Thức thời đổi mới nhằm hóa giải phần nào những khó khăn kinh tế từ bối cảnh môi trường kinh doanh thay đổi, đã tạo ra sắc diện mới ở nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Tăng chiều sâu quản trị DN
Theo quyết định của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại DN giao kế hoạch năm 2023 cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty cần đạt doanh thu 6.657 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.903 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 2.881 tỷ đồng.
Có 2 chỉ tiêu đáng chú ý khác là vốn tiếp nhận trong năm đạt 21.705 tỷ đồng, vốn quản trị đạt 38.564 tỷ đồng.
Nếu so giữa chỉ tiêu được giao và kết quả đạt được hàng năm, SCIC thường vượt xa các mục tiêu về doanh thu và lợi nhuận bằng rất nhiều nỗ lực. Chẳng hạn, năm 2022, Tổng công ty đạt 10.698 tỷ đồng doanh thu và gần 7.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 36% và 91% kế hoạch năm 2022.
Tuy nhiên, chỉ tiêu về vốn tiếp nhận và vốn quản trị tại các doanh nghiệp lại không nằm trong tầm tay của TCT mà phụ thuộc nhiều vào các bên liên quan như các đầu mối chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao vốn về SCIC.
Nhìn lại năm 2022, phần lớn doanh nghiệp do SCIC quản trị vốn nhà nước đều khá năng động, linh hoạt trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp để vượt qua những cơn gió ngược từ môi trường kinh doanh có nhiều khó khăn, nhờ đó tiếp tục phát triển bền vững.
Tại Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), năm 2022, không đơn vị nào của Tập đoàn phải cắt giảm lao động, doanh thu vượt 8% kế hoạch, lợi nhuận vượt 24% kế hoạch, thu nhập bình quân của người lao động tăng 15% so với năm 2021,
Dự báo là yếu tố có đóng góp quan trọng trong phản ứng quản trị của Tập đoàn, qua đó góp phần giữ ổn định được việc làm, thu nhập cho người lao động.
Lãnh đạo Vinatex cho biết, ở những tháng đỉnh cao chính vụ, thông thường một tháng công nhân tăng ca khoảng 40 giờ, làm việc khoảng 58 giờ/tuần, thì năm 2022 không có tăng ca, tăng giờ, vẫn có doanh nghiệp giữ được 48, 44, 40 giờ làm việc trong tuần. Vì có dự báo sớm nên doanh nghiệp ít bị động hơn, chủ động sắp xếp được khu vực nghỉ, khu vực làm, tránh tình trạng không có đơn hàng phải cho cả nhà máy nghỉ. Mặt khác, dự báo cũng giúp lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra quyết định tối ưu nhất, thực hiện được mục tiêu giữ việc làm cho người lao động.
Ngoài sản phẩm dự báo về nhu cầu, Vinatex có thêm sản phẩm dự báo về tồn kho của các nhà cung cấp lớn trên thế giới để thấy được từng thời điểm họ tồn kho, giải tồn thế nào, khi nào họ đặt hàng lại…
Đổi mới công tác quản trị nguồn lực doanh nghiệp, tái cấu trúc sản xuất kinh doanh như Vinatex luôn là một trong những chiến lược được cổ đông lớn SCIC ủng hộ và thúc đẩy tại nhiều doanh nghiệp có vốn của SCIC.
Thức thời đổi mới
Người đại diện vốn của SCIC tại các doanh nghiệp đã coi đây là nhiệm vụ tiên quyết phải thực hiện. Điều này không những giúp doanh nghiệp trụ vững trong bối cảnh khó khăn mà còn đón đầu các xu hướng, nắm bắt được các mô hình kinh doanh mới.
Tại Tổng công ty Sông Đà, một trong những doanh nghiệp có nhiều bài toán thách thức về nợ vay, công ăn việc làm cho người lao động... khi chuyển giao vốn nhà nước về SCIC. Với kinh nghiệm tham gia tái cấu trúc tại nhiều doanh nghiệp, SCIC đã hỗ trợ TCT Sông Đà giải quyết nhiều bài toán lớn.
Trước hết là triển khai các giải pháp cơ cấu tài chính (tập trung thu hồi công nợ, cổ tức và tái cấu trúc một số khoản đầu tư). Kết quả là Sông Đà đã thanh toán được các khoản nợ vay đến hạn, năng lực tài chính của Sông Đà và các đơn vị có vốn góp được cải thiện. TCT đã thực hiện chi trả cổ tức năm 2021 là 2,8% và dự kiến cổ tức năm 2022 là 10%.
Ngành nghề kinh doanh chính thuỷ điện bị thu hẹp do các dự án thuỷ điện lớn tại Việt Nam không còn, SCIC đã yêu cầu Sông Đà và Người đại diện vốn tại các đơn vị có vốn góp củng cố hoạt động thuộc ngành nghề kinh doanh chính thi công các công trình hầm, thuỷ điện; mở rộng hoạt động thông qua tìm kiếm các dự án mới ở nước ngoài. Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ cấu sản xuất tại một số đơn vị xây lắp để có thể thi công các công trình, dự án thuộc các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, khu công nghiệp, nhà dân dụng...
Đa dạng hóa mảng, miếng mới, tập trung khai thác các cơ hội mới trên thị trường đã giúp TCT Sông Đà đạt doanh thu hợp nhất 9.304 tỷ bằng 136% kế hoạch năm; LNTT đạt 2.176 tỷ, bằng 521% kế hoạch năm 2022.
Kết quả có đóng góp không nhỏ từ các đợt thoái vốn của TCT Sông Đà tại Sudico và thủy điện Sử Phán. Với kinh nghiệm của mình, SCIC đã hỗ trợ Sông Đà thoái vốn đúng thời điểm, đạt mức giá cao, đem lại hiệu quả lớn.
Tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, tổ chức hạch toán kinh doanh tuân thủ theo đúng chế độ và quy định của pháp luật, quản lý chặt chẽ các chi phí sản xuất và chi phí quản lý doanh nghiệp, đảm bảo sản xuất có hiệu quả, tích lũy vốn để phát triển là những yêu cầu nằm lòng của các doanh nghiệp được SCIC quản trị vốn. Thống nhất các nguyên tắc thực thi, có sự giám sát, hỗ trợ thường xuyên đã giúp nhiều doanh nghiệp từng yếu kém như TCT Sông Đà khởi sắc, từ đó đồng vốn nhà nước càng gia tăng hiệu quả.