Co-Founder Base.vn: “Nếu coi doanh nghiệp như một cơ thể sống, thì Covid-19 giống như một phép thử để kiểm tra hệ miễn dịch có thực sự khỏe mạnh hay không”

(Tổ Quốc) - Nhiều doanh nghiệp tưởng rằng mình đang khỏe mạnh, sức chống chịu tốt, nhưng khi dịch bệnh ập đến, chúng ta mới phát hiện ra những lỗ hổng trong hệ thống quản trị, hoặc mới nhận ra mình không đủ sức chống chịu qua khủng hoảng.

Covid-19 đã kéo dài 3 tháng và có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Để hiểu rõ hơn về tác động của đại dịch đến các ngành, lĩnh vực kinh doanh chúng tôi đã trao đổi với một số đại diện các doanh nghiệp. Bài phỏng vấn dưới đây ghi nhận ý kiến từ anh Trần Văn Viển - Đồng sáng lập, giám đốc khu vực phía Nam của Base.vn - đơn vị hiện đang cung cấp nền tảng quản trị cho gần 5000 doanh nghiệp Việt. 


PV: Chào anh Viển, những hậu quả mà Covid-19 gây ra quả thực đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nói chung và tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng, vậy anh đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của nó đối với ngành?

- Anh Trần Văn Viển: Là một doanh nghiệp làm SaaS (Software as a Service), đứng trong khủng hoảng lần này, bên cạnh những thách thức mà nó đặt ra buộc doanh nghiệp phải thích nghi hoặc thay đổi phương thức vận hành, thì tôi cho rằng Covid-19 đã tạo ra những tác động tích cực lên thị trường phần mềm nói chung. Nó làm thay đổi cách chúng ta tiếp cận với phần mềm, cách chúng ta bán hàng và cách mà chúng ta nhìn nhận về SaaS. 

Sau đại dịch, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng sử dụng SaaS nhiều hơn do tính linh hoạt và dễ dàng triển khai trong khi vẫn đáp ứng được đầy đủ những tính năng như kỳ vọng. Thay vì phải đầu tư cho một hệ thống lớn, nhiều phân hệ phức tạp, nhân viên khó làm quen, thì với SaaS chỉ trong một vài ngày là chúng ta có thể thiết lập xong hệ thống và giúp nhân viên sử dụng thành thạo phần mềm. Và đúng là theo những số liệu được ghi nhận từ bộ phận chăm sóc khách hàng thì trong thời gian vừa qua, tỉ lệ sử dụng phần mềm Base gia tăng đáng kể, cả về thời gian, tần suất và số lượng người truy cập. Sau dịch lượt sử dụng ứng dụng đã tăng lên khoảng 70% so với trước kia.

* Cụ thể đại dịch ảnh hưởng tới doanh nghiệp anh như thế nào, thưa anh?

- Ở phương diện của Base, chúng tôi không phải là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề trong đại dịch lần này giống như các doanh nghiệp sản xuất truyền thống hay các ngành dịch vụ khách sạn, nhà hàng, du lịch… Tuy nhiên, đại dịch cũng buộc chúng tôi phải thay đổi cách thức vận hành trong nội bộ để thích nghi và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng. 

Chúng tôi phải đặt mình ở tâm thế luôn sẵn sàng đồng hành khi khách hàng muốn nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình làm việc online. Các bạn đã chuẩn bị phương án để đào tạo và triển khai trực tuyến. Hoặc ngay như phương thức giao dịch với khách hàng cũng phải thay đổi, nếu trước kia chủ yếu là gặp mặt trực tiếp để tư vấn, thì bây giờ chúng ta phải làm quen với những phương thức bán hàng mới, ví như tổ chức hội thảo trực tuyến, cho khách hàng trải nghiệm online thậm chí là ký hợp đồng mà không cần gặp mặt. Tôi nghĩ đâu đó nó đang làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm của chúng ta, thậm chí trong cả ngành phần mềm.

* Hiện nay, sức ép lớn nhất mà doanh nghiệp đang phải đối mặt là gì? Công ty có thay đổi hay điều chỉnh gì về chính sách nhân sự, phúc lợi hay tiền lương không? Doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất chưa?

- Có một sức ép vô hình mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt đó chính là: thời gian. Chúng ta không biết được Covid-19 sẽ kéo dài đến bao giờ, nó còn gây ra những hậu quả gì. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là chúng ta chuẩn bị trước nhiều kịch bản để ứng phó, cả những kịch bản ngắn hạn và dài hạn, cả những kịch bản khả quan và cả những kịch bản tồi tệ nhất. Đó là cách để chúng ta giữ thế chủ động.

Ở Base thì chưa có quyết định cắt giảm nhân sự, nhưng chúng tôi xác định là phải tổ chức bộ máy tinh gọn, nghĩa là về mặt nhân sự thì không mở rộng ra mà phải làm sao với những con người hiện có mình nâng cao được hiệu suất công việc, đó là bài toán cần tập trung để nghĩ, không phải câu chuyện cắt giảm. Đại dịch lần này cũng khiến chúng tôi và có lẽ là nhiều doanh nghiệp khác nhận ra rằng chúng ta phải tìm cách để vận hành hiệu quả hơn, với một nguồn lực tối ưu hơn.

Còn xét đến những kịch bản xấu nhất, nhiều công ty bị phá sản, thì tất nhiên cả một nền kinh tế sẽ bị ngưng trệ chứ không riêng gì doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại tôi thấy tình hình đang diễn biến theo chiều hướng khả quan, cho nên chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng sắp tới mọi chuyện sẽ ổn.

* Theo anh yếu tố nào là quan trọng nhất để dẫn dắt tổ chức hoặc doanh nghiệp trong khủng hoảng?

- Mọi người hay nghĩ khủng hoảng thì phải cắt giảm nhân sự, và nếu mình không cắt giảm thì nhân viên phải biết ơn mình. Tôi thì nghĩ ngược lại, bản thân tôi thấy rất thương các cộng  sự của mình bởi vì trong khủng hoảng thế này, các bạn vẫn phải lao ra ngoài đường để làm việc, để hỗ trợ khách hàng triển khai bất kể đêm ngày. Nếu phải làm việc ở nhà thì nhiều bạn cũng thiếu thốn, phòng nhỏ, thuê chung với nhiều người, môi trường ồn ào chứ không được lý tưởng như ở văn phòng. Mọi thứ thay đổi rất nhanh và các bạn ấy cũng phải liên tục thích ứng.

Mặt khác chúng ta cũng phải đảm bảo sự liền mạch và thông suốt của thông tin. Chúng tôi đã tổ chức thường xuyên hơn các cuộc họp trực tuyến, để trao đổi, hỏi đáp, giải quyết những khúc mắc, khó khăn, làm sao giúp các bạn có được sự hỗ trợ cần thiết và hoàn thành tốt công việc của mình.

* Có doanh nhân cho rằng thời gian chống dịch doanh nghiệp nên “ngủ đông”, có người thì cho rằng trạng thái “ngủ đông” sẽ kéo theo hiệu ứng suy thoái kinh tế. Quan điểm của anh thì sao? 

- Có thể nhiều người nghĩ "ngủ đông" là hoàn toàn không hoạt động gì, tôi cho rằng trạng thái "ngủ đông" nghĩa là doanh nghiệp ấy vẫn phải vận hành và hoạt động, chỉ là hoạt động ở chừng mực nào đó để tiết kiệm nguồn lực. Giống như việc loài gấu vẫn phải sống, phải hít thở, nhưng làm sao để tiêu hao ít năng lượng nhất. 

Có nhiều công ty cho nhân viên tạm nghỉ đến 90%, nhưng những bộ phận cốt lõi và đội ngũ marketing hoặc ban lãnh đạo thì vẫn phải làm việc. Đây có thể là thời cơ để chúng ta chuẩn hóa quy trình, thử nghiệm và áp dụng công nghệ. Tập đoàn Novaland - một trong những khách hàng của Base là một ví dụ, họ đã tranh thủ thời gian này để xúc tiến triển khai, hoàn tất quá trình xây dựng hệ thống, những kế hoạch chuyển đổi đúng ra phải tính đến hàng năm thì giờ tính bằng tháng, bằng ngày. Thậm chí họ tập trung nguồn lực, làm ngày đêm để quá trình vận hành và cộng tác online sớm đi vào ổn định.

* Liệu đây có phải là thời điểm tốt để tái cơ cấu doanh nghiệp, nhìn lại toàn bộ để thay đổi đột phá so với trước đây?  

- Nếu coi doanh nghiệp như một cơ thể sống, thì Covid-19 giống như một phép thử để xem hệ miễn dịch của chúng ta có đang thực sự khỏe mạnh hay không. Thậm chí là cơ hội để chúng ta rà soát, kiểm tra lại toàn bộ xem chúng ta có thể tối ưu được phần nào, làm tốt và cải thiện hơn ở phần nào.

Nhiều doanh nghiệp tưởng rằng mình đang khỏe mạnh, sức chống chịu tốt, nhưng khi dịch bệnh ập đến, chúng ta mới phát hiện ra những lỗ hổng trong hệ thống quản trị, hoặc mới nhận ra mình không đủ sức chống chịu qua khủng hoảng. Cũng dễ hiểu bởi vì thường khi có biến cố, hoặc đau ốm, chúng ta mới đi xét nghiệm tổng quát, chứ ít người có thói quen chăm sóc sức khỏe chủ động, hay tự giác đi khám sức khỏe thường xuyên.

Mặt khác, có 2 điểm mà doanh nghiệp Việt Nam đang rất yếu đó là năng lực quản trị và tầm nhìn xây dựng tổ chức đội ngũ còn ngắn hạn. Thời gian tới, khi Hiệp định thương mại tự do được áp dụng sâu rộng, các doanh nghiệp nước ngoài tràn vào Việt Nam nhiều hơn, thì chúng ta còn phải bước vào một cuộc cạnh tranh lớn hơn. Cho nên, tôi cho rằng đây chính là cơ hội và thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp Việt nhìn nhận lại, cải tổ bộ máy, nâng cao năng lực quản trị, lấy công nghệ là vũ khí giúp chúng ta tự tin tiến tới toàn cầu hóa kinh tế, tạo ra nhiều doanh nghiệp đẳng cấp thế giới.

* Xin cảm ơn các chia sẻ của anh!

Co-Founder Base.vn: “Nếu coi doanh nghiệp như một cơ thể sống, thì Covid-19 giống như một phép thử để kiểm tra hệ miễn dịch có thực sự khỏe mạnh hay không” - Ảnh 2.

Kiều Anh

Tin mới