(Tổ Quốc) - "Bệnh K mang lại cho mình nhiều trải nghiệm, tích cực nhiều hơn là tiêu cực thì phải", chị Hường nhớ lại.
Đang khỏe mạnh... bỗng nhiên bị ung thư!
Một ngày tháng 10 năm 2018, chị Nguyễn Thị Thu Hường (35 tuổi, ở P.Vĩnh Hưng, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) đi khám sức khỏe định kỳ thì phát hiện có hạch nghi là ung thư. Ngay chiều hôm ấy, nghe theo lời khuyên của bác sĩ, hai vợ chồng chị đến Viện K để khám chuyên sâu hơn về tình trạng của mình.
Nhớ lại khoảng thời gian đó, chị Hường cho biết: "Trong vòng 1 tuần các bác sĩ thăm khám, chụp x-quang, siêu âm, sinh thiết... đều chẩn đoán mình bị K. Cầm kết quả về, 2 vợ chồng mình ôm nhau khóc mất nửa ngày, bình tâm lại mình nghĩ có bệnh thì chữa, có sao đâu".
Vốn là một người khỏe mạnh, ít bị bệnh vặt lại có lối sống lành mạnh nên người phụ nữ này chưa bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ có một ngày bản thân mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Chị nói: "Nghĩ cũng buồn cười, mình từ bé giờ rất khoẻ mạnh, cao 1m65 nặng luôn duy trì trong khoảng 50kg, ăn uống ngon miệng, ngủ nghỉ cũng hơi điều độ, mình không hay ăn đồ nướng, không dùng chất kích thích, không biết uống rượu bia, không bị ốm vặt bao giờ, và tự dưng vào một ngày đẹp trời phát hiện ốm thì K luôn."
Trước tin dữ, dù vô cùng hoang mang song hai vợ chồng chị cũng nhanh chóng lấy lại tinh thần và khăn gói đi nhập viện, sẵn sàng tâm thế “chiến đấu” với bệnh.
3 cú sốc "nhớ đời" trong thời gian điều trị
Trong quá trình điều trị bệnh ung thư, những đau đớn về thể xác là điều không thể tránh khỏi. Dù đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho "cuộc chiến" gian nan và kéo dài trước mắt, thế nhưng có đôi lúc, người phụ nữ bé nhỏ này cũng cảm thấy muốn gục ngã. Chị Hường ngậm ngùi chia sẻ: "Có 3 cú sốc lúc nằm viện khiến mình cả đời này cũng chẳng thể nào quên."
Lần thứ nhất là lúc bị kháng thuốc. Theo phác đồ điều trị, chị Hường cần chuyền hoá chất 8 lần, mỗi lần đi viện chị đều rất vui vì nghĩ rằng: "Cố gắng lên sắp xong 8 lần rồi". Thế nhưng đùng một cái, đến lần thứ 6 thì kháng thuốc, bác sĩ đổi loại thuốc khác thế là mình phải chuyền lại từ đầu."
Lần thứ hai là vấn đề mổ: "Người bình thường mổ ốm hay gì thì 2 đến 3 năm mổ 1 lần là tốt nhất cho sức khoẻ, còn mình, 3 tháng mổ phanh vét hạch ung thư đến 2 lần nên mình cũng đau và mệt nhiều lắm."
Lần thứ ba cũng là lần mà chị Hường cảm thấy sốc nhất. Đó là lúc chỉ còn 3 ngày nữa là được ra viện, cứ ngỡ là sắp thoát khỏi chuỗi ngày điều trị cực khổ thì chị nhận được thông báo bác sĩ phát hiện có nốt đen trong gan trong đợt kiểm tra tổng quát lần cuối. "Thế là từ tâm thế chuẩn bị được xuất viện thì mình lại bắt đầu chạy đua chọc gan các thứ để kiểm tra xem có phải di căn không", chị Hường chia sẻ.
Lạc quan đối mặt, bệnh tật chỉ là "muỗi'' thôi!
Những lúc tưởng chừng không thể vượt qua như thế, thay vì suy sụp, chị Hường chọn sống lạc quan, nghĩ mọi việc theo hướng tích cực để đối mặt với căn bệnh mình đang mang trong người. Chị nhớ lại: "Qua giai đoạn nằm viện sau mổ, bác sĩ nói mình chuyển sang khoa nội để truyền hoá chất. Mình bắt đầu tìm hiểu, cộng với chia sẻ của các bệnh nhân K khác, mình biết là truyền hoá chất sẽ gây mệt mỏi, và nhất là rụng tóc. Thế là mình lên kế hoạch ‘’làm đẹp’’, trước khi truyền hoá chất."
Và thế là cô gái 29 tuổi vừa "yêu đời" trở lại vội lặn lội đi khắp các shop bán tóc giả ở Hà Nội, lựa chọn đủ mẫu ngắn dài, mua lấy mua để gần chục bộ để đội và cất để dành.
"Đội tóc giả mình thấy mình vẫn đẹp ra phết, chả kém gì cái thời tóc ngang lưng cả. Thế mới biết, ngay cả khi có bệnh, nếu mình còn thích làm đẹp thì lúc nào cũng sẽ còn thấy vui vẻ, yêu đời, bệnh tật chỉ là ‘’muỗi’’ mà thôi."
Và rồi, "những ngày nằm viện, lại được làm quen với các cô, các chú, các em bệnh nhân người nào cũng vui vẻ như mình, rồi buôn chuyện từ đầu phòng đến cuối phòng bệnh viện, chụp ảnh selfie các kiểu... Nói chung là vui, lúc đó tự dưng mình cảm thấy K cũng như 1 căn bệnh bình thường ... !"
Bước vào giai đoạn truyền hoá chất, chị thường xuyên cảm thấy cơ thể nôn nao, hay buồn nôn và rất khó chịu nhưng lại tự đùa với bản thân rằng: "thôi chả sao, ăn ít càng đỡ béo, càng xinh... nhờ...!" và mạnh mẽ vượt qua những chuỗi ngày như thế.
Đến những ngày tóc bắt đầu rụng, "vuốt tay lên đầu là tóc ra cả nắm, mình cũng đã dự kiến trước việc này rồi nên ra cửa hàng gội đầu ngay gần nhà cạo đầu luôn, chính thức trọc lóc từ lúc đó. Cơ mà dù là trọc thì cũng phải đẹp, thế nên ngoài việc đội tóc giả đã chuẩn bị sẵn, mình cũng ngồi search các kiểu mũ, khăn để mix cho hợp tóc giả và quần áo...èo ôi, trông lại càng ngày càng phong cách ý...".
Không những thế, chị còn tận dụng những ngày "đỡ đau hơn" để chăm sóc sức khoẻ, tinh thần như ăn uống bồi dưỡng, đi du lịch, đi mua sắm, bếp núc nội trợ...chị Hường cũng cho biết chính tình yêu thương của gia đình cũng là vũ khí giúp chị vượt qua giai đoạn khó khăn đó: "Chồng, bố mẹ 2 bên nội ngoại, anh chị em đều là động lực để mình cố gắng phấn đấu từng ngày. Cứ nghĩ ngày mai khi khỏi bệnh lại được về nhà, quây quần bên mâm cơm gia đình là mình tự dưng có động lực hẳn."
Cuối cùng nhờ tình yêu thương từ gia đình, nhờ nguồn năng lượng sống tích cực của bản thân cộng với việc tuân thủ tốt phác đồ điều trị của bác sĩ, chị Hường thành công chiến thắng bệnh tật. Nói đến "chiến tích" của bản thân, chị hóm hỉnh: "Quay đi quay lại cũng xong 8 đợt truyền hoá chất, trong đó phải kể đến quãng thời gian khó khăn như 3 tháng lên bàn mổ 2 lần tưởng chừng như không thể vượt qua và may mắn mình đã tốt nghiệp Viện K với tấm bằng xuất sắc sau 2 năm điều trị."
Vượt qua cửa tử, cảm thấy may mắn vì vẫn còn được sống hạnh phúc trên cõi đời này
Bị ung thư là một trải nghiệm chẳng ai muốn, nhưng giai đoạn đó lại giúp chị Hường nhận ra những giá trị cuộc sống mà trước đó, chị chưa bao giờ cảm nhận được rõ ràng như thế.
"Quả thực mà nói, bệnh K mang lại cho mình rất nhiều trải nghiệm đáng quý. Những ngày nằm viện, được bố mẹ 2 bên, anh chị em, cô dì chú bác, bạn bè, người thân, đồng nghiệp quan tâm chăm sóc... khi đó mới thấy mình thật có phúc, bởi vậy nên lúc nào mình cũng thấy vui, thấy hạnh phúc vô cùng.
Trải qua bệnh, mình trưởng thành hơn rất nhiều, cảm thấy quen dần với những chuyện đau buồn đã xảy ra trong quá khứ. Thậm chí mình còn thấy bản thân may mắn vì trong cái xã hội đầy rẫy rủi ro như bây giờ, nào là ô nhiễm, nào là tai nạn, nào là thị phi... thì bệnh K còn nhẹ hơn rất nhiều, vậy thì có gì phải sợ đâu."
Đi qua những ngày giông bão của cuộc đời, thành công vượt "cửa tử", người phụ nữ này tìm thấy thêm những niềm vui bé nhỏ và trân trọng hơn những điều giản dị trong cuộc sống. "Mình thấy yêu bản thân, yêu cuộc sống nhiều hơn. Mình chăm nấu ăn, chăm cắm hoa, chỉ thấy cái gì nhỏ thôi cũng khiến mình vui cả ngày ấy."
Không chỉ thế, cũng từ những ngày điều trị bệnh, chị Hường cải thiện thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và tốt cho sức khỏe hơn...Từ đó, "thấy mình văn minh hẳn lên í."
"Qua giai đoạn bệnh, mình muốn nhắn nhủ với mọi người, nhất là những người cùng bệnh K như mình, một điều rằng chúng ta luôn là những người may mắn vì vẫn còn được sống hạnh phúc trên cõi đời này, may mắn có những trải nghiệm để rèn luyện bản thân mình."
Hiện tại, sức khỏe chị đã ổn định, tóc mọc dài và đã đi làm trở lại. Khi được hỏi đến dự định trong tương lai, chị mỉm cười rạng rỡ và nói: "Dự định lớn nhất của vợ chồng mình là 5 năm đầu sau ung thư, sức khoẻ của mình sẽ thật tốt, đào thải được hết hoá chất trong cơ thể ra ngoài."
Ảnh: NVCC
Ánh Lê