Cô gái bị teo cơ 20 năm dành trọn tuổi trẻ để cống hiến

"Nó đi khoẻ mạnh, dùng máy tính thạo lắm và đi xe đạp cũng nhanh nữa…" Đấy là những gì mà bà con huyện Kim Bảng nhận xét về Xuân. Thoạt nhìn, chẳng ai nghĩ cô gái hăm hở đầy nhựa sống ấy đang chiến đấu với căn bệnh teo cơ hiểm nghèo đã 20 năm nay.

"Ước được làm con chim bay trên bầu trời…"

Nguyễn Thị Xuân sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại miền quê Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, có người bố bị teo cơ không thể đi lại. Năm 12 tuổi, gia đình phát hiện Xuân và em trai bị bệnh teo cơ giống bố. Cả thế giới như đang sụp đổ trước mắt cô gái nhỏ, khó khăn lại chồng chất khó khăn khi kinh tế gia đình gần như do người mẹ gánh vác. Nửa người cô không thể nâng nhấc lên được, các bó cơ dần teo lại và mỗi khi trời trở gió lại đau đớn khắp mình mẩy.

Ròng rã 2 năm trời, mẹ dẫn Xuân đi chạy chữa ở khắp các bệnh viện trong tỉnh và cả tuyến trên. Bác sĩ nói bệnh của cô không chữa khỏi được, nhưng bằng niềm tin "còn nước là còn tát" và tình yêu thương máu mủ, hai mẹ con không nản chí, thậm chí nghe ở đâu có lang y giỏi, mẹ đều dẫn Xuân đến với một hy vọng nhen nhóm cho tương lai con gái mình.

Ba người đều bệnh tật khiến cả gia đình khánh kiệt. Nợ nần và nghèo khó, thương mẹ gồng gánh cả nhà nên Xuân tạm dừng việc học để làm nghề thủ công mây tre đan phụ giúp gia đình. Cô gái nhớ lại quãng thời gian ấy, ngày nào cũng chỉ ở trong nhà và đan lát, "Mình ngại tiếp xúc với mọi người lắm. Mùa hè nóng bức mà không dám mặc áo cộc tay, cốt chỉ để che đậy đi khiếm khuyết của mình. Lúc ấy chỉ ao ước được như con chim bay trên bầu trời…".

Mái nhà chung "tiếp sức" cho tinh thần phụng sự cuộc đời

Năm 2009, Xuân quyết định cùng em xin bố mẹ cho đi học nghề. Em trai cô chọn học cao đẳng nghề còn Xuân chọn học nghề tin học văn phòng và chỉnh sửa ảnh ở Nam Định. Từ mái nhà chung với gần chục anh chị em cùng cảnh ngộ, Xuân đã được tiếp thêm sức mạnh, sự lạc quan và tự tin vào bản thân. Đôi tay yếu ớt của Xuân cũng là đôi tay tạo nên hàng nghìn bức ảnh đẹp, hàng trăm pano quảng cáo đầy sáng tạo.

Trở về quê hương Hà Nam, Xuân tham gia nhiều vai trò, nhiều cương vị tại Hội người khuyết tật tỉnh Hà Nam, Hội người khuyết tật huyện Kim Bảng và đặc biệt là giữ vị trí Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh Hà Nam. Hàng năm, cô cùng câu lạc bộ của mình kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm những phần quà giá trị để trao tặng cho những người bị khuyết tật trên địa bàn với giá trị hơn 150 triệu đồng. Xuân kết nối tới các đơn vị may mặc trên địa bàn tạo công ăn việc làm ổn định cho các hội viên, thu nhập hàng tháng từ 3,5 đến 5 triệu đồng. Cô cũng thành lập nhóm thiết kế quảng cáo cho công ty Pixel Việt Nam cho các hội viên, với thu nhập ổn định hàng tháng.

Cô gái bị teo cơ 20 năm dành trọn tuổi trẻ để cống hiến - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, Xuân còn tham gia các hoạt động xã hội với mục đích thiện nguyện, cống hiến tuổi trẻ, sức khỏe, kiến thức của mình để góp phần mang tiếng nói người khuyết tật đến với xã hội, đáp ứng phần nào nhu cầu của những con người kém may mắn về hình dáng và sức khỏe như cô.

Trước đó, cô gái 35 tuổi kể còn nhận chỉnh sửa ảnh cưới, nhưng đã bỏ hết sau khi vào Hội. "Thu nhập cũng có giảm đi, nhưng mình vẫn quyết định lựa chọn công việc ở hội, vì mình đang sống cho rất nhiều người. Có rất nhiều người đang cần mình, bởi họ không thể tự làm được, biết đâu một ngày mình không thể làm được nữa, Xuân lại thấy hối tiếc", cô nói.

"Hãy cứ yêu hành trình chưa biết đích đến"

Vượt qua giới hạn của bản thân, vượt qua định kiến của những người đã từng coi thường, chê bai mình, Xuân dành trọn tuổi trẻ để cống hiến cho cộng đồng người yếu thế. Thay vì lựa chọn công việc chỉ mang lại lợi ích cho cuộc sống riêng, cô tình nguyện với những công việc không ai trả lương, cũng không ai nhớ mặt kể tên.

Cô gái bị teo cơ 20 năm dành trọn tuổi trẻ để cống hiến - Ảnh 2.

"Thật ra mình luôn luôn có tinh thần chuẩn bị, là một ngày nào đó mình cũng giống bố và cũng sẽ ngồi một chỗ như vậy. Cho nên khi còn đi lại được, còn sức khoẻ hơn nhiều người, thì mình sẽ cố gắng để thực hiện được những điều mà họ đang cần, sẽ làm cho đến khi mình không thể đi lại được nữa thì thôi. Đó là sự may mắn của mình so với những người khác", Xuân chia sẻ.

20 năm làm bạn với căn bệnh hiểm nghèo, Xuân chưa từng nản chí và luôn nỗ lực để vượt lên hoàn cảnh. Không chỉ dừng lại ở đó, cô còn mang sự chia sẻ, giúp đỡ đến với những người kém may mắn khác, giúp họ vượt qua được những rào cản tự ti của chính mình.

Cô gái bị teo cơ 20 năm dành trọn tuổi trẻ để cống hiến - Ảnh 3.

Hiện tại, Xuân đã bị teo đến chân trái, có những lúc đi không còn còn cảm giác, không thể chống nổi xe. "Nhưng mình còn có ngày mai, ngày mai của mình chưa cần biết đích đến, mà mình cứ yêu cái hành trình của nó trước. Hành trình của mình không quá xa vời hay khó thực hiện, Xuân cứ dựa trên sức khỏe hiện tại đang còn để bước tiếp. Và mình muốn nhắn nhủ đến các bạn thanh niên cần phải tự tin và năng động".

Cách đây 7 năm, nhà Xuân vẫn thuộc hộ nghèo, gia đình 5 thành viên thì có đến 3 người là người khuyết tật. Mẹ và Xuân lo chạy từng bữa ăn cho cả nhà, mang nợ để lấy tiền chữa bệnh. Nhưng hiện tại tất cả đã thay đổi, gia đình cô đã thoát nghèo. Xuân còn là một trong 35 tấm gương được trao giải thưởng Tỏa sáng Nghị lực Việt năm 2023. "Mình cũng tin rằng mọi người trong xã hội sẽ làm được điều đó và còn làm tốt hơn thế", cô nói.

Câu chuyện vượt lên nghịch cảnh và khát khao cống hiến cho đời của Nguyễn Thị Xuân đã trở thành chủ đề chính trong chương trình "Nối trọn yêu thương" của Truyền hình Nhân đạo (VTV) phát sóng tháng 1/2024.

Lần đầu gặp Xuân tại quê nhà Kim Bảng, chị Vũ Phương Thanh, Vô địch Swiss Ultra 2022, Đại sứ Thương hiệu Number 1 đã cảm nhận rõ rệt năng lượng tích cực từ cô gái đang tất bật phóng xe từ tận Phủ Lý, Hà Nam về.

Cô gái bị teo cơ 20 năm dành trọn tuổi trẻ để cống hiến - Ảnh 4.

"Ở Xuân có tinh thần và mong muốn đóng góp rất lớn. Cô gái này là minh chứng cho câu nói: Mình có 100% sức lực mình sẽ đổ cả 100% vào tất cả những gì mình làm, còn 30% mình cũng sẽ dốc sức cả 30%", nhà vô địch Swiss Ultra 2022 cũng cảm ơn chương trình đã cho cô có cơ hội được gặp gỡ và truyền cảm hứng từ những người như chị Xuân.

Với tâm nguyện phụng sự xã hội, truyền nghị lực cho mọi mảnh đời gian khó trên khắp Việt Nam, Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã là nhà đồng hành với chương trình "Nối trọn yêu thương" kể từ năm 2019.

5 năm qua khắp mọi miền đất nước, chương trình đã tôn vinh nhiều nhân vật truyền cảm hứng cho cộng đồng về tinh thần vượt qua nghịch cảnh và kêu gọi sự chung tay của xã hội giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt.

Với tinh thần phụng sự, gieo yêu thương, tiếp nghị lực cho những mảnh đời khó khăn, Tân Hiệp Phát không ngừng nỗ lực đóng góp giá trị vào những hoạt động chăm sóc, giúp đỡ đời đống cộng đồng ngày một tốt đẹp hơn như hoạt động bảo trợ 50 trẻ em mồ côi do Covid-19 đến năm 18 tuổi, chăm sóc phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng thuộc gia đình chính sách…

Trong năm 2023, Tân Hiệp Phát đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tại 4 tỉnh Bình Dương, Hậu Giang, Chu Lai, Hà Nam tổ chức chương trình "Nối trọn yêu thương - Nâng bước tới trường" trao tặng 600 phần học bổng, tổng giá trị 1,2 tỷ đồng động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vươn lên trong học tập.

Tin mới