(Tổ Quốc) - Chính phủ Trung Quốc ước tính tổng thiệt hại từ trận lũ lụt lịch sử này có thể lên đến 21 tỷ USD và khiến khoảng 55 triệu người chịu ảnh hưởng.
Trong nhiều năm nay, tháng 8 đáng lẽ là mùa thu hoạch lúa của gia đình anh Bao Wentao tại Trung Quốc. Thế những những trận lụt nặng gần đây đã khiến cánh đồng của nhà anh Bao cũng như nhiều vùng miền Nam Trung Quốc chết úng.
"Vụ mùa hoàn toàn mất trắng. Cánh đồng lúa nhà tôi đã gần chín và sẵn sàng để thu hoạch. Nhưng giờ đây thì chẳng còn gì cả, mất hết rồi", anh Bao ngậm ngùi nói với hãng tin CNN.
Gia đình anh Bao cho biết họ đã mất khoảng 200.000 Nhân dân tệ chi phí sản xuất vụ lúa vừa qua và giờ đây mất trắng.
Những trận lụt lớn lịch sử thời gian qua đã khiến vùng Giang Tây, nơi nổi tiếng với nghề đánh bắt cá và trồng lúa, mất trắng hàng nghìn ha ruộng hoa màu và các trang trại nông nghiệp khác. Vùng đồng bằng sông Dương Tử khu vực này chiếm đến 70% sản lượng lúa của toàn Trung Quốc.
Trung Quốc đang trải qua mùa lũ lụt nặng chưa từng thấy từ năm 1998 đến nay
Đối với những gia đình nhà nông như anh Bao, trận lụt lịch sử lần này là một đại thảm họa. Cơn lũ đi qua không chỉ quét sạch cánh đồng lúa nhà anh Bao mà còn khiến họ không thể trồng trọt hay sử dụng đất canh tác trong năm nay được nữa.
"Cánh đồng vẫn ngập trong nước và điều đó có nghĩa là chúng tôi chẳng thể thu hoạch được gì từ nay đến cuối năm", anh Bao buồn bã.
Trận lụt mới đây của Trung Quốc đã tàn phá 5,3 triệu ha đất nông nghiệp, tương đương với diện tích cả bang Virginia của Mỹ và đây là thiên tai nặng nhất của nước này trong nhiều năm. Chính phủ Trung Quốc ước tính tổng thiệt hại từ trận lũ lụt lịch sử này có thể lên đến 21 tỷ USD và khiến khoảng 55 triệu người chịu ảnh hưởng.
Thiên tai này là tin xấu với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới khi Trung Quốc vừa mới trải qua đợt dịch tả lợn, dịch Covid-19 và thương chiến với Mỹ. Chính quyền Bắc Kinh đã nhanh chóng đảm bảo an ninh lương thực bằng cách nhập khẩu lượng lớn thực phẩm từ các quốc gia khác, đồng thời mở kho chiến lược bán hàng chục triệu tấn lương thực.
Mặc dù vậy, các chuyên gia phân tích cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể khiến việc nhập khẩu lương thực khó khăn hơn trong tương lai. Trong khi đó, tình hình lũ lụt tại Trung Quốc có thể diễn biến tồi tệ hơn. Các dự báo thời tiết cho thấy miền Nam nước này sẽ còn mưa nặng hạt đến hết tháng trong khi nhiều quan chức cảnh báo lũ lụt có thể lan đến miền Bắc Trung Quốc, ảnh hưởng đến các vùng trồng ngô và lúa mỳ.
"Trận lụt lần này là lớn nhất kể từ năm 1998 và có thể tiếp tục tệ hơn nữa trong các tuần tới", báo cáo của Nomura nêu rõ.
Lúa gạo là lương thực chủ chốt tại Trung Quốc hiện đang bị mất mùa vì lũ
An ninh lương thực
Hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc có đảm bảo được an ninh lương thực trong đợt thiên tai lịch sử lần này hay không khi chính phủ không tuyên bố chính thức gì về sản lượng cũng như số lương thực dự trữ hiện có.
Tuy nhiên theo Nomura, nếu trận lũ lụt còn tiếp diễn đến cuối tháng 8/2020 thì GDP ngành nông nghiệp Trung Quốc có thể mất gần 1 điểm phần trăm trong quý II/2020, tương đương hơn 1,7 tỷ USD.
Đồng quan điểm, hãng Shenwan Hongyuan ước tính sản lượng lương thực của Trung Quốc có thể thấp hơn 11,2 triệu tấn so với năm ngoái do chịu nhiều thiên tai dịch bệnh, tương đương với khoảng 5% tổng sản lượng gạo trên cả nước.
Hiện các báo cáo về nông nghiệp của Trung Quốc đang vô cùng u ám và các chuyên gia mới chỉ tính đến thiệt hại về lúa gạo mà chưa bao gồm những mặt hàng nông sản có khả năng chịu ảnh hưởng tiếp như lúa mỳ hay ngô.
Giá ngô tại Trung Quốc vào tháng 7/2020 đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoài. Giá đậu nành cũng tăng 30% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước.
An ninh lương thực tại Trung Quốc có khả năng bị đe dọa
Để thể hiện sự quan tâm của chính phủ đến ngành nông nghiệp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gây bất ngờ cho nhiều nông dân khi thăm một số trang trại tại miền Đông Bắc tỉnh Cát Lâm.
"Tôi đến đây chủ yếu để kiểm tra tình hình đồng ruộng. Năm nay có nhiều thiên tai và tôi khá lo lắng đến tình hình phát triển của cây trồng tại miền Đông Bắc này", Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu qua đài truyền hình trung ương CCTV khi đi thăm ruộng lúa.
Lo lắng của Chủ tịch Tập Cận Bình là có cơ sở khi vùng Đông Bắc Trung Quốc chiếm tới hơn 40% sản lượng đậu nành và ngô của cả nước, đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng lương thực, đặc biệt là với ngành chăn nuôi.
Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ đậu nành lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 sau Mỹ về lượng tiêu thụ ngô.
Nỗ lực ổn định giá lương thực
Chính quyền Bắc Kinh đã nhanh chóng ổn định giá lương thực cũng như đảm bảo nguồn cung cho cả nước bằng cách mở kho dự trữ chiến lược.
Hàng chục triệu tấn gạo, ngô và đậu nành đã được tung ra thị trường trong những tháng gần đây. Tổng cộng hơn 60 triệu tấn gạo, 50 triệu tấn ngô và hơn 760.000 tấn đậu nành đã được bán ra thị trường nhằm ổn định giá cả.
Nhờ những động thái kịp thời này mà giá gạo trên thị trường Trung Quốc được ổn định. Số liệu chính thức cho thấy giá gạo tuần trước của Trung Quốc vào khoảng 4.036 Nhân dân tệ/tấn (580 USD), tương đương với mức giá của tháng trước đó.
Chính quyền Bắc Kinh cũng đã ký hợp đồng mua hàng tỷ USD nông sản từ Mỹ nhằm đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời xoa dịu căng thẳng thương mại. Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 61 triệu tấn ngũ cốc, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu ngô cũng tăng 18% cùng kỳ trong khi nhập khẩu đậu nành và lúa mỳ cũng tăng.
Số lương thực được tung ra từ kho dự trữ chiến lược năm nay cao hơn năm 2019
Tính đến giữa tháng 7/2020, Trung Quốc đã tung 1,8 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 258 triệu USD nhằm giúp đỡ những người chịu ảnh hưởng từ lũ lụt. Riêng tỉnh Giang Tây đã dành khoản ngân sách 280 triệu Nhân dân tệ, tương đương 40 triệu USD cho những hộ gia đình như anh Bao. Tuy nhiên con số này là quá nhỏ so với 21 tỷ USD thiệt hại mà lũ lụt gây ra.
"Đúng là chính phủ có hỗ trợ nhưng chúng chẳng đủ. Chia khoản tiền hỗ trợ đó ra cho mỗi người thì cũng chẳng đáng bao nhiêu", anh Bao ngậm ngùi nói. Hiện cha của anh Bao đã phải rời làng đi kiếm việc để có thu nhập khi hy vọng vào cánh đồng lúa đã tiêu tan.
AB
Nhịp sống kinh tế/CNN