(Tổ Quốc) - Cuối tháng 4, giá đường thế giới đã tạo đáy và bắt đầu tăng mạnh từ tháng 5 nhưng giá đường tại Việt Nam đến tháng 9 mới tạo đáy và dự kiến tăng mạnh trong tháng 10.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/09/2021, giá đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng 1.4% lên mức 508.2 USD/tấn, trong khi giá đường 11 kỳ hạn tháng 10 tăng thêm 1.9% lên mức 426.15 USD/tấn. Trong 1 năm qua, giá đường 11 đã tăng hơn 60% và đến nay vẫn đang duy trì kênh xu hướng tăng kể từ tháng 05/2021. Tuy nhiên, diễn biến giá vẫn có sự đan xen giữa những phiên tăng giảm trái chiều, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư.
Các quốc gia có ảnh hưởng lớn tới ngành đường thế giới
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong niên vụ 2021/22, sự gia tăng sản lượng tại khối EU, Ấn Độ và Thái Lan sẽ lớn hơn so với mức giảm sản lượng tại Brazil. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cũng được dự báo sẽ tăng lên mức kỷ lục mới do sự tăng trưởng tại các thị trường lớn như Trung Quốc và Ấn Độ.
Brazil: Trong niên vụ 2021/22, sản lượng đường của Brazil được dự báo sẽ giảm 5% so với niên vụ trước, về mức 39.9 triệu tấn do sản lượng mía đường giảm. Mô hình thời tiết La Nina kéo theo khí hậu khô nóng trong các giai đoạn phát triển quan trọng của cây mía tại Brazil là nguyên nhân chính cho sự sụt giảm này.
Bên cạnh đó, việc giá các mặt hàng nông sản như ngô và đậu tương ổn định ở mức cao cũng đã khuyến khích một bộ phận nông dân lựa chọn các mặt hàng ngũ cốc này để thay thế cho cây mía, làm giảm diện tích trồng mía. Điều này khiến dự báo xuất khẩu đường của Brazil thấp hơn khoảng 9% so với niên vụ trước, nhưng vẫn là mức xuất khẩu lớn thứ hai trong lịch sử.
Thái Lan: Sản lượng đường trong niên vụ 2021/22 của Thái Lan được USDA dự báo ở mức 10.6 triệu tấn, tăng mạnh 40% so với niên vụ trước. Khác với Brazil, mùa vụ mía đường tại Thái Lan đang nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ, bao gồm: Năng suất cao hơn, diện tích gieo trồng được mở rộng, và điều kiện thời tiết thuận lợi hơn. Dự báo xuất khẩu đường của Thái Lan sẽ đạt 10.4 triệu tấn trong niên vụ mới, tương đương 98.5% tổng sản lượng. Bên cạnh đó, do tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu cao hơn so với sản lượng nên tồn kho cuối niên vụ dự kiến sẽ giảm mạnh 43.5% so với niên vụ trước.
Khu vực liên minh châu Âu (EU): Sản lượng đường tại khu vực này được dự báo tăng 7%, lên mức 15.8 triệu tấn sau khi lệnh cấm sử dụng những loại thuốc trừ sâu neonic được bãi bỏ tại Pháp và Đức. Theo đó, hạt giống củ cải đường sẽ được phép phủ một lớp neonicotinoid để giúp bảo vệ khỏi virus màu vàng, vốn thường gặp đối với các mùa vụ. Trước đó, trong năm 2018, Ủy ban liên minh châu Âu (EC) đã cấm việc sử dụng ba loại neonicotenoid (clothianidin, imidacloprid, và thiamethoxam) vì tác hại của chúng đối với loài ong.
Với việc nguồn cung lớn nhất thế giới là Brazil bị thu hẹp, giá đường thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 năm qua và xu hướng chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo các chuyên gia của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), các yếu tố về nguồn cung sẽ đóng vai trò quyết định xu hướng giá, nhiều hơn so với các thông tin về nhu cầu. Vì thế, cập nhật mùa vụ tại các nước sản xuất lớn sẽ giúp các nhà đầu tư và doanh nghiệp kinh doanh đường có được nhận định chính xác hơn về xu hướng trong giai đoạn cuối năm này.
Ngành mía đường trong nước: Cơ hội và thách thức
Hiện nay, giá đường nội địa tiếp tục có xu hướng tăng tương ứng theo giá đường thế giới. MXV đánh giá mặt bằng chung của giá đường RS tại các nhà máy tương đối cao, do nguồn cung nội địa ít và nhiều đơn vị sản xuất bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Nhu cầu tiêu thụ đường của nước ta trong giai đoạn cuối năm sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh.
Ngành đường Việt Nam đang bước vào chu kì hồi phục sau khoảng thời gian dài bão hòa và thua lỗ do cạnh tranh gay gắt với Thái Lan. Theo USDA, sản lượng đường Việt Nam đang suy giảm trong vòng 5 năm gần đây, đặc biệt khi hiệp định ATIGA có hiệu lực đối với mặt hàng này vào năm 2020. Hiệp định này mở cửa cho đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan tràn sang, cạnh tranh trực tiếp với giá đường trong nước và khiến người dân không còn mặn mà với cây mía, từ đó khiến cho diện tích gieo trồng mía bị thu hẹp.
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, diện tích vùng nguyên liệu cho niên vụ 2020/21 chỉ còn 127,460 héc-ta, thấp hơn 30% so với niên vụ trước. Sản lượng niên vụ 2020/21 chỉ đạt 810,000 tấn, đáp ứng 30% nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Đứng trước bối cảnh đó, Bộ Công thương đã có động thái áp thuế đối với giá đường nhập khẩu từ Thái Lan. Ngày 16/02/2021, Bộ đã quyết định áp dụng tạm thời thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường Thái Lan trong vòng 120 ngày. Sau đó, ngày 16/06, Bộ Công thương đã chính thức áp loại thuế này đối với đường Thái Lan, với mức thuế nhập khẩu lên đến 47,64% trong thời hạn 5 năm. Quyết định áp thuế này được cho là làm giảm lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan tới 75%, từ đó, giảm áp lực cạnh tranh đối ngành đường Việt Nam. Ngoài ra, hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8 năm 2020 cũng mở ra cơ hội xuất khẩu đường tại Việt Nam sang các nước khu vực EU.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành đường Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Vấn nạn nhập lậu đường từ Thái Lan đang làm sai lệch chính sách thuế của Bộ. Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ tháng 5 đến nay cũng đang cản trở nhu cầu tiêu thụ đường trong nước.
Ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong nước
Việc giá đường tại Việt Nam tăng cùng giá đường thế giới sẽ giúp các doanh nghiệp đường trong nước có kết quả kinh doanh khả quan hơn. Đặc biệt các doanh nghiệp có nhà máy công suất lớn sẽ có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp có nhà máy công suất nhỏ. Nhiều cổ phiếu ngành đường như SBT, QNS đều báo cáo lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2021 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước nhờ hưởng lợi từ giá đường, cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Mặc dù đang trên đà tăng theo xu hướng của giá đường trên thế giới nhưng tốc độ tăng của giá đường Việt Nam so với thế giới có những độ trễ nhất định. Giai đoạn cuối tháng 4 năm 2020, giá đường thế giới đã bắt đầu tạo đáy và bắt đầu xu hướng tăng mạnh mẽ từ tháng 5 năm 2020 cho tới hiện tại.
Trong khi đó, giá đường Việt Nam cho tới giai đoạn tháng 9/2020 mới bắt đầu tạo đáy và bắt đầu tăng mạnh từ tháng 10/2020. Từ đó, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng giá đường Việt Nam rất có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian sắp tới nhờ sự hỗ trợ của giá đường thế giới và chính sách thuế trong nước. Điều này sẽ góp phần tăng triển vọng cho toàn ngành đường và tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho thị trường trong nước trong phần còn lại của năm 2021.
Phạm Trần Doanh & Huỳnh Lê (Sở Giao dịch hàng hoá Việt nam - MXV)