó, phát triển AI một cách có trách nhiệm là điều vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ bao gồm việc tuân thủ các quy định về quyền riêng tư và sở hữu dữ liệu mà còn là cách chúng ta sử dụng AI để giải quyết các vấn đề lớn của xã hội mà không gây ra tác động tiêu cực. CMC cam kết phát triển AI một cách có trách nhiệm, đảm bảo rằng các sản phẩm của chúng tôi mang lại giá trị thực sự cho khách hàng và cộng đồng.
Để duy trì vị thế tiên phong, kiến thức và kỹ năng là điều cần thiết. Một trong những nguyên tắc cốt lõi của chúng tôi là: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau". CMC không chỉ mong muốn tiến nhanh mà còn hướng tới sự bền vững. Vì vậy, chúng tôi luôn tìm kiếm sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác trong và ngoài nước để đảm bảo chiến lược phát triển Chuyển đổi AI của chúng tôi đạt thành công lâu dài.
"AI Transformation (AI-X) là quá trình ứng dụng công nghệ AI để thay đổi tổng thể và toàn diện về cách thức hoạt động và tương tác trong mọi lĩnh vực của xã hội từ Chính phủ, doanh nghiệp đến đời sống của người dân. Mục tiêu của Chuyển đổi AI (AI-X) là tận dụng tiềm năng vô tận của công nghệ Al để: Đổi mới sáng tạo, cải tiến về hiệu suất, năng suất, gia tăng giá trị và tạo ra một nền kinh tế số, với cam kết trách nhiệm và đạo đức nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển xanh và bền vững."
Chủ tịch Nguyễn Trung Chính phát biểu Định nghĩa về Chuyển đổi AI.