(Tổ Quốc) - Từ 55-65 tuổi, cần duy trì những thói quen nào để có thể khỏe mạnh và sống lâu hơn?
Giai đoạn từ 55 đến 65 tuổi, khả năng miễn dịch của con người suy giảm, các chức năng của cơ thể bắt đầu suy thoái dần, dễ bị tác động bởi các yếu tố có hại ở bên ngoài và xuất hiện các bệnh khác nhau.
Trong giai đoạn này, mọi người phải hình thành thói quen sinh hoạt lành mạnh, chăm sóc cơ thể thật tốt để đề phòng 'mầm bệnh' trong cơ thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, thậm chí ảnh hưởng đến tuổi thọ.
'2 kiên trì' vào sáng sớm
Kiên trì uống nhiều nước
Rất nhiều người đều biết uống nước vào buổi sáng có thể đánh thức cơ thể và điều tiết chức năng tiêu hóa, nhưng mọi người không biết uống nước vào buổi sáng cũng có thể làm loãng máu và giảm độ đặc sệt của máu, từ đó ngăn ngừa tắc nghẽn mạch máu.
Đặc biệt đối với những người trung niên và cao tuổi, cùng với sự thoái hóa của mạch máu, tỷ lệ mắc bệnh tắc động mạch cũng tăng cao. Do đó, con người càng phải chú ý đến việc uống nước.
Kiên trì tập thể dục
Kiên trì tập thể dục vào buổi sáng ngoài việc có thể tăng cường thể lực, nâng cao sức đề kháng, còn có tác dụng bảo vệ mạch máu. Tập thể dục thường xuyên giúp thúc đẩy hệ tuần hoàn máu, giữ cho mạch máu chảy thông suốt.
Ngoài ra, kiên trì tập thể dục thể thao cũng có thể giúp bản thân duy trì cân nặng, đề phòng béo phì, từ đó ngăn ngừa mắc nhiều loại bệnh.
Người trung niên và cao tuổi nên chọn một số bài tập nhẹ nhàng như tập yoga, đi bộ, tập Thái Cực Quyền… Bởi vì nếu như vận động quá mạnh sẽ làm tăng gánh nặng cho cơ thể.
‘3 không' vào buổi tối
Không lo nghĩ
Cuộc sống của con người trong thời đại hiện nay có nhiều áp lực lớn, ban ngày không ít người đã tích tụ rất nhiều áp lực nên đến buổi đêm không tránh được nằm trằn trọc, lo lắng.
Những tâm trạng không tốt này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, dẫn đến huyết áp tăng cao, tim đập nhanh hơn, tạo thêm gánh nặng rất lớn cho tim, thậm chí là nhồi máu cơ tim. Đặc biệt là ở người trung niên và cao tuổi, chức năng tim suy giảm, càng phải tránh việc suy nghĩ lo âu, tức giận trước khi đi ngủ.
Không thức khuya
Thức khuya trong thời gian dài và thiếu ngủ có thể khiến cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng, kích thích thận tiết ra chất adrenalin, gây ra cao huyết áp, làm tổn hại sức khỏe của mạch máu.
Ngoài ra, thức khuya cũng sẽ khiến các bộ máy khác trong cơ thể không có đủ thời gian nghỉ ngơi, làm ảnh hưởng đến các chức năng bình thường và khiến cho khả năng miễn dịch suy giảm.
Vì vậy, người trung niên và cao tuổi nhất định phải tránh thức đêm, cố gắng ngủ trước 11 giờ và mỗi ngày đảm bảo ngủ đủ từ 7-8 tiếng.
Không hút thuốc, uống rượu
Con người muốn sống lâu hơn, vào ban đêm nhất định không được hút thuốc và uống rượu. Khói thuốc làm tổn hại đến toàn bộ sức khỏe, nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ hô hấp và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.
Đồng thời, các chất độc hại trong thuốc lá cũng có thể xâm nhập vào máu, làm tổn thương mạch máu, gây ra các bệnh về tim mạch và mạch máu não. Những điều này đều có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của con người.
Người uống nhiều rượu cũng rất khó để sống lâu. Sau khi chất cồn xâm nhập vào cơ thể, nó có thể làm tăng gánh nặng cho gan và gây tổn thương cho gan.
Ngoài ra, uống rượu còn có thể gây ra các bệnh như bệnh béo phì, cao huyết áp, tăng mỡ máu. Dưới sự tác động của các yếu tố có hại này, tuổi thọ của con người đương nhiên cũng sẽ bị rút ngắn.
Tóm lại, cơ thể khỏe mạnh phụ thuộc vào sự quan tâm và chăm sóc tỉ mỉ hàng ngày, những người trung niên và cao tuổi từ 55-65 tuổi nếu như có thể làm được những điều trên, chắc chắn cơ thể sẽ khỏe mạnh và tuổi thọ sẽ kéo dài hơn.
Ngoài ra, người trung niên và cao tuổi cũng nên đến bệnh viện khám sức khỏe định kỳ, chú ý đến các chỉ số của bản thân như huyết áp, lipid máu. Nếu như cơ thể xuất hiện các triệu chứng khó chịu, nhất định không được cố chịu đựng, phải điều trị kịp thời. Như vậy mới có thể tránh được hiện tượng bệnh nhẹ biến thành bệnh nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ.
Theo Aboluowang
Lưu Ly